. THANH TÚ
Các nhà nghiên cứu nghệ thuật quân sự Việt Nam đã phân tích, khái quát tư tưởng nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh, coi đó là đường lối quân sự cơ bản của cách mạng Việt Nam - một trong những nhân tố quyết định dẫn đến thắng lợi giải phóng hoàn toàn đất nước ta. Sau khi Bác Hồ qua đời, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Mỹ, ông Gớt Hôn đánh giá về Bác: "Người là một lãnh tụ chính trị nhưng Người cũng là một lãnh tụ xuất sắc về quân sự". Không ngẫu nhiên ông đánh giá cao Bác Hồ như vậy, bởi chắc ông đã đọc kỹ tiểu sử và nghiên cứu những bài viết về quân sự của Bác. Nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh là sự kế thừa tinh hoa nghệ thuật quân sự Việt Nam và thế giới. Hồi ở Pháp Người đọc nhiều sách quân sự của cách mạng tư sản Pháp, của công xã Pa-ri và quân đội Pháp hiện thời. Thời gian ở Liên Xô Người đã nghiên cứu nghệ thuật quân sự Xô viết. Đặc biệt Người nghiên cứu rất kỹ binh pháp cổ Trung Quốc để có "Những hiểu biết cơ bản về quân sự", "Phép dùng binh của Tôn Tử" (1943)... Nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh là sự tiếp nối truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam với những nguyên lý cơ bản: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo (Nguyễn Trãi), Vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước chung sức, là khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc (Trần Quốc Tuấn), là lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, là "ngụ binh ư nông"...
1. Tư tưởng “Người trước súng sau” – coi trọng con người.
Tư tưởng “Người trước súng sau” là một bộ phận trong tư tưởng vì con người của Bác. Trong Di chúc Bác nhấn mạnh: “Đầu tiên là đối với con người...”, suốt cuộc đời vĩ đại, từ thời thanh niên đến khi về với thế giới người Hiền, ở Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh có sự nhất quán đến kỳ lạ về mục đích: “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, rộng hơn là vì hạnh phúc con người nói chung. Mọi suy nghĩ, việc làm, hành động, dù nói hay viết… tất cả đều vì mục đích ấy. Bác Hồ nhiều lần khẳng định con người là “vốn quý nhất”: “Người lao động là vốn quý nhất”. “Phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta”. Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp Bác Hồ viết 6 điều không nên và 6 điều nên làm giáo dục cán bộ, mở đầu bài báo là một lẽ phải “Nước lấy dân làm gốc” có ý nhắc làm bất cứ điều gì thì trước tiên cũng mục đích vì dân. Cuối bài là mấy câu thơ:
“Quân tốt dân tốt,
Muôn sự đều nên.
Gốc có vững cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[1].
Nếu nói hình thức mang tính nội dung, “hình thức mang tính quan niệm” thì ví dụ này là rất tiêu biểu. Chủ đề 4 câu thơ nói về cái “lầu thắng lợi” thì cấu trúc của nó cũng mang hình “cái lầu” ấy với “thân lầu” là hai câu thơ bốn chữ, “móng lầu” là cặp câu lục bát vững chãi. Văn chương Hồ Chí Minh là nghệ thuật của sự tự nhiên, vượt ra ngoài những cố tình gò câu ép chữ để trở về với những gì tươi ròng sự sống.
Phương châm “Người trước, súng sau” chính là mối quan hệ giữa con người và vũ khí. “Người trước” mang tính quyết định chiến thắng. “Súng sau” là vũ khí, tất nhiên phải tương ứng, phù hợp và được con người sử dụng thành thạo, hiệu quả. Trước nay, bất kỳ quốc gia nào thì sức mạnh của quân đội luôn phụ thuộc vào hai nhân tố cơ bản là con người và vũ khí. Nhưng con người phải biết làm ra vũ khí, làm chủ vũ khí, biết lấy vũ khí địch đánh địch, biết cách phát huy tốt nhất công dụng của các loại vũ khí, nhất là ở ngày hôm nay vũ khí ngày càng được trang bị hiện đại.
