Nhật kí trong tù hành trình đến với độc giả Nga và phương Tây

Chủ Nhật, 14/04/2024 07:18

. NGUYỄN THỊ NHƯ TRANG
 

Đời sống của một tác phẩm văn học không chỉ được nhìn từ góc chiếu của thời điểm tác phẩm ra đời, và không chỉ được khúc xạ qua tiếp nhận của độc giả bản địa mà còn ở một hành trình dài và lâu ở những nền văn hóa khác nhau. Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh ghi lại những quan sát của một người tù về cuộc sống xung quanh và những suy tư trăn trở lo lắng của một người cộng sản về vận mệnh, sứ mệnh của dân tộc mình. Nhưng đó không chỉ là những ghi chép đơn thuần riêng tư cá nhân. Ở Nhật kí trong tù bên cạnh những quan sát ghi chép và trăn trở cá nhân, người đọc còn tìm thấy sau những vần thơ đó là một cái nhìn nhân văn, một quan sát văn hóa và những góc nhìn cũng như cách tự trình hiện bản sắc văn hoá riêng. Có lẽ đó là lí do khiến Nhật kí trong tù được dịch ra nhiều thứ tiếng, được độc giả nước ngoài bàn luận và quan tâm.

Nhật kí trong tù với độc giả phương Tây như một thế giới để họ hiểu rõ hơn thế giới quan của một người theo chủ nghĩa cộng sản. Vì thế khám phá Nhật kí trong tù nghĩa là khám phá hệ tư tưởng, đọc và diễn giải tác phẩm này đồng thời là đọc và diễn giải ý thức hệ, một diễn ngôn chính trị khác biệt. Nhật kí trong tù đến với thế giới bên ngoài Việt Nam, không chỉ là đến với Liên Xô - nơi từng duy trì một diễn ngôn chính trị giống Việt Nam mà còn đến với độc giả Mĩ và phương Tây. Sự hiện diện của những bản dịch tác phẩm này bằng các thứ tiếng khác nhau cho thấy phương Tây mong muốn hiểu sâu về con người Hồ Chí Minh - cả con người thi sĩ và con người chính trị cũng như hệ tư tưởng mà Người theo đuổi.

Khi khảo sát việc tiếp nhận Nhật kí trong tù chúng tôi song hành khảo sát hai phương diện dịch thuật và nghiên cứu. Từ hai phương diện đó chúng tôi nhận thấy rằng phương Tây và Nga đón nhận tác phẩm này từ những lí do và quan sát tương đối khác nhau. Khi phân tích sự khác nhau đó, chúng ta có thể nhìn thấy thêm những ánh phản về các khía cạnh và giá trị của Nhật kí trong tù.

Nhật kí trong tù qua tiếp nhận của độc giả phương Tây

Trong 80 năm (1943 - 2023), Nhật kí trong tù đã vượt qua biên giới Việt Nam để đến với độc giả các nước phương Tây thông qua các bản dịch. Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại có một số bản dịch Nhật kí trong tù sang ngôn ngữ phương Tây như sau:

- Bản dịch Nhật kí trong tù từ tiếng Trung sang tiếng Đức do TS. Erhard Scherner thực hiện năm 2020.

- Bản dịch Nhật kí trong tù sang tiếng Anh, Đặng Thế Bình dịch, Phan Nhuận giới thiệu, Nxb Ngoại văn, Hà Nội, 1972.

- Bản dịch Nhật kí trong tù sang tiếng Anh, Aileen Palmer dịch, Harrison E. Salisbury giới thiệu, Nxb Bantam Books, 1971. Bản dịch này được in ở Mĩ. Ngoài ra bản dịch này cũng đã được in ở Nxb Ngoại văn (Việt Nam) năm 1962.

- Bản dịch Nhật kí trong tù sang tiếng Anh, Steve Bradbury dịch, Tinfish Press, 2004.

- Bản dịch Nhật kí trong tù sang tiếng Anh do Jenkins Christopher, Trần Khanh Tuyết và Huỳnh Sanh Thông thực hiện, in trong cuốn Prison notes của Phan Bội Châu.

