Rốt cuộc thì nhân vật nào hạnh phúc hơn nhân vật nào? Và nhân vật nào xấu hơn nhân vật nào? Mỗi cách tiếp nhận của mỗi độc giả sẽ có những đáp án tương ứng. Thông qua Xấu, có thể nhìn nhận nỗ lực của nữ nhà văn khi tái hiện nỗi đau ngầm ẩn của tuổi dậy thì mà trước đây người ta thường xem nhẹ.
Cuốn tiểu thuyết Xấu (2019, Nxb Hội Nhà văn) của nhà văn Nhật Natuso Kirino bắt đầu với lời kể của tôi (một nhân vật không có tên), một đứa con gái lai sống trong gia đình gia trưởng, thường thấy ở các gia đình Nhật Bản nói riêng và châu Á nói chung. Tôi và em gái Yuriko đều là con lai trong một gia đình cha là người Đức, mẹ là người Nhật. Có một thời gian dài cha mẹ của tôi đưa em gái sang Đức làm việc. Sau khi mẹ tự sát, bố nhanh có bạn gái mới, Yuriko tỏ ra giận dữ trở về Nhật sống và học cùng trường Q với chị gái. Trong quá khứ, sự ưu ái của cha mẹ đều dành cho Yuriko, cô em gái của“tôi” được mô tả là đẹp đến mức ma quái, khiến người khác có thể cảm thấy sợ hãi trong khi “tôi” chỉ được yêu thích một phần vì “đủ Tây tạo cho người Nhật cảm thấy thích thú và đủ phương Đông để quyến rũ người nước ngoài”. Sự thành công của Xấu không chỉ đến từ cốt truyện kiểu trinh thám cuốn hút với các lớp tình tiết thắt mở liên tục, sự chuyển giao trong điểm nhìn của người kể chuyện và các tuyến thời gian phi lí mà còn đến từ khả năng tái tạo hình ảnh các thiếu nữ với mặc cảm về ngoại hình, về xuất thân, luôn bị phán xét trong một xã hội luôn nhân danh nghệ thuật, nhân danh cái đẹp.
Nỗi mặc cảm tuổi dậy thì ở Xấu bắt đầu từ giai đoạn tôi bắt đầu vào trường Q. Với phương châm Độc lập, tự chủ và tự tôn, học sinh ở đây được khuyến khích cứ làm gì mình muốn vì chính họ phải tự chịu trách nhiệm về sự trưởng thành của bản thân mình nên có thể phán đoán nội quy ở trường khá lơi lỏng, để cho học sinh tự quyết là chính. Trong Xấu, trường Q là một một sự thu nhỏ của xã hội bên ngoài, ở đó váy đồng phục - thứ vốn xuất hiện trong trường học với mục đích ban đầu để xoá đi rào cản giữa các học sinh, đưa con người vào không khí sinh hoạt chung của tập thể giờ lại không còn giá trị đó nữa, thay vào đó đám học sinh lại quan tâm đến thâm niên học tập của các thành viên, những đưa học sinh con nhà giàu có đươc theo học từ nhỏ thường được đánh giá cao hơn những đứa mới chuyển vào. Đây cũng là khởi nguồn cho những mặc cảm của nhiều học sinh: mặc cảm về ngoại hình, về sự “quê mùa” và sự kém sự kém hấp dẫn của bản thân... Những mặc cảm này dễ bắt gặp ở tuổi dậy thì, ở thời điểm con người chỉ có hai môi trường để bận tâm, đó là gia đình và trường học. Và với các học sinh ở tầng lớp bị cho là thấp kém đó chỉ có một cách để họ lấy lại danh dự , đó là thành tích học tập xuất sắc, song chuyện này không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Chấn thương tâm lý trong giai đoạn dậy thì rất dễ gây tổn thương lâu dài, nó có thể ảnh hưởng suốt cuộc đời con người. Những tổn thương vốn được xem như “chuyện thường tình”, “ai chả bị” ở phái nữ giờ thì giờ đây ngày càng được chú ý hơn. Và tác giả Natsuo Kỉrino đã cố gắng đưa những tổn thương đó vào trong cuốn tiểu thuyết để đời của mình.
Tiểu thuyết Xấu của Natuso Kirino bản tiếng Việt.
