. QUYÊN GAVOYE
Pháo nổ đâu đây, khói ngợp trời
Nhà nhà đoàn tụ dưới hoa tươi
Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy
Một áng thơ đề nét chẳng phai
(Thơ xuân - Nguyễn Bính)
Mùa xuân là mùa đoàn viên, mùa yêu thương, mùa của chồi non và sắc biếc, mùa của ánh sáng lung linh, của những câu từ hoa mĩ cùng những suy nghĩ tươi vui, mùa của sự tái sinh và hạnh phúc. Và có lẽ vì thế mà ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, mùa xuân cũng là mùa có nhiều áng thơ dạt dào cảm xúc nhất, dễ thương nhất. Thế nên sẽ chẳng có gì là bất ngờ trước hiện tượng “lộc thơ”. Lộc thơ ở đây được hiểu qua rất nhiều hoạt động tôn vinh thơ ca thường diễn ra vào mùa xuân. Cũng bởi mùa xuân là mùa đâm chồi đơm lá và cũng là mùa nảy mầm của các áng thơ.
Mùa xuân của các nhà thơ 2022
Thế giới với “Mùa xuân của các nhà thơ”
Đầu năm 1998, nghị sĩ Jack Lang, cha đẻ của Ngày di sản (diễn ra vào hai ngày cuối tuần, thứ bảy và chủ nhật thứ ba của tháng 9 tại Pháp và sau đó trở thành một sự kiện trên khắp châu Âu) đồng thời cũng là người sáng lập Lễ hội âm nhạc chào hạ thường niên diễn ra vào đúng ngày lập hạ (ngày 21 tháng 6), người từng giữ chức vụ Bộ trưởng của các Bộ Văn hóa, Bộ Giáo dục dưới nhiều chính phủ khác nhau nảy ra ý tưởng tạo dựng một lễ hội văn hóa mới mang tên Mùa xuân của các nhà thơ (Le Printemps des poètes). Trong một bức thư gửi nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Catherine Trautmann, vào ngày 19 tháng 1, ông đã viết dưới nhan đề “Nước Pháp trong thơ ca” (La France en poésie) để đưa ra ý tưởng tạo dựng một phong trào văn học nhằm tôn vinh truyền thống thơ ca của nước Pháp, đất nước sinh ra những Victor Hugo, Arthur Rimbaud, Charles Baudelaire, Louis Aragon, Guillaume Apollinaire và hàng chục tên tuổi khác giúp đánh dấu vị thế của nền văn học Pháp trên bản đồ văn học thế giới. Rồi cũng giống như những ý tưởng khác của ông, những ý tưởng đáp ứng được nhu cầu văn hóa cộng đồng của tất cả mọi tầng lớp, thế hệ trong xã hội, Mùa xuân của các nhà thơ ngay lập tức được đón chào nhiệt thành. Rất nhanh phong trào được phát triển lớn mạnh và trở thành một phong trào mang tính quốc gia vào mỗi dịp lập xuân (ngày 21 tháng 3).
Theo ý tưởng của J. Lang, hàng năm Bộ Văn hóa Pháp sẽ chọn những tuần đầu tiên của mùa xuân để tổ chức lễ hội Mùa xuân của các nhà thơ bằng nhiều hoạt động sâu rộng từ nông thôn đến thành thị, từ trường học đến các trung tâm văn hóa, nhà dưỡng lão và thậm chí cả trong các bệnh viện, tại các trung tâm giáo dưỡng, nhà tù… Rất nhanh, với sự hưởng ứng nhiệt thành của quần chúng rộng khắp, lễ hội tôn vinh thơ đã không chỉ dừng lại ở biên giới nước Pháp. Cũng giống như hai phong trào Ngày di sản và Lễ hội âm nhạc chào hạ sau vài năm đã được các nước châu Âu hưởng ứng và trở thành những ngày hội văn hóa chung của toàn châu thì Mùa xuân của các nhà thơ cũng không cần nhiều thời gian để lan rộng ra quốc tế. Ngày nay không chỉ ở Pháp, mà các nước láng giềng như Bỉ, Ý, Luxembourg, Tây Ban Nha..., Mùa xuân của các nhà thơ đã trở thành một trong những hoạt động lễ hội văn hóa thường niên vào mỗi độ lập xuân.
