Bác Hồ rất yêu nghệ thuật truyền thống

Chủ Nhật, 12/05/2024 08:42

. LÊ TUYẾT HẠNH


Nhìn một cách chung nhất thì tòa lâu đài nhân cách Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có cái nền móng vững chãi là tình yêu thương, cái khung kết cấu là trí tuệ. Nhờ có nhiều những ô cửa sổ ngoại ngữ nên đón được nhiều luồng gió nhân văn từ khắp chân trời văn hóa nên lâu đài ấy luôn lộng gió thời đại, chan hòa hương thơm và ánh sáng tinh hoa của cả nhân loại. Một phương diện của tình thương yêu ở Bác là tình yêu sâu nặng nghệ thuật truyền thống dân tộc. Nhà báo I. Phabe, người Đức kể một lần được nghe Bác Hồ nói về công tác kế thừa truyền thống: “… Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông…”[1].

Bác Hồ rất thích thưởng thức nghệ thuật truyền thống. Trong các buổi gặp gỡ với các nghệ sỹ Bác thường đề nghị được nghe các làn điệu chèo, tuồng, nhất là hát ví... Chị Kim Chung ngâm thơ cho Bác nghe. Trong bài thơ có câu: Ai gọi tên xưa dẫy núi giăng màn. Bác hỏi luôn: “Tại sao lại gọi là núi giăng màn?”. Chị Kim Chung ấp úng. Bác giải thích ngay: “Đó là dãy núi Trường Sơn nó trùng trùng điệp điệp như người ta giăng cái màn này sang cái màn kia”.

Chúng tôi đều nói: Bây giờ chúng cháu hiểu rồi. Cuộc ngâm thơ lại tiếp tục. Bác nghe rất hào hứng”[2]. Chúng ta thấy, ngoài cái tình cha con một nhà còn là cái tình của nghệ sỹ đối với nghệ sỹ.

Bác Hồ rất yêu, quý trọng văn học cổ điển, coi đó là cái vốn, trên cơ sở đó mà sáng tạo. Người mong muốn thế hệ đi sau cũng phải như vậy. Câu chuyện của nhà điện ảnh Phạm Văn Khoa kể lại càng cho thấy rõ điều này. Một lần Bác hỏi: “Chú Khoa làm công tác văn nghệ có thuộc Chinh phụ ngâm không? Tôi trả lời: Thưa Bác, cháu thuộc từng đoạn thôi ạ!

Bác bảo tôi: Làm công tác văn nghệ mà không tìm hiểu sâu vốn của dân tộc thì không làm được đâu”. Và từ hôm ấy trong khi đi đường, mỗi buổi sáng, Bác dạy tôi bốn câu trong Chinh phụ ngâm, buổi chiều Bác bảo tôi đọc lại, rồi Bác lại dạy tôi bốn câu tiếp. Cứ thế trong mấy chục ngày đi bộ, Bác dạy tôi thuộc lòng cuốn Chinh phụ ngâm từ đầu đến cuối”[3]. Câu chuyện của bác sĩ Trần Hữu Tước kể cho thấy Bác Hồ còn coi nghệ thuật là một cách để tìm hiểu nhân cách con người: “Có hôm Bác hỏi mọi người có thích đọc KiềuChinh phụ ngâm không. Mọi người trả lời rất thích. Bác ngoảnh sang bác sỹ Tước, hỏi:

- Trong Chinh phụ ngâm, chú thích câu nào nhất?

- Thưa Bác, cháu thích câu Hướng dương lòng thiếp như hoa!

Bác vừa đùa vừa khen:

À, chú này chưa mất gốc!”[4].

Bác rất thích nghe ngâm thơ. Nghệ sỹ Kim Liên nhớ lại lần ấy được ăn cơm với Bác Hồ. Bác hỏi: “- Chú Xuân Thủy tặng cho cháu bài thơ thế nào, cháu đọc đi cho Bác nghe”. Tôi buông đũa xuống mâm và đọc bài thơ Đóa sen hồng: Kim Liên quê ở Nam Hà… Bác ngắt ngay ở đó và bảo: “Kim Liên vốn ở Nam Đàn chứ”. Nói xong Bác bảo tôi đọc tiếp. Tôi đọc một mạch trong ngâm xúc động… Bác chăm chú nghe tôi đọc thơ. Còn tôi thì chăm chú nhìn Bác, suýt nữa quên cả lời thơ. Tôi đọc xong Bác gật đầu khen hay. Tôi vô cùng sung sướng và nói:

- Cháu thấy Bác đẹp như một ông tiên vậy.

Bác liền quay sang nói với anh Vũ Kỳ, giọng rất vui: “- Nó lại nịnh Bác để Bác thưởng kẹo cho nó đấy…”. Nhưng khi về, Bác nói: “Bác chẳng có gì cho cháu cả! Bác chỉ có cái thước mà lúc còn trẻ đi bôn ba qua các nước, Bác có nhặt được mảnh gỗ, Bác tự tay đẽo thành một cái thước kẻ để dùng, nay Bác cho cháu để làm kỷ niệm”[5].

Tác giả Hồng Khanh kể sáng ngày 27-8-1969 tuy mệt hơn nhưng Bác vẫn chủ động gợi chuyện xua tan không khí buồn lo ở các đồng chí lãnh đạo Đảng và đội ngũ y bác sỹ. Bác hỏi y tá Nguyễn Thị Oanh:

- Quê cháu ở đâu?

- Dạ! Thưa Bác! Quê cháu ở xã Liên Châu, huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc.

Bác hỏi tiếp:

- Cháu có biết hát không?

Nguyễn Thị Oanh hơi lúng túng, đỏ mặt, nhưng kịp trấn tĩnh rồi mạnh dạn hát cho Bác nghe bài Chiến sỹ quân y làm theo lời Bác.

Thấy ánh mắt Bác nhìn mình âu yếm, cổ vũ, Nguyễn Thị Oanh hát tiếp bài dân ca quan họ Bắc Ninh Người ơi người ở đừng về.

Nghe xong, Bác lấy làm hài lòng, mỉm cười. Rồi Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ tặng hoa cho chị...”[6].

Đó là một con người nghệ sỹ đích thực, từ khi còn trẻ cho đến lúc sắp từ giã cõi đời. Ở Hồ Chí Minh luôn song hành hai đời sống, bổ sung, làm đẹp cho nhau: đời sống của một nhà cách mạng và đời sống của một nghệ sỹ.

Theo chúng tôi văn hóa văn nghệ hôm nay càng nên học tập Bác ở tình yêu nghệ thuật truyền thống. Vì trong cuộc giao lưu toàn cầu hóa phải có cái riêng mới được quan tâm chú ý. Mà cái riêng ấy lấy từ đâu? Chỉ có ở một nơi bền vững nhất, giàu có nhất, mang tính bản sắc nhất, đó là nghệ thuật truyền thống.

L.T.H


[1]. Trần Đương - Bác Hồ như chúng tôi đã biết - NXB Thanh niên, 2009, tr 166.

[2]. Nhiều tác giả - Bác Hồ với nghệ sĩ sân khấu - Viện Sân khấu 1990, tr 81.

[3]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sĩ. NXB Văn học, 1995, tr 83.

[4]. Nguyễn Sông Lam - Bình Minh (tuyển chọn) - 120 câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh - NXB Thanh niên, 2010, tr 31.

[5] . Nhiều tác giả - Bác Hồ với nghệ sĩ sân khấu - Viện Sân khấu 1990, tr 84.

[6] . Chuyện thường ngày của Bác Hồ - NXB Thanh niển, 2005, tr 193.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)