Trường hợp bị mắc kẹt với mặc cảm tuổi dậy thì tương đối rõ ràng trong truyện ở nhân vật tôi. Tôi là nhân vật kể chuyện chính xuyên suốt cuốn tiểu thuyết song lại không có tên tuổi, không được định danh rõ ràng mà chỉ lặng lẽ tồn tại sau cái bóng của cô em gái Yuriko Hirata xinh đẹp. Tôi là một đứa trẻ bình thường, có một tuổi thơ vô cùng đơn độc và lớn lên trong sự ghét bỏ các thành viên khác trong gia đình, trong tôi đã có những vết rạn, cảm giác mất kết nối về sự lạc loài. Điều đó đã đẩy tôi vào thế phản kháng, từ chối tiếp nhận, thậm chí là căm ghét em gái mình và không ngần ngại tự thú những chuyện xấu xa trong quá khứ như: nhốt Yuriko ở ngoài đêm tuyết, tung tin Yuriko và Takashi có hành động mua bán dâm trong trường. Yuriko cũng là lời nguyền ảnh hưởng cuộc đời tôi mạnh mẽ nhất. Dù tôi không viết câu lời thừa nhận nào nhưng có thể bắt gặp ám ảnh của tôi với Yuriko xuyên suốt tác phẩm, thậm chí sau khi chết Yuriko vẫn còn ám ảnh tôi. Đó là hình ảnh Yuriko lúc còn bé ở ngôi nhà trên núi, rúc vào đầu gối Johnson; lúc ở suối nước nóng với đôi mắt như một con quái vật;... Nhưng ở một cấp độ sâu hơn có thể cảm nhận tiềm thức của tôi thực ra ám ảnh với điều gì khác chứ không hoàn toàn là Yuriko, đó là sự ưu ái đặc biệt của xã hội dành cái đẹp hay tinh thần được giải phóng, được tự do dưới định danh cá nhân của Yuriko Hirata.
Và cái tên Yurriko đó là nguyên do chia cắt tôi với gia đình máu mủ, cái tên đó tạo ra cho tôi nỗi ám ảnh ảnh bởi việc tôi không giống ba mẹ , họ vẫn luôn thường nói với tôi rằng “sao con chả giống em gái con tẹo nào?”. Nó cũng là đáp án cho tất cả sự biến động, sự hiện diện đã hay đổi mọi người xung quanh, là cảm hứng để tôi học hành chăm chỉ đến mất trí, cũng như bỏ cuộc, là cú huých cuối cùng đẩy tôi vào con đường làm điếm và làm tình với hình ảnh kẻ đã giết hại em gái mình, bạn bè mình.
“Mày là ai?” Tôi buột miệng.“Mày là loại yêu ma gì vậy?”
“Chị muốn nói gì?”
“Mày hẳn là một con yêu quái đội lốt người.”
Đến đây thì Yuriko bắt đầu nổi giận.“Còn chị là đồ chó.”
“Tao chỉ mong mày chết quách đi.”
Tôi không có kết thúc rõ ràng. Xuyên suốt Xấu, nhân vật tôi chưa thật sự đứng trước một rắc rối nào. Nhưng ở những trang cuối, từ sự phụ thuộc của Yurio (con trai Yuriko), cùng áp lực trước thực tại ông ngoại vừa qua đời và không có nơi nào để đi, tôi cũng đã bước vào con đường gái gọi ở tuổi trung niên như Kazue và Yuriko. Sự thù ghét bấy lâu với Yuriko của tôi dần chuyển hoá sang khinh bỉ chính mình.
Trong mắt tôi, Yuriko là cô em gái “đột biến gen” cùng cha mẹ mà chẳng chung gốc gác, là một con yêu quái đúng nghĩa: xinh đẹp nhưng giả tạo, ngu ngốc. Trong mắt Kazue, Yuriko là hiện thân của sự dâm loạn, sinh ra để làm chuyện gái đứng đường: “Một cô gái xinh đẹp nhưng rỗng tuếch như Yuriko không tài nào sống nổi nếu thiếu đàn ông.” Nhưng liệu đấy có phải tất cả?
Từ lúc còn nhỏ, Yuriko đã là một dấu vết ngoài cuộc. Một sinh vật lạ. Một tác phẩm mà người nhân danh nghệ thuật, nhân danh cái đẹp sẽ muốn lấy làm trưng diện khoe mẽ. Dù có gặp rắc rối, như xung đột với chị gái, Yuriko sẽ luôn có sự bao bọc của cha mẹ và gia đình Johnson. Đặc biệt với Johnson, người đàn ông (theo mạch nhật kí của nhân vật) ba mươi tuổi và đã có gia đình, Yuriko đã phát sinh quan hệ cũng như có một đứa con bí mật khi đang lưng chừng 15: không rõ ràng là mối quan hệ yêu đương chân chính, hay chỉ là một con người đang khao khát tình cảm không điều kiện của một người cha. Bản thân Yuriko ý thức rất rõ về lợi thế ngoại hình liêu trai của mình, và cả tôi cũng ít nhiều ý thức được những bất hạnh của các nhân vật ít nhiều đều dính dáng tới gương mặt của Yuriko.
