Đoàn kết “thật thà” trong tư tưởng Hồ Chí Minh!

Thứ Bảy, 02/03/2024 04:51

. NGUYỄN THANH TÚ

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Một hạt nhân trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng về đoàn kết. Đây cũng là một thực tế lịch sử, một nguyên lý cách mạng, là chỉ có đoàn kết mới tạo ra được sức mạnh. Nhưng trong thực tế có một kiểu “đoàn kết” trên lời nói phải chứ chưa toàn tâm, toàn ý, tức đoàn kết thật sự. Thấu hiểu điều này, chính Bác Hồ đã từng cảnh giác, nhắc nhở. Trong Diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương Đảng II (khóa 2), Bác nới tới vấn đề “thật thà đoàn kết”: “Trí thức công nông hóa tức là anh em trí thức cũng biết trọng lao động, cũng biết làm lao động, hợp thành một khối với công nông, nâng cao trình độ công nông về văn hóa lý luận. Đấy mới là thật thà đoàn kết” 1. Ở đây Bác chỉ ra một giải pháp để “thật thà đoàn kết” là “trí thức cũng biết trọng lao động,... làm lao động” để hòa nhập vào “thành một khối với công nông”. Trong hoàn cảnh đất nước vừa phải kháng chiến cứu nước, vừa phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì giải pháp của Bác là hoàn toàn có lý, có tình. Trong Lời căn dặn học viên trong Lễ khai trường Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, Bác nói: “Anh em có nhiều giai cấp, tư tưởng khác nhau, trước hết phải đoàn kết, đoàn kết thật thà. Phải có kỉ luật cả về tinh thần lẫn vật chất. Phải noi gương anh dũng của anh em binh sĩ hồi khởi nghĩa để làm gương cho các lớp về sau. Các anh em cần làm được như lời Tôn Trung Sơn đã nói: "Những người thanh niên tốt muốn làm việc to chứ không muốn làm quan lớn” 2 . Hai chữ “đoàn kết” được Bác nhấn mạnh “đoàn kết thật thà”. Trong lịch sử hôm qua và cả hôm nay vẫn thấy có một thực tế là “đoàn kết” bên ngoài, như dân gian có câu “Bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng”, tức “đoàn kết” giả vờ, giả hiệu. Đặt trong bối cảnh “Anh em có nhiều giai cấp, tư tưởng khác nhau”, càng thấy lời Bác dặn thật chí tình. Nhất là với thanh niên, chỉ có đoàn kết thật sự mới có thể làm “những người thanh niên tốt” để “muốn làm việc to”.

Thật kì diệu, vấn đề này đã được Nguyễn Ái Quốc đưa ra từ những năm 20 ở thế kỉ trước!

Ngày 29/9/1922 trên báo L’Humanite’ có in truyện ngụ ngôn Đồng tâm nhất trí của Nguyễn ái Quốc. Đại thể, truyện thế này: anh Hai đi chợ bán vàng mã, anh Ba đi chợ bán trầu non, họ "cùng đi một chợ này, theo cùng một con đường này lại có cùng một mục đích - là bán hết hàng, cùng một chí hướng - là làm ăn lương thiện kiếm miếng cơm" - lời anh Ba. Thế là họ "kết nghĩa anh em cùng nhau giao ước thắt tình hữu ái,… khuyên bảo lẫn nhau, thấy đây làm gì thì đó làm theo, mà đó đã bảo gì thì đây cũng làm y, nói tóm lại, là giữa hai ta có sự đồng tâm nhất trí" - lời anh Hai. Đường tới chợ còn xa, họ hát cho đỡ mệt, anh Hai hát, anh Ba hát theo. Gặp dòng sông, anh Ba nhúng trầu non, anh Hai cũng làm theo, nhúng vàng mã xuống nước. Đến khi trời nắng, anh Hai phơi vàng mã, anh Ba cũng làm theo, phơi trầu non… Truyện có nhiều cách hiểu, nhưng có lẽ ai cũng tán thành cho rằng qua câu chuyện, Bác Hồ là một trong những người đầu tiên giới thiệu với thế giới thể thơ lục bát đặc sắc của người Việt. Xin chép lại nguyên văn lời thơ:

Kon- mèo trèo lên cây cau

Hỏi thăm kon - chuột đi đâu vắng nhà

Thưa rằng đi chợ đường xa

Mua đồ vật liệu giỗ cha kon - mèo.