Với tầm nhìn chiến lược, Nguyễn Ái Quốc đã chú trọng việc đào tạo cán bộ quân sự từ rất sớm, khi hoạt động ở Trung Quốc (1925-1927), Người đã cử một số thanh niên xuất sắc trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đến học ở Trường Quân sự Hoàng Phố. Sau này nhiều người trong số họ trở thành những vị tướng tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam: Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Lê Hồng Sơn… Năm 1941, Hội nghị Trung ương 8 quyết định giành chính quyền bằng con đường khởi nghĩa vũ trang nhưng vũ khí ở đâu? Bác Hồ nói: “Không sợ thiếu vũ khí. Chỉ sợ khi thời cơ đến lại thiếu người cầm vũ khí”. Người khẩn trương cho xây dựng lực lượng vũ trang, mở rộng căn cứ địa. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, 34 người chiến sĩ được trang bị, theo lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ có “2 khẩu súng thập, 17 khẩu súng trường, vừa giáp năm, giáp ba, vừa khai hậu và súng tàu chế tạo, 14 khẩu súng kíp” (Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, 2012, tr 144). Trong hoàn cảnh cực kỳ thiếu thốn về vũ khí, đúng là nhân tố con người là quyết định, quân ta, dưới sự lãnh đạo chỉ huy của Bác Hồ đã phát huy sức mạnh tinh thần, ý chí sáng tạo của người lính Cụ Hồ đã tạo nên những kỳ tích. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng huấn luyện con người có lý tưởng cách mạng, dám “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Người yêu cầu bộ đội “phải luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức: Trí, dũng, liêm, trung”.
2. ”Người trước súng sau” vì chúng ta coi hòa bình quý hơn tất cả
Nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh là trọng hoà bình, là không muốn chiến tranh. Khi cả nước chuẩn bị phải bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ tuyên bố với thế giới rằng: "Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hoà bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh... Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách... Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang đợi chúng tôi..." (1). Rõ ràng để trở thành nhà quân sự kiệt xuất là ngoài ý muốn của Người, không hề muốn chiến tranh, nhưng cần thiết thì Người cùng cả dân tộc buộc phải tiến hành chiến tranh để giành độc lập, tự do, để cho xứ sở này luôn tràn ngập ánh trăng hoà bình như trong những áng thơ của Người vậy. Cây muốn lặng, gió chẳng muốn đừng, dã tâm của kẻ thù là muốn đưa dân ta trở về kiếp nô lệ, cả nước ta phải cầm súng, Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:
"Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
Tư tưởng hoà bình yêu tự do của Người là sự kế thừa, tiếp nối tinh thần trọng hoà hiếu của cha ông, cách sống thương người như thể thương thân của dân tộc: "Theo tinh thần bốn bể đều là anh em, tôi yêu mến thanh niên Pháp cũng như yêu mến thanh niên Việt Nam. Đối với tôi, sinh mệnh của một người Pháp hay sinh mệnh của một người Việt đều đáng quý như nhau... Trước lòng bác ái thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người".(2)
Với tư tưởng con người là quyết định nên Bác và Đảng ta phát động toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến là hết sức đúng đắn.
Nghệ thuật chiến tranh trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam luôn là nghệ thuật chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Bác Hồ giải thích: "Toàn dân kháng chiến nghĩa là toàn cả dân, ai cũng đánh giặc. Bất kỳ đàn ông đàn bà, người già con trẻ, ai cũng tham gia kháng chiến" (3). Đường lối kháng chiến này lại được thể hiện cụ thể mà sinh động trong một bài thơ của Người: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ ! Tiến lên đồng bào/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công (Chúc năm mới - 1947). Có nhà phê bình đã chia thơ Hồ Chí Minh ra thành hai loại, thơ tuyên truyền cổ động và thơ nghệ thuật. Thực ra thơ Hồ Chí Minh chỉ có một loại thơ nghệ thuật, dĩ nhiên cần phải hiểu nghệ thuật ở nghĩa rộng rãi hơn, nghệ thuật cả ở những vấn đề ngoài văn bản chứ không chỉ tồn tại trong hình thức văn bản. Những tác phẩm như Chúc năm mới trên thì vừa là tuyên truyền vừa là nghệ thuật, nghệ thuật đưa chính trị vào nghệ thuật, nghệ thuật mượn nghệ thuật để tuyên truyền...