“Nếu có thể đoán được tính cách và vận mệnh của một người chỉ bằng quan sát khuôn mặt và hình thể bên ngoài thì tại sao Yuriko xinh đẹp lại có một kết cục thê thảm đến vậy? Yuriko xinh đẹp và ngốc nghếch! Trên khuôn mặt của con bé hẳn phải có một khuyết điểm nào đó khiến số phận nó thành ra thế này. Hay có lẽ chính vì nó quá hoàn hảo?”
Mất phương hướng và rơi vào bi kịch làm điếm ở tuổi dậy thì, với những vết rạn tự huỷ sau loạt biến cố trước khi quay về Nhật: mẹ tự sát, ba đưa nhân tình về nhà, chị gái chối bỏ mối liên kết máu mủ, người đàn ông đầu tiên (chú Karl) cưỡng ép chụp ảnh khoả thân, đã ám thị cô đến mức cô đã tự nhận thức: gương mặt của cô và số mệnh của cô chính là để làm gái điếm.
“Tôi khao khát được đàn ông thèm muốn. Tôi thích làm tình. Tôi thích làm tình tới mức muốn ngủ với càng nhiều đàn ông càng tốt.”
Trở lại Nhật và nhập học trường Q theo diện kikokushijo (diện học sinh từ nước ngoài về), mà trên hết là thông qua bằng sự hứng thú của giáo sư Kijima, Yuriko dường như đã trở thành món đồ chơi tiêu khiển của người khác và không ngoài dự đoán của tôi, Yuriko được đón tiếp một cách nồng hậu, như thế giới vẫn luôn chào đón “con bé”. Dù vậy sau khi bị lộ tẩy chuyện dẫn khách với Takashi, Yuriko theo học đến năm cuối ở trường và trở thành người mẫu cho tạp chí an-an (cũng đồng thời làm một con điếm), tiếp đón những hạng đàn ông trượt dốc thảm hại như cuộc đời của chính con bé. Bi kịch của Yuriko chỉ thật sự kết thúc dưới tay Zhang, một kẻ xấu, trong một hình hài xấu và một không gian xấu.
“Sau hai mươi năm làm điếm, tôi đã nhận ra được bản chất thực sự của đám đàn ông. À mà có lẽ phải nói là bản chất thực của chúng ta thì đúng hơn. Sâu trong tâm khảm, đàn ông rất ghét những người đàn bà đi bán thân. Còn những người phụ nữ phải bán mình thì ghét bọn đàn ông bỏ tiền ra mua họ. Để hai loại người ấy ở cùng với nhau với bằng ấy thù ghét gộp lại thì sớm muộn cũng có người này giết người kia. Tôi chỉ đợi ngày ấy xảy ra. Và tôi cũng chẳng định chống trả làm gì. Tôi sẽ kệ để cho người ta giết.”
Nhân vật Kazue Sato, bạn học cũ của tôi và Yuriko, cũng là một trường hợp mắc kẹt trong nỗi mặc cảm tuổi dậy thì, đây là một nhân vật nhiều phần tương đồng với Yuriko và tôi. Kazue cũng là một nạn nhân bất hạnh, kiểu người nhẹ dạ cả tin nhưng có tham vọng, đối với cô thì “bằng mọi cách phải thích ứng với tầng lớp giàu sang ở trong trường”. Kazue cũng nhận thức bản thân không có lợi thế về ngoại hình nên luôn cố gắng để trở thành kẻ giỏi nhất ở nhiều lĩnh vực, muốn có sự chú ý của người khác thông qua sự hiểu biết của mình (cũng vì vậy mà nổi tiếng vô duyên và trở thành mục tiêu bị bắt nạt). Khác với mục đích của tôi, Kazue đã ôm ước mong đổi đời khi vào trường Q lúc còn học tiểu học. Và với những người ra sức học hành như cô ta, nơi này vừa là địa đàng hy vọng vừa là rung chấn khủng hoảng tuổi niên thiếu. Nhưng ở một xã hội thu nhỏ như thế, với tinh thần trong sáng dần bị bóp méo, Kazue như một đứa ngốc với ảo tưởng hão huyền và bị lừa bịp.
