Phơi bày tội ác lừa đảo của chủ nghĩa thực dân

– một nội dung cơ bản của báo chí Nguyễn Ái Quốc!

Chủ Nhật, 10/03/2024 05:28

. TRẦN HẢI ANH

Bài viết xin khái quát một số khía cạnh cụ thể của tội ác lừa đảo của thực dân Pháp đối với nhân dân các nước thuộc địa được nhà báo Nguyễn Ái Quốc vạch trần, phơi bày trên báo chí tiếng Pháp.

Bác Hồ thường xuyên đọc báo vào giờ nghỉ trưa. Ảnh: TL

1. Chủ nghĩa thực dân gây ra chiến tranh nhưng lừa đảo nhân dân thuộc địa đi “bảo vệ công lí”.

Đây là một đoạn văn tiêu biểu: “Trước năm 1914, họ chỉ là những tên da đen bẩn thỉu, những tên “Annamít” bẩn thỉu, giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn của các quan cai trị nhà ta. Ấy thế mà cuộc chiến tranh vui tươi vừa bùng nổ, thì lập tức họ biến thành những đứa "con yêu", những người "bạn hiền" của các quan cai trị phụ mẫu nhân hậu, thậm chí của cả các quan toàn quyền lớn, toàn quyền bé nữa. Đùng một cái, họ (những người bản xứ) được phong cho cái danh hiệu tối cao là "chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do". Nhưng họ đã phải trả bằng một giá khá đắt cái vinh dự đột ngột ấy, vì để bảo vệ cho cái công lý và tự do mà chính họ không được hưởng một tí nào, họ đã phải đột ngột xa lìa vợ con, rời bỏ mảnh ruộng hoặc đàn cừu của họ, để vượt đại dương, đi phơi thây trên các bãi chiến trường châu Âu. Trong lúc vượt biển, nhiều người bản xứ, sau khi được mời chứng kiến cảnh kỳ diệu của trò biểu diễn khoa học về phóng ngư lôi, đã được xuống tận đáy biển để bảo vệ tổ quốc của các loài thuỷ quái. Một số khác đã bỏ xác tại những miền hoang vu thơ mộng vùng Bancăng, lúc chết còn tự hỏi phải chăng nước mẹ muốn chiếm ngôi nguyên phi trong cung cấm vua Thổ, - chả thế sao lại đem nướng họ ở những miền xa xôi ấy? Một số khác nữa thì đã anh dũng đưa thân cho người ta tàn sát trên bờ sông Mácnơ, hoặc trong bãi lầy miền Sămpanhơ, để lấy máu mình tưới những vòng nguyệt quế của các cấp chỉ huy và lấy xương mình chạm nên những chiếc gậy của các ngài thống chế” 1 .

Đoạn văn là tầng lớp các hình ảnh tương phản. Cùng một hình tượng dân bản xứ nhưng trước 1914 và sau đó thì khác hẳn, trước 1914 là “những tên da đen bẩn thỉu, những tên “Annamít” bẩn thỉu, giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn…”. Sau 1914 lại là “những đứa “con yêu”, những người “bạn hiền” của các quan cai trị phụ mẫu nhân hậu, thậm chí của cả các quan toàn quyền lớn, toàn quyền bé nữa”. Thậm chí họ được xưng tụng là “chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do”. Lại một sự tương phản tiếp theo: “để bảo vệ cho cái công lý và tự do mà chính họ không được hưởng một tí nào”. Họ phải trả giá cho “cái danh hiệu tối cao là “chiến sĩ bảo vệ công lý và tự do” bằng cái chết thảm thương: “phơi thây trên các bãi chiến trường châu Âu”… Và đặc biệt là sự tương phản gay gắt: “lấy máu mình tưới những vòng nguyệt quế của các cấp chỉ huy và lấy xương mình chạm nên những chiếc gậy của các ngài thống chế”. Một sự tương phản qua cách nói vòng. Nếu nói thẳng: họ chết để các ngài thực dân hưởng lợi thì là nói trắng ra không còn gì là hài hước mỉa mai; phải cho câu văn “vòng vèo” để chêm vào đó những danh tính từ đáng phỉ nhổ. Ý nghĩa phổ quát từ hình thức tương phản này toát lên một sự thật: sự không thể dung hoà giữa chủ nghĩa thực dân và các dân tộc thuộc địa. Chủ nghĩa thực dân là chiến tranh, là dối trá, là sống trên máu xương của người dân thuộc địa!