Mùa xuân của các nhà thơ 2023
Từ một mầm ý tưởng đến những mùa xuân thơ
Mùa xuân 1999 khi ý tưởng của J. Lang được đề xuất, Paris dưới sự lãnh đạo của Emmanuel Hoog và André Velter đứng ra thực hiện phong trào thơ lần đầu tiên từ ngày 21 đến ngày 28 tháng 3. Ngay sau khi sự kiện kết thúc với thành công ngoài mong đợi, rất nhiều thành phố khác tại Pháp lần lượt thể hiện mong muốn tổ chức tuần lễ thơ xuân trong mùa tiếp theo.
Vài năm sau, Alain Borer (nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà văn và cũng là chuyên gia phê bình thơ Arthur Rimbaud) cùng với Jean-Pierre Siméon (nhà thơ đồng thời cũng là tác giả của nhiều cuốn kịch và tiểu thuyết Pháp) tạo thêm một bước tiến mới cho phong trào Mùa xuân của các nhà thơ với thành công trong việc tạo dựng một Trung tâm Thơ thành cơ quan đại diện của Mùa xuân của các nhà thơ nhằm mục đích kéo dài các hoạt động của tuần lễ thơ trong suốt thời gian còn lại của năm.
Việc thành lập Trung tâm Thơ đánh dấu một bước tiến mới của phong trào hoạt động văn hóa còn non trẻ này, một mảnh đất mới để gieo mầm những hạt thơ. Trung tâm Thơ với vai trò lập kế hoạch và định hướng các hoạt động thơ trong quần chúng đã cho ra đời rất nhiều ý tưởng đưa thơ vào cuộc sống hàng ngày. Trung tâm Thơ thông qua việc thành lập Văn phòng Trung ương và Hợp tác với nhà trường xây dựng chương trình dạy học qua các vần thơ trong suốt chiều dài của năm học, chương trình này được thực hiện với sự phối hợp của các trường học (thậm chí là lớp học, tùy vào dự án giảng dạy của mỗi giáo viên trong năm) đối tác hoặc liên kết trực tiếp với nhiều cơ sở đào tạo thanh thiếu niên, tạo cơ hội gặp gỡ với tác giả trong suốt một năm học, thúc đẩy việc đọc, khuyến khích học sinh viết thơ. Ngày nay Trung tâm Thơ mọc ở khắp nơi, tại Bỉ, Thụy Sĩ, Áo và rất nhiều nước khác ở châu Âu, việc giảng dạy thơ vì thế mà diễn ra ở khắp mọi nước.
Không dừng lại ở các đối tượng học sinh, sau thành công của các hoạt động Mùa xuân của các nhà thơ tại thành phố Paris, rất nhiều thành phố khác của nước Pháp, thậm chí của các nước láng giềng nói tiếng Pháp cũng muốn tham gia. Bộ Văn hóa Pháp đã thiết lập điều lệ đưa Mùa xuân của các nhà thơ thành một thương hiệu mang tính quốc gia với danh hiệu “Làng Thơ” hay “Thành phố Thơ”. Đây là danh hiệu có tính văn hóa và được Bộ Văn hóa công nhận, nó được trao cho các thành phố dành cho thơ một vị trí nổi bật trong đời sống địa phương và trong chính sách văn hóa của thành phố. Các đô thị phải đáp ứng ít nhất năm tiêu chí trên tổng cộng mười lăm tiêu chí đề ra trong điều lệ. Danh hiệu này được trao trong ba năm sau khi đã có kết quả đánh giá của một ủy ban đại diện cho hội Mùa xuân của các nhà thơ. Sau ba năm lại diễn ra một cuộc đánh giá khác để xác định việc duy trì danh hiệu đồng thời tạo động lực cho các địa phương tiếp tục duy trì các hoạt động. Việc trao danh hiệu sẽ diễn ra trong quá trình đổi lấy cam kết lâu dài từ chính quyền thành phố với các sáng kiến bền vững dành cho thơ ca nhằm củng cố các hoạt động văn hóa địa phương. Mùa xuân của các nhà thơ khuyến khích mạnh mẽ các hoạt động hướng tới việc lan tỏa rộng rãi các giọng thơ (mời các nhà thơ đến đọc sách, gặp gỡ hoặc các trại sáng tác, hoạt động lưu trú sáng tác đồng thời với việc tuyển chọn và in ấn các tuyển tập thơ địa phương...) Mùa xuân của các nhà thơ cũng đặc biệt chú ý đến những sáng kiến giúp thơ có thể tiếp cận với toàn thể xã hội, cũng như những sáng kiến đưa thơ vào không gian công cộng với việc đặt đường phố hoặc cơ sở công cộng mang tên các nhà thơ, tổ chức các không gian trưng bày thơ…
