Hình ảnh đồng bào dân tộc Tây Bắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ qua những sáng tác thơ

Thứ Ba, 07/05/2024 00:03

. ĐỖ THỊ THU HUYỀN

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã được tái hiện trong văn học nghệ thuật dưới nhiều hình thức khác nhau. Các thế hệ nhà thơ cũng có nhiều trang viết hay về Điện Biên, bởi chất liệu hiện thực là tài sản vô giá, khai thác không bao giờ vơi cạn.

Sự góp sức của đồng bào các dân tộc Tây Bắc vào thế trận toàn dân của cuộc kháng chiến là một chủ đề giành được nhiều sự khai thác trong thơ của những tác giả người dân tộc thiểu số và những tác giả miền xuôi. Đầu tiên là những chiến công được tái hiện sinh động, kịp thời. Phù hợp với tính chất khẩn trương, gấp gáp “không ai nghĩ nhiều trong lúc đạn bom”, nhiều vần thơ của các tác giả dân tộc thiểu số có bút pháp mộc mạc, lối viết hàm súc, dễ thuộc, dễ nhớ, gần gũi với lối nghĩ của đồng bào miền núi. Lò Văn Cậy tâm sự với chiếc đòn gánh - người bạn thân thiết cùng đánh giặc, qua đó tái hiện sắc nét không khí vui tươi, lạc quan của những ngày ra trận: Này anh bạn đòn gánh/ Tôi cùng anh kết đôi…/ Tăng sức mạnh muôn lần/ Nhờ khí thế mặt trận/ Kĩu kịt ta đến nơi/ Ba yến còn ba cân/ Đại đội trưởng cười bảo:/ “Ba cân công nghìn cân/ Đủ nuôi trong một ngày/ Ba đồng chí bộ đội/ Để bắt trong một ngày/ Ba thằng giặc đền tội/ Châu Mộc ba trăm người/ Đi dân công góp gạo/ Đâu ít giặc đi đời” (Anh bạn đòn gánh).

Bộ đội hành quân lên Tây Bắc năm 1954

Suốt chặng đường thơ hơn nửa thế kỉ, “cánh chim đầu đàn của văn học dân tộc thiểu số” Nông Quốc Chấn luôn nhất quán một phong cách sáng tác thơ ca phục vụ cuộc sống, cuộc chiến đấu của dân tộc. Tầm vóc của Điện Biên lịch sử được ông khai thác ở một góc nhìn riêng: tính tiếp nối của thế hệ. Những đứa con sinh ra giữa những ngày kháng chiến tiếp bước cha anh khi được trao truyền hào khí Điện Biên: Ta lại đi khắp mọi nơi/ Mang theo lửa Điện Biên rèn ý chí/ Đời cha đóng từng bè nứa chở gạo nuôi bộ đội đánh Tây/ Đời con dùng súng trường lên ngọn núi cao săn máy bay giặc Mĩ/ Có độc lập tự do rồi sẽ hết kiếp khổ nghèo (Điện Biên Phủ ngọn lửa hùng ca).

Điện Biên không chỉ là một địa danh, một trận đánh lịch sử mà còn trở thành biểu tượng của tinh thần và sức mạnh Việt Nam. Những bài thơ trực tiếp viết về chiến công, về sự hi sinh của những anh hùng liệt sĩ chiếm số lượng lớn. Ở đó có sự gặp nhau ở việc tái hiện hình tượng lẫm liệt tạc vào lịch sử của những con người không tiếc máu xương để bảo vệ tự do cho Tổ quốc. Sự vĩ đại của những con người vô danh không phân biệt Mèo, Nhắng hay Dao, Kinh, Tày, Thái… được Vĩnh Mai diễn tả hết sức xúc động qua những vần thơ mang tính khái quát cao: Các anh ngã xuống trên Đồi A1/ Chỉ một hôm trước khi giặc ra hàng/ Chẳng ai hay tên tuổi họ hàng/ Mèo, Nhắng hay Dao, Kinh, Tày hay Thái/ Tất cả gia tài các anh để lại/ Là chiếc xe tăng của giặc trên đồi/ Và những nụ cười không tắt trên môi (Hai ngôi mộ trên đỉnh Đồi A1).

Bên cạnh âm hưởng của sự hào hùng, thơ viết về Điện Biên khai thác hình ảnh cuộc sống mới, sự thay đổi trên quê hương khi hết bóng giặc. Chân thực nhất mà cũng cảm động nhất là hình ảnh “mùa lúa mới trên Điện Biên lịch sử”, những thay đổi khi chiến trường hóa thành nông trường bát ngát. Cầm Biêu - nhà thơ dân tộc Thái, quê quán xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, Sơn La - viết Ánh hồng Điện Biên (thơ song ngữ, 1984) nổi tiếng, ngợi ca cuộc sống, cách mạng, hướng đến khai thác hình ảnh cuộc sống mới nhiều chuyển động với tinh thần tươi vui, lạc quan. Viết về Điện Biên, dù ra đời cách nay đã tròn nửa thế kỉ nhưng những vần thơ của nhà thơ Cầm Biêu vẫn đầy tính thời sự. Thời sự ở chí khí hào hùng. Thời sự ở tính chất bất tử của một Điện Biên được hun đúc từ tim gang chí thép: Hằng năm, kỉ niệm ngày truyền thống vẻ vang/ Ta như được rửa mặt ở suối thép, chí ta luyện thêm thép/ Được tắm mình ở suối gang, tim ta luyện thêm gang…/ Tim ta tim Bế Văn Đàn/ Gan ta gan Phan Đình Giót/ Bùng lên ngọn lửa thanh niên/ Rực thêm, sáng mãi ánh hồng Điện Biên (Ánh hồng Điện Biên). Lối viết so sánh, giàu liên tưởng, biểu đạt bằng tư duy trực cảm có thể thấy trong hầu hết sáng tác của các tác giả dân tộc thiểu số.

