Ngành giáo dục học hai chữ “thật thà” của Bác Hồ!

Chủ Nhật, 24/03/2024 00:03

.NGUYỄN THỊ MAI HƯƠNG

I. Quan niệm của Bác hồ về trẻ em.

Trẻ em chiếm một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng nói chung và trong thơ nói riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thơ là tiếng nói của tình cảm. Bác Hồ luôn dành cho trẻ em một tình yêu thương đặc biệt nên Người làm nhiều thơ về trẻ em là điều dễ hiểu. Khảo sát 67 bài thơ tiếng Việt trong tập Hồ Chí Minh - thơ thì có tới 10 bài Bác viết về trẻ em, trong đó có 8 bài (chiếm gần 12%) Bác viết riêng cho trẻ em:

1. Kêu gọi thiếu nhi (1941)

2. Trẻ chăn trâu (1942)

3. Tặng cháu Nông Thị Trưng (1944)

4. Khen tặng hai cháu liên lạc trong bộ đội Chiến khu II (1947)

5. Thư Trung thu 1951 (1951)

6. Thư Trung thu (1952)

7. Gửi các cháu nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu 1953 (1953)

8. Gửi các cháu miền Nam (1965)

Bác Hồ dùng một hình tượng thật hay, mới lạ để chỉ trẻ em:

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.

(Kêu gọi thiếu nhi)

Hình tượng "búp" đã diễn tả rất đúng trạng thái lứa tuổi tâm sinh lý trẻ em: giai đoạn mới bắt đầu, non tơ, tinh khiết, hồn nhiên, trong trắng và thể hiện thái độ trân trọng, nâng niu, quý mến trẻ em của Bác Hồ. Cái "ngoan" của trẻ em thể hiện ở ba phương diện chủ yếu, quan trọng: ăn, ngủ, học hành. ở đây không chỉ đơn thuần chỉ là ăn, ngủ, học hành với ý nghĩa của những động từ thông thường mà là phải biết ăn, biết ngủ, biết học hành. Động từ "biết" đứng trước rất có ý nghĩa thể hiện tính chủ động của chủ thể trẻ em. Suy rộng ra ta có thể hiểu biết ăn ngủ, biết học hành ở các khía cạnh: giờ giấc (đúng giờ), nội dung (ăn cái gì, học cái gì), tư thế (ăn như thế nào, học như thế nào), vị trí (ăn ở đâu, học ở đâu).... Ý thơ thật sâu sắc, toàn diện còn tình thơ thật nhân văn.

Bác Hồ đánh giá rất cao vai trò của trẻ em. Trong thời kỳ nước nhà còn nô lệ Người coi trẻ em cũng là một "lực lượng", là một "bộ phận" của cách mạng:

"Nhi đồng cứu quốc" hội ta

ấy là lực lượng, ấy là cứu tinh

ấy là bộ phận Việt Minh...".

(Trẻ chăn trâu)

để góp phần cứu nước:

"Người lớn cứu nước đã đành

Trẻ em cũng góp phần mình một tay"

Có nghĩa là Người đã đặt hy vọng vào các em. Khi nước nhà vừa độc lập Người đặt trọn niềm tin cũng là giao trọng trách lớn lao cho thế hệ măng non của đất nước: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em"[1].

Bác Hồ với thiếu nhi. Ảnh: TL

Chính từ một quan niệm như vậy nên Người dành cho trẻ em một tình thương yêu đặc biệt. Trong thơ Bác dùng các từ: trẻ, con trẻ, trẻ em, trẻ con, nhi đồng, mục đồng, cháu, cháu yêu, các cháu để gọi trẻ em. Chúng được xuất hiện với tần số cao, trong đó các từ trẻ em, trẻ con mang sắc thái biểu cảm trung tính được dùng 11 lần, cháu, các cháu, cháu yêu với sắc thái thân mật, quý mến: 25 lần, nhi đồng từ Hán Việt với sắc thái trang nghiêm: 6 lần, chỉ duy nhất 1 lần Bác dùng từ mục đồng (trẻ chăn trâu) với ý nghĩa biểu cảm dân dã, quê mùa. Có khi tên bài thơ Bác dùng từ Hán Việt để tạo ra tính chất trang nghiêm của lời kêu gọi (Kêu gọi thiếu nhi) hay sự trân trọng của một vị Chủ tịch nước (Gửi các cháu nhi đồng...) nhưng trong nội dung bài thơ Bác lại dùng từ thuần Việt (các cháu) để biểu thị tình cảm gia đình gần gũi yêu thương. Có rất nhiều các từ yêu, thương yêu, nhớ thương mộc mạc chân tình:

Vở này ta tặng cháu yêu ta

Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là.

