Mĩ cảm hiện sinh Nhật Bản nhìn từ biểu tượng hoa anh đào

Thứ Hai, 04/03/2024 00:27

. NGUYỄN HỮU MINH
 

Nếu như Trung Hoa được mệnh danh là thi quốc thì Nhật Bản chính là hoa quốc. Thật hiếm có đất nước nào đề cao muôn hoa cho bằng xứ sở Phù Tang. Hoa hiện diện trên khắp Nhật Bản, tự cổ chí kim. Hoa đua sắc khắp bốn mùa xuân, hạ, thu, đông và mỗi mùa lại có những loài hoa đặc trưng. Mùa xuân có hoa mai, mơ, mận (ume), hoa mã đề (nazuna), hoa anh đào (sakura), hoa hải đường (tsubaki), hoa tử đằng (fuji), hoa đỗ quyên (tsutsuji), hoa mẫu đơn (botan)…, mùa hạ có hoa dã quỳ (nitobe), hoa diên vĩ (ayame), hoa đinh hương (murasaki hashidoi), hoa bách hợp (yuri), hoa cẩm tú cầu (ajisai)…, bước sang mùa thu lại có hoa triêu nhan (asagao), hoa tịch nhan (yugao), hoa phù dung (haibisukasu), hoa cúc (kiku), hoa bỉ ngạn (higanbana), hoa hồ chi (hagi), hoa cát cánh (kikyo)…, đến mùa đông băng giá vẫn có một số loài hoa mĩ miều như thủy tiên (suisen), sơn trà (sazanka), lạp mai (roubai)… Tuy nhiên, không phải bất cứ loài hoa nào trong “cửa hàng thời tiết” ấy cũng góp mình trở thành biểu tượng cho cốt cách văn hóa của người Nhật. Có lẽ, nhắc đến Nhật Bản, người ta sẽ nhắc đến đất nước này với một danh xưng quen thuộc là “xứ sở hoa anh đào”, không chỉ bởi anh đào là loài hoa quen thuộc của vùng đất nơi đây mà còn bởi những giá trị tinh thần làm nên bản sắc văn hóa duy mĩ mà duy tình của người Nhật.

Khi mưa bão và cái rét run người cuối đông dần tắt báo hiệu mùa xuân đương đến, anh đào bắt đầu đơm bông từ cây này đến cây khác, từ vùng này sang vùng khác, trải dài từ bắc chí nam. Bao nhiêu “cái đẹp” cứ thế nở rộ rồi lại tàn úa, rồi lại tiếp tục nở rộ. Đó không chỉ là vòng tuần hoàn sự sống của hoa mà còn là chu kì của “cái đẹp” Nhật Bản. Mặc dù kiếp sống của hoa anh đào ngắn ngủi, vô thường, vật ai, hủy diệt, thế nhưng người Nhật lại không chỉ thích ngắm hoa, trọng hoa, yêu hoa, xem hoa như người bạn hay người tình của mình mà còn tôn thờ hoa, đề cao hoa như một đấng thiêng liêng: Quan âm Phật bà/ nơi nào có mặt/ anh đào ra hoa; Nước nóng tắm rồi/ vừa xong lạy Phật/ anh đào ta ơi (Issa). Với Kobayashi Issa, việc thưởng hoa và lạy Phật là việc cao quý, ngắm hoa cũng là ngắm Phật. Thế nên trước khi thực hành “tín ngưỡng” này, ông phải tắm gội sạch sẽ và giữ cho tâm trang nghiêm, thanh tịnh như một đóa anh đào đang nở. Còn thiền sư Matsuo Basho không chỉ thấy trong hoa có Phật mà đã bái hoa làm Phật: Trước cành hoa đào/ rộ đời hương sắc/ Nam mô hoa đào. Trong hoa có Phật tánh hay chính Phật tánh đã tự có sẵn bên trong tâm mỗi con người? Bởi vậy, nhìn hoa thấy người, nhìn người như đã thấy “hoa”. Hoa anh đào chính là tấm gương soi tâm hồn chí lành chí kính trước cái đẹp của cả hai thi nhân.

Người Nhật ngắm hoa anh đào không chỉ để thưởng thức cái đẹp của tự nhiên mà còn để chiêm nghiệm về lẽ tồn - vong, được - mất của cuộc đời; để nhìn sâu vào bên trong tâm tưởng của chính mình mà khám phá thế nào là “bản lai diện mục” và hơn nữa là để “cúi đầu” trước hoa anh đào mà học cách sống một cuộc đời chân thành, trách nhiệm với bản thân và mọi người. Đó chính là thứ mĩ cảm hiện sinh mà người Nhật đã và đang yêu quý, tôn vinh, lưu giữ và lan tỏa trong văn hóa lẫn văn chương “xứ sở Phù Tang”.

