Hiện nay, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang không ngừng tiến hành các âm mưu, thủ đoạn nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta. Về hành động, chúng tổ chức, tiến hành vận động, lôi kéo người dân chống phá chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tổ chức các hoạt động khủng bố, gây rối làm mất an ninh trật tự. Về lí luận, các thế lực thù địch đưa ra những luận điểm bài xích, phủ nhận sự nghiệp, thành quả cách mạng đất nước ta đã đạt được trong gần một thế kỉ qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể kể ra đây một số luận điểm của các thế lực thù địch như:
- Phủ nhận, chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng chủ nghĩa Mác- Lênin đã lỗi thời.
- Phủ nhận thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
- Phủ nhận chế độ Đảng lãnh đạo và nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đó là trở ngại lớn nhất cản trở sự phát triển của đất nước và dân tộc.
- Phủ nhận vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng Đảng không có đủ khả năng lãnh đạo đất nước.
- Phê phán Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền, không có tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, đàn áp mạng xã hội.
- Phê phán Việt Nam không có và không thể giải quyết mối quan hệ Nhà nước – thị trường – xã hội.
- Công kích, xuyên tạc đời tư của các lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Khẳng định tham nhũng, suy thoái, thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ trong Đảng và Nhà nước là phổ biến, là căn bệnh nan y không thể chữa trị.
- Kêu gọi các lực lượng vũ trang “phi chính trị hóa”, chối bỏ sự lãnh đạo toàn diện về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Khẳng định nền văn học nghệ thuật Việt Nam là một nền văn học nghệ thuật “nô dịch”, “minh họa” không có và không thể có những tác phẩm xuất sắc.
…
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: TTXVN
Có thể nhận thấy các luận điểm chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch trải dài trên một phạm vi rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau từ chính trị - tư tưởng, kinh tế, văn hóa – xã hội, quân sự, nghệ thuật …. Tất cả những luận điểm phản động ấy xét đến cùng đều nhằm cho mục tiêu lớn nhất và duy nhất của các thế lực thù địch đó là lật đổ vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam, đẩy đất nước ta, nhân dân ta vào vòng xoáy bất ổn. Trên phương diện chính trị, văn kiện các kì đại hội Đảng là luôn là “đối tượng” được các thế lực thù địch đặc biệt lưu tâm, thường xuyên rêu rao, xuyên tạc. Trong bài viết này, chúng tôi đi sâu phân tích quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong việc phủ nhận các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Có thể nói việc chuẩn bị văn kiện cho Đại hội lần thứ XIII được Đảng ta chuẩn bị hết sức công phu, chu đáo, khoa học, bài bản. Đảng đã thành lập Tiểu ban Văn kiện do đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Văn kiện trình Đại hội XIII đã được xin lấy ý kiến rộng rãi của các đảng viên, các nhà khoa học, các đồng chí lão thành cách mạng…., tiến hành chỉnh sửa nhiều lần cho phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Với sự chuẩn bị kĩ lưỡng ấy, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhận được sự đồng thuận, tán thành cao của các đồng chí tham dự đại hội cũng như toàn thể đảng viên và nhân dân ta, xứng đáng là kim chỉ nam chỉ lối dẫn đường cho đất nước ta phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên trước, trong và sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch ra sức rêu rao rằng các quan niệm của Đảng ta trong văn kiện lần này cũng như văn kiện của các kì đại hội trước, vẫn là sự sao chép các lí thuyết lỗi thời, bảo thủ, không có đổi mới, sáng tạo, không theo kịp tình hình phát triển của đất nước và thế giới. Các thế lực thù địch còn bịa đặt trắng trợn rằng văn kiện Đại hội XIII của Đảng thực chất là bản “copy – paste” văn kiện của các kì đại hội trước, có “chỉnh sửa”, “thêm thắt” một vài số liệu.
Trước quan điểm sai trái này, chúng ta cần phải nhận thức một cách rõ ràng rằng đây là những luận điểm không mới, thậm chí là cũ rích của các thế lực thù địch. Hết ngày này qua ngày khác, hết năm này qua năm khác, hết kì đại hội này đến đại hội khác, các thế lực thù địch cũng chỉ có một bài, một giọng điệu như vậy khi nói về văn kiện của Đảng.
