. BÙI VIỆT THẮNG
Nền văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954 được định danh là “văn học kháng chiến chống Pháp” - một nền văn học mới, trẻ khỏe chưa có tiền lệ, vừa “nhận đường” vừa tự tin đặt những bước đi đầu tiên nhiều tiềm năng và hứa hẹn. Chín năm kháng chiến đã ghi dấu biết bao nhiêu hi sinh gian khổ của nhân dân vĩ đại, đồng thời cũng rất nhiều kì tích lịch sử sáng chói muôn đời. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một dấu mốc lịch sử, khép lại ba ngàn ngày kháng chiến “toàn dân toàn diện trường kì”. Cũng từ trong nền văn học kháng chiến chống Pháp đã hình thành một thế hệ nhà văn - chiến sĩ, mà trong kháng chiến chống Mĩ sau này đã phát triển thành một đội ngũ sung sức với tinh thần và tư thế vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy (Chế Lan Viên), mỗi trang văn thấm nhuần tinh thần dấn thân Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao (Xuân Diệu).
Trong thế hệ nhà văn - chiến sĩ, Tố Hữu là một đại diện xuất sắc, luôn “bấu chặt” lấy đời sống để sáng tác. Tập thơ Việt Bắc (1946 - 1954) đánh dấu một bước ngoặt trong chặng đường thơ Tố Hữu. Có thể nói đó là một bản tổng kết kháng chiến bằng thơ. Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (viết tháng 5/1954) như một “đóa hoa lửa” ghi lại chiến công vĩ đại của dân tộc. Bài thơ được viết ngay sau sự kiện nóng hổi của lịch sử, đúng như nhận định của J. Goethe (đại thi hào Đức thế kỉ 19): “Thơ nào cũng là thơ thời sự”. Cùng với Tố Hữu và Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, khi nói tới bản hòa tấu kì tích Điện Biên Phủ, thiết nghĩ không thể không ghi công nhà văn Trần Dần với tiểu thuyết nóng rẫy không khí thời đại Người người lớp lớp, tác phẩm được viết tức thời, kịp thời trước, trong và sau chiến dịch 56 ngày đêm lịch sử. Trong trường hợp này, nhà văn không phải chờ đợi cảm hứng, mà chính hiện thực đời sống mời gọi, kích thích cầm bút viết. Một sự kiện lịch sử ngang tầm thời đại, vì sao vẫn còn thưa vắng tác phẩm viết ngay tại chỗ? Đó là một câu hỏi lớn và câu trả lời hẳn phải rất mở.
Một góc trong bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu là một khúc khải hoàn ca, tráng ca, một bản tổng kết lịch sử bằng thơ về cuộc kháng chiến thần thánh ba ngàn ngày không nghỉ chống thực dân Pháp (1945 - 1954) của nhân dân Việt Nam. Từ đây bạn bè yêu chuộng hòa bình và công lí trên thế giới thường hô vang “Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp”. Một chính khách nước ngoài đã viết “Điện Biên Phủ - một danh từ Việt Nam”. Tố Hữu viết thiên anh hùng ca Hoan hô chiến sĩ Điện Biên tựa vào cảm hứng lớn về lịch sử, thời đại và dân tộc trên đường chiến thắng. Trong hồi ức của mình, Tố Hữu dẫn lại ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn khi đánh giá ý nghĩa và tầm vóc của Chiến dịch Điện Biên Phủ như một kì tích xứng đáng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỉ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (Tố Hữu - Nhớ lại một thời, hồi kí, Nxb Hội Nhà văn, 2000). Bài thơ có sức lan tỏa bay xa, bay cao nhờ đôi cánh lớn của niềm vui chiến thắng bất tận: Kháng chiến ba ngàn ngày/ Không đêm nào vui bằng đêm nay/ Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực/ Trên đất nước, như huân chương trên ngực/ Dân tộc ta dân tộc anh hùng. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm nên trang vàng lịch sử Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Từ đây thế giới sẽ hiểu rõ hơn một dân tộc anh hùng: Điện Biên vời vợi nghìn trùng/ Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta/ Đêm nay bè bạn gần xa/ Tin về chắc cũng chan hòa vui chung.