...

Trông lên hòn núi Thiên Thai

Thấy bầy chim quạ ăn xoài chín cây.

Bản phiên âm tiếng Pháp có in nguyên bản lời thơ bằng tiếng Việt và được dịch ra tiếng Pháp. Những kí tự in hoa là dụng ý của tác giả để giới thiệu cách gieo vần của thể thơ lục bát, chữ cuối ở câu lục ăn vần với chữ thứ sáu của câu bát, chữ cuối của câu bát lại ăn vần với chữ cuối của câu lục. Có lẽ tác giả muốn cải tiến âm C bằng âm K (trong chữ quốc ngữ) nên kí tự này luôn được in hoa, nhưng rất có thể là để tránh sự hiểu nhầm của độc giả Pháp vì chữ con trong tiếng Pháp có nghĩa tục, vì thế mà các chữ Kon - mèo, Kon - chuột luôn có gạch nối để phân biệt. Chung quanh ngụ ý của câu chuyện có hai cách hiểu, cách thứ nhất cho rằng tác giả muốn khẳng định một nguyên tắc quan trọng là nếu nguyện vọng của cá nhân và tập thể có mâu thuẫn thì phải biết hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi tập thể. Hình ảnh vàng mã và trầu non tượng trưng cho sự khác biệt và tương phản của quyền lợi riêng. Nhân vật anh Hai và anh Ba soi sáng tính cách anh hùng, bền bỉ, đoàn kết, hy sinh vì đại nghĩa của nhân dân ta. Cách hiểu này khó chấp nhận vì tính chất gán ghép trong lập luận khi cho rằng "vàng mã và trầu non tượng trưng cho sự khác biệt và tương phản của quyền lợi riêng" và hai nhân vật anh Hai, anh Ba cũng không có một nét tính cách nào để có thể "soi sáng tính cách anh hùng, bền bỉ, đoàn kết, hi sinh vì đại nghĩa của nhân dân ta". Chúng tôi tán thành cách hiểu câu chuyện ngụ ngôn đã kể về một trường hợp đặt vấn đề đồng tâm nhất trí một cách máy móc, hi sinh vô ích quyền lợi chính đáng của mình cho một cái chung hư vô. Còn ngụ ý phê phán một lối xác định cái chung vu vơ "tôi làm gì thì anh làm nấy", kết quả là làm theo cái chung kiểu đó, cái riêng của anh này sẽ trực tiếp hủy hoại cái riêng của anh kia, và chẳng anh nào được lợi lộc gì. Căn cứ ngay vào bản chất của hình tượng cũng dễ hiểu là nếu đem trầu non phơi nắng, vàng mã nhúng nước (những hành động ngược đời) thì còn ai mua nữa (không có mục đích). Truyện được viết theo phong cách trào phúng của một ngụ ngôn chính trị khi ta thấy lời miêu tả mang tính bình luận của người kể được nhại lại: "Một lời đã hứa… làm theo không chối cãi" càng củng cố thêm cho cách hiểu thứ hai là đúng.

Đồng tâm nhất trí đánh dấu một bước nhận thức sâu sắc về một phương pháp cách mạng cực kì quan trọng là đoàn kết, không phải là đoàn kết chung chung mà đoàn kết có tổ chức, phù hợp với tình hình mỗi nước. Chúng tôi xin dẫn chứng một đoạn trong Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp (1923), vừa làm rõ cách hiểu thứ hai ở trên vừa để thấy con đường hoạt động cách mạng của Người, ngay từ những ngày đầu, năm đầu đi tìm đường cứu nước là cực kì đúng đắn, khoa học, hết sức biện chứng:

"Các bạn thân mến,

Bao lâu nay chúng ta làm việc với nhau.

Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em.

Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ: sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lí tưởng chung: giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta.