Mùa xuân của các nhà thơ 2024
Để tạo thêm không khí háo hức cho ngày hội Mùa xuân của các nhà thơ, mỗi năm ban tổ chức đề ra một chủ đề thơ. Có thể điểm ra đây các chủ đề nổi bật: năm 2001, năm đầu tiên khi ngày hội thơ trở thành phong trào thơ trên toàn lãnh thổ, Mùa xuân của các nhà thơ mang tựa đề “Thơ và ca”; năm 2003 là “Thơ ca thế giới”; năm 2020 là “Dũng cảm”; năm 2021 “Khát vọng”; năm 2023 với chủ đề “Biên giới”. Dĩ nhiên những chủ đề này không được chọn một cách ngẫu nhiên. Năm 2020, năm thứ hai của đại dịch Covid-19, thế giới tưởng như suy sụp nên rất cần sự động viên để vượt qua giai đoạn thử thách khó khăn này, do đó chủ đề “Dũng cảm” sẽ tiếp sức giúp con người vượt qua thử thách. Và năm nay 2024, ngày hội thơ được bắt đầu từ ngày 9 đến 25 tháng 3 với chủ đề “Duyên dáng” (La Grâce) nhằm cổ vũ cho sự kiện thế vận hội mùa hè Paris 2024, như lời giải thích của nhà thơ Sophie Nauleau trong chương trình ra mắt Mùa xuân của các nhà thơ 2024: “Duyên dáng từ ngôn từ và từ chính cơ thể mà các nhà thơ cũng như các vận động viên hay nhà thám hiểm hiểu rất rõ.” Tại Luxembourg, đất nước nằm giáp biên giới phía bắc với Pháp, sau 13 năm tổ chức Mùa xuân của các nhà thơ, năm nay ngay từ đầu tháng 1 khi chủ đề “Duyên dáng” được đưa ra đã đưa đến ý tưởng cho Bộ Văn hóa tổ chức một cuộc thi thơ “Cuộc thi đa ngôn ngữ Mùa xuân Trẻ” dành cho học sinh cấp hai, cấp ba và đại học ở Luxembourg. Cuộc thi kéo dài từ ngày 10 tháng 1 đến ngày 18 tháng 3 và công bố trao giải vào ngày 24 tháng 3, từ đó sẽ giới thiệu các tác phẩm đoạt giải tại hội thơ Mùa xuân của các nhà thơ của Luxembourg được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 4 năm 2024.
Sau mỗi kì lễ hội Mùa xuân của các nhà thơ, hàng năm các ban tổ chức hội thơ thường tuyển chọn các tác phẩm xuất sắc nhất in thành tuyển tập thơ để giới thiệu với đông đảo công chúng độc giả. Có thể nói các tuyển tập này đạt được ít nhiều thành công với số lượng bán ra trên thị trường lên tới hàng chục nghìn cuốn, con số tuy khá khiêm tốn so với các tác phẩm tiểu thuyết nhưng điều đó chứng tỏ thơ vẫn sống. Trên tờ tạp chí Challenges số ra tháng 3 năm 2015 có nhận định như sau: “Bất chấp ưu thế của tiểu thuyết, thơ vẫn giữ được nhịp sống sôi động với những tiếng nói mới đang tìm cách được lắng nghe một cách khác biệt thông qua các hình thức như sân khấu, đọc thơ, giao lưu với giới trẻ và điều này là nhờ vào rất nhiều những đóng góp của phong trào Mùa xuân của các nhà thơ.”
Cũng giống như ngày hội Mùa xuân của các nhà thơ ở Pháp và châu Âu, Ngày thơ Việt Nam với lịch sử 21 năm tồn tại và phát triển đã trở thành một ngày hội mang tính toàn quốc, thành một sự kiện văn hóa được tất cả các tỉnh thành trong nước tôn vinh. Tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đó là dịp lễ hội rất rộn ràng và được truyền thông rộng rãi. Ngoài việc đọc và trưng bày các áng thơ hay, ban tổ chức còn tạo dựng khung cảnh của nơi tổ chức lễ hội như một sân khấu hoành tráng, đa sắc màu cùng các hoạt động tôn vinh thơ như đọc thơ, thư pháp, ca múa nhạc… Những người đến với hội thơ có thể thoải mái dạo chơi tận hưởng không khí mùa xuân vừa mới bắt đầu. Nhờ thế, các hoạt động ngày càng đưa thơ lại gần với đông đảo độc giả bao gồm những người yêu thơ và cả những người... sẽ yêu thơ. Ngày hội thơ bây giờ đã trở thành một ngày hội văn hóa trong tâm trí người dân Việt Nam
Q.G
VNQD