Khúc tráng ca, khải hoàn ca Hoan hô chiến sĩ Điện Biên khắc ghi hình tượng người anh hùng thời đại mới - người lính cách mạng: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn. Hình tượng người chiến sĩ - anh bộ đội Cụ Hồ - luôn chiếm vị trí trung tâm trong thơ ca cách mạng nói chung, thơ Tố Hữu nói riêng. Nhà thơ đã dành một tình yêu, niềm ngưỡng mộ lớn lao trước người anh hùng thời đại. Trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, người chiến sĩ luôn đi hàng đầu, luôn nhận về mình những hi sinh vô bờ bến: Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân nhắm mắt còn ôm/ Những bàn tay xẻ núi lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện.
Cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ của dân tộc ta, về bản chất, là cuộc chiến tranh nhân dân “toàn dân, toàn diện, trường kì”. Vì lẽ đó, hình tượng nhân dân anh hùng bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với hình tượng người chiến sĩ đi tiên phong trong đấu tranh cách mạng. Có quân đội anh hùng là vì có nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Đảng anh hùng. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của sức mạnh đoàn kết quân dân, một lòng vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Nhân dân hiện lên trong bài thơ qua hình ảnh những người dân công đã không tiếc sức lực và cả tính mạng của mình để đảm bảo điều kiện cho bộ đội đánh thắng quân thù trên tiền tuyến: Và những chị, những anh, ngày đêm ra tiền tuyến/ Mấy tầng mây gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn, xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh/ Hỡi các chị, các anh/ Trên chiến trường ngã xuống/ Máu của anh chị, của chúng ta, không uổng/ Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/ Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.
Một chiến dịch lịch sử thường gắn với tên tuổi một vị tư lệnh. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, vị tư lệnh tài ba thao lược chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp văn võ song toàn. Bài thơ dài 96 câu, chỉ có duy nhất một câu về Đại tướng, nhưng đâu cần nhiều lời, chỉ cần “Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp”. Một câu thơ giản dị, thậm chí có vẻ như một khẩu hiệu, nhưng là tình, là nghĩa của nhà thơ với vị tướng cầm quân tài ba trong lịch sử quân sự Việt Nam. Vị chỉ huy tối cao của cuộc chiến tranh giải phóng là lãnh tụ Hồ Chí Minh, người mà cả dân tộc Việt Nam gọi bằng cái tên thân thương - Bác Hồ (Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ - Tố Hữu). Vinh quang thuộc về dân tộc, nhưng vinh quang cũng thuộc về lãnh tụ Hồ Chí Minh: Vinh quang Tổ quốc chúng ta/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa/ Vinh quang Hồ Chí Minh, cha của chúng ta, ngàn năm sống mãi/ Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại. Nếu nói bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu là một dàn đại hợp xướng âm vang tráng ca, khải hoàn thì chính lãnh tụ Hồ Chí Minh là nhạc trưởng: Tiếng reo núi vọng sông rền/ Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ/ Bác đang cúi xuống bản đồ/ Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo/ Từ khi vượt núi qua đèo/ Ta đi, Bác vẫn trông theo từng ngày/ Tin về mừng thọ đêm nay/ Chắc vui lòng Bác, giờ này đợi trông.
“Điện Biên Phủ - một danh từ Việt Nam” là cách nói so sánh, một địa danh, một chiến công lừng lẫy có thể đại diện cho ý chí, sức mạnh của một dân tộc. Chiến công ấy khác nào một tấm huân chương vĩ đại ghi nhận thắng lợi của nhân dân Việt Nam anh hùng. Tố Hữu đã đưa địa danh Điện Biên Phủ vào thơ mình như một mốc son thời đại: Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu (Ta đi tới, 1954), Tin vui chiến thắng trăm miền/ Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về (Việt Bắc, 1954), Giáng một trận dập đầu quỷ dữ/ Sáng ngàn năm lịch sử Điện Biên (Quang vinh Tổ quốc chúng ta, 1955), Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng (Ba mươi năm đời ta có Đảng, 1960), Tiếng hát xa đưa… Muôn tiếng hát/ Điện Biên trời đất dậy tin mừng/ Bác Hồ khẽ vuốt chòm râu mát/ Gió sớm đưa hương ngát cả rừng/ Điện Biên lừng lẫy Việt Nam ta (Theo chân Bác, 1970).