- Bản dịch Nhật kí trong tù từ tiếng Việt sang tiếng Pháp (Journal de prison), Đặng Thế Bình dịch, Editions en Langues Etrangères, 1960.

- Bản dịch Nhật kí trong tù từ tiếng Việt sang tiếng Pháp (Carnet de prison), Phan Nhuận dịch, Nxb Pierre Seghers, 1963.

- Bản dịch Nhật kí trong tù sang tiếng Tây Ban Nha, Felix Pita Rodriguez dịch, Nxb LOM, Chile, 2003.

- Bản dịch Nhật kí trong tù sang tiếng Romania, do Lupeanu Constantin dịch.

- Bản dịch Nhật kí trong tù sang tiếng Phần Lan, do Pentti Saarikoski dịch, Nxb Tammi, Helsinki, 1969.

- Bản dịch Nhật kí trong tù sang tiếng Đan Mạch, do Vagn Søndergård dịch, Nxb Demos, 1970 (bản dịch được thực hiện dựa trên bản tiếng Pháp và đối chiếu với văn bản tiếng Trung).

Có thể thấy, việc dịch Nhật kí trong tù sang các ngôn ngữ phương Tây diễn ra từ khá sớm. Thập niên 60 của thế kỉ XX, độc giả phương Tây đã được tiếp xúc với tác phẩm này. Đến 20 năm đầu của thế kỉ XXI, việc dịch và tái bản các bản dịch vẫn còn tiếp tục diễn ra. Điều đó chứng tỏ sức sống, sức lan tỏa của Nhật kí trong tù đối với độc giả ở những nền văn hóa khác. Nơi in các bản dịch này không chỉ đơn thuần là Nxb Ngoại văn Việt Nam mà còn là những nhà xuất bản lớn, có uy tín trên thế giới như Nxb Bantam Tinfish Press của Mĩ hay Editions en Langues Etrangères của Pháp… Hầu hết các bản dịch sang các ngôn ngữ phương Tây đều được đại sứ quán các nước phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức lễ ra mắt sách, lan tỏa sức ảnh hưởng của tác phẩm đến đông đảo công chúng. Trong bức tranh phong phú về ngôn ngữ đích của hành trình dịch thuật Nhật kí trong tù, có thể thấy số lượng phiên bản bản dịch tiếng Anh chiếm ưu thế. Theo thống kê của chúng tôi, ít nhất có ba bản dịch tiếng Anh cuốn Nhật kí trong tù, được thực hiện bởi các dịch giả nổi tiếng và được in ở các nhà xuất bản uy tín, quá trình in được nối dài qua các thập kỉ khác nhau. Điều đó càng chứng minh Nhật kí trong tù đã và đang được đón nhận rộng rãi, các bản dịch tiếng Anh là cầu nối dễ dàng nhất để một lượng lớn bạn đọc trên thế giới hiểu thêm về Hồ Chí Minh - nhà cách mạng - người nghệ sĩ.

Quan sát các bản dịch Nhật kí trong tù ở các nước phương Tây chúng tôi nhận thấy có hai cơ chế/ con đường đưa tác phẩm đến với độc giả phương Tây xa xôi: người Việt Nam chủ động dịch Nhật kí trong tù ra các ngôn ngữ khác và các học giả phương Tây tự dịch sang ngôn ngữ của chính họ. Điều đáng lưu ý là những dịch giả dù người Việt hay người nước ngoài tham gia dịch Nhật kí trong tù đều là những học giả, nhà thơ nổi tiếng có sự am hiểu về văn hoá và thông thạo về ngôn ngữ. Chẳng hạn Aileen Palmer - người dịch Nhật kí trong tù sang tiếng Anh - là một trong những chuyên gia người Australia, được đào tạo bài bản và có mặt ở Việt Nam năm 1954, am hiểu văn hóa Việt Nam và có nhiều công trình dịch văn học cách mạng Việt Nam sang tiếng Anh. Trong nhóm dịch giả dịch Nhật kí trong tù sang tiếng Anh cũng cần phải kể đến nhà thơ, nhà phê bình Kenesth Rexroth và Steve Bradbury giáo sư của Đại học Hawaii at Manoa, những người dành nhiều tâm huyết để dịch và giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam ra thế giới. Người đầu tiên dịch và giới thiệu Nhật kí trong tù sang tiếng Pháp là luật sư Phan Nhuận - người có vốn Hán học uyên thâm, được đào tạo ngành luật, văn chương và lịch sử ở Pháp. Các dịch giả, những người dịch Nhật kí trong tù sang các ngôn ngữ khác hầu hết đều vừa là nhà thơ vừa là nhà ngoại giao và có thời gian làm việc, hoạt động ở Việt Nam.