(Tặng cháu Nông Thị Trưng)

Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng...

Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung...

(Thơ Trung thu 1951)

Ai yêu các nhi đồng

Bằng Bác Hồ Chí Minh

(Thư Trung thu 1952)

Nhớ thương các cháu vô cùng

(Gửi các cháu miền Nam)

Khi còn trong nhà lao Tưởng Giới Thạch tiếng khóc của đứa trẻ nửa tuổi vọng vào thơ Người với bao nỗi xót xa: "Oa! Oa! Oa!...". Cái biện chứng trong thơ Bác là luôn đi tìm cái bản chất, cái linh hồn của sự vật, cái nguyên nhân của sự việc. Nếu nguyên nhân tiếng khóc của đứa trẻ trong nhà lao là vì "Cha trốn không đi lính nước nhà" thì nguyên nhân của nỗi "cơ hàn xót xa", "vất vả" của trẻ em Việt Nam trước 1945 được Người chỉ ra: "ấy là vì Nhật, vì Tây" (Trẻ chăn trâu). Yêu thương trẻ em nên Người có mối quan tâm đặc biệt với trẻ em. Trong ba năm đầu kháng chiến chống Pháp mặc dù phải lo vận nước "ngàn cân treo sợi tóc", thế mà Người vẫn dành thời giờ viết thư cho trẻ em, năm 1947: 4 lần (thư), năm 1948:
4 lần (thư), năm 1949: 6 lần (thư).

Dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất là tâm niệm của Người. Khi còn ở Liên Xô (cũ) những năm 20 của thế kỷ XX Người đã suy nghĩ: "Cái gì tốt nhất đều để dành cho trẻ em. Nếu nước Nga chưa phải là một thiên đường của tất cả mọi người thì nước Nga đã là một thiên đường của trẻ con... Thiên đường của trẻ em này không làm cho ông Nguyễn quên Tổ quốc Việt Nam. Trái lại, ông càng nghĩ nhiều hơn đến trẻ em nước nhà. Ông cũng muốn làm cho chúng sung sướng, mạnh khỏe như trẻ em Liên Xô"(3). Ngày 17-8-1945, Quốc dân Đại hội họp ở đình Tân Trào, "trong đoàn đại biểu nhân dân Tân Trào đến chào mừng thành công của Đại hội có mấy em bé. Hồ Chí Minh chỉ tay vào một em bé cởi truồng, bụng ỏng đít vòi và nói: Toàn thể chúng ta đều phải tìm mọi cách làm cho đất nước sẽ sớm không còn một cháu nào như cháu này, nghĩa là tất cả các cháu đều phải được ăn no mặc ấm và được học hành đến nơi đến chốn! Thay mặt ủy ban Dân tộc Giải phóng, tôi - Hồ Chí Minh xin thề sẽ không để cho trên Tổ quốc ta còn một cháu bé nào phải sống trong tăm tối và đói khổ như cháu bé đang đứng đây nữa”[2].

Hình tượng trẻ em trong thơ Người cũng luôn vận động hướng về tương lai, ở thì tương lai, luôn hướng về những điều vui vẻ, tốt đẹp. "Búp trên cành" là ở thế phát triển hướng về ngày mai. "Mai sau cháu giúp nước non nhà", "Tiến bộ luôn luôn", "Ngày càng tiến bộ", "Thu sau so với thu này vui hơn"... đều ở thì tương lai. Đây là một cái nhìn biện chứng nhất quán với quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến lược con người: "Ngày nay chúng là nhi đồng, 11 năm sau chúng sẽ là công dân, cán bộ. Vì vậy, Chính phủ, các đoàn thể, và tất cả các đồng bào có trách nhiệm giúp sức vào việc giáo dục nhi đồng". Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người để lại "muôn vàn tình thương yêu" cho tất cả mọi người và căn dặn toàn Đảng, toàn dân phải chú ý "bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau". Đó là cái nhìn thể hiện "văn hóa của tương lai" ở nhà thơ vĩ đại, nhà cách mạng kiệt xuất Hồ Chí Minh.

