. ĐẶNG THỊ BÍCH HỒNG
Bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ những tháng năm quân ngũ trong chiến tranh biên giới phía Bắc, nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế đã có hơn 40 năm cầm bút với nhiều đóng góp đáng kể cho đời sống văn chương Việt Nam đương đại. Ghi dấu ấn trên văn đàn qua các tác phẩm truyện ngắn vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa hiện thực vừa huyền ảo, Nguyễn Tham Thiện Kế đồng thời định vị văn cách độc đáo của mình ở những trang tùy bút ít nhiều uyên bác, tài hoa. Từ lối viết uyên bác, tài hoa ấy, tùy bút Nguyễn Tham Thiện Kế cuốn độc giả vào hành trình kiến tạo cảm thức về cội nguồn, nơi chốn bằng chiến lược tái cấu trúc lãnh thổ văn hóa. Chiến lược này được Donelle Dreese trình bày hệ thống trong cuốn sách về phê bình sinh thái xuất bản năm 2002. Nó liên quan đến sự hồi tưởng về cảnh quan trong quá khứ và kể những câu chuyện về đặc trưng văn hóa vùng đất.
Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế
Dreese nhấn mạnh, yếu tố môi trường ảnh hưởng đến con người về mặt thể chất, tình cảm và tinh thần; tất cả mọi người đều phát triển cảm xúc về nơi chốn đồng thời nuôi dưỡng tình yêu đối với nơi mà họ gọi là “nhà”. “Nhà” không chỉ là không gian trải nghiệm toàn diện - nơi hội tụ cảnh vật, ánh sáng, âm thanh, các mối quan hệ trong cộng đồng mà còn được hình dung như một không gian tâm lí - nơi con người tìm được cảm giác mình thuộc về chốn đó, được chấp nhận, được yêu thương, được tự do. Từ góc nhìn này, có thể nhận thấy sự liên kết đặc biệt giữa tùy bút Nguyễn Tham Thiện Kế với những mô tả của Dreese về cảm thức cội nguồn, nơi chốn. Qua sự lặp lại chủ đề mái nhà và đất mẹ, tác phẩm của Nguyễn Tham Thiện Kế trở thành nơi quy tụ nhiều câu chuyện lịch sử địa phương, lưu dấu nhiều cảnh quan ruộng, vườn, giếng nước, bến sông, ngõ nhỏ… Không gian vùng văn hóa Bắc Bộ hiện diện qua những tên đất, tên làng với ranh giới địa lí rõ ràng và cấu trúc vật lí đặc thù. Từ cảm thức về nơi chốn, về không gian nguồn cội, nhà văn tìm thấy sự kết nối với chính mình và với môi trường xung quanh.
Trong không gian văn hóa thân thuộc của vùng đất trung châu, Nguyễn Tham Thiện Kế đã văn bản hóa nhiều truyện kể dân gian vốn được truyền miệng từ đời này sang đời khác qua hàng ngàn năm. Đọc Ngàn dâu chẳng vị một cây, độc giả gặp lại câu chuyện về sợi tơ vàng gắn với đời sống của cộng đồng tiểu thủ công nghiệp: “Công chúa Thiều Hoa gọi con bướm tằm là ngài, gọi thứ vải dệt từ tơ tằm là lụa… Nhờ một lần nói chuyện với bướm nâu nên nàng mới biết bướm nâu chỉ ăn một thứ lá dâu để đẻ ra trứng, rồi trứng nở thành sâu, nhả sợi tơ vàng…” Câu chuyện liên quan đến vị tổ nghệ ngành tơ tằm xứ Việt: công chúa Thiều Hoa từ thời Hùng Vương dựng nước. Trong tác phẩm này, Dì giữ vai trò truyền khẩu giai thoại về công tích đặc biệt của công chúa Thiều Hoa. Nếu công chúa là tổ nghệ thì Dì là người nối nghệ một cách hoàn hảo. Công chúa có năng lực thần kì giao tiếp với thế giới tự nhiên và Dì là người lưu giữ những câu chuyện thiêng về tiền nhân. Qua sự mô tả của Nguyễn Tham Thiện Kế, phụ nữ vừa là người sáng tạo văn hóa, vừa là người kế thừa di sản văn hóa cũng như bảo đảm sự nối tiếp tinh hoa văn hóa của cộng đồng đến thế hệ sau.