Motooria Norinaga - một học giả nổi tiếng thời Edo - đã từng thẳng thắn tuyên bố trong một bài tanka rằng: Nếu người ta bảo tôi/ hãy định nghĩa tinh thần Nhật Bản/ tôi sẽ nói: Hoa anh đào trên sườn núi/ thơm ngát trong nắng ban mai. Hoa anh đào rực rỡ nhất khi nở rộ từng chùm dưới ánh nắng ban mai, dẫu chỉ vỏn vẹn trong vài ba ngày, thậm chí chỉ cần một cơn gió xuân mạnh là những chùm hoa kia sẽ rơi lả tả. Nhưng đó chính là khoảnh khắc đẹp nhất của kiếp sống hoa anh đào. Hoa không ngại nở rồi rụng rơi trong phút chốc để lưu lại sắc và hương cho thế gian; người Nhật cũng thế, cuộc sống dẫu ngắn ngủi mà đẹp đẽ, ý nghĩa khi được sống là chính mình, sống một cuộc đời lí tưởng. Lời tuyên bố trên đã ngầm ẩn chứa lí tưởng sống thấm đẫm tinh thần mĩ cảm hiện sinh của người Nhật, nói như S.Kierkegaard thì “Tiến lên để sống” nhưng là tiến lên cùng cái đẹp và sống cùng cái đẹp.

“Tinh thần Nhật Bản” qua biểu tượng hoa anh đào còn đặc trưng bởi sức mạnh cảm hóa: Hoa đào nở đang rơi/ tâm của những người đàn ông/ trở nên yên tịnh lại (Koyuni). Cái đẹp của hoa anh đào có sức mạnh khiến tâm của những “người đàn ông” trở nên “yên tịnh” và khiến họ thêm say mê công việc hơn. Hiểu cách khác, con người cảm phục trước hoa đào, vì yêu hoa mà phủ phục nhân tâm, vì khuất phục trước cái đẹp mà có thể khám phá, tìm thấy được sự an lạc trong tâm hồn. Hay như Issa, đã từng có lần tìm đến sự chở che, trú ngụ dưới tán anh đào: Bất chợt mưa rào/ chỉ một người còn lại/ dưới bóng hoa đào. Cái đẹp của hoa dù không thể nào cứu rỗi cuộc đời đầy bi thiết của thi nhân nhưng đã phần nào dỗ dành, vỗ về, an ủi tâm hồn ông. Issa trú lại dưới bóng cây để cảm nhận sâu thẳm về sự cô đơn của kiếp người, để cảm nhận sự quen thuộc những điều từng trải trong cuộc sống. Quả thật, có khi dưới bóng hoa ấy, nhà thơ đã tri nhận được cảm giác quen thuộc như đang trong vòng tay ấm áp của mẹ, người đã mất từ lúc ông còn rất bé.

Hoa anh đào không chỉ đẹp khi rực rỡ dưới ánh sáng của mặt trời mà còn đẹp ngay cả khi đối mặt với mưa gió, giông bão: Gió và mưa/ giữa những cơn cuồng dại/ những cánh hoa đầu mùa (Chora). Hoa anh đào can trường, sẵn sàng “xả thân” trước mưa và gió bão dẫu mùa hoa chỉ mới bắt đầu, kiếp sống chỉ vừa chớm nở. Con người cũng vậy. Nghịch cảnh chính là “liều thuốc quý” giúp tôi luyện tinh thần dũng cảm, bất khuất trước khó khăn. Thay vì e dè, sợ hãi, người Nhật chủ động đối mặt với tất cả, chấp nhận dấn thân để truy tìm ý nghĩa cuộc đời: Tôi đang chờ đợi/ giông bão và mưa/ vào thời điểm hoa đào nở (Shinkei). Cái đẹp, cái quý của hoa anh đào nằm ở chỗ đẹp ở mọi khoảnh khắc, mọi giai đoạn của kiếp sống. Từ khi chớm nở đến lúc rực rỡ đã đẹp và ý nghĩa, thì lúc đối mặt với sự hủy diệt lại càng đẹp và ý nghĩa hơn gấp bội. Bởi hoa anh đào còn là biểu tượng của lòng trung thành, sự can đảm và danh dự của một samurai, một võ sĩ. Thiên tai nói riêng hay nghịch cảnh nói chung không khiến hoa đào và người Nhật lùi bước, mà ngược lại: Hoa đào rụng/ bên ngoài cơn bão/ bên trong tổ chim (Basho). Ngoại cảnh dù khắc nghiệt vẫn không thể khiến tâm cảnh dao động, càng không khiến hoa thôi bớt đẹp. Sự ấm áp, chở che của hoa hay tình người đã khiến cho cái lạnh lẽo và mức độ khủng khiếp của cơn bão vơi dần đi. “Thi sĩ mùa xuân” Yosa Buson còn cảm nhận được sự tương giao giữa tấm áo rơm dung dị của người chèo chống trong cơn bão với những đóa anh đào rực rỡ: Trong giông bão/ áo rơm người chèo chống/ hóa áo hoa đào. Đâu rồi cơn giông bão, đâu rồi những điều phiền muộn trong lòng, tất cả đã hóa hư không khi lòng người giờ đây chỉ còn có hoa.

