. VĨNH YÊN
Tôi chắc rằng, khi sử dụng cách định danh “thơ trẻ”, dù muốn hay không, ý nghĩ về sự trẻ người non dạ, sự tập tành, chập chững, hay những sắc thái động viên, khích lệ mang ánh nhìn chiếu cố từ bên trên vẫn luôn hiện diện. Đó là một định kiến bám sâu vào tư duy của rất nhiều người. Nhưng, song hành với định kiến đó, người ta cũng không thể phủ nhận, địa hạt văn - thơ trẻ (rộng hơn là những dự án của người trẻ) là nơi nhìn ra nhiều nhất hi vọng cho tương lai, thậm chí, đã có những tiền lệ huy hoàng trong Thơ mới 1932 - 1945, nơi những đỉnh cao đột ngột vén mây nhìn xuống thế gian.
Câu chuyện sẽ luôn được nhắc lại khi lịch sử thi ca Việt Nam đã tạc giữ những đỉnh cao trẻ trung, sung sức như vậy. Thế Lữ in Mấy vần thơ năm 28 tuổi (sinh 1908, in tập thơ đầu năm 1935); Lưu Trọng Lư in Tiếng thu năm 28 tuổi (sinh 1911, in 1939); Hàn Mặc Tử in Gái quê năm 24 tuổi (sinh 1912, in 1936); Chế Lan Viên in Điêu tàn năm 17 tuổi (sinh 1920, in 1937); Xuân Diệu in Thơ thơ năm 22 tuổi (sinh 1916, in 1938); Bích Khê in Tinh huyết năm 22 tuổi (sinh 1917, in 1939); Huy Cận in Lửa thiêng năm 21 tuổi (sinh 1919, in 1940); Nguyễn Bính in Lỡ bước sang ngang năm 22 tuổi (sinh 1918, in 1940)… Kiểm kê này làm lộ ra một sự thật, tuổi tác chẳng can hệ gì mấy đến giá trị nghệ thuật và thành quả sáng tạo. Có thể, khi nghĩ về họ, chúng ta sẽ giật mình tiếc nuối, vì sự gặp gỡ muộn mằn hoặc nỗi tuyệt vọng vĩnh viễn không bao giờ thấy lại những đỉnh cao.
Trở lại hiện tại, nhìn vào đời sống thi ca đương đại, nơi các nhà thơ ở lứa tuổi dưới 35 (“nhà thơ trẻ”, theo quy ước tương đối của Hội Nhà văn Việt Nam) vẫn đang miệt mài sống và sáng tạo, có thể kể đến những cái tên như Trần Đức Tín/ Khét (1989, Ở đậu trong nhau, Chín nhánh da vàng); Nguyễn Đức Phú Thọ (1989, Nỗi buồn đập cánh); Nguyễn Thị Kim Nhung (1990, Thức cùng tưởng tượng); Lê Đình Tiến (1990, Mây trôi phía làng); Trần Thị Hằng (1990, Những đứa trẻ nhặt mưa); Trương Công Tưởng (1990, Ngồi gỡ tơ trời, Đợi những vắng xa, Ta thương người lắm mà không nói); Vân Phi (1990, Ngày mắc cạn); Vũ Đức Nguyên (1990, Chuyện tình chàng thi sĩ, Bài thơ cho em, Tình tương tư, Vở kịch đời, Vũ khúc Đường thi, Thế nhân tình, Người tình…); Phùng Thị Hương Ly (1991, Đi qua tôi thật chậm, Dưới vòm hoa đại khải); Trần Quốc Toàn (1992, Linh giác trắng); Lữ Hồng (1992, Một mai thức dậy); Đặng Chân Nhân (1993, Hình dung, Giờ thứ 38, Giấc mơ, Nếu một tuần nữa là tận thế); Lê Tuyết Lan (1995, Vết bầm giấc mơ, Đã chín mùa quên); Lê Quang Trạng (1996, Áp