Vạch trần thủ đoạn “tung hỏa mù” nhằm xuyên tạc hình ảnh Bác Hồ

Thứ Sáu, 03/05/2024 00:18

. TRẦN ĐỨC SƠN

 

Nhằm mục đích hạ bệ, “giải thiêng” hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kẻ xấu không từ những thủ đoạn hèn hạ, thâm độc. Bài viết xin vạch ra một thủ đoạn mà những kẻ đi ngược lại lương tri, công lý đã và đang sử dụng. Đó là thủ đoạn “tung hỏa mù”. Gọi thế vì bản chất của thủ đoạn này là đưa ra những nhận định, nhận xét mơ hồ, lấp lửng để làm thay đổi bản chất hình tượng.

1. Lấp lửng hai mặt hòng làm giảm uy tín.

Tiêu biểu cho thủ đoạn này là cuốn Hồ Chí Minh – Nhận định tổng hợp của Minh Võ do Tủ sách Tiếng Quê hương xuất bản tại Vigrinia (tái bản 2006), là sự tập hợp tư liệu từ nhiều sách khác nhau, trong đó có sách văn học của một số tác giả trong và ngoài nước nhận định về Hồ Chí Minh. Phương pháp chung của các “tác giả” là làm lẫn lộn trắng đen, triệt để sử dụng thủ pháp tương phản, đối lập, nêu ra hai luồng quan niệm về đối tượng rồi cuối cùng đưa ra nhận định của riêng hoặc đồng tình hoặc phủ nhận. Như một trích dẫn: “Hồ Chí Minh được sùng bái như một vị thần, được dân chúng ở vài nơi lập miếu thờ và coi đó như bằng chứng xác minh nhận định của họ là trong trái tim người dân Việt Nam, Hồ Chí Minh đã có vị thế của một “lãnh tụ vĩ đại”, một “anh hùng cứu quốc”, một “cha già dân tộc”… Nhưng ngay sau đó lại là một nhận định khác hoàn toàn ngược lại hoặc “nhẹ nhàng” hơn, hoặc đơn giản chỉ “phản đối” lại nhận định trên. Cách làm này thoạt nhìn tưởng là khoa học nhưng đọc kỹ càng thấy sự thâm hiểm “nguỵ khoa học” trên cơ sở đọc kỹ, công phu đưa ra những dẫn chứng cụ thể. Cái “bài” mà Minh Võ thủ sẵn nếu bị vạch mặt thì “cãi”: Tôi chỉ là người “tổng hợp” các “nhận định”. Ngay ở Lời nói đầu, ông ta đưa ra quan điểm cái được gọi là “khoa học”: “Hồ Chí Minh trở thành đối tượng được diễn tả theo nhiều cách khác biệt, thậm chí trái ngược như ngày với đêm, như trắng với đen… Ý kiến nhận định về Hồ Chí Minh rải rác trong hàng trăm tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam và về tiểu sử Hồ Chí Minh được chia làm hai loại rõ rệt, hoàn toàn trái ngược nhau”. Đến Chương 52 Lời cuối sách, Minh Võ lại cũng nhắc lại ý này như là để “khẳng định” sự “khách quan”: “Với tác giả này, Hồ Chí Minh là người ngay thẳng, trung thực, một lòng vì dân vì nước nên được toàn dân ngưỡng mộ suy tôn là Cha già Dân tộc thì với tác giả khác, Hồ Chí Minh là…”. Thủ đoạn lấp lửng hai mặt rõ nhất và cũng thâm độc nhất là “ngụy trang” dưới cái vỏ “nhận định tổng hợp” một cách “vô tư”. Nhưng những nhận định tích cực về Bác là đúng và chính xác thì chiếm tỷ lệ nhỏ còn những nhận định tiêu cực phủ nhận, xuyên tạc trắng trợn về Bác thì lại chiếm tỷ lệ cao.

2. “Tung hỏa mù” về đời tư.