Một điểm nổi bật trong không gian cội nguồn mà Nguyễn Tham Thiện Kế đưa vào tùy bút là sự phong phú của ẩm thực đồng quê. Nhà văn mô tả rất nhiều đặc sản quê hương, mộc mạc, dân dã mà không kém phần tỉ mẩn, kì công. Đó là kí ức về bát canh thiên lí nấu nước hầm gà, về bát canh lá sắn nấu cua đồng, về đĩa sung muối xổi với thịt ba chỉ trong la đà rượu nếp cái hoa vàng... Những thức ngon vật quý của đồi đất trung du được tái dựng sống động, có khi là những quý phẩm cao lương từng xếp vào hàng sản vật tiến vua như cá Anh Vũ, hồng Hạc Trì, có khi là những món ăn dân dã, đời thường mà vẫn vấn vít mĩ vị như bánh sắn cuộn, cọ bầu trộn gạo nếp đồ xôi. Đặc biệt, xu hướng ẩm thực của người dân Bắc Bộ kết tinh nét đặc sắc trong truyền thống ẩm thực của cộng đồng văn minh lúa nước: biến tấu gạo trong sự nâng niu gạo. Nguyễn Tham Thiện Kế ghi lại những cách thức khác nhau mà người Việt chế tác món ăn từ gạo như cốm (trong Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm), xôi (trong Cọ ngàn xưa thổi động), bánh khúc (trong Tôi khóc những cánh đồng rau khúc), bún (trong Nghi lễ bún chả)... Chủ đề ẩm thực trong tác phẩm Nguyễn Tham Thiện Kế xác lập cảm xúc về nơi chốn, thể hiện sự gắn bó, nâng niu những vật phẩm bình dị, thân thuộc, độc đáo của quê hương. Dreese cho rằng, để biết mình là ai, trước hết chúng ta cần biết mình đang thuộc về nơi nào. Tùy bút của Nguyễn Tham Thiện Kế đã hé lộ: Nơi chốn mà nhà văn cảm thấy mình thuộc về chính là vùng đất Bắc Bộ với đa dạng hương sắc ẩm thực bản địa.
Sự phong phú các sản vật địa phương có nguồn gốc từ một đặc điểm tự nhiên được xem như lợi thế của thổ nhưỡng, khí hậu Việt Nam, đó là sự màu mỡ của các đồng bằng châu thổ, sự linh động của khí hậu nhiệt đới gió mùa. O.W.Wolters nhận định, trên vùng đồng bằng ngập nước màu mỡ của lục địa Đông Nam Á, các vương quốc nông nghiệp lớn đã phát triển dựa trên hệ thống thâm canh lúa nước phù hợp với chu kì gió mùa. Cũng vì thế, văn học Việt Nam viết nhiều về sự phong nhiêu của các sản vật địa phương và coi đó như một yếu tố của bản sắc văn hóa khu vực. Trong Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm, Nguyễn Tham Thiện Kế nhấn mạnh: “Thưởng thức cốm là tận hưởng một đặc trưng văn hóa lúa nước thuần Việt.” Đặc trưng ấy hội tụ trong nguyên vật liệu sửa cốm, trong quy trình chế tác cốm và trong tâm thế thưởng thức cốm. Như vậy, viết về cốm, Nguyễn Tham Thiện Kế không chỉ viết về một món ăn thuần túy mà còn hiển lộ một nghi thức văn hóa trong đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân Bắc Bộ Việt Nam nói riêng, của cộng đồng nông nghiệp lúa nước nói chung.
