Bác Hồ - Người đi tìm hòa bình!

Thứ Tư, 06/03/2024 05:04

. NGUYỄN THANH

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet

Bài viết là sự phản biện lại một vài quan niệm lạc lõng cho rằng Hồ Chí Minh là người không mong muốn có một nền hòa bình ở Việt Nam ngày sau Cách mạng Tháng Tám. Xin được chứng minh bằng những sự kiện cụ thể để bác bỏ hoàn toàn luận điệu ác ý trên.

Sau Cách mạng tháng Tám mấy chục vạn quân Tưởng khiêu khích ta, một số anh em đòi đánh. Bác nói: “Nền độc lập ta vừa mới giành được giống như một chiếc bình ngọc. Nay có những con kiến bò trên miệng bình, nếu ta dùng gậy đập kiến, chưa chắc kiến đã chết mà bình ngọc vỡ. Nếu ta lấy một cái que bắc cầu cho chúng xuống thì kiến sẽ đi hết, như vậy có hơn không?” 1. Đó là đường lối đối ngoại hết sức mềm dẻo đặt hoà bình lên trên hết. Nhưng khi cần thì phải kiên quyết trả lời bằng vũ khí. Rất rõ một tư tưởng hòa bình ở Hồ Chí Minh là sẵn sàng hi sinh để đòi hòa bình. Khi có hòa bình, nhất là ở thời kì đầu, dù còn mong manh thì cố giữ hòa bình bằng mọi biện pháp, kể cả nhân nhượng.

Nhưng cũng chính vì yêu hòa bình mà Bác cũng rất kiên quyết với những kẻ đi ngược lại hòa bình. Vì Người thấu hiểu tâm địa của bọn chúng là cướp nước và cướp của. Tháng 6/1945 Phát xít Nhật tìm cách khiêu khích, doạ nạt Việt Minh, nắm rõ ý đồ và thực lực của chúng, Bác Hồ chỉ thị “chỉ trả lời bọn Nhật bằng tiếng súng chứ không phải bằng lời nói” 2.

Chuyến sang thăm Pháp năm 1946 của Hồ Chủ tịch là cố gắng tìm một cơ hội hoà bình. Ngày 2/7/1946, G.Biđôn, lúc bấy giờ là Chủ tịch Chính phủ Pháp đã mở tiệc chiêu đãi Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp từ trong buổi chiêu đãi này, Bác Hồ có nhắc đến đạo Khổng: “Chúng ta chẳng đã ruồng bỏ được cái chủ nghĩa đế quốc xâm lược và cái chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi không còn thích hợp với thế giới hiện tại đấy ư? Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lí đạo Khổng, và triết lí phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân". Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp” 3. “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” là câu nói nổi tiếng của Khổng Tử, trở thành hạt nhân triết lí của đạo Nho, có nghĩa là: Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Đây chính là mối quan hệ tôn trọng cá nhân giữa người với người, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Do vậy nó đã mang tầm phổ quát cho toàn nhân loại không riêng gì của phương Đông. Hồ Chí Minh đã nhắc khéo nước Pháp: nước Pháp đã từng bị Đức xâm lược thì chắc nước Pháp rất hiểu nỗi khổ đau mất nước. Điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác. Chả lẽ nước Pháp lại đi xâm lược Việt Nam?!

Trên chiến hạm Đuymông Đuêcvin trong chuyến sang thăm Pháp, ngày 22/9/1946 Hồ Chủ tịch có Thư trả lời bà Sôtxi trong Hội Liên hiệp phụ nữ Pháp, có đoạn: “Người ta cho rằng những người Pháp đến Đông Dương là những người đi khai hoá. Tôi cũng mong như vậy! Nhưng người ta không thể khai hoá người khác bằng đại bác và xe tăng!” 4. Chỉ mấy câu văn ngắn nhưng toát ra quan điểm mong muốn hoà bình và chỉ có thể hoà bình thật sự nếu không có ai xâm lược ai, và các dân tộc phải tôn trọng, quý mến lẫn nhau.

Khi kẻ thù tráo trở ngăn cản hòa bình, Hồ Chí Minh cũng hết sức cứng rắn, quyết đoán. Trên đường sang Pháp, ngày 8/6/1946 tại Cairô, Bác nói với Tướng R.Xalăng: “Tôi vừa mới quay lưng đi, người ta đã nặn ra cái chính phủ Nam Kỳ… Thật là một âm mưu phi pháp. Tướng quân này, các ông đừng biến Nam bộ thành một thứ Andát Loren mới, nếu không chúng ta sẽ đi tới cuộc chiến tranh trăm năm đấy” 5 . Một ngụ ngôn rất phù hợp với tình hình Việt Nam lúc này. Andát Loren vốn là một vùng đất của Pháp tiếp giáp với Đức, bị chia cắt sau chiến tranh Pháp - Phổ năm 1871, mãi đến năm 1919 mới hợp nhất về Pháp. Đây là một đòn “gậy ông đập lưng ông”: người Pháp đã từng để mất đất cho người Đức thế mà bây giờ hà cớ gì lại đi cướp đất của nước khác. Một ngụ ngôn là một niềm tin: cũng như vùng đất Andát Loren từng bị cướp nhưng rồi lại thống nhất về Tổ quốc mình, Nam bộ của Việt Nam rồi cũng sẽ thế!

