.PHẠM VĂN VŨ
Việc viết với tôi là lựa chọn hoàn toàn do mình, không do bất kì ai thúc ép hay yêu cầu. Nghĩa là, trước hết tôi phải tự chịu trách nhiệm với bản thân về lựa chọn của chính mình. Để hình dung cụ thể hơn về trách nhiệm đó, tôi thường tự đặt mình vào một vài câu hỏi như: Mình viết văn để làm gì? Tuổi trẻ mình có gì để viết?...
1. Trong thời đoạn mà chúng ta có quá nhiều lựa chọn, thì thật khó để khuyên nhau về sự lựa chọn. Một nhân viên kiểm toán có thể nồng nhiệt kêu gọi: Hãy đọc tiểu thuyết, nó sẽ đem đến cho bạn những điều tuyệt vời. Ngược lại, một nhà văn chuyên nghiệp và thuộc hàng tên tuổi có thể lạnh lùng can ngăn: Bạn không đọc văn chương cũng chẳng sao, vẫn có thể sống khỏe re. Vậy thì - văn chương để làm gì? Với tôi, đó không chỉ là một câu hỏi. Nó thực sự là cả một câu chuyện.
Sau những quay cuồng từ công việc ngoài đời rồi cơn thác lũ thông tin của thế giới mạng xã hội, ta có thấy bản thân ngày một rã rời và nhạt nhẽo đi không? Có bao giờ mình giật mình nhận ra bản thân đang dần dần vô cảm thờ ơ trước những tai họa, những thương vong, những thân phận? Có bao giờ mình tự trách mình vì hùa theo số đông mà tấn công một cá nhân, vì hoài nghi mà bất tín những nghĩa cử? Đã bao giờ mình thấy rùng mình khi nhận ra, đây đó có những nụ cười sắp đặt và những giọt nước mắt xếp hàng rơi đều tăm tắp? Biết đau là một phẩm tính tự nhiên, không phải một nghĩa vụ. Mình có còn biết đau không như một nghĩa vụ không?
Với sự hối hả thường trực của nhịp sống hiện thời, mình có hay vội vã quá không? Mình có sẵn lòng để hít thở bầu trời sớm mai, ngắm một khu vườn xanh rợp, lắc lư theo một bản nhạc, lật giở một cuốn sách, nghĩ về một câu nói chí lí, đọc và lí giải một status về vấn đề mà mình chưa hiểu/ không đồng quan điểm? Hình như những điều đó kém thú vị và mất thời gian hơn nhiều so với việc đăng một bức ảnh mới và gõ phím tào lao trên facebook?
Khi rất nhiều phương cách trả lời trở nên bất lực, vẫn còn một câu trả lời - nó nằm ở phía sau những trang viết. Có lúc, tôi đã từng nghĩ, văn chương là điều gì đó giống như cương ngựa, thắng xe, phao trên thuyền, barie trên đường... Có thể nữa, văn chương như là trái quả trên cây, lọ hoa trên bàn ăn, sách trên giá sách, như là thuốc cầm máu giữa gươm đao... Mà cũng có khi, văn chương như là một “mật khẩu” của “mạng đời sống”, một thứ mã khóa mở ra những ẩn mật mà mình chưa bao giờ hình dung, cảm nhận và định danh.
Nhưng, còn điều này, khi tôi còn mải mê bận lòng về câu chuyện “viết văn để làm gì”, thì văn chương vẫn đang đi làm việc của nó, trên những cánh đồng, sau mỗi ô cửa, bên kia bức tường, trong phòng ăn, trong bệnh viện, trong những tháng năm, trong những cuộc đời… Nó vẫn đang hiện hữu, đồng hành cùng chúng ta một cách vô điều kiện và không nhân danh.
2. Nói về người viết trẻ có lẽ là nói về sự lựa chọn, sự chuyển động, năng lượng và cảm hứng, và nhất là những thử thách không dễ gì gạt bỏ, bước qua.
Trong hình dung của tôi, người viết trẻ thường nhiều ảo tưởng và ít vốn liếng, luôn tạo được đam mê nhưng khó lòng chế ngự nó, thừa tha thiết nhưng thiếu kiên tâm, ít sự điềm tĩnh và lắng kết, thiếu khả năng dừng lại để nắm bắt những khoảnh khắc huy hoàng, thiếu độ giản dị và trải nghiệm để thấu hiểu những điều thăm thẳm khôn cùng…
Đáng nói, người viết trẻ thường có lợi thế là sự tươi mới trong cảm hứng, sự hối thúc trong tưởng tượng, sự đột phá trong ý hướng. Hơn thế nữa, họ còn nắm giữ một năng lượng tuyệt vời, đó là hi vọng - thứ mà hình như càng qua tuổi tác người ta càng nhường nó cho sự chấp nhận, đối diện, thấu hiểu. Tuổi trẻ là quãng sống mà người viết dồn nhiều năng lượng nhất cho hi vọng, bắt đầu là niềm hi vọng về bản thân mình, xa hơn là niềm hi vọng về đời sống, và nó được tựu lại trong niềm hi vọng về văn chương, sáng tạo. Nó như là suối nguồn để nuôi dưỡng và đưa dẫn người viết. Có lẽ vì thế, thời đoạn tốt nhất để một người viết có những bước đi bứt phá, những khúc ngoặt quyết đoán trong con đường sáng tạo chính là những năm tháng tuổi trẻ. Đó là lúc mà chúng ta có được tâm thế sẵn sàng và khao khát lớn, đủ để làm những cuộc vượt thoát với chính mình. Đọc văn chương của người viết trẻ, cái hấp lực lớn nhất chính là ở sự tươi mới, từ chữ nghĩa - giọng điệu - cấu trúc cho đến xúc cảm - ý tưởng - vấn đề, tất cả luôn luôn tươi mới, tràn trề tươi mới.