Nhà văn Natuso Kirino không đề cập quá nhiều nhưng có thể bắt gặp ám ảnh cân nặng của Kazue ở tuổi dậy thì. Cô ta thích thú với cái cơ thể gầy tong teo hợp xu thế thời trang và hơn hết là được đàn ông yêu thích của mình nhưng cũng đồng thời uống một dạng thuốc giảm cân và có nỗi sợ với tuổi trưởng thành kể cả khi đã ngoài ba mươi. Thực tế, tình tiết này không quá mới trong các bộ phim điện ảnh khai thác về nỗi mặc cảm của tuổi niên thiếu song cũng là một chi tiết đắt giá, cho thấy mặc cảm của tuổi dậy thì cũng có thể mang di chứng lâu dài, thậm chí kéo dài đến cuối đời.
Khác với sự giác ngộ của Yuriko, dường như việc đứng đường chỉ là một công cụ, một loại hình thức để Kazue tìm ra sức hấp dẫn của mình với đàn ông chứ không thật sự là đam mê tự thân như Yuriko. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy Kazue vào con đường làm gái gọi, khao khát được công nhận và có chỗ đứng. Hay thực ra cô ta chọn hành nghề để trả thù chính mình, trả thù cái thế giới bất công trong tâm tưởng của cô ta bằng cách bắt đàn ông phải bỏ tiền ra để mua thân xác đàn bà?
“Tôi chưa bao giờ được tự do hay hạnh phúc như thế này. Tôi có thể thỏa mãn bất cứ yêu cầu nào của đàn ông. Tôi là một phụ nữ tốt.”
Bên cạnh mặc cảm về ngoại hình, Kazue còn mang mặc cảm về xuất thân. Sợ bị trở thành đối tượng bị trêu chọc là quê mùa mà không dám nhận chiếc tất xanh thêu tay logo Ralph Lauren màu đỏ ở trên cùng của mình. Từng có thời điểm tôi và Kazue thân thiết, dựa trên khả năng đồng cảm việc bị chối bỏ và mặc cảm tuổi dậy thì của cả hai, nhưng sự thân thiết đó đã chấm dứt khi lên đại học, mà lý do tôi biết tương đối rõ ràng, đó là vì Kazue bắt đầu quan tâm tới Yuriko nhiều hơn (mà ban đầu với hứng thú thăm dò về Takashi, người mình thích thầm và sau này vì có liên kết của những người cùng hành nghề đứng đường). Hai người chỉ liên lạc sau khi Yuriko mất, cũng không lâu trước khi Kazue bị giết hại theo cách tương tự. Cái chết của Kazue cay đắng, chết với niềm khao khát được một ai đó đối xử nhân từ, trong cảnh ngộ mà chính cô ta vẫn còn day dứt: điểm cuối của một đời cố gắng tại sao lại rẻ mạt đến khốn cùng như vậy?
“Xin ai đó hãy nói với tôi.
Hãy gọi tên tôi và mang tôi ra khỏi đây. Xin các người, xin các người.
Tôi xin các người hãy nói với tôi một lời tử tế.
Hãy nói với tôi rằng tôi dịu dàng, tôi đẹp.
Hãy mời tôi đi uống cà phê hay hơn thế nữa…
Hãy nói với tôi rằng bạn muốn ở bên cạnh tôi cả ngày, và chỉ mình tôi mà thôi.”
Bên cạnh đó, còn có trường hợp mặc cảm tuổi dậy thì trong thầm lặng của Mitsuru. Mitsuru chính là người đưa cho Kazue đôi tất mới, giải vây cho Kazue khỏi trò trêu chọc của bạn trong lớp. Thành tích học tập ổn định, có tài năng khiêu vũ, tính cách có phần trầm lắng hơn vẻ khoe mẽ của bọn học sinh lâu năm. Với lối ứng xử văn hoá lịch thiệp, Mitsuru đã tạo được thiện cảm với tôi và trở thành bạn tốt. Mitsuru cũng là nạn nhân của mặc cảm xuất thân, từng bị bắt nạt vì mẹ là chủ của một quán bar hồi cấp hai nên sau này cô ấy đã thuê một căn hộ ở quận nhà giàu Minato và giấu nhẹm chuyện gia đình mình sống ở quận P, nghiễm nhiên đồng lõa với đám học sinh cũ và trở thành người gần gũi nhất với những người thuộc nhóm kì cựu. Mitsuru yêu thầm thầy giáo sinh học Kijima, còn mẹ cô ấy và ông ngoại của tôi có một quan hệ đặc biệt (cũng là xung đột dẫn đến hai người từ chối liên lạc và chỉ hội ngộ ở buổi xét xử vụ án của Yuriko và Kazue). Sau này Mitsuru đỗ vào Đại học Y Tokyo như cô ấy mong muốn, cũng là người đứng đầu khoa và là một trong những bác sĩ giỏi nhất ở bệnh viện nhưn cô lại vướng vào tù tội với các cáo buộc bắt cóc, cưỡng ép nạn nhân sử dụng chất cấm vì cô là thành viên của một nhóm dị giáo trong 6 năm.
