. TRẦN HÀ THANH
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet
Là một kết tinh của nền văn hóa yêu hòa bình, Bác Hồ là biểu tượng của sự khoan dung, nhân ái: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái” 1 . Cũng chính Người là một biểu hiện cụ thể, sinh động nhất về lòng yêu hòa bình của người Việt Nam. Hòa bình là mục đích, là khát vọng của nhân loại tiến bộ. Mấy nghìn năm qua, loài người vẫn chưa được sống trong một thế giới hòa bình đúng nghĩa. Bác Hồ và nhân dân Việt Nam rất hiểu chỉ có hòa bình mới có hạnh phúc. Bằng mọi cách có thể Người cố gắng tránh chiến tranh, thậm chí đã có lúc phải “nhân nhượng” kẻ hiếu chiến.
Cũng ở Người rất tiêu biểu cho tinh thần khoan dung văn hóa: “Chúng tôi không ghét không thù gì dân tộc Pháp. Trái lại, chúng tôi kính phục cái dân tộc lớn lao ấy đã là kẻ đầu tiên truyền bá lý tưởng rộng rãi về tự do, bình đẳng và bác ái, và đã cống hiến rất nhiều cho văn hóa, cho khoa học, cho văn minh.
Sự chiến đấu của chúng tôi không nhằm đánh vào nước Pháp, cũng không nhằm đánh vào những người Pháp lương thiện, mà chỉ chống lại sự thống trị tàn bạo ở Đông Dương của chủ nghĩa thực dân Pháp” 2 . Cái gốc của quan niệm ấy, cách ứng xử ấy là đề cao rất mực nền văn hóa vì con người, vì hòa bình cho con người, vì sự phát triển của con người. Câu nói của Người trở thành kinh điển, mẫu mực cho một nhận định phổ quát đậm tinh thần nhân văn: “Tuy phong tục mỗi dân tộc mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành, ghét sự dữ”. Câu nói sau là lời căn dặn đồng bào nhưng là lời thể hiện với thế giới về trình độ văn minh, ứng xử văn hóa cao thượng của một dân tộc chuộng hòa hiếu. Ngày 29/9/1945 trên báo Cứu quốc có Gửi đồng bào Nam bộ: “Tôi chỉ muốn dặn đồng bào Nam bộ một lời: “Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ khoan hồng. Phải làm cho thế giới trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước” 3 .
Tháng 10/1945 Hồ Chí Minh có Công điện gửi tướng Đờ Gôn, người đứng đầu Chính phủ Pháp và Điện văn gửi Chủ tịch Quốc hội Pháp nói rõ: “quyết tâm bảo vệ nền độc lập Việt Nam bằng mọi biện pháp, cam kết bảo đảm an tính mạng và tài sản của người nước ngoài ở toàn cõi Việt Nam trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng” 4 . Tinh thần câu nói này có thể ứng vào bất kỳ văn bản đối thoại văn hóa cấp cao nào giữa các nước tiên tiến nhất ở thời buổi hội nhập toàn cầu hôm nay. Nghĩa là nó đi trước thời đại, vẫn vẹn nguyên giá trị, và sẽ còn mãi mãi, vì đó là điều kiện cơ sở của đối thoại. Ngày 24/12/1946 Người có thư Gửi các tù binh Pháp: “Tôi rất lấy làm phiền lòng vì thấy các người đang ở trong tình thế này. Tôi coi các người như là bạn của tôi.
Tôi mong một ngày rất gần đây, hai dân tộc Pháp - Việt có thể cùng cộng tác trong vòng hòa bình và thân ái để mưu hạnh phúc chung cho hai dân tộc.