Các thông tin khái quát về cả đội ngũ dịch, ngôn ngữ dịch, thời gian dịch, nhà xuất bản… như đã nói ở trên cho thấy một trong những định hướng đưa Nhật kí trong tù đến với độc giả phương Tây chính là thông qua đó để giới thiệu những nét bản sắc văn hoá Việt, tư duy con người Việt trong những khó khăn và thử thách cũng như chiều sâu tư tưởng nhân văn của nhà chính trị, vị lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Trong giới hạn tìm kiếm và sử dụng ngoại ngữ của mình chúng tôi nhận thấy không có quá nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về Nhật kí trong tù ở phương Tây. Song khi nói đến hành trình tiếp nhận của độc giả phương Tây với Nhật kí trong tù, có lẽ cần quan tâm đến một số luận điểm cơ bản ở các bài nghiên cứu và giới thiệu Nhật kí trong tù bằng tiếng Anh. Peter Zinoman trong công trình công phu có tên Constructing Memory/ Kiến tạo kí ức và phần viết về các hồi kí nhà tù của Việt Nam đã nhiều lần nhắc đến Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh. Để làm rõ sự nối tiếp của Nhật kí trong tù với văn học truyền thống Việt Nam cũng như việc biểu đạt bản sắc riêng của chủ nghĩa cộng sản mang màu sắc Việt, Peter Zinoman đã dẫn ý kiến của Trần Huy Liệu và Đặng Thai Mai về Nhật kí trong tù: “Năm 1960, Trần Huy Liệu đã ví tinh thần Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh với “ý chí quật cường và kiêu hãnh” của con chim trong tù Nguyễn Hữu Cầu. (…) Đặng Thai Mai, người đã tìm kiếm “một truyền thống lâu đời và mạnh mẽ của thơ trong tù” từ một số nhà thơ trong tù cổ điển của Trung Quốc và Nhật Bản (Lạc Tấn Vương [Lo Xinwang], Lý Thái Bạch [Li Po], và Văn Thiên Tường [Wen Tienxiang]) đến câu thơ trong tù thế kỉ 19 của Cao Bá Quát và cháu của ông là Cao Bá Nhạ.”