*
* *
Trong lịch sử văn học thường xuất hiện sự đăng đối ngoạn mục khi cùng một sự kiện lịch sử có ý nghĩa biến cố sẽ cùng lúc xuất hiện nhiều tác phẩm thành công thuộc các thể loại khác nhau. Nếu Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu là một thành công ngoạn mục của thơ về kì tích Điện Biên Phủ thì tiểu thuyết Người người lớp lớp (3 tập, Nxb Văn nghệ, 1954 - 1955) của Trần Dần là một tấm gương phản ánh lớn, đầy hơi thở sử thi, như một hòa tấu về sức mạnh kì vĩ của nhân dân trong chiến tranh cách mạng. Tác phẩm có tính toàn cảnh (panorama) được tác giả khởi viết từ tháng 2/1954 khi mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, hoàn thành tháng 7/1954 tại chiến khu Việt Bắc. Theo chia sẻ của tác giả, bản thảo tiểu thuyết được viết ngay trên chặng đường hành quân, theo sát những dấu vết nóng hổi của các sự kiện long trời lở đất. Không gian - thời gian nghệ thuật tiểu thuyết được xây dựng xung quanh một đại đoàn chủ lực hùng mạnh, vốn trước đó có nhiệm vụ phòng thủ vùng tự do kháng chiến. Năm 1953, đại đoàn được lệnh hành quân tham gia chiến dịch chiến lược. Cán bộ, chiến sĩ phấn khởi được đi chiến đấu như thể “đại hạn gặp mưa rào”. Đơn vị được lệnh tiến sâu vào Tây Bắc, tiến vào Điện Biên. Những dự cảm lớn lao nung nấu trong mỗi người lính ra trận từ chỉ huy đến chiến sĩ. Không thể kể hết những gian khổ hi sinh của người lính trận. Đơn vị lớn được giao nhiệm vụ chuẩn bị trận địa cho trận đánh mở đầu chiến dịch lịch sử vào Đồi Him Lam - một trong những cứ điểm trọng yếu của đối phương và cũng là màn đầu chiến dịch của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau trận thắng giòn giã nhổ cứ điểm Him Lam, đại đoàn được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho những trận đánh lớn quyết định tiếp theo (trong đó có trận đánh máu lửa gay cấn vào khu Đông), tiếp sau được giao nhiệm vụ bắt, áp giải tù binh. Những đội quân như sóng trào lên, vượt qua mọi gian khổ hi sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên giao phó.
Xét về điển hình hóa nghệ thuật, tiểu thuyết Người người lớp lớp của Trần Dần không phải là “một câu chuyện bịa y như thật”, cũng không có cái gọi là “nhân vật chính”, “nhân vật trung tâm” với ý nghĩa là những “con người này, lạ mà quen” như cách hiểu thông thường về thể loại tiểu thuyết. Nhân vật chính, trung tâm của Người người lớp lớp là nhân vật tập thể (dù tác giả có phác họa sắc nét và gây ấn tượng ở một số nhân vật chỉ huy và binh sĩ) biểu trưng cho Nhân dân anh hùng, Quân đội anh hùng, Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam kiến tạo nên một “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ” như cách nói của nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân.