Trong sự hủy diệt của hoa anh đào, người Nhật thấy được mĩ cảm hiện sinh của cái chết. Đó là sự bất tử của lí tưởng sống duy mĩ. Người Nhật chỉ sợ sống không có lí tưởng chứ không sợ chết. Bởi vì trong triết lí sống của họ đã có hình bóng của cái chết, đó là một quy luật tất yếu vừa mang tính quy hồi sự sống, vừa mang ý nghĩa dung dưỡng và bảo toàn cái đẹp. Như chàng tiểu tăng Mitzoguchi trong tiểu thuyết Kim Cát tự của Mishima Yukio, hành động phóng hỏa đốt cháy ngôi đền của y chỉ vì muốn bảo vệ báu vật đời mình khỏi sự vấy bẩn của ngoại lai. Đúng như quan niệm duy mĩ mà Mishima hướng đến: “Muốn lưu giữ cái đẹp vĩnh cửu chỉ có cách hủy hoại cái đẹp ấy đang ở lúc huy hoàng nhất.” Điều này hoàn toàn đúng với ý nghĩa sinh mệnh của hoa anh đào: rực rỡ để người người ca ngợi, thổn thức và tàn lụi để khiến người người than thở, nuối tiếc; nhưng không nhất thiết phải luôn hiện diện để mọi người phải trầm trồ, chỉ cần đẹp trong ý nghĩ và trái tim của tất cả.

Mùa xuân nào cũng phải qua đi, cái đẹp nào cũng phải úa tàn và bị hủy diệt bất chấp việc con người muốn níu giữ đến thế nào chăng nữa. Hiếm có nền văn hóa, văn học nào ám ảnh thời gian như Nhật Bản, cũng khó có loài hoa nào chan chứa vẻ đẹp hiện sinh về giá trị của sự tỉnh thức như hoa anh đào. Loài hoa không chỉ gây thương nhớ, tiếc nuối về kiếp sống ngắn ngủi hay niềm bi cảm yêu huyền, tự nó còn giúp thế nhân đạt được “chánh niệm”, tỉnh thức trước thực tại: Ta bà một cõi đau/ cho dù mùa xuân đó/ đang nở những hoa đào (Issa). Issa nhận ra rằng cuộc đời vốn là bể khổ, tự trong niềm vui đã có nỗi buồn, tự trong tuổi trẻ đã có tuổi già, bệnh tật, chết chóc, tự trong sự sống đã có cái chết và tự trong những đóa anh đào rực rỡ kia đã có những niềm đau khi chuyển vần đến giai đoạn hoại - diệt. Chiêm nghiệm về bản chất của kiếp nhân sinh thông qua việc ý thức về đời sống thực tại là cách nhà thơ tận hưởng đủ đầy vẻ đẹp hiện sinh của thời gian khi được ánh xạ lên những đóa anh đào.

Miura Chora thì tỉnh thức một vẻ đẹp hiện sinh khác của người đời từ hoa anh đào: Bước vào hoa đào/ người người lũ lượt/ bước ra hoa đào. Nhà thơ soi chiếu tự trong những bông hoa bé nhỏ muôn vàn sinh mệnh trên thế gian này cứ tuôn trào “lũ lượt”, liên tục trước cánh cửa sinh - tử của cuộc đời. Trong vòng quay tạo hóa, người người lũ lượt “bước vào” rồi lại “bước ra”, lựa chọn rồi lại buông bỏ, đến rồi lại đi, thành rồi lại diệt. Ở một góc nhìn khác, hoa anh đào là biểu tượng của chân - thiện - mĩ, vì vậy không phải ai cũng có khả năng tri nhận và ngộ hết được giá trị và hiểu biết về kiếp sống “hoa anh đào”. Con người thấy hoa đẹp, muốn tận hưởng và sống như hoa anh đào, nhưng thời gian khiến chúng ta nhận ra rằng không dễ gì để sống được như vậy. Trong trường hợp này, thời gian chính là thử thách giúp tất cả chinh phục lí tưởng sống - sống như một đóa anh đào.