Hai năm sau khi Việt Nam và Hoa Kì bình thường hóa quan hệ, tạp chí Boundary 2 Vol. 23, No. 3 (Autumn, 1996), Nxb Duke University Press, đã in bài viết của Steve Bradbury Ho Chi Minh on the Morning of Our Invasion [Hồ Chí Minh trong buổi đầu của chiến dịch xâm lấn của chúng ta] đặt ra vấn đề trong thời đại thương mại toàn cầu, hình ảnh Hồ Chí Minh sẽ được hình dung như thế nào. Ông khẳng định, một trong những hình thức quan trọng nhất để xây dựng nên hình ảnh Hồ Chí Minh chính là dịch tác phẩm văn học của Người. Ông nói đến khó khăn của việc tìm kiếm một thể thơ tương ứng để dịch những bài thơ của Hồ Chí Minh như sau: “Việc dịch thơ thành thơ là công việc bất khả nhưng cần thiết và có thể nói là liên tục. Vào những năm sáu mươi và đầu những năm bảy mươi, khi thơ tự do vẫn còn có sức mạnh đáng kể như là một biểu hiện chính thức của sự phản kháng về chính trị và văn hóa, và khi các thể thơ có vần điệu và nhịp điệu truyền thống tỏa ra một mùi hương của sự nghiêm nghị và quy ước của thời Victoria, thì nó đã tạo dựng cả cảm thức thơ ca và chính trị nhằm để dịch thơ Hồ Chí Minh thành thể thơ tự do. Nhưng vào giữa những năm chín mươi, vào buổi hoàng hôn của Thế kỉ Hoa Kì, khi thơ tự do đã mất đi phần lớn sức sống của nó như một nơi thể hiện đối kháng chính trị và văn hóa, đó là thời điểm cần dịch thơ Hồ Chí Minh theo cách gợi ra sự hóm hỉnh và thông minh cùng với những gì mà ông đã viết vừa theo và lại chống lại một truyền thống hình thức.” Rõ ràng trong nhận định này Steve Bradbury đã nêu ra một cách hình dung về thơ Hồ Chí Minh và Nhật kí trong tù: một tinh thần tự do về cả chính trị và văn hóa vượt thoát khỏi mọi giới hạn, sự tích hợp của trí tuệ và tinh thần khiến cho tác phẩm vừa cổ điển lại vừa có sự vượt thoát ra khỏi những yếu tố hình thức cổ điển. Vì thế việc lựa chọn thể thơ, cách thức dịch để truyền tải hết thế giới tinh thần của Người với các dịch giả và các nhà nghiên cứu phương Tây luôn là một thách thức.

Nhật kí trong tù và hành trình tiếp nhận của độc giả Nga

Nhật kí trong tù đã được dịch ra gần 40 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới và được đông đảo độc giả thế giới đón nhận nhưng chắc chắn có một thông tin cần được nhấn mạnh chính là bản dịch Nhật kí trong tù ra nước ngoài đầu tiên là bản dịch tiếng Nga. Người đã dày công thực hiện công việc dịch thuật chính là nhà thơ nổi tiếng của Liên Xô P.Antokolsky. Hoàng Thúy Toàn trong cuốn Về vấn đề dịch “Nhật kí trong tù” ra tiếng nước ngoài và những dịch giả cho biết Antokolsky để hoàn thành được bản dịch đã có sự cộng tác và giúp đỡ của hai chuyên gia E.Fedortsov - người tốt nghiệp trường Ngoại giao Cao cấp Matxcova, biết tiếng Việt và từng giữ chức Bí thư thứ ba Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam từ 1954 đến 1958 và Nguyễn Tiến Thông - một phiên dịch viên thông thạo tiếng Nga, người đã cùng N.I.Nikulin soạn cuốn Từ điển Nga - Việt đầu tiên được xuất bản ở Matxcova năm 1961. Bản dịch tiếng Nga của Antokolsky được Nxb Ngoại văn in bằng tiếng Nga năm 1960 tại Matxcova, có lời tựa của chính nhà thơ Antokolsky. Đến năm 1975, bản dịch này tiếp tục được tái bản và có những chỉnh sửa nhất định. Lần cuối cùng Nhật kí trong tù được xuất bản ở Nga là năm 1985. Bản dịch tiếng Nga của Antokolsky cũng được sử dụng làm cơ sở để dịch Nhật kí trong tù sang ngôn ngữ của một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô.