Về hình thức thể loại, có thể gọi Người người lớp lớp của Trần Dần thuộc dạng thức “tiểu thuyết - phóng sự” (trong văn học Việt Nam trước 1945 đã thịnh hành, với sự đóng góp của tiểu thuyết gia Vũ Trọng Phụng). Đã gọi tiểu thuyết phóng sự thì tác phẩm ắt hẳn có cái đặc trưng “ròng ròng sự sống”, nóng hổi không khí chiến trận một thời binh lửa. Đọc Người người lớp lớp độc giả cảm nhận tức thì một không khí hừng hực chiến đấu và chiến thắng. Kết quả là nó nuôi dưỡng những cảm xúc lớn về nhân dân, đất nước đã trải qua những tháng năm gian khổ chiến đấu bền gan vì lí tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
*
* *
Điện Biên Phủ viết mãi không cùng. Điện Biên Phủ trước sau vẫn là “món nợ tinh thần” với nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam. Tiểu thuyết Vầng trăng Him Lam (Nxb Quân đội nhân dân, 2023) của Châu La Việt là một sự tiếp nối những vang động lẫy lừng từ kì tích Điện Biên Phủ. Tác phẩm được viết từ trái tim nhiệt huyết của một nhà văn thuộc thế hệ “tre già măng mọc” so với những bậc tiền bối. Cái mới của Vầng trăng Him Lam là ở chỗ, tác giả miêu tả sự tham gia kháng chiến cứu quốc của người nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn học nghệ thuật. Nhân vật chính, trung tâm là nhạc sĩ Đỗ Nhuận cùng các đồng nghiệp của mình đã thực hành phương châm: sống rồi mới viết (sáng tác), vóc nhà thơ (nhạc sĩ) đứng ngang tầm chiến lũy. Tiểu thuyết Vầng trăng Him Lam của Châu La Việt một lần nữa, bằng hình tượng nghệ thuật, khẳng định sự chiến thắng của văn hóa Việt Nam trước văn hóa ngoại bang xâm lăng từng được Nguyễn Trãi hào sảng tuyên bố Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu (Bình Ngô đại cáo). Hình thức tiểu thuyết tư liệu - lịch sử đã không hề hạn chế khả năng hư cấu, tưởng tượng của nhà văn (hiện hữu trong bố cục tác phẩm, trong lựa chọn các tình huống lịch sử và đời sống điển hình, đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật và cả cách chăm chút đến đời tư qua thói quen, sở thích, cá tính, cảnh ngộ, tâm trạng, số phận).
Lịch sử cần phải được ghi nhớ và không ngừng nhìn nhận trở lại, nhằm có thêm những dữ kiện để hiểu quá khứ. Điện Biên Phủ mãi mãi là một mốc son chói lọi, để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục kế thừa, gìn giữ, phát huy. Đó là bảo chứng cho tinh thần Việt Nam, ý chí và sức mạnh Việt Nam. Tác giả xin kết thúc bài viết nhỏ này bằng cách chia sẻ với độc giả một kỉ niệm đẹp, liên quan đến ba chữ Điện Biên Phủ. Tháng 11/2019, đoàn nhà văn Việt Nam (trong đó có tác giả - Bùi Việt Thắng) tham dự Hội thảo quốc tế do Hội Nhà văn Á - Phi - Mĩ Latin tổ chức tại Islamabad (Thủ đô nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan), với chủ đề “Điểm gặp thẩm mĩ giữa truyền thống và hiện đại”, có sự tham gia của 11 nước đến từ các châu lục khác nhau. Ở hành lang hội thảo, trong gặp gỡ và giao lưu, những câu tiếng Việt không cần phiên dịch vang lên thắm thiết, hữu ái: “VIỆT NAM - HỒ CHÍ MINH”, “ĐIỆN BIÊN PHỦ - VÕ NGUYÊN GIÁP”. Khoảnh khắc đó, nếu là người Việt Nam không thể không tự hào và xúc động. Thiết nghĩ, sáng tạo nghệ thuật về Điện Biên Phủ dưới bất kì hình thức nào, cuối cùng cũng hướng tới hành động có tính chất văn hóa - đạo đức của người nghệ sĩ chân chính nhằm “chống lại sự lãng quên lịch sử và con người”. Sáng tạo nghệ thuật về Điện Biên Phủ là cách thức hiệu quả để giữ gìn kí ức của dân tộc. Đó là lịch sử, văn hóa, đạo đức, góp phần quan trọng làm nên căn cước Việt Nam trên trường quốc tế.
B.V.T
VNQD