II. “Thật thà” là phẩm chất của con người rất được Bác quan tâm.

Theo nghĩa từ điển thì “thật thà” thuộc loại tính từ chỉ phẩm chất, là sự “tự bộc lộ mình một cách tự nhiên như vốn có, không giả dối, không giả tạo”, “đàng hoàng, không tham của người khác”, “tôn trọng sự thật”, “thành thật với chính mình”. Trong cấu trúc nhân cách cũng như trong các mối quan hệ xã hội của bất kỳ thời đại nào, người ta cũng coi “thật thà” là yếu tố nền tảng, là gốc. Là một nhà chính trị, nhà giáo dục lớn, tất yếu Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng phẩm chất “thật thà”. Khảo sát trong 15 tập (Hồ Chí Minh toàn tập, 2011) và các bài nói, bài viết lẻ, các câu chuyện… chúng tôi thống kê có hơn 100 lần Bác nói về “thật thà”. Ngày hôm nay, trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng ai cũng thuộc, có câu: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

1. Nhân dân Việt Nam khát khao cháy bỏng về một nền “độc lập thật thà”

Ngày 31-5-1946 trên báo Cứu quốc (số 254) có in bài Nói chuyện cùng đồng bào trước khi sang Pháp, Bác viết: “Sau hai lần gặp nhau giữa Thượng sứ Đácgiăngliơ với tôi, sau cuộc Hội nghị trù bị ở Đà Lạt, sau cuộc đón tiếp thân thiện của Chính phủ và nhân dân Pháp đối với đoàn đại biểu Quốc hội ta, tôi mong rằng cuộc đàm phán chính thức ở Ba Lê sẽ có kết quả tốt đẹp. Hai dân tộc Việt, Pháp sẽ đi đến cuộc cộng tác thật thà”[3]. Ý tứ lời văn rất mực giản dị, dễ hiểu thể hiện cái mục đích “cuộc đàm phán chính thức ở Ba Lê sẽ có kết quả tốt đẹp”. Muốn vậy, giữa “hai dân tộc Việt, Pháp” phải có “cuộc cộng tác thật thà”. Mảnh đoạn cấu trúc theo lối nhân quả nhưng “kết quả” được đặt lên trước, nguyên nhân được nhấn mạnh ở câu cuối, dồn tụ vào hai chữ “thật thà”. Nhiều lần Bác nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ cùng nhau xây đắp Liên bang Pháp quốc trên cái nền tảng dân chủ thật thà...”[4]. Người dùng hai chữ “Chúng ta” tức cả Chính phủ, nhân dân Việt Nam và Chính phủ, nhân dân Pháp, vừa là sự “ràng buộc” khéo, vừa là một khát khao mong mỏi về một nền hòa bình, dù Việt Nam có nằm trong “Liên bang Pháp quốc” nhưng phải trên cơ sở “nền tảng dân chủ thật thà”. Cũng trong Nhật ký hành trình..., Bác tái hiện thật sinh động nghi lễ đón tiếp, không chỉ là sự miêu tả không gian, còn toát ra một thái độ tha thiết mong muốn có hòa bình của tất cả dân chúng: “Đội quân danh dự cử bài quốc ca Việt và Pháp. Cụ Chủ tịch và đại biểu Chính phủ Pháp đứng chào cờ, rồi đi duyệt binh. Hàng nghìn kiều bào, trí thức, lao động, binh lính, phụ nữ, nhi đồng, đủ mặt các giới hoan hô, mừng rỡ, tưng bừng rộn rã. Hàng trăm người chụp ảnh và quay phim xúm xít chụp trước, quay sau. Trước khi lên xe, đại biểu Hãng Thông tấn Pháp đem máy truyền thanh lại xin Cụ nói mấy câu. Đại ý Cụ nói: Cảm ơn Chính phủ và dân chúng Pháp tiếp đãi một cách long trọng, mong sau này hai dân tộc Pháp và Việt cộng tác một cách bình đẳng, thật thà, và thân thiện”[5]. Kết lại vẫn là một mong mỏi cháy bỏng về sự “cộng tác một cách bình đẳng, thật thà, thân thiện”. Ở Pháp về, Người có Lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về, thông báo hoàn thành một nhiệm vụ lớn lao, cũng là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam: “Chúng tôi đã làm cho số đông người Pháp trở nên bạn hữu của dân Việt Nam, hết sức tán thành Việt Nam độc lập và Việt - Pháp cộng tác một cách thật thà, bình đẳng”[6]. Chỉ một câu văn thôi nhưng nổi ba vấn đề lớn, mà hôm nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, người ta vẫn coi đấy là ba trụ cột cơ bản để có một cuộc đối thoại văn hóa, vỏ câu chữ có thể khác đi nhưng nội dung thì vẫn nguyên vậy: “bạn hữu”; “độc lập”; “thật thà, bình đẳng”. Bác Hồ đi trước thời đại là như vậy!