Đẳng cốm nếp cái hoa vàng được nhà văn mô tả như một chỉ báo về nơi chốn: vừa hội tụ bản sắc văn hóa cộng đồng cư dân nông nghiệp lúa nước, vừa là chứng nhân của những biến động lịch sử thời cuộc. Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm được kể trên nền bối cảnh làng quê Bắc Bộ những năm 70 của thế kỉ XX. Sự thay đổi cơ chế quản lí kinh tế ở nông thôn Việt Nam thời kì này mà ưu tiên hàng đầu là phát triển hợp tác xã nông nghiệp đã làm xáo trộn không ít nếp sinh hoạt của cộng đồng cư dân. Sửa cốm, thưởng cốm trở thành thú ăn chơi vương giả, xa hoa. Vì thế, hội rượu cốm thưởng trăng của ngoại tan rã, mẹ ngồi xe lăn, tóc cước bay phơ vẫn nhớ mùa sửa cốm. Nguyễn Tham Thiện Kế phơi trải niềm xa xót trước sự tan rã hội rượu cốm của ngoại, sự ngậm ngùi trước nỗi khắc khoải nhớ cốm của mẹ, và đó là cách để nhà văn nhận ra chính bản thể mình: người một đời thiết tha với cố hương, với gia đình, với cốm. Thông qua tái dựng kí ức về cốm nếp cái hoa vàng, đẳng mĩ thực này trở thành một chỉ dẫn phục dựng đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng.
Cùng với câu chuyện về ẩm thực, tùy bút Nguyễn Tham Thiện Kế thấm đẫm cảm thức nơi chốn qua những trang văn mô tả không gian kiến trúc. Theo tác giả, “kiến trúc đẹp mang lại khoái cảm văn hóa và tác động trực tiếp gu thẩm mĩ cho cộng đồng hơn bất kì loại hình nghệ thuật nào.” Đọc Trong bóng ngôi nhà cổ đã mất, độc giả hình dung về số phận của ngôi biệt thự mang kiến trúc đặc trưng miền Nam nước Pháp được xây dựng trên khu phố cổ Hà Nội - khu phố có dáng dấp Paris thu nhỏ ở Đông Dương. Tòa biệt thự cổ cùng với chủ nhân của nó - vị kĩ sư đường sắt đam mê kiến trúc rơi vào vị thế của cái nhược tiểu trước những biến động thời thế. Như Nguyễn Tham Thiện Kế mô tả, vào những năm 70 của thế kỉ XX, ông chủ bị thu hẹp quyền sở hữu tại chính không gian mà ông gọi là “nhà”, thay bằng sự hiện diện của đông đảo công nhân nhà máy đèn, lái xe, công nhân vệ sinh. Nhà nước từng ra văn bản trưng dụng tòa biệt thự làm hợp tác xã giấy nến, và sau cùng, mỗi mét vuông đất của ngôi nhà cổ được tư nhân mua lại, san phẳng để dựng khách sạn. Nghịch lí tồn tại trong sự bất cân xứng về nền tảng văn hóa của các cư dân: người hiểu biết, đam mê kiến trúc và coi tòa biệt thự như một thành tố văn hóa trong bức tranh chung của di sản kiến trúc Hà thành thì bị mất dần quyền sở hữu; người thiếu tri thức về kiến trúc và coi tòa nhà chỉ thuần túy là một tài sản gắn liền với đất thì dần trở thành những ông bà chủ. Tác phẩm qua đó chuyển tải khao khát phục dựng một Hà Nội văn hiến đang biến mất bằng cách giữ gìn cảnh quan đất đai, tôn trọng các chủ thể và khách thể văn hóa.
Tập trung vào chủ đề liên quan tới cảm thức về địa điểm, cảnh quan và bản sắc, tùy bút Nguyễn Tham Thiện Kế cho thấy nỗ lực của nhà văn trong việc lấy lại những giá trị văn hóa của cá nhân cũng như của cộng đồng. Cảm thức nguồn cội và nơi chốn gắn với không gian địa - văn hóa vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ với tất cả những đặc trưng về tự nhiên, xã hội, về sự biến động lịch sử, thời cuộc, về những trầm tích văn hóa ẩm thực và kiến trúc… Tác phẩm trở thành thông điệp mạnh mẽ về sự cần thiết phải bảo lưu, gìn giữ, phát triển giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng để kháng cự lại tình trạng biến đổi, nguy cơ đứt gãy văn hóa dưới tác động của đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đ.T.B.H
VNQD