Onitsura đã ngắm hoa bằng cả trái tim mình. Trong khi thưởng hoa, nhà thơ dường như đang nhập vào trạng thái thiền định để nhận ra vạn vật bình đẳng và con người cũng bình đẳng trước thiên nhiên: Hoa đào núi/ đá cuội ca/ dưới lòng con suối. Thi sĩ đặt “hoa đào núi” bên cạnh “đá cuội ca”, một bên gợi vẻ yêu kiều, diễm lệ, với một bên đơn sơ, mộc mạc cho thấy sự dung hòa của vạn vật, của những cái đẹp dù cao sang hay thô phàm. Hoa đào rơi xuống dòng suối vô tình lại mang vẻ đáng yêu (kawaii) trong lòng thi sĩ. Trong một bài thơ khác, thiền sư Basho cũng đã từng bắt gặp khoảnh khắc “gặp gỡ” hết sức khinh khoái như vậy: Dưới cây lao xao/ chén canh, đĩa cá/ đều vương anh đào. Phải chăng “chén canh, đĩa cá” mà thi nhân ăn vương cánh hoa đào, tức cảnh nên ông làm thơ? Có lẽ không chỉ như thế. Dưới cội anh đào, ngoài việc thưởng thức những món ngon có thể cảm nhận bằng vị giác, Basho dường như đang tỉnh thức trong thực tại để dụng tâm “ăn” cả hương lẫn sắc hoa. Bữa cơm của ông vì thế mà vừa thanh đạm lại vừa sang trọng một cách tinh tế đến lạ kì.

Đặc biệt, sự tỉnh thức mà những đóa anh đào mang lại còn độc đáo hơn khi hoa giờ đây không chỉ dùng để ngắm mà còn trở thành thứ “phương tiện của cái đẹp” để đốn ngộ tâm linh. Hãy cùng thưởng thức bài thơ sau của thiền sư Ikkyuu Sojun: Xẻ toang thân anh đào/ ở vùng núi Cát Dã/ liệu ngươi có tìm thấy/ những nụ hoa/ nở thắm mỗi độ xuân về? Đúng với phong cách mà thiền sư tự gọi mình là “Cuồng Vân”, ông vượt thoát khỏi mọi quy tắc, chuẩn mực về cái đẹp và đã thấy điều không phải ai đến với anh đào cũng tỏ được: “duyên khởi” là hoa, còn cái thấy chính là “chân như”. Bởi vậy, ông mới dám nghĩ điều không ai nghĩ tới: “Xẻ toang thân anh đào”. Nhưng thiền sư không nhằm phá hoại cái đẹp mà xem cái đẹp cũng chỉ là phương tiện để thiền hành. Đó chính là con đường kim cang mà ông đã tỏ mà tán thán bên loài anh đào.

Có thể thấy, người Nhật yêu quý và tôn thờ hoa anh đào không chỉ vì vẻ đẹp bên ngoài của nó hay để duy trì truyền thống “hanami” (ngắm hoa) vốn có. Họ kính trọng, tôn vinh loài hoa này hơn cả bởi khí chất, tinh thần và giá trị tỉnh thức thấm đẫm mĩ cảm hiện sinh. Mọi người ngắm hoa, đến với hoa không chỉ bằng mắt mà còn bằng cả trái tim. Thậm chí có nhà thơ đã từng ước: Ước vọng của tôi/ là được chết/ dưới cội hoa anh đào/ vào đêm trăng rằm/ trong ánh mùa xuân. Ước vọng này của thiền sư Saigyo cũng đã bộc lộ phần nào khát vọng duy mĩ của người Nhật. Cũng như Basho, ông từng bày tỏ việc kiếm tìm và theo đuổi lí tưởng thẩm mĩ của đời mình một cách đầy say mê: Năm dặm một ngày/ ta đi tìm em đấy/ hoa anh đào yêu dấu ơi!

Hoa anh đào với tư cách là một sinh mệnh đặc biệt quan trọng trong thơ ca Nhật Bản nói riêng, trong văn hóa Nhật Bản nói chung là quốc hồn, quốc túy chẳng thể nào mất được: Nếu cõi trần/ hoa đào ta biết/ chưa từng hiện thân/ tình xuân cũng sẽ/ chẳng còn trào dâng.

N.H.M

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)