Cũng khoảng thời gian sau khi ở Pháp về, Bác có Lời kêu gọi gửi Quốc hội và Chính phủ Pháp, khẳng định, nhấn mạnh quyết tâm Việt Nam “cộng tác thật thà” với Pháp: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết lòng cộng tác thật thà như anh em với nhân dân Pháp. Vì vậy đã ký Hiệp định 6-3 và Tạm ước 14-9”[7]. Ví dụ sau (Trả lời phỏng vấn của báo Chiến đấu) cho thấy một sự khát khao đến cháy bỏng về một nền “thống nhất độc lập thật thà”:

“Hỏi: Vì sao Pháp chưa điều đình với ta?

Trả lời: Vì thực dân Pháp đang mơ tưởng có thể dùng vũ lực mà chinh phục ta. Vì họ chưa hiểu rằng: Toàn thể dân ta đã kiên quyết kháng chiến, để tranh lại quyền thống nhất và độc lập”.

“Hỏi: Nếu Pháp điều đình với một nhóm người khác, thì thái độ của Chính phủ ta sẽ thế nào?

Trả lời: Bất kỳ Pháp điều đình với ai, nếu Tổ quốc ta được thống nhất độc lập thật thà, đồng bào ta được tự do dân chủ thật thà, thì Chính phủ ta và quốc dân ta sẽ thoả thuận. Bất kỳ ai mà phản bội quyền lợi của Tổ quốc và của đồng bào, thì Chính phủ và nhân dân ta sẽ coi họ là những người phản quốc. Và cứ kháng chiến”[8]. Câu trả lời “Bất kỳ Pháp điều đình với ai, nếu Tổ quốc ta được thống nhất độc lập thật thà, đồng bào ta được tự do dân chủ thật thà, thì Chính phủ ta và quốc dân ta sẽ thoả thuận” cho thấy Bác Hồ, Chính phủ cũng như dân tộc ta coi mục tiêu “độc lập”, “tự do” cao hơn tất thảy, sẵn sàng hy sinh cả quyền lợi chính trị cho mục tiêu ấy. Càng cho thấy Bác cũng như Chính phủ ta không hề tham quyền lực, danh vị, chức tước, mà tất cả đều vì “tự do cho đồng bào”, “độc lập cho Tổ quốc”.

2. “Đối phó mọi khó khăn” cũng trên nguyên tắc “thật thà”.

Đi tìm một hy vọng hòa bình, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam trên đất Pháp, mà lúc ấy Chính phủ cầm quyền thực dân mang bản chất của dã tâm ăn cướp và xâm lược, Bác rất biết và đã lường hết mọi sự khó khăn. Lời Bác nói với người Pháp cũng như nói với lòng mình, thành thật, thực tâm: “Chắc rằng chúng ta sẽ gặp nhiều sự khó khăn. Nhưng chúng ta sẽ đối phó với những sự khó khăn một cách thật thà với một lòng kiên quyết để chinh phục nó. Tôi chắc rằng: Chúng ta sẽ tránh những cái gì không hợp với công lý và không hợp với ích lợi chung”[9]. Sự thành thực ấy làm toát ra một nguyên lý đối thoại: thật thà với nhau “sẽ tránh những cái gì không hợp với công lý và không hợp với ích lợi chung”. Như vậy nền tảng “thật thà” vừa phù hợp với các nguyên tắc phổ quát chung (công lý) vừa hợp “lợi ích chung”, cụ thể của đôi bên.

Chung quanh chuyến thăm Pháp, khi Trả lời đại biểu các báo Việt Nam về chính kiến của Lêông Blum, Bác mượn lời của nhân vật – ông Lêông Blum, “chẳng những là lãnh tụ chính trị của Đảng Xã hội, mà lại là lãnh tụ đạo đức của nhân dân Pháp, mà có thể nói là của thế giới”. Lời nói “rất có giá trị và ảnh hưởng” này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Bác và Chính phủ ta: “Muốn giữ vững ảnh hưởng văn minh, chính trị và văn hoá Pháp, muốn giữ gìn lợi ích vật chất của người Pháp ở Việt Nam thì có một phương pháp và chỉ một phương pháp mà thôi. Phương pháp đó tức là hợp tác thật thà trên nền tảng độc lập, tức là lòng tin nhau và nghĩa thân thiện”. Chiểu theo lý thuyết diễn ngôn mới nhất của thế giới, lời nói chịu sự quy định của trường tri thức thời đại và quyền lực, thì lời trên của Lêông Blum (là lãnh tụ chính trị, lãnh tụ đạo đức) là một diễn ngôn mang tính thời đại. Một hàm ý toát ra: lời của ông Lêông Blum thống nhất với quan điểm của Việt Nam, do vậy phải tôn trọng quan điểm của chúng tôi. Mạch văn tiếp theo thật tinh tế của Bác vừa “bắc cầu” vừa mang tính ràng buộc đối phương: “Lời của cụ Lêông Blum chẳng những đại biểu cho tâm lý nhân dân nước Pháp, mà cũng có thể nói đại biểu cho tâm lý nhân dân Việt Nam. Việt Nam quyết lòng thật thà cộng tác với nhân dân Pháp như anh em, trên nền tảng độc lập, bình đẳng, quyết lòng tôn trọng lợi ích văn hoá và vật chất của nước Pháp ở đây”[10].