Một trong những khó khăn của Antokolsky khi dịch cuốn nhật kí của Hồ Chí Minh chính là tìm thể thơ tương ứng trong tiếng Nga. Nhật kí trong tù được viết theo thể thơ Đường luật. Khi dịch sang thơ Nga, Antokolsky đã sử dụng cả hai cách gieo vần phổ biến với người Nga: ghép chéo và ghép đôi. Năm mươi phần trăm số vần được gieo trong bản dịch tiếng Nga là vần giống đực, khiến cho câu thơ diễn tả sát được tâm trạng, suy tư của nhân vật trữ tình. Antokolsky khi dịch cũng sử dụng kết hợp thể thơ iambus (thể thơ ngắn quen thuộc của người Nga) và các điệp khúc để tăng tính nhịp nhàng cho các vần thơ cũng như tạo sự gần gũi, dễ tiếp nhận đối với người Nga. Rất nhiều nhà nghiên cứu và dịch giả Nga cũng như Việt Nam đánh giá rằng bản dịch của Antokolsky đã chuyển tải được trọn vẹn nội dung tư tưởng và chủ đề của tác phẩm. Andreeva đã nhận xét rằng: “Hiện thực quốc gia được phản ánh trong tác phẩm cũng đã được lưu giữ lại trong bản dịch: hình ảnh về cuộc sống hằng ngày, thiên nhiên, phong tục dân tộc, lễ hội và sự kiện, văn hoá dân gian và những kí ức lịch sử.”

Nhật kí trong tù đến với nước Nga và đã được độc giả, các nhà nghiên cứu nhiệt thành chào đón, tiếp nhận. E.Kobelev, một nhà báo quốc tế nổi tiếng, một nhà Đông phương học đã cống hiến cả cuộc đời cho Việt Nam, đã làm việc ở đây nhiều năm vào thời điểm khó khăn nhất và là người biết rõ Hồ Chí Minh (người đã viết “tiểu sử chính trị” đầu tiên của Hồ Chí Minh) nhận xét rằng Nhật kí trong tù “...không chỉ là những câu thơ tứ tuyệt, đây là những suy nghĩ của tác giả lao từ bóng tối ra ánh sáng. (…) Chính ngọn lửa nội tâm đã giúp Người sống sót, tiết kiệm sức lực và một lần nữa trở lại hàng ngũ những người chiến đấu của cách mạng. Lòng dũng cảm tuyệt vời và tài năng thơ ca trong sáng - sự kết hợp này đã cho phép Hồ Chí Minh tạo nên một câu chuyện trữ tình tuyệt vời, nhân vật... là một chiến sĩ cách mạng, kiên cường, xa lạ với tuyệt vọng, tràn đầy niềm tin vững chắc vào ngày mai, vào thắng lợi công lí.” Simonov trong lời tựa cho cuốn Nhật kí trong tù bằng tiếng Nga đã viết “có cái gì đó nên thơ độc đáo trong diện mạo của Hồ Chí Minh”, theo ông “những bài thơ như vậy trong những hoàn cảnh như vậy chỉ có thể được viết bởi một người rất lành mạnh về đạo đức và có tinh thần mạnh mẽ”.

Ngoài những yếu tố đặc sắc về mặt nội dung và giá trị nhân văn của Nhật kí trong tù như các nhà nghiên cứu nhấn mạnh làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm này đối với độc giả Nga, theo chúng tôi, sự gần gũi của Nhật kí trong tù với độc giả Nga còn đến từ yếu tố hình thức thể loại: tác phẩm được sắp xếp theo thứ tự thời gian và địa lí theo chuyến hành trình rong ruổi của người tù. Vì thế tác phẩm này mang hình thức của một cuốn du kí - vốn là thể loại ưa thích của người Nga.

Với những quan sát và phân tích như trên, có thể thấy Nhật kí trong tù trong suốt 80 năm qua đã đến với độc giả Nga và phương Tây, được độc giả các nước đó quan tâm vì nhiều lí do khác nhau. Ở thế giới các nước phương Tây, dịch và đọc Nhật kí trong tù là công việc giúp họ hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa Việt, cũng như thế giới tinh thần của Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ của Việt Nam, người đại diện cho dân tộc, bản lĩnh và ý chí của con người Việt Nam. Với người Nga, hành trình tiếp cận Nhật kí trong tù là hành trình khám phá những giá trị nhân văn của tác phẩm, tìm kiếm sự tương đồng về văn hoá, tư tưởng giữa văn chương của hai dân tộc.

N.T.N.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)