“Tung hỏa mù” bằng cách giả bộ “khách quan” đưa ra nhận định mang tính “quy luật”, tiêu biểu là Bùi Tín: “Nếu quả thật ông có người yêu, có vợ khi còn trẻ thì có gì là xấu? Nếu có cô Biere (Pháp), cô Tuyết Cần (Trung Quốc), cô Véra Vasiliera (Nga)… là bạn, người yêu, là vợ thì cũng là tự nhiên, bình thường, có thể là nét đẹp nữa, vì ông cũng có trái tim như mọi người chứ. Chỉ có kẻ đạo đức giả mới muốn coi ông là thánh”. Tưởng là “khách quan” (cũng là tự nhiên, bình thường), là “đề cao” (có thể là nét đẹp nữa) nhưng lại “ỡm ờ”, “nói kháy” đến những “nhân vật” đang nghi hoặc (cô Biere, cô Tuyết Cần, cô Véra Vasiliera). Đồng thời lại mỉa mai người khác (chỉ có kẻ đạo đức giả mới muốn coi ông là thánh) để lái chủ đề đến cái đích: Ông có “vợ” cũng chỉ là sự thật bình thường, có gì đáng chú ý!

“Tung hỏa mù” bằng cách bịa ra “tài liệu” mù mờ, tiêu biểu cũng là Bùi Tín: “Đầu năm 1993, nhà báo Mỹ Sophie Quinn Judge từ Moscow qua Paris để về Hoa Kỳ tìm gặp tôi, kể rằng bà đã được xem một số tài liệu lưu trữ của Quốc tế Cộng sản nói về ông Hồ…”. Về thời gian có thể là thật (1993), tên người có thể thật (nhà báo Mỹ Sophie Quinn Judge) nhưng đến “kể rằng bà đã được xem một số tài liệu lưu trữ của Quốc tế Cộng sản…” thì thật khó tin, vì “tài liệu” ấy ở đâu, số tài liệu, ai cung cấp… Không hề có. Thủ đoạn lấp lửng này như phun một màn sương giả dối vào đối tượng đẩy bạn đọc sa vào trạng thái mơ hồ, khó nhận ra thật giả.

“Tung hỏa mù” bằng cách nói vòng vèo, tiêu biểu là Nguyễn Đăng Mạnh (trong Hồi ký). Ông ta viết “Chuyện này nhiều người biết. Có người đã viết ra (…). Riêng tôi được biết do giáo sư N.T. L được ông V.T kể cho nghe và truyền đạt lại; hai là do một giáo sư dạy Sử ở Đại học Sư phạm Hà Nội; ba là D.T.H; bốn là ông T.Đ. Nhưng gần đây có người điều tra ra vụ việc này rất tỉ mỉ, rõ ràng, và công bố cụ thể trên internet…”. Để “bảo hiểm” cho “chi tiết” này, Nguyễn Đăng Mạnh đều lấy những tên tuổi là trí thức, có cương vị, địa vị xã hội cao “biết’, “viết ra”, “truyền đạt lại”… Nhưng tất cả chỉ là “bắc chõ nghe hơi”, “hóng hớt”, không hề cụ thể.

3. Đề cao tác phẩm để “loại suy” tác giả

Tiêu biểu cho thủ đoạn này là Thụy Khuê được sử hưởng ứng từ một vài Việt kiều và người Việt trong nước được coi là “thông thạo” tiếng Pháp nhưng có thái độ hằn học, chống đối chính quyền, Nhà nước ta. Một mặt họ “khẳng định Bản án chế độ thực dân Pháp và một số bài báo ký tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc có nội dung tố cáo tội ác thực dân một cách xác thực, toàn diện và ghê gớm… cho thấy đây là một công trình dài hơi đã được thu thập tài liệu một cách quy mô trong một thời gian dài”. Nhưng lại đưa ra nhận định rất ác, thâm độc: Những bài báo tiếng Pháp ký tên Nguyễn Ái Quốc do một nhóm người Việt yêu nước, vì trình độ tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc “thật” chỉ ở mức “cơ bản”.