Vậy thì Mitsuru đi chệch hướng từ bao giờ? Từ đâu? Sự xấu hổ và ăn năn vì có một người mẹ đã huỷ hoại phần đời của ông ngoại của bạn và bạn mình? Hay ngay từ lúc bắt đầu tuổi niên thiếu, sự nhu nhược đã đẩy Mitsuru vào một cuộc đời vô định, không rõ ràng, với tâm lý âu lo và nỗi mặc cảm sợ thất bại? Như kẻ mất phương hướng sống với niềm tin rằng nếu gia nhập giáo phái lạ kia thì sẽ có một vị trí xã hội cao hơn. Song Mitsuru đã trả giá cho những hành động bồng bột của mình. Tuy nhiên cô cũng tìm được cho mình một lối thoát, và cũng có thể là nhân vật duy nhất trong tiểu thuyết thoát ra được mặc cảm tuổi dậy thì và tiến tới kết hôn.
“Một phụ nữ mà không biết chính mình sẽ không có lựa chọn nào khác là phải sống bằng thước đo của người khác. Mà trên đời này thì làm gì có ai có thể hợp nhãn tất cả mọi người. Đây mới chính là nguồn gốc của sự tự hủy hoại.”
Đọc song tiểu thuyết Xấu chúng ta có thể thấy Tôi và Yuriko, Mitsuru, Kazue đều là những nạn nhân đáng thương với những thương tổn bị vì quy chụp, đó là là nỗi đau không dễ gì vượt qua. Khởi nguồn của những thương tổn đó chính là sự ám ảnh đến từ ngoại hình, mặc cảm xuất thân và hành trình truy tìm căn tính. Ở độ tuổi quá trẻ và quá đỗi chênh vênh, họ (có thể là đại diện cho một thế hệ chưa được định danh) dần trở nên lạnh lùng và mất kết nối với xã hội. Nhưng nỗi mặc cảm của tuổi dậy thì đâu chỉ xuất hiện ở nữ giới. Chúng cũng xuất hiện ở những cậu bé thiếu niên, chẳng hạn như Zhang, hắn luôn mặc cảm vì xuất thân nghèo đói, hơn nữa hắn còn bị ám ảnh với lời trăng trối của ông nội: “Trong gia đình chúng ta có một kẻ sát nhân.” Sau khi gia đình hắn tới Nhật bất hợp pháp lời tiên đoán đó đã ứng nghiệm. Trong hắn phát tiết loại tình cảm nam nữ giấu kín với em gái và hắn trút những ẩn ức đó lên thân xác Yuriko, để rồi chính hắn từ nạn nhân của bạo lực trở thành tội phạm bạo lực. Hay là sự vô tâm, thiếu vắng chăm sóc của cha mẹ ở tuổi dậy thì cũng là bước đệm đẩy Takashi vào con đường tội phạm với nỗi ám ảnh chẳng thể nào thoát được.
Rốt cuộc thì nhân vật nào hạnh phúc hơn nhân vật nào? Và nhân vật nào xấu hơn nhân vật nào? Mỗi cách tiếp nhận của mỗi độc giả sẽ có những đáp án tương ứng.. Thông qua Xấu, có thể nhìn nhận nỗ lực của nữ nhà văn khi tái hiện nỗi đau ngầm ẩn của tuổi dậy thì mà trước đây người ta thường xem nhẹ. Những phát hiện này cần được lên tiếng và lan tỏa để mỗi đứa trẻ niên thiếu trong mỗi chúng ta phần nào được chữa lành.
ĐỖ HOÀNG BẢO CHÂU
VNQD