Cách đánh du kích là hệ quả tất yếu của đường lối chiến tranh nhân dân được Bác Hồ đặc biệt chú ý. Người viết tác phẩm Đánh du kích như đánh cờ nêu những cách đánh giặc cụ thể của một cụ nông dân đã già yếu: Một ông già, một sợi dây/ Làm cho điêu đứng một bầy địch nhân; của một cụ bà cao tuổi: Tuổi già gan lại càng già/ Làm cho địch biết tay bà mưu cao; của một em bé: Tuổi nhỏ mà gan thì to/ Đem hai thứ trứng bán cho quân thù... Đây chính là sự cụ thể hoá của nghệ thuật chiến tranh nhân dân: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc... Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có súng có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước".
4. Tinh thần tiến công là do con người: Kiên quyết không ngừng thế tiến công
Hạt nhân của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là tư tưởng chiến lược tiến công. Đây chính là vấn đề quyết định sự thắng lợi của bất kỳ công việc gì chứ không chỉ là việc đánh giặc, bởi chỉ nhờ có tiến công mới có thể tạo ra được thế chủ động, mà trong đánh giặc thì việc này là tối cần thiết, như Bác Hồ nói: "Giữ quyền chủ động chính là giữ thế công, giữ thế công mới đánh được giặc" (4). Bài thơ Học đánh cờ được các nhà nghệ thuật quân sự nước ta coi là sự thể hiện của đường lối chiến lược quân sự Việt Nam ngắn gọn nhất, sinh động nhất. Bài thơ có 3 khổ, 12 câu, 108 chữ thì hai chữ tấn công được nhấn mạnh tới ba lần: Tấn công thoái thủ ưng thần tốc (Tấn công thoái thủ nhanh như chớp), Kiên quyết thì thì yếu tấn công (Kiên quyết không ngừng thế tấn công), Công thủ vận trù vô lậu toán (Tấn công phòng thủ không sơ hở). Chỉ có trên cơ sở tấn công mới tạo ra được thời cơ. Cấu trúc của khổ thơ sau là một kết cấu nhân quả:
Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ
Kiên quyết không ngừng thế tấn công
Lạc nước hai xe đành bỏ phí
Gặp thời một tốt cũng thành công
Nhờ có tầm nhìn rộng, suy nghĩ kỹ càng kết hợp với thế công (thì) dù có "lạc nước" nhưng vẫn có thể "gặp thời một tốt cũng thành công".
5. Sức mạnh tinh thần tạo nên: Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu...
Hồ Chí Minh rất chăm lo xây dựng lực lượng quân đội theo nguyên tắc tập trung: "Về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng"(5). Quân đội ấy phải hết sức coi trọng chính trị: "Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng"(6). Học tập chính trị để có quyết tâm, để rèn luyện ý chí đánh giặc. ở bất cứ thời nào, bất cứ nơi đâu, nếu có chiến tranh thì yếu tố con người vẫn là yếu tố quyết định sự thành bại. Bác Hồ đã khẳng định điều đó bằng nhiều hình thức khác nhau, những câu nói khác nhau, ví như một mệnh đề nổi tiếng: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công thì vấn đề đoàn kết chính là con người. Hay ở một bài thơ khác, bài Thơ chúc mừng năm mới -1956 có hai câu cuối:
Quyết chí bền gan phấn đấu
Hoà bình thống nhất thành công
Chỉ nhờ có giáo dục chính trị mới có thể quyết chí bền gan được. Cái gốc của giáo dục là tình thương. Bác Hồ rất thương chiến sĩ mà bài thơ Tư chiến sĩ chỉ là một biểu hiện: Canh thâm lộ cấp như thu vũ/ Thần tảo sương nùng tự hải vân/ Khoái tống hàn sam cấp chiến sĩ / Dương quang hoà noãn báo tân xuân (Đêm khuya, móc rơi dồn dập như mưa thu/ Sáng sớm, sương dày như mưa mặt biển/ Mau gửi áo rét cho chiến sĩ / ánh nắng ấm áp đã báo trước tin xuân mới sắp về). Đúng là một tình thương cha con. Điều này được tiếp nối từ lịch sử: Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào (Bình Ngô đại cáo)... Nhân đây xin nói tới đạo làm tướng theo quan niệm của Bác thì cái gốc vẫn là tình thương yêu và sự gương mẫu: "Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên... Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt" (7). Có thế thì mới tạo ra được Hùng sư bách vạn tất thính lệnh (Trăm vạn hùng binh đều nghe lệnh).