Trong khi chờ đợi, các bạn hãy yên lòng và sống dưới sự che chở của chúng tôi, cho đến khi hết chiến tranh, khi đó các bạn sẽ được tự do” 5 . Trong lịch sử văn hóa nhân loại chưa có vị Tổng chỉ huy nào coi tù binh đối phương là “bạn” cả, trừ Hồ Chí Minh. Trên thực tế Người coi họ thật sự là bạn khi trong chiến dịch Biên giới (1950), thấy một tù binh Pháp chỉ được mặc cái ảo mỏng manh giữa trời Việt Bắc giá lạnh Người đã cởi chiếc áo đang mặc khoác lên người anh ta. Gặp đoàn tù binh Pháp bị giải, chân đi đất còn giày lại quàng trên cổ, Bác hỏi người chỉ huy (Cao Pha – Chỉ huy quân báo) được biết là để tránh họ chạy trốn. Người nhắc, thế thì nên cho họ đi tất vì người châu Âu đi bộ mà không có giày là một cực hình. Hành động ấy hoàn toàn lô gich với việc Hồ Chí Minh coi tướng giặc là “bạn”. Trong thư gửi tướng R.Xalăng, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương (6-1947), một người đã từng tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt chuyến sang thăm nước Pháp, lời lẽ thật chân thành, đúng mực, không một chút gì thù oán: “Chúng ta đã là những người bạn tốt... Nhưng hoàn cảnh ngoài ý muốn đã biến chúng ta thành hai kẻ đối địch. Điều đó thật đáng tiếc!... Vì chúng tôi đã buộc phải chiến đấu, thì các ngài hãy tỏ ra là những chiến binh hào hiệp, những đối thủ quân tử, trong khi chờ đợi chúng ta lại trở thành bạn hữu của nhau” 6 . Vì sao vậy? Thật dễ hiểu. Vì Người và nhân dân của Người cần hòa bình, hữu nghị và hợp tác!
Chọn giải pháp hòa bình Hồ Chí Minh chấp nhận “nhân nhượng” để có Hiệp định sơ bộ 6/3/1946. Vẫn chưa đủ, Người trực tiếp sang nước Pháp đi tìm một cơ hội hòa bình khác với Tạm ước 14/9/1946. Khi buộc phải cầm súng, với tinh thần “Trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người” 7 nên Người chủ trương làm sao ít hao tổn xương máu nhất. Đến đây xin mở ngoặc nói về tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh mang tầm nhân loại phổ quát. Một số nước châu Mỹ, Phi hiện đang chủ trương lấy tư tưởng này làm nguyên lý ứng vào việc xây dựng nền quốc phòng thời 4.0: “Phép dùng binh, giữ toàn nước địch mà ta thắng lợi là khéo nhất”. “Giỏi nhất là không phải đánh mà quân địch phải thua”. Nếu phải đánh thì “đánh vào lòng là hơn hết; đánh vào thành trì là thứ hai” 8 . Những điều này cho phép chúng ta hiểu hơn tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh rất coi trọng “địch vận” vì “khéo ngụy vận, đó cũng là một cách tiêu diệt sinh lực địch”. Đó là cách tiêu diệt sinh lực địch về tư tưởng. Mà trong chiến tranh thì tư tưởng con người mới là yếu tố quyết định sự thành bại.
Ta cũng hiểu hơn sau này đánh Mỹ, tư tưởng Người nhất quán: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Tư tưởng Hồ Chí Minh kế thừa, phát huy tư tưởng Nguyễn Trãi hiếu sinh chứ không hề hiếu sát. Thế nên có lần Người nhẹ nhàng phê bình nhà thơ Viễn Phương “không có trận đánh nào “đẹp” cả, cho dầu thắng lớn” cũng là nhất quán một tư tưởng ấy. Giải pháp hòa bình mà Hồ Chí Minh tuyên bố với thế giới là một chân lý: “Nhân dân Việt Nam rất muốn có hòa bình để xây dựng đất nước. Nhưng muốn có hòa bình thật sự thì phải có độc lập thật sự. Vấn đề rất rõ ràng: đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược. Đế quốc Mĩ phải chấm dứt ném bom miền Bắc; phải đình chỉ xâm lược miền Nam; phải để cho nhân dân Việt Nam giải quyết lấy công việc của mình như Hiệp định Giơnevơ quy định. Như vậy thì hòa bình sẽ trở lại ngay” 9 . Cũng rất rõ ràng ở đây là một định nghĩa về “Hòa bình” có ba yếu tố cơ bản: độc lập thật sự; không có quân xâm lược; tự giải quyết công việc của mình.