Trước khi buộc phải bước vào cuộc kháng chiến không hề mong muốn, Bác Trả lời các nhà báo lý giải rõ vì sao “ta phải kháng chiến”:

“- Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết ý nghĩa của cuộc chiến tranh này?

- Đáp: 1. Việt Nam không chiến tranh chống nước Pháp và dân Pháp vì ta muốn hai dân tộc Việt - Pháp cộng tác thật thà. 2. Nhưng tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc. Bọn thực dân phản động dùng vũ lực phá hoại quyền thống nhất và độc lập của dân ta, cho nên dân ta phải kháng chiến để giữ gìn đất nước”. Cho đến lúc này ở Bác vẫn cháy bỏng một ý nguyện “muốn hai dân tộc Việt - Pháp cộng tác thật thà”. Nhưng bọn thực dân phản động không thế nên chúng ta buộc phải kháng chiến.

“- Hỏi: Thực dân phản động và thực dân không phản động khác nhau chỗ nào?

- Đáp: Có những người tài chính và kinh tế Pháp muốn kinh doanh ở xứ ta. Họ hiểu rằng muốn kinh doanh sinh lợi, thì phải thật thà cộng tác với ta. Muốn cộng tác, thì phải để ta độc lập và thống nhất. Đó là hạng thực dân không phản động. Còn những bọn cứ muốn dùng âm mưu hoặc vũ lực để dìm ta xuống, đó là thực dân phản động”[11]. Ở ví dụ này toát ra một nguyên lý chung về “kinh doanh sinh lợi” là “thật thà”, với người Pháp thì “thật thà cộng tác với ta”, tức phải tôn trọng quyền độc lập, thống nhất của ta. Hàm ý câu văn còn đi xa hơn, “thật thà” là cái để phân biệt tốt xấu, phản động (xấu) và không phản động (tốt).

Trước cuộc chiến tranh không tránh khỏi, tuyên bố với thế giới, Bác vẫn kiên định coi trọng “cộng tác thật thà”, coi đó là nguyên tắc ứng xử trong mọi tình huống: “Trước bạo lực của thực dân phản động Pháp, chúng tôi cần phải tự vệ. Nhưng đối với nhân dân Pháp, chúng tôi vẫn giữ chính sách cộng tác thật thà[12]. Trong dịp Trả lời các nhà báo Việt Nam, nói về tình hình nước Pháp, Bác đưa ra cách giải quyết có lý có tình: “Hiện nay khó khăn nhất là vấn đề bánh mì và vấn đề các nước hải ngoại. Theo lời Thủ tướng Ramađiê, thì Pháp không đủ tiền mua lúa mì. Chắc nhân dân Pháp sẽ hỏi: Không có tiền mua lúa để nuôi sống nhân dân Pháp, sao lại có hàng muôn triệu mua bom để giết hại dân Việt Nam và dân Mađagátxca? Nếu nước Pháp muốn phục hưng và muốn giải quyết mọi vấn đề khó khăn thì không gì bằng cộng tác một cách thật thà và bình đẳng với các dân tộc hải ngoại. Nếu cứ dùng chính sách vũ lực ở hải ngoại, thì hoàn cảnh trong nước Pháp càng ngày càng khó khăn”[13]. Đây có thể coi là giải quyết vấn đề đối nội (bánh mì), đối ngoại (các nước hải ngoại) chung cho mọi quốc gia là “cộng tác một cách thật thà và bình đẳng với các dân tộc hải ngoại”. Những lời này Bác nói năm 1947, cách nay trên 70 năm mà vẫn thời sự, thậm chí trong bối cảnh mở cửa toàn cầu hóa thì đối ngoại được coi là trọng tâm, trong nhiều trường hợp còn mang tính quyết định.