Tuy vậy cũng cần nói, ở chiều ngược lại, người viết trẻ cũng phải đối diện với vô vàn khó khăn. Ở phía chủ quan, những yêu cầu thiết thân khiến những người viết trẻ phải dành nhiều thời gian và tâm sức để đảm bảo đáp ứng được những đòi hỏi đương nhiên của đời sống mưu sinh, đòi hỏi về việc trang bị và tích lũy, hài hòa được giữa việc hoàn thành bổn phận và nuôi dưỡng đam mê. Ở phía khách quan, sự cạnh tranh của quy luật giá trị trong đời sống hiện đại khiến vị trí của văn chương trong tâm thức cộng đồng bị chia sẻ với nhiều lĩnh vực khác, như một sự tất yếu. Điều này khiến cho sự đón nhận của công chúng không còn đủ nhiệt thành, mà sự thờ ơ lạnh lùng nghiệt ngã lại thường là liều thuốc đắng, dù tốt nhưng khó nuốt với những người đang tràn đầy hăm hở.
Khi bước vào hành trình này, hẳn mỗi người viết trẻ đều tự xác định được ý hướng của mình, cảm nhận hình dung phần nào con đường xa khó, và quan trọng hơn hết là tự mình đặt mình vào lựa chọn. Nếu chúng ta có dốc lòng dốc sức dấn thân vào con đường sáng tác thì hẳn cũng không thể đòi hỏi có ai tặng hoa chúc mừng, bằng ngược lại, nếu chúng ta bỏ dở cuộc hành trình thì hẳn cũng không có ai phiền trách, ngoài sự truy vấn của chính bản thân. Thay vì âu lo về những thách thức, có lẽ chúng ta nên nghĩ nhiều hơn về nghĩa lí của văn chương, lí do mình lên đường, năng lượng và cảm hứng mà mình nuôi dưỡng. Gạt bỏ đắn đo trước những khó dễ, có lẽ chúng ta cần bình thản hơn để từng bước hướng về phía những cánh cửa, tìm kiếm bản thân mình ở những biên độ khác, chơi một cuộc chữ nghĩa đến độ chứ không cầm chừng. Và cũng đừng tham vọng ở những câu trả lời, dường như chúng ta chỉ có thể đi tìm những câu hỏi mà thôi.
3. Trước hết, công việc sáng tác là câu chuyện cá nhân của người viết trẻ, nhưng vấn đề là thực hành sáng tạo của cá nhân cũng còn được đặt trong thực tiễn đời sống cộng đồng. Vì vậy, với người viết trẻ, khi lựa chọn bước vào con đường sáng tác, câu chuyện trách nhiệm với bản thân luôn được đặt ra song song cùng câu chuyện trách nhiệm với xã hội.
Trách nhiệm của mỗi người, theo tôi, trước hết thể hiện ngay chính ở lĩnh vực hoạt động của mình. Trách nhiệm của họa sĩ là vẽ, trách nhiệm của ca sĩ là ca hát, cũng như thế, trách nhiệm của nhà văn là viết. Việc duy nhất mà tác giả có thể làm được, đó là viết ra tác phẩm. Còn sau đó, tác phẩm có thể lan tỏa ra sao hay hữu ích như thế nào, đó là chuyện ngoài khả năng của tác giả. Tức là, trách nhiệm của người viết, trước nhất và cao nhất, là việc viết ra tác phẩm.
Tôi cho rằng, một trong những điều khó khăn nhất, một trong những yêu cầu quan trọng nhất trong quá trình viết là làm sao viết ra được đúng điều mình nghĩ, bằng kí ức của chính mình, bằng hình dung của chính mình. Chỉ như thế, tôi mới có cơ hội và hi vọng có thể cất lên tiếng nói dứt khoát trực diện, có thể đi thẳng vào các vấn đề trung tâm và tìm ra tiếng nói của thế hệ mình, bản thân mình.
Nếu tôi kể được ra câu chuyện bên trong mình, bằng tất cả sự thành thật với bản thân, thì không còn gì tuyệt vời hơn. Bởi, như người ta đúc kết, cái gì độc đáo nhất thì cái đó phổ quát. Chỉ cần được kể ra một cách thành thực, câu chuyện riêng của tôi cũng chính là một phần trong câu chuyện chung của thời tôi sống.
Văn chương không thể giúp con người chống chọi dịch bệnh, đương đầu thiên tai, cứu sống cánh rừng, làm sạch sông hồ, cung cấp việc làm và sinh kế cho người nghèo khổ…, nhưng văn chương giúp chúng ta vun trồng ý thức, nuôi dưỡng ước mơ làm những điều tốt đẹp đó. Văn chương không thể thay đổi con người, nhưng nó thôi thúc con người thay đổi. Vì thế, trách nhiệm của người viết trước hết vẫn là phải viết - viết có trách nhiệm.
P.V.V
VNQD