Trong những ngày gian khó, sự góp sức của đồng bào dân tộc Tây Bắc là yếu tố quan trọng tạo nên những thắng lợi của chiến dịch. Không ít bài thơ khai thác chủ đề tình cảm của những người lính gắn bó với Điện Biên: Đồng bào Thái đã no cơm biết chữ/ Nhưng hùm beo còn lẩn quất bên rào/ Người lính Điện Biên đêm nằm vẫn nhớ/ Ánh điện chưa về khắp nẻo rừng sâu (Gửi Điện Biên - Lưu Trùng Dương). Và nói như Simonov, “chỉ có nhân dân mới biết chiến tranh là gì”, những ân tình không chỉ trong lúc cận kề cái chết mà theo suốt những tháng năm sau này: Sống đời đời là ngọn lửa/ Hai mươi năm/ Ta về đây gặp lại điệu xòe…/ Em múa xòe bên miệng súng khói chưa tan/ Rưng rưng ánh mắt/ Hai mươi năm ngỡ mới hai mươi ngày/ Ta vít cong cần rượu nồng say/ Mùi xôi thơm khắp ba triền thung lũng…/ Cảm ơn em!/ Hai mươi năm/ Ta về đây gặp lại điệu xòe/ Ta đi/ Ta nhớ/ Sống đời đời là ngọn lửa/ Đất nước sẽ làm một Điện Biên mới nữa/ Em ơi (Hai mươi năm điệu múa xòe - Văn Thảo Nguyên). Bài thơ với những trường đoạn được lặp lại để xoáy vào mốc thời gian hai mươi năm của những con người sống như ngọn lửa, không thể nào quên điệu múa xòe - biểu tượng của đời sống văn hóa đồng hành những chiến công. Những dòng thơ của Văn Thảo Nguyên đẹp như khúc tráng ca về một Điện Biên giàu bản sắc. Điều này gặp gỡ với Bùi Đăng Sinh khi tái hiện hình ảnh đẹp của những chiến công hòa vào nét đẹp quê hương lay động lòng người: Anh chiến sĩ đánh xe tăng trên Đồi A1/ Anh có nghe tiếng hát em hái măng/ Lúa nông trường hẹn một mùa trĩu hạt/ Và điệu trống xòe lay động đêm trăng (Đường đi Tây Bắc).

Khi “bốn mươi thế kỉ cùng ra trận”, bên cạnh những anh hùng xông pha tuyến đầu, người phụ nữ hậu phương luôn được tái hiện trở đi trở lại với niềm biết ơn vô bờ. Đó là những người chị: Tôi nhớ chị nuôi người Thái đen/ Tiếp tế đơn vị đánh Điện Biên/ Chia tay hẹn có ngày gặp lại/ Thư từ không, mà lòng chẳng quên (Nhớ - Bàng Sĩ Nguyên). Đó là những người mẹ - hiện thân cho đất nước, là những gì thiêng liêng nhất. Những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ, vĩ đại của tinh thần chiến đấu quật cường, bất khuất: Bà cụ Thái ngực tong teo khuy bạc/ Nụ cười đón con thắp sáng bừng khuôn mặt/ Chúng tôi như trở về nhà/ Người từng đánh Pháp năm xưa/ Người vừa qua đánh Mĩ/ Người mới lớn lên đi giữ biên giới bây giờ/ Mẹ ơi, chúng con đều con mẹ/ Bếp giữa nhà sàn chưa bao giờ hết lửa/ Hai nhăm năm vẫn một bếp lửa này/ Ấm tình thương của mẹ/ Trước trận Mường Pồn, anh Đàn đã hơ tay (Trưa Mường Pồn - Phạm Khoa Văn)...

Điện Biên Phủ là một trận chiến đặc biệt, thơ về Điện Biên Phủ khai thác từ chất liệu có thật trong cuộc chiến đấu, được phản ánh trực tiếp và sống động, trong đó hình ảnh những người dân tộc thiểu số bình dị được khắc họa mang nhiều nét độc đáo. Cái hào sảng, hùng tráng đi đôi với cái bình dị, mộc mạc chất chứa nhiều suy tư, chiêm nghiệm. Có thể thấy, lịch sử được kể không chỉ bằng những điều đã xảy ra một cách có thực mà còn kể lại bằng những điều sáng tạo qua lăng kính của nghệ thuật. Tác phẩm văn học nghệ thuật góp phần cắt nghĩa sâu sắc thêm những sự kiện lịch sử, trong đó có việc tạo dựng sức mạnh của thế trận lòng dân. Nhân dân luôn là những điểm xuất phát và cũng là cái đích của mọi sự kiện lịch sử.

Đ.T.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)