Xin nói thêm, có nhà nghiên cứu nước ngoài dựa vào ví dụ này mà coi ba yếu tố ấy mang tính kinh điển, có giá trị như ba điểm hình học đã tạo ra một mặt phẳng của không gian hòa bình không nghiêng lệch để con người bình yên và tự do trong đó!
Hồ Chí Minh là một nhà ngoại giao của hoà bình. Văn hoá ngoại giao của Người dựa trên truyền thống hoà hiếu có từ lịch sử giữ nước của cha ông kết hợp với tinh thần của thời đại mới: vì một nền hoà bình hữu nghị của tất cả các nước. Người cùng cả dân tộc của Người miễn cưỡng phải cầm vũ khí một khi kẻ thù không từ bỏ dã tâm xâm lược. Năm 1946, ở Pari có nhà báo hỏi Bác: “Thưa Chủ tịch, Ngài có phải Cộng sản không?”. Bác liền đi đến lẵng hoa bày trên bàn, vừa rút ra từng bông tặng mỗi người, vừa vui vẻ nói: “Tôi là người cộng sản như thế này này!” (Je suis communist comme ca!) 10. Một hành động ý nhị, vừa thể hiện sự quan tâm quý mến với người đối thoại vừa mang tính ngụ ngôn: hoa luôn tượng trưng cho cái đẹp, cho tình yêu, hạnh phúc… Người cộng sản cũng như hoa vậy. Vừa không phải nói ra, (mà nói ra có thể người ta không tin, vì những ngày ấy bọn thực dân, đế quốc bằng mọi hình thức ra sức tuyên truyền xấu về “Cộng sản”), vừa thu hút được sự chú ý của công luận, dư luận.
Ngoại giao Hồ Chí Minh tiêu biểu cho ngoại giao văn hóa hiện đại, kiên quyết mà mềm dẻo; kiên định, cứng rắn nhưng khi cần sẵn sàng nhân nhượng nhưng không thỏa hiệp; khéo léo, vững vàng, tinh tế, chủ động nhưng không để đối phương bị “mất mặt”. Quân Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ năm 1954 và chịu về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn không nên sỉ nhục đối phương, vì tinh thần tự ái dân tộc ai cũng có, nhất là Pháp là nước văn minh. Trong kháng chiến chống Mĩ, Người chủ trương vừa “đánh” vừa “đàm”. Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao còn ghi rõ lời Người nhắc phái đoàn ngoại giao nước ta: “Mỹ là nước lớn đứng đầu thế giới tư bản, buộc phải ngồi đàm phán, thương lượng đã là thất bại rồi, vì thế Bác yêu cầu là không được làm Mỹ mất mặt. Phải tế nhị, khéo léo, lúc cương lúc nhu thì mới gọi là đàm phán hòa bình, mới đạt kết quả”. Ngày 11/11/1965 tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Italia, Người nói: “Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mĩ cút. Nhưng nếu Mỹ không rút thì phải đánh đuổi Mĩ đi… Nhưng với Giônxơn và Macnamara thì hoặc là trải thảm đỏ hoặc là đá đít ra khỏi cửa” 11. Ngày 5/7/1966 tiếp phái viên của Tổng thống Pháp G. Xanhtơny, Người nói: “Chỉ có một cách đi tới một giải pháp đó là Mĩ cút đi. Chúng tôi không muốn làm cái gì xấu đối với họ, chúng tôi sẵn sàng đem nhạc và hoa tiễn họ và mọi thứ khác mà họ thích; nhưng ông biết đấy, tôi thích tiếng lóng của nước ông: “ Qu’ils foutent camp” (Thì họ hãy cút đi)” 12. Những điều ấy nói một cách sinh động mà cụ thể về tinh thần đối thoại văn hóa vì hòa bình của Bác!
THT
--------
[1]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 186.
[2]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 75.
[3]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 30.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 69.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 542.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 170.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 510.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 214.
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 665.
[10] Bác Hồ- con người và phongcách. NXB Lao động, 1993, tr 1.
[11]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 9. Sđd, tr 311.
[12]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 9. Sđd, tr 424.
VNQD