Ngày 14/6/1946, trên đất Pháp Hồ Chí Minh trả lời Hãng Thông tấn Pháp AFP: “Dùng văn minh mà chinh phục người ta thì bền vững hơn súng đại bác” 6. Đây là một chân lý phổ quát không chỉ cho các nước mà còn cho tất cả mọi người. Ngày 12/7/1946 Bác tiếp các trí thức Việt Nam và trả lời các báo tại Pháp: “Nam Kì là đất Việt Nam. Đó là thịt của thịt Việt Nam, máu của máu Việt Nam… Các người hãy phái đến nước chúng tôi những kĩ sư, những nhà khoa học, những vị giáo sư, phái đến những người họ biết yêu chuộng chúng tôi. Nhưng chớ phái qua những người muốn bóp cổ chúng tôi” 7 . Ngày 17/9/1946 Bác nói chuyện với kiều bào ta tại Pháp: “Tôi nhắc lại một ý mà kiều bào ta đã biết là nước ta như người có ruộng mà không có thóc, nước Pháp là người có thóc mang sang trồng ở ruộng ta, đến vụ gặt hái đem ra chia đôi, hai bên cùng có lợi…” 8. Một ví dụ ngắn gọn mà phù hợp với tập quán làm ruộng của dân ta, phù hợp với đặc điểm người Pháp mang quân, mang của (thóc) sang nước ta (ruộng) để “khai hoá văn minh” (trồng). Nhất là nó phù hợp với tình hình Bác sang Pháp để ký Tạm ước hoà bình với người Pháp. Ngày 23/10/1946 Người viết Lời tuyên bố với quốc dân sau khi ở Pháp về: “Trung, Nam, Bắc đều là đất nước Việt Nam. Chúng ta đều chung một tổ tiên dòng họ, đều là ruột thịt anh em. Nước có Trung, Nam, Bắc, cũng như một nhà có ba anh em… Không ai có thể chia rẽ con một nhà, không ai có thể chia rẽ nước Pháp, thì cũng không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta” 9 . Nói với quốc dân Việt Nam thì không một hình tượng nào có sức lay động, chinh phục, lôi cuốn hơn các hình tượng “chung một tổ tiên dòng họ”, “đều là ruột thịt anh em”, “như một nhà có ba anh em”. Nó gợi nhắc mọi người nhớ về các truyền thuyết Hồng Bàng, các câu tục ngữ, thành ngữ nói về cội nguồn máu mủ, về tình anh em đoàn kết keo sơn gắn bó có từ trong truyền thống xa xưa của dân ta. Tháng 9/1947 trả lời nhà báo Mỹ S. Elie Maissie, lời của Người vượt thoát ra lời của một cá nhân để trở thành lời của hoà bình hữu nghị :“Nước ta sẽ làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” 10. Đồng chí Lê Trang, nguyên Vụ trưởng Vụ Liên Xô – Đông Âu Bộ Ngoại giao kể: Tháng 1/1967 Bác gặp ông Quyntania, giáo sư Pháp, H.S. Axmôrơ, giáo sư Mĩ. Trả lời câu hỏi về vấn đề thương lượng, Bác nói: muốn nói chuyện, trước hết, Mĩ phải ngừng ném bom miền Bắc, sau đó, hai bên sẽ thoả thuận về ngừng bắn ở miền Nam. Chúng tôi đang sống yên lành. Mĩ đến ném bom, rồi rêu rao ra điều kiện: muốn Mĩ ngừng ném bom, thì Việt Nam dân chủ cộng hoà phải trả giá nào đó. Như thế có khác gì một tên cướp ở Sicagô xông vào nhà đánh và dọa giết chủ nhà, rồi lại bảo nếu muốn nó ra thì chủ nhà phải trả giá!” 11.

Tha thiết yêu hòa bình, và cũng thật giàu có niềm tin, Hồ Chí Minh là người tin và mong muốn cả nhân loại “chung sống hòa bình”: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được” 12.

NT

---------

 

1. Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh- NXb Chính trị quốc gia, 2009, tr 72.

2. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia 2006, tr 261

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 304.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 347.

5. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3. Sđd, tr 243.

6. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3. Sđd, tr 248.

7. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3. Sđd, tr 279.

8. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3. Sđd, tr 330.

9. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3. Sđd, tr 352.

10. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 4. Sđd, tr 126.

11.  Bác Hồ trong trái tim các nhà ngoại giao – Nxb Chính trị Quốc gia, 1999, tr 272.

12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10. Sđd, tr 12.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)