Khi cuộc kháng chiến bùng nổ, tha thiết với hòa bình, không phân biệt tư bản hay không tư bản, Bác vẫn kêu gọi: “Chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước cộng tác thật thà với chúng tôi”[14]. Trong một lần trả lời phỏng vấn tiếp, Bác nhấn mạnh điều này và nêu rõ lý do: “Đồng thời chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước khác thật thà cộng tác với chúng tôi. Một là để xây dựng lại Việt Nam sau lúc bị chiến tranh tàn phá, hai là để điều hoà kinh tế thế giới và giữ gìn hoà bình”[15]. Chỉ có một tầm nhìn vượt thời đại mới có một quan niệm đối ngoại đa phương và mở rộng này. Nhiều quốc gia trên thế giới mãi đầu thế kỷ XXI mới có quan niệm ấy, ngay với chúng ta, sau khi thống nhất đất nước năm 1975 cũng chưa hiểu thấu tư tưởng về đối ngoại Hồ Chí Minh nên để lỡ những cơ hội “làm bạn với tất cả các nước dân chủ”, trong đó có “tư bản”. Chúng tôi xin lưu ý hai lý do Bác đưa ra, ở ngày hôm nay càng nên coi là bài học vàng: “Một là để xây dựng lại Việt Nam sau lúc bị chiến tranh tàn phá, hai là để điều hoà kinh tế thế giới và giữ gìn hoà bình”.

Là một người yêu hòa bình, cũng đồng thời là một “kiến trúc sư” của hòa bình, Bác Hồ ủng hộ tất cả những ai “thật thà” hướng về một nền hòa bình. Ngay những năm đầu kháng chiến, Bác khẳng định Cao ủy Pháp Bôlae: “Cao uỷ Bôlae là một nhà chính trị sáng suốt, chắc ông nhận thấy rằng muốn gây nên sự cộng tác thân thiện Việt - Pháp, thì chỉ có một cách là thừa nhận Việt Nam thống nhất và độc lập thật thà trong khối Liên hiệp Pháp. Vì vậy, ông đã nói: Chế độ thực dân đã chết rồi”[16]. Mô hình cấu trúc của câu đầu là một nhân - quả, vì “là một nhà chính trị sáng suốt” nên ông ta “nhận thấy” việc “thừa nhận Việt Nam thống nhất và độc lập thật thà trong khối Liên hiệp Pháp”. Cấu trúc này bật ra một khẳng định: thừa nhận Việt Nam “thống nhất và độc lập thật thà” là một “sáng suốt”. Nhưng cũng vì yêu hòa bình mà Bác Hồ vô cùng kiên định một nguyên tắc: “Bao giờ Việt Nam được thật thà thống nhất và độc lập thì chiến tranh sẽ kết liễu”[17].

3.Thật thà” để phơi bày, làm rõ một sự thật

Khi còn hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc mượn lời một người Pháp thực dân để “lột mặt nạ” bản chất khát máu hiểu chiến của chủ nghĩa tư bản: “Sau khi ca ngợi những cuộc đàn áp đẫm máu bằng những lời lẽ như vậy, bạn đồng nghiệp chúng tôi, tờ Sciences et Voyages đã thật thà thú nhận “ở bên đó thì cũng như ở trên đất Pháp, bọn bất lương vẫn còn quá đông, pháp lý vẫn cần phải nghiêm trị”[18]. Hai chữ “thật thà” được dùng thật “đắc địa” để lật tẩy sự thật ghê tởm, cả “thuộc địa” và “mẫu quốc”, ở đâu thì “bọn bất lương vẫn còn quá đông”. Trong Bản án chế độ thực dân Pháp, khi viết về Các quan cai trị, tác giả nêu ra một sự thật nhưng có sức mạnh lật tẩy cả một “chế độ cướp bóc”: “Tôi đã nói chuyện về các ông nghị thanh liêm. Bây giờ, tôi phải nói đến các quan cai trị có đạo đức. Như các bạn biết đấy, để bảo vệ cho một chế độ cướp bóc, phải có quân ăn cướp. Họa hoằn có một viên quan cai trị nào lại thật thà và hiểu biết hơn, lập tức viên ấy bị đàn lang sói quan thầy hay bè bạn xua đuổi đi ngay”[19]. Sự thật ấy là trong chế độ ấy “Họa hoằn có một viên quan cai trị... thật thà và hiểu biết...”, tức rất thiểu số. Nhưng vì thế mà người đó “lập tức... bị đàn lang sói quan thầy hay bè bạn xua đuổi đi ngay”. Thì ra chế độ ấy đối lập trời vực với sự “thật thà và hiểu biết”, tức một chế độ bất lương và thiếu hiểu biết!

Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ có Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (Nghệ An) căn dặn những việc làm cụ thể: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó.

Công việc phá hoại xong rồi. Nay bước đầu công việc dọn dẹp, sắp đặt, giữ gìn, kiến thiết. À! Việc này mới khó chứ! Trong việc phá hoại chống kẻ thù đòi độc lập thì dễ dàng kéo cả toàn dân. Trong việc kiến thiết thì khó kéo hơn, vì nó đụng chạm đến quyền lợi riêng của một đôi giai từng trong nước. Vả lại, chúng ta phải thật thà thừa nhận rằng kinh nghiệm chúng ta còn ít, tài năng chúng ta còn kém, mà công việc thì nhiều: nào quân sự, nào ngoại giao, nào tài chính..., trăm đầu nghìn mối, đều những việc mới lạ cho chúng ta. Lại thêm nguy hiểm ngoại xâm và tình hình nội trị”[20]. Ở đây Bác chỉ ra những khó khăn vì vừa phải đấu tranh chống ngoại xâm vừa phải lo lắng “tình hình nội trị”. Trong khi đó “kinh nghiệm chúng ta còn ít, tài năng chúng ta còn kém, mà công việc thì nhiều”. Bác dùng từ “thật thà” ở ngay sau chủ ngữ “chúng ta” vừa để khẳng định một thực tế vừa là cách động viên, vừa là sự nhắn gửi: nắm rõ thực tế sẽ có quyết tâm và biện pháp tháo gỡ.

4. “Thật thà đoàn kết”

Một hạt nhân trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng về đoàn kết. Theo Bác, cũng là một thực tế lịch sử, một nguyên lý cách mạng, thì chỉ có đoàn kết mới tạo ra được sức mạnh. Trong Lời căn dặn học viên trong Lễ khai trường Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, Bác nói: “Anh em có nhiều giai cấp, tư tưởng khác nhau, trước hết phải đoàn kết, đoàn kết thật thà. Phải có kỷ luật cả về tinh thần lẫn vật chất. Phải noi gương anh dũng của anh em binh sĩ hồi khởi nghĩa để làm gương cho các lớp về sau. Các anh em cần làm được như lời Tôn Trung Sơn đã nói: “Những người thanh niên tốt muốn làm việc to chứ không muốn làm quan lớn”[21]. Hai chữ “đoàn kết” được Bác nhấn mạnh “đoàn kết thật thà”. Trong lịch sử hôm qua và cả hôm nay vẫn thấy có một thực tế là “đoàn kết” bên ngoài, như dân gian có câu “Bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng”, tức “đoàn kết” giả vờ, giả hiệu. Đặt trong bối cảnh “Anh em có nhiều giai cấp, tư tưởng khác nhau”, càng thấy lời Bác dặn thật chí tình. Nhất là với thanh niên, chỉ có đoàn kết thật sự mới có thể làm “những người thanh niên tốt” để “muốn làm việc to”. Sau này, trong Diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương Đảng II (khóa 2), Bác nới tới vấn đề “thật thà đoàn kết”: “Trí thức công nông hóa tức là anh em trí thức cũng biết trọng lao động, cũng biết làm lao động, hợp thành một khối với công nông, nâng cao trình độ công nông về văn hóa lý luận. Đấy mới là thật thà đoàn kết”[22]. Ở đây Bác chỉ ra một giải pháp để “thật thà đoàn kết” là “trí thức cũng biết trọng lao động,... làm lao động” để hòa nhập vào “thành một khối với công nông”. Trong hoàn cảnh đất nước vừa phải kháng chiến cứu nước, vừa phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì giải pháp của Bác là hoàn toàn có lý, có tình.

Về quan hệ đối ngoại, quan niệm của Bác cũng là “thật thà giúp đỡ lẫn nhau”. Người trích ý của đồng chí Xtalin nói: “Kinh nghiệm công tác ấy chứng tỏ rằng không có nước tư bản nào có thể giúp các nước dân chủ mới một cách có hiệu quả và với một kỹ thuật tinh xảo, như Liên Xô đã giúp. Vì sự giúp đỡ ấy chẳng những giá rất rẻ, mà kỹ thuật lại là hạng nhất. Trước hết là vì sự giúp đỡ ấy dựa trên nguyện vọng thật thà giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phát triển kinh tế chung. Kết quả: chúng ta thấy công nghệ ở các nước ấy phát triển đều và cao” (Trích trong quyển Những vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô)[23]. Đặt lời trích này vào những năm thập kỷ 50, 60 của thế kỷ trước, thời điểm khối Xã hội chủ nghĩa trên thế giới đang hùng cường, thì đó là một thực tế, là một nguyên lý đối ngoại giữa các nước anh em. Hạt nhân của nguyên lý này là “thật thà giúp đỡ lẫn nhau” sẽ không bao giờ cũ.