2. Lừa đảo bằng cách tạo ra sự “phồn vinh” giả tạo ở các thuộc địa.

Trên báo Le Paria, số 5, ngày 1/8/1922 có bài viết với tiêu đề: Khai hoá giết người của tác giả Nguyễn A.Q. Ngay cái tiêu đề này đã gây sự chú ý ở sự mâu thuẫn: khai hóa là mở ra những điều tốt đẹp; giết người là tội ác dã man nhất, tàn bạo nhất. Nội dung bài báo cũng là sự tương phản triệt để hai không gian: Xứ Đông Dương và Mácxây: “Trong lúc ở Mácxây, người ta triển lãm cảnh phồn thịnh giả tạo của xứ Đông Dương thì ở An Nam đang có những người bị chết đói. Ở bên này, người ta ca tụng lòng trung thành, còn ở bên kia, người ta đang giết người! Như vậy nghĩa là thế nào hỡi đấng chí tôn Khải Định và cụ lớn Xarô?”. Năm 1922, Hội chợ triển lãm thuộc địa Macxây được tổ chức với mục đích trưng bày các sản vật mang từ các thuộc địa của Pháp về với dụng ý nói lên sự giàu có của thuộc địa và “công lao khai hoá” của thực dân Pháp, qua đó mời gọi tư bản Pháp bỏ vốn kinh doanh và khai thác ở các thuộc địa. Bài báo này đã vạch trần sự giả dối của Hội chợ: người ta triển lãm cảnh phồn thịnh giả tạo của xứ Đông Dương!

3. Dùng ngôn từ khoa trương để che giấu sự thật thê thảm.

Để diễn tả chính sách giả dối tàn bạo của thực dân Pháp thì chỉ những câu văn như thế này mới nói lên được bản chất của vấn đề: “Ở đây, chúng tôi không nói về những vụ âm m­ưu nổi tiếng trong năm 1908 hay 1916. Lúc đó, nhiều thần dân bảo hộ số đỏ của n­ước Pháp đó được may mắn nếm đủ mùi ân huệ của nền văn minh thực dân hiền hoà trên máy chém, trong nhà tù hay ở những nơi bị đưa đi đày. Những vụ âm m­ưu ấy đã qua lâu rồi, và bây giờ chỉ còn lại những nét ảm đạm trong trí nhớ của ngư­ời dân bản xứ đã héo mòn vì đau khổ” 2 . Những cụm từ mỹ miều: “bảo hộ số đỏ”, “ân huệ”, “văn minh”, “hiền hoà” hoàn toàn trái nghĩa với “máy chém”, “nhà tù”, “đi đày”!

Trương lên cái khẩu hiệu “Khai hóa văn minh” nhưng sự thật thì chủ nghĩa thực dân là kẻ giết người một cách phi nhân tính nhất: “Sau khi chiếm được chợ Mới, vào buổi chiều, một Sĩ quan của tiểu đoàn lính Phi trông thấy một người châu Á bị bắt làm tù binh, còn sống, không có thương tích gì. Buổi sáng ngày hôm sau, người sĩ quan nhìn thấy người ấy chết, bị đốt cháy, đã chín, mỡ chảy ra, da bụng trương phồng lên, sém vàng. Bọn lính đã thức suốt đêm để quay chín con người đã bị tước mất vũ khí, trong khi những tên khác hành hạ một phụ nữ.

Một tên lính muốn bắt một phụ nữ An Nam phải hiến thân cho con chó của nó. Người phụ nữ ấy không chịu, liền bị đâm chết bằng một nhát lưỡi lê vào bụng” 3 .

Bản chất xấu xa của chính sách thực dân phải là thế này: “Người ta thường nói: “Chế độ thực dân là ăn cướp”. Chúng tôi xin thêm: là hiếp dâm và giết người” 4 .

---------

T-H-A

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 26.

 

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 51.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 374.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. Sđd, tr 115.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)