tay vào đất); Nguyên Như (1996, Lưng lửng hồn, Ngược tìm phía trước, Chư B’luk clu clâm), Hương Giang (1997, Bài thánh ca cho anh); Ngô Gia Thiên An (1999, Những ngôi sao lấp lánh); Đỗ Nhật Nam (2001, Đường xa con hát); Vĩ Hạ (2004, Đi tìm những bóng người)… Những liệt kê không phản ánh đầy đủ diện mạo thơ trẻ đương đại, tuy nhiên, ở đó có những tên tuổi rất đáng hi vọng. Bản thân các tác giả cũng thường xuyên có thơ đăng tải trên các phương tiện truyền thông (trừ một vài người vụt hiện rồi chìm vào im lặng hoặc chuyển sang lĩnh vực khác). Những giải thưởng văn chương từ Trung ương đến địa phương mà người này người kia nhận được có ý nghĩa bảo chứng cho việc họ được bạn đọc và truyền thông biết tới. Ở đó, có một Trần Đức Tín (bút danh Khét) với một không gian thơ thấm đượm phù sa châu thổ và kí ức lưu dân đồng bằng sông Cửu Long. Ở đó, có một Nguyễn Thị Kim Nhung mang trong tâm tư nỗi hoài nhớ xa xăm về quê hương xứ sở, về ấu thơ và những lo toan hiện tại. Thơ Nhung, cứ như là sợi nắng non giữa ngày nhiều dông gió vậy. Ở đó, ta tìm được những khoái cảm thi ca trong lục bát của Lê Đình Tiến. Không nương vào sự vỗ về, chiều chuộng của vần điệu để sắp đặt câu từ, đó là một thứ lục bát nảy ra từ nhịp đời lắng phía quê làng. Thật tự nhiên, vẫn cũ xưa như bao đời mà lại chứa chan thêm cái tình hiện tại. Thơ Tiến vừa đằm thắm - duyên dáng, vừa hồn hậu - bao dung, vừa nhọc nhằn - lam lũ, và không thể không nhắc đến nét trào phúng vốn là đặc sản của tư duy dân gian. Bởi vậy, lục bát của Lê Đình Tiến cho ta trở về với gốc gác của lòng mình. Ở đó, ta bắt gặp nét ưu tư rắn rỏi giữa những hoang mang trong đời của Vân Phi. Ở đó, còn một Phùng Thị Hương Ly khắc khoải kí ức núi; một Nguyên Như trên hành trình đánh thức ánh lửa soi sáng những miền mơ tưởng cao nguyên. Vẫn còn ở đó, những truy vấn về con người, về tồn tại, sự sống và cái chết trong thơ Đặng Chân Nhân. Vẫn còn ở đó, sự cứu rỗi diệu kì của thơ với thân phận con người trong trang viết Vũ Đức Nguyên… Từ cái nhìn rộng hơn, trong niềm gắng gượng chân chính, thơ đang cất lên những rung động về cuộc đời, về tình yêu, lẽ sống, niềm tin tưởng, sự hoài nghi hay những khắc khoải kiếm tìm nghĩa lí của sự hiện hữu con người và nghệ thuật. Có nhiều thế giới, nhiều vũ trụ trong cái nhìn và quan niệm của từng thi sĩ. Điều đó mở ra thật nhiều cơ hội cho trải nghiệm, gặp gỡ và chia sẻ của người đọc. Và dĩ nhiên, tại ngọn nguồn của những hành vi sáng tạo, có thể ẩn tàng niềm mơ mộng thi ca chờ một ngày kia tỏa bóng xuống cõi đời.