Quân đội ta nhớ lời dạy của Bác: "Phải nhớ rằng nhân dân là chủ. Dân như nước, mình như cá, lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết"; "Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội". Đấy là nghệ thuật quân sự cốt lõi nhất, cơ bản nhất đã góp phần quyết định tạo nên sức mạnh vô địch của quân đội ta, quân đội của nhân dân: "Trung với Đảng. Hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng".
6. Theo chân Bác, quân đội ta đang gặt hái những thành tựu mới
Học tập, kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao tinh hoa văn hóa quân sự của cha ông, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Đảng ta, với tinh thần Thánh Gióng, quân đội nhân dân Việt Nam 80 năm qua đã viết tiếp những trang sử mới mang tầm thời đại xứng đáng với truyền thống anh hùng. Lời Bác Hồ là lời của chân lý, đạo lý cũng là nguyên lý: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Nhân dân Việt Nam lấy tên vị lãnh tụ vĩ đại đặt tên cho hình tượng người lính yêu mến của mình là “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Ngay điều ấy cũng cho thấy mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Chính quyền, Nhân dân và Quân đội thống nhất trong một cơ thể Tổ quốc vạm vỡ. Nhờ vậy quân đội đã vượt qua mọi khó khăn hy sinh “mưa dầm cơm vắt”, “máu trộn bùn non” để làm nên một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Đã trở thành “một Thạch Sanh của thế kỷ XX” để chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược Mỹ giàu có, hung bạo, thiện chiến nhất thế kỷ XX. Đã tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Camphuchia hồi sinh thoát khỏi nạn diệt chủng man rợ để rồi được người dân xứ Chùa Tháp gọi là “đội quân nhà Phật” vì đã tái sinh họ từ địa ngục trần gian trở về với cuộc sống… Trong lịch sử quân sự nhân loại, hiếm có một đội quân nào anh dũng, yêu nước, nhân văn cao cả, được nhân dân tin tưởng tuyệt đối như vậy!
Vững bước theo Đảng, vì dân quên mình, người lính hôm nay hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào. Nơi biên giới xa xôi, họ đang từng phút giữ bình yên cho Đất Mẹ. Nơi đảo xa, Mẹ Tổ quốc yên tâm có những đứa con yêu ngày đêm canh giữ. Anh lính Cụ Hồ đang là lực lượng chủ lực trong việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, trong việc xử lý ô nhiễm môi trường hay gỡ bom mìn. Anh có mặt sớm nhất để bảo vệ tính mạng, tài sản cho dân khi thiên tai ập đến. Anh làm bác sỹ chữa bệnh, làm thầy giáo dạy con trẻ cái chữ, tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật... Ở đâu có anh ở đó bà con yên tâm. Anh đem lại cuộc đời mới cho đồng bào vùng sâu vùng xa hẻo lánh…
Thích ứng với thời kỳ xây dựng đất nước, với tinh thần Thánh Gióng, bộ đội tham gia xây dựng các công trình kinh tế lớn. Có tập đoàn quân đội vươn ra ngoài thế giới góp phần làm giàu đất nước, quảng bá hình ảnh quốc gia. Bộ đội tham gia đội quân giữ gìn hòa bình của Liên Hợp quốc, làm bác sĩ quân y, sỹ quan hậu cần, sỹ quan chỉ huy tham mưu... tận tụy giúp đỡ, bảo vệ những người dân nghèo châu Phi xa xôi... Trong Đại dịch Covid vừa qua, với khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”, bộ đội lại là người lính tiên phong. Nhường chỗ ở cho dân. Làm bác sỹ, y tá, hộ lý. Làm “bà nội trợ” đi chợ giúp dân.... “Vì nhân dân phục vụ. Vì nhân dân hy sinh”! Đấy là mệnh lệnh của trái tim người lính Cụ Hồ!
T.T
-----------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2002, tập 4, tr.473.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2002, tập 4, tr.457.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2002, tập 4, tr.485.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2002, tập 3, tr.473.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2002, tập 3, tr.507.
(6) Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2002, tập 6, tr.318.
(7) Hồ Chí Minh toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2002, tập 6, tr.207.
VNQD