5. Thật thà phê bình

Từng là một người lăn lộn trong các phong trào cách mạng quốc tế, là người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trực tiếp, tổ chức, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ thấu hiểu có những lúc, những nơi đoàn kết chỉ là khẩu hiệu, nên nhiều lần Người nhắc nhở, căn dặn: cán bộ, đảng viên: “Làm gương mẫu trong việc thi đua học tập, chiến đấu, tăng gia sản xuất, v.v... Thật thà tự phê bình và phê bình để luôn luôn tiến bộ”[24]. Từ mô hình cấu trúc mạch văn có thể hiểu, “thật thà” mới có thể “làm gương mẫu”, mới có thể “tự phê bình và phê bình...”.

Đánh giá cao vai trò, sứ mệnh cao cả của người đảng viên, Bác yêu cầu đảng viên phải trau dồi, rèn luyện để tiến bộ. Phê bình và tự phê bình là cách tốt nhất để “tự mình phải cải tạo mình”: “Các cô, các chú đều là đảng viên, cán bộ tham gia gánh vác nhiệm vụ cải tạo xã hội, làm cho nước nhà tốt đẹp hơn. Đó là một việc trường kỳ gian khổ. Muốn làm được thì tự mình phải cải tạo mình trước, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, thật thà kiểm thảo, nhờ anh em quần chúng phê bình. Tất cả chúng ta đều sinh trưởng trong xã hội cũ dưới sự thống trị của đế quốc phong kiến. Mọi người chúng ta dù muốn hay không muốn đều bị thói xấu của đế quốc phong kiến truyền vào người. Vì vậy ai cũng có khuyết điểm, không nhiều thì ít... Chỉ cần có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, cải tạo mình, cải tạo xã hội thì nhất định làm được”[25]. Ngày hôm nay chúng ta rất nên làm theo ý kiến của Bác về việc “mở rộng phong trào thật thà tự phê bình và phê bình” để ngăn ngừa sự thoái hóa, xuống cấp, nhất là trong việc chống tham nhũng: “cần phải thực hiện dân chủ, mở rộng phong trào thật thà tự phê bình và phê bình từ trên xuống, từ dưới lên, gây phong trào thiết thực chống quan liêu, tham ô, lãng phí”[26]. Ngày hôm nay đang có hiện tượng “trên nóng dưới lạnh” tức cấp cao thì triệt để, cấp cơ sở thì “chiếu lệ”. Theo quan điểm của Bác là “phê bình và tự phê bình” một cách toàn diện, hệ thống “từ trên xuống, từ dưới lên, gây phong trào thiết thực”. Bác từng căn dặn cán bộ, đảng viên, tự phê bình cũng như “rửa mặt”, ngày nào cũng “rửa mặt” thì vẫn có thể ngày nào cũng tự phê bình. Nhưng phải làm thật, nghiêm túc, như Bác yêu cầu: “... đảng viên bắt buộc, lúc kiểm thảo, phê bình, tự phê bình phải thật thành khẩn, đào đến tận gốc rễ ưu khuyết điểm, phải nói cho hết”[27].

Kết luận:

Phương ngôn người Việt dạy: “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà”; “Thật thà là cha quỷ quái”. Bác Hồ đã kế thừa và phát huy tinh thần ấy rồi trao truyền cho thế hệ trẻ. Ngày hôm nay, mỗi nhà giáo dục phải phát huy hơn nữa lời dạy của Bác cho các thế hệ tương lai.

NTMH

 

---------

[1] Thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường tháng 9-1945. Trong sách Làm theo lời Bác Hồ dạy - Nhà xuất bản Kim Đồng, 1966, tr.9.

[2] Báo Văn nghệ số 35 (2485) ngày 1-9-2007 ghi theo lời kể của nhà văn Nguyễn Đình Thi

[3] Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nxb Chính trị Quốc gia, tập 4, tr 273.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 401

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 389

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 468

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 518

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 84

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 400

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 525

[11] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 9

[12] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 138

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 145

[14] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 184

[15] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 200

[16] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 186.

[17] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 183

[18] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Sđd, tr 131

[19] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1. Sđd, tr 391

[20] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 19.

[21] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 271

[22] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 57

[23] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 128.

[24] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 35

[25] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 114

[26] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 132

[27] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 60.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)