Nhưng “bàn tay chẳng che được mặt trời”. Dễ vạch ra sự yếu kém của lập luận này: Một là, cho rằng bút danh Nguyễn Ái Quốc nghĩa là “Nguyễn yêu nước” nên ai là người Việt yêu nước ở Pháp cũng có thể ký tên ấy. “Lập luận” này có thể đúng. Nhưng tại sao họ lại “loại trừ” Nguyễn Tất Thành không được ký bút danh ấy? Hai là, cho rằng một người mới sang Pháp “mấy tháng” thì không thể viết được tiếng Pháp như vậy. Họ đã cố tình quên Nguyễn Sinh Cung học tiếng Pháp từ nhỏ, khi Nguyễn Tất Thành học ở Huế đã làm “thông dịch viên” tiếng Pháp. Ba là, họ cố tình quên các truyện ngắn Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp mang rõ phong cách tác giả, được chính các nhà văn Pháp (Raymông Lơphevrơ, Pôn Vayăng Cutuyriê, Gaxtông Môngmutxô, Catxem Xembát, Rômanh Rôlăng, Hăngri Bacbuýt…) là bạn thân của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh ca ngợi là “rất Pháp”.

Trên thực tế, từ thời thanh niên đến khi về với thế giới người Hiền, ở Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh có sự nhất quán đến kỳ lạ về mục đích: “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, rộng hơn là vì hạnh phúc con người nói chung. Mọi suy nghĩ, việc làm, hành động, dù nói hay viết… tất cả đều vì mục đích ấy. Xin được giới thiệu ba cuộc Hội thảo khoa học Quốc tế gần đây nhất, vào ngày 18/4/2023 tại Italia (thủ đô Roma) có tên “Quãng đời làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Italia”. Trước đó, ngày 14/5/2022 tại Ấn Độ có Hội thảo “Hồ Chí Minh và Ấn Độ” (Ho Chi Minh and India) tổ chức ở Kolkata. Tháng 10/2019 Hội thảo “Hồ Chí Minh toàn cầu” (Global Ho Chi Minh) tổ chức tại thành phố New York - Mỹ. Các Hội thảo đều khẳng định ở Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là sự hội tụ tuyệt đẹp ba luồng văn hóa: văn hóa yêu nước Việt Nam; văn hóa hòa bình, bình đẳng, bác ái của nhân loại tiến bộ và văn hóa giải phóng con người của Chủ nghĩa Mác. Các nhà nghiên cứu quốc tế đều nhấn mạnh hình ảnh Hồ Chí Minh không chỉ là vị anh hùng giải phóng dân tộc, còn là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới và nhân cách của Người mang tầm ảnh hưởng toàn cầu. Điều này khẳng định sự tôn trọng của giới học giả thế giới đương đại với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng và những giá trị văn hoá cao đẹp của Người đang được cả nhân loại đón nhận.

Nhân dân Việt Nam tự hào có Bác Hồ, coi việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người là lý tưởng, lẽ sống, niềm tin và cũng là hạnh phúc. Hạnh phúc được đón nhận ánh sáng thời đại vì con người nhân văn nhất, tiên tiến nhất!

T.Đ.S

----------

(1). Nguyễn Văn Khoan (2004). Nguyễn Ái Quốc và vụ án Hồng Kông năm 1931. Nxb Văn học, tr 88.

(2). Đặng Quang Huy (2012) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 29.

(3). Nhiều tác giả (2009) - Hồ Chí Minh nhà văn hóa của tương lai. Nxb Thanh Niên, tr 124.

(4). Ban Tuyên giáo Trung ương - Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr 67.

(5). Nguyễn Thanh Tú (2010) - Tiếng cười trào phúng Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 329.

(6). Trần Đình Việt, Trần Đương (1985) - Bông hồng của Bác. Nxb Phụ nữ, tr 122.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)