Mặc dù vậy, dáng hình hi vọng luôn bị soi xét bởi không ít hoài nghi. Đó cũng là định mệnh tất yếu của tồn tại, là quy luật của vận động. Sự sáng tạo thơ trong không gian nghệ thuật đương đại được hỗ trợ nhiều hơn về mặt cách thức, phương pháp. Cùng với đó, những thay đổi về hệ giá trị, quan niệm nghệ thuật, khả năng tương tác - tương hợp của các thể loại - hình thái nghệ thuật đã trao cho nhà thơ nhiều quyền năng hơn. Tuy nhiên, chính trong trạng thái tự do ấy, thơ đã bộc lộ những dấu hiệu khiến người đọc hoài nghi, quay lưng. Trong số đó, sự hời hợt về mặt suy tư và cảm xúc có lẽ là điều đáng nói nhất. Không thể cứ vin vào tuổi trẻ để biện hộ cho chút vui buồn vụn vặt thoáng qua hay sự nông cạn về tri thức. Không thể lấy mộng mơ để chiêu tuyết cho sự lan man, rời rạc. Không thể vin vào đặc tính gián tiếp của diễn ngôn nghệ thuật để đánh đồng sự mơ hồ sâu xa với những tù mù vô nghĩa. Không thể dựa vào tính chủ quan của thể loại để biện minh cho sự đóng kín, biệt lập vào kinh nghiệm cá nhân xa lạ, không cần chia sẻ. Không thể nhân danh cách tân thơ để dung túng cho sự tùy tiện. Nếu thi sĩ không thừa nhận tuổi tác, điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh ta phải trình ra được sản phẩm tốt nhất của mĩ học thi ca. Thơ hay vốn đã hiếm, kiệt tác lại càng hiếm, nhưng ý niệm nghệ thuật thi ca hướng đến giá trị tinh hoa nhất có lẽ là điều thường trực với mỗi người nghệ sĩ sáng tạo. Nông cạn, hời hợt lại bị che mắt bởi lòng tự mãn và ảo tưởng có thể là căn bệnh của không ít người làm thơ, bất kể tuổi tác. Có khi, kinh nghiệm đi cùng với tuổi tác, khả năng viết nhanh, viết dễ dàng lại chính là phiên bản lừa mị đầy dễ chịu của cái chết. Một cái chết dịu ngọt vỗ về xác thân thơ ca đã cứng lạnh bởi thiếu vắng nguồn sinh dưỡng ấm nóng của cuộc đời. Thơ hiện nay đang cạn kiệt những tư tưởng lớn, những bận tâm sâu xa, những khắc khoải triền miên trước các giá trị phổ quát của nhân loại và rộng hơn là của sự sống. Ở khía cạnh này, tôi chia sẻ quan điểm với “thi sĩ - triết gia” Trương Đăng Dung: “Thi ca cần phải nói nhiều hơn đến cuộc chiến chống lại sự phôi pha của kiếp người”. Đó không chỉ là cuộc chiến chống lại cái chết, sự tàn hủy, mà còn chống lại sự thờ ơ vô cảm, sự băng hoại của các giá trị nhân văn. Dẫu có bất an đến nhường nào, hoài nghi hay phẫn nộ đến bao nhiêu, nhiệm vụ cao cả nhất mà con người hướng đến, như lời Gyorgy Lukács, nằm trong những “viễn kiến sáng lòa của thi sĩ”, ấy là sự sống kì diệu. Thơ, bằng sự tinh tế thẳm sâu của mình, hút lấy tất cả bóng tối, sự u ám… để sinh ra “một chói sáng rợn người”. Tư tưởng trong thơ không phải là các mệnh đề, luận điểm, khái niệm, ý niệm được bê nguyên từ hệ thống triết học - lí thuyết nào đó. Tư tưởng nghệ thuật trong thơ hóa thân vào hình tượng, vào nhịp điệu, vào các hình thức nghệ thuật, nơi ưu tư đã kĩ lưỡng và cảm xúc đã căng đầy. Ở phạm vi cụ thể hơn, trong mĩ học thi ca, không cứ nói to, nói nhiều, nói một cách siêu hình cùng hệ thống thuật ngữ phức tạp hay những thủ pháp tân thời, lạ lẫm là sẽ có thơ hay, mang tư tưởng sâu sắc hoặc hiện đại. Có nhiều con đường để đến hiện đại, nhưng có lẽ, con đường đáng để nghiền ngẫm nhất chính là “đến hiện đại từ truyền thống” (Trần Đình Hượu). Thơ hiện đại không phải là cú tạt ngang, đi tắt đón đầu, thậm chí là nhảy bổ vào hiện đại một cách liều mạng hay tỏ vẻ. Đó là một hành trình thận trọng, có phê phán của sự biết - hiểu thấm nhuần.
Sản phẩm nghệ thuật trong tinh thần và tri thức (hậu) hiện đại đã vượt qua cái bóng của tác giả để tồn tại một cách khách quan, hướng đến những khả năng tạo nghĩa mới trong hành trình của sự diễn giải. Bởi vậy, cách gọi tên tác giả trẻ xem ra cũng không cần thiết cho những định vị một cách trọng thị, khách quan, nghiêm túc. Điều an ủi duy nhất mà tuổi trẻ mang đến cho chúng ta ở đây là sự vẹn nguyên của niềm hi vọng.
V.Y
VNQD