Trong cuộc chiến đấu của chúng ta, chúng ta không cô độc, vì chúng ta có tất cả dân tộc của chúng ta ủng hộ và vì những người Pháp dân chủ, những người Pháp chân chính, đứng bên cạnh chúng ta.

Công việc chung của chúng ta "Hội Liên hiệp thuộc địa" và tờ báo Người cùng khổ đã có những kết quả tốt. Nó đã làm cho nước Pháp, nước Pháp chân chính hiểu rõ những việc xảy ra trong các thuộc địa. Làm cho nước Pháp hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được. Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng ta. Đồng thời nó cũng khiến cho đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp, nước Pháp tự do, bình đẳng và bác ái. Nhưng chúng ta còn phải làm nhiều hơn.

Chúng ta phải làm gì?

Chúng ta không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc.

Điều đó tùy hoàn cảnh của mỗi dân tộc chúng ta.

Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập…".

Nội dung bức thư này càng khẳng định cho ý nghĩa của truyện Đồng tâm nhất trí là tuy mục đích thì chung nhưng với mỗi trường hợp thì phải có cách riêng chứ không làm theo nhau một cách mù quáng máy móc như anh Hai và anh Ba nọ. Đồng tâm nhất trí viết bằng tiếng Pháp hướng tới độc giả là các đồng chí, đồng bào biết tiếng Pháp, ngày 29/9/1922, vì là một tác phẩm văn học nên ý nghĩa của nó phải kín đáo, bóng gió như vậy.

Lá thư này cho thấy một bước ngoặt trong đời hoạt động cách mạng của Người: hướng về Đông Dương, dĩ nhiên, mục đích tối thượng của Nguyễn Ái Quốc là giải phóng dân tộc mình, nhân dân mình nên Người dành nhiều tâm huyết hơn cả để thức tỉnh cả "dân tộc An Nam", nhất là thanh niên. Trong Bản án chế độ thực dân Pháp có phần Phụ lục Gửi thanh niên An Nam: "Người Airlan, Ai Cập, Triều Tiên, ấn Độ, tất cả những người chiến bại hôm qua và nô lệ hôm nay đó, đương đấu tranh dũng cảm cho nền độc lập ngày mai của họ. Riêng người An Nam, thì vẫn cứ thế: sẵn sàng làm nô lệ". Những dòng cuối cùng tác giả đưa ra lời bình luận thức tỉnh:

"Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh".

Trong Thư trả lời ông H. (Thượng Huyền) ngày 9/4/1925, Nguyễn ái Quốc mượn truyện ngụ ngôn Hội đồng chuột để châm biếm mỉa mai thói xấu của người An Nam. Sau khi tóm tắt truyện này, tác giả đưa ra lời bình luận đắt giá như sau:

"Phải, không một con chuột nào của La Phôngten nói trong thơ ngụ ngôn dám buộc chuông lên cổ mèo; tuy vậy chúng đều căm ghét kẻ thù của chúng và đồng tình sẽ treo cổ nó lên. Những con chuột ấy thật là hơn hẳn "những con chuột An Nam" không biết căm thù "những con mèo Pháp", vì những con chuột này không biết đoàn kết lại để bàn việc tiêu diệt những con mèo kia, chúng sợ rằng trong hàng ngũ chuột của chúng sẽ có con đi báo với mèo Pháp.

Những người tự hào là dòng giống Rồng Tiên lại không bằng chuột! Thật là hổ thẹn, có phải không thưa ông!". Lời bình hướng tới hai sự phê phán đích đáng: tinh thần bạc nhược, đớn hèn và sự phản bội xấu xa. Toát lên một chân lý phổ quát: người An Nam phải biết đoàn kết lại thì mới sửa chữa được những thói xấu ấy.

Như vậy, để có thể giành được độc lập thì mọi người phải đoàn kết, đoàn kết thực sự, đoàn kết “thật thà” tức, ngoài sự toàn tâm, toàn ý, còn phải chung lý tưởng, phải có tổ chức, có chung cách thức, phương thức, không máy móc, “nhất nhất” đều theo một ý. Đây thực sự là vấn đề khoa học mang tính phổ quát cho mọi việc lớn có số đông người tham gia.

N.T.T

----------

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 57

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 271

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)