Nhìn từ lịch sử, từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vùng đứng lên đánh đổ ách xâm lược gần 100 năm của thực dân Pháp, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ 1945 đến 1975, trong vòng ba thập kỉ, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên một “Điện Biên Phủ lừng lẫy, năm châu, chấn động địa cầu”, làm nên một chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thu giang sơn về một mối. Từ 1976 cho đến nay, Đảng đã chèo lái con thuyền dân tộc phát triển toàn diện. Chính trị - xã hội ổn định, lãnh thổ được bảo vệ toàn vẹn, nền kinh tế ngày càng khởi sắc, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, quan hệ quốc tế được mở rộng và đi vào chiều sâu, vị thế của đất nước trên thế giới ngày càng được nâng cao. Tất cả những điều này càng khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu khách quan, là nhân tố quyết định mọi thành công của đất nước, dân tộc. Và những thành công ấy, những quyết sách đúng đắn ở tầm vĩ mô ấy đều được thể hiện trong văn kiện của các kì đại hội Đảng. Ở đại hội lần thứ nhất (diễn ra từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 3/1935), Đảng đề ra con đường giải phóng dân tộc là Đấu tranh vũ trang quần chúng. Đại hội lần thứ hai (diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951), Đảng nêu lên chiến lược kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Đại hội lần thứ ba (diễn ra từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960), Đảng quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh cho hòa bình thống nhất nước nhà. Hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân cả nước. Đại hội lần thứ tư (diễn ra từ ngày 14 đến ngày 20/12/1976), Đảng đề ra đường lối đưa đất nước ta bước vào kỉ nguyên mới của lịch sử dân tộc, cả nước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa. Đại hội lần thứ năm (diễn ra từ ngày 27 đến ngày 31/3/1982) đánh dấu sự chuyển mình của Đảng trong việc tìm tòi, khai phá, tổng kết thực tiễn nhằm tìm ra hướng đi phù hợp với dân tộc trong tình tình mới. Đại hội lần thứ sáu (diễn ra từ ngày 15 đến ngày 18/12/1986), Đảng quyết định cải cách mở cửa toàn diện, tạo ra bước ngoặt phát triển kì diệu của đất nước. Đại hội lần thứ bảy (diễn ra từ ngày 24 đến ngày 27/6/1991), Đảng nhấn mạnh đến mục tiêu xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội khi khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Đại hội lần thứ tám (diễn ra từ ngày 28/6 đến ngày 1/7/1996), Đảng hướng đến mục tiêu tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đại hội lần thứ chín (diễn ra từ ngày 19 đến ngày 22/4/2001), Đảng tiếp tục hướng đến mục tiêu phát triển đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đại hội lần thứ mười (diễn ra từ ngày 18 đến ngày 25/4/2006), Đảng đề ra mục tiêu phát triển bền vững, đẩy mạnh phong trào chống tham nhũng, lãng phí. Đại hội lần thứ mười một (diễn ra từ ngày 12 đến ngày 19/1/2011), Đảng xác định đưa đất nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đại hội lần thứ mười hai (diễn ra từ ngày 20 đến 28/1/2016), Đảng thể hiện quyết tâm “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đại hội lần thứ mười ba (diễn ra từ ngày 25 tháng 1 đến ngày 1/2/2021), Đảng đặt ra những mục tiêu hết sức cụ thể rõ ràng cho đất nước như đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Như vậy có thể khẳng định, văn kiện ở mỗi kì đại Đảng luôn có sự đổi mới, là kết tinh của trí tuệ, tâm huyết, tầm nhìn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, là ngọn cờ, là ánh sáng chỉ đường cho đất nước ta thực hiện khát vọng về một “Việt Nam hùng cường” chứ không như những lời bịa đặt, xuyên tạc của thế lực các thù địch.
NGÔ THANH HÀ - TRẦN ANH SƠN - VŨ THỊ THU HẰNG
VNQD