Cái giá của từng trang viết

Thứ Năm, 23/05/2024 00:18

(Đọc Chạm vào ký ức, truyện kí của Vũ Thị Hồng, Nxb Văn học, 2023)

. NGÔ THẢO
 

Nằm trong Chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng năm 2023, truyện kí Chạm vào ký ức của Vũ Thị Hồng có một hiệu ứng khá đặc biệt. 260 trang sách, gần như là tự truyện, ghi lại những gì đã diễn ra trong đời một cô gái Hà Nội vừa qua tuổi 20, đi thẳng ra chiến trường, hơn 1.500 ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của dân tộc ta ở thế kỉ XX.

Ngày 22/8/1967, quả bom Mĩ đầu tiên ném vào hiệu thuốc 140 Phố Huế - Hà Nội, làm sập nhà ba tầng, nhiều người chết và bị thương. Trong số đó có bố của Thục, nhân vật chính của truyện kí. Ông để lại người vợ và 6 đứa con. 17 tuổi, Thục đã là người lớn trong gia đình chia sẻ gánh nặng với mẹ. Tự tay Thục chôn cất vội vàng cho bố, rồi mấy năm sau, khi cải táng, lại cùng mẹ gom nhặt, rửa từng mẩu xương, những di vật còn sót lại, mới biết hộp sọ ông bị vỡ, vì bị đè dưới nhiều lớp bê tông. Thục tự an ủi là chắc bố không quá đau đớn khi mất.

Từ đây, niềm căm thù giặc Mĩ trong Thục càng có lí do cụ thể, sâu sắc. Thục cùng gia đình vượt qua đói khổ, để đi học. Vừa xong năm thứ ba khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, Thục đã tình nguyện đi chiến trường. Qua lớp bồi dưỡng 4 tháng của Hội Nhà văn Việt Nam, Thục cùng mấy chục bạn được lên đường. (Sau chiến tranh, nhiều người trong đoàn ra đi ngày ấy đã làm nên nghiệp lớn, cả trong văn chương và chính trường.)

Thử thách đầu tiên đối với Thục là thị lực có vấn đề. Đi khám buộc phải điều trị, nhưng Thục đã trốn về để kịp theo đoàn; bệnh ấy còn nhiều lần trở lại khi vào chiến trường. Sau 3 tháng hành quân cả ngàn cây số trên đường Trường Sơn, vượt qua nhiều thử thách của tuổi thư sinh khi lần đầu chạm mặt với gian khó muôn vàn của ngoại cảnh chiến tranh và nội cảnh cá nhân (thể lực và tinh thần), Thục cùng đồng đội đã tới căn cứ của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V. Việc đầu tiên là bắt tay lao động sản xuất để tự túc lương thực, ở nơi Nguyễn Mỹ, tác giả Cuộc chia ly màu đỏ đã hi sinh trước đó. Nhà văn Nguyên Ngọc sang xin mấy người bổ sung cho Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng Khu V. Nguyễn Bảo, Nguyễn Hồng được chọn, với một nữ duy nhất là Phương Thục.

Rất nhiều chuyện sẽ xảy ra, khi là một mình thanh nữ mới qua tuổi 20, ở giữa thế giới toàn là đàn ông trưởng thành, xa nhà lâu năm, thường xuyên sống cạnh cái chết tới từ nhiều hướng. Trước hết là một ông thủ trưởng nghiêm khắc, lạnh lùng đến nghiệt ngã, và hình như quan tâm hơi quá đáng đến tình cảm riêng tư của Thục. Và đó là một câu chuyện xuyên suốt 4 năm tiếp theo. Mỗi lần đi công tác cùng ông là một lần Thục phải lo lắng, cố gắng rất nhiều để không bị bỏ rơi. Nhưng trong lúc vượt suối, trèo đèo, sự có mặt của ông lại là điểm tựa tin cậy, từ kinh nghiệm của một người từng trải xông xáo hòn tên mũi đạn mấy cuộc kháng chiến trước mà không hề hấn gì. Hình như thấu hiểu lòng ông, nên nhiều lần Thục không chấp hành mệnh lệnh của ông, nhất là những lúc buộc cô quay về tuyến sau.

Mang nỗi căm hận giặc Mĩ, muốn trực tiếp trả thù, nhưng khi Thục vào chiến trường, thì quân Mĩ đã lần lượt rút về, chỉ còn bom đạn và bọn lính đánh thuê. Sau những trận sốt, sau những đợt bom, khi được theo đơn vị vào chiến dịch, Thục tìm mọi cách xuống tận đại đội chủ công. Chiến dịch mùa xuân 1972 là một dịp như thế. Được sống bên các cán bộ chiến sĩ trẻ trung, hồn nhiên, trong sáng, nữ nhà báo như được tiếp thêm năng lượng để hồi phục sức lực, sau những ngày thiếu đói, có đêm phải đi tìm một chút mặn trong những gì còn lại để giảm thiểu cảm giác đói, sốt rét liên miên và bất chợt. Khi vào Sơn Lộc, ngoại vi Quế Sơn, chứng kiến bao nhiêu đồng đội, có cả người mà Thục có cảm tình, bị thương, rồi Nho, người chiến sĩ vừa che chắn bảo vệ cho mình hi sinh ngay trên tay mình, Thục đã cầm ngay khẩu AK báng gập của anh, xông lên xả đạn, truy kích quân giặc. Khi có lệnh quay lại, Thục còn mang theo một khẩu AR 15, và một ba lô làm chiến lợi phẩm, không hề biết chân không còn dép, và bị thương tóe máu. Khi trở lại, bị pháo địch truy kích, may có Trung đoàn trưởng Bân vừa đưa quân lên chi viện, ôm cô nhảy xuống chiến hào tránh đạn. Trận đó, khi đơn vị rút lui, bộ phận đi sau đưa thương binh, tử sĩ bị phục kích, hi sinh đến người cuối cùng, trong đó có Chính trị viên Tiểu đoàn Khoa. Chỉ có 3 cáng thương thoát vòng vây, trong đó có Quân, người mà Thục đem lòng yêu thương. Thục thoát chết, vì trên đường rút lui, cô được gọi lên băng lại vết thương cho một cán bộ vừa lập công. Đây là trận thử lửa đầu tiên, Thục trực tiếp giáp mặt kẻ thù, đối diện với bom đạn và cái chết. Hôm sau về thăm đơn vị cũ, đại đội 50 người, giờ chỉ còn 10 chiến sĩ. Bao nhiêu người thân quen đã không còn.

Sau này, Thục trải biết bao nhiêu trận, bị thương, bị bom B52 vùi lấp, bị sốt phải nhập viện, qua nhiều năm tháng chiến trường, nỗi lo thường trực là bám sát các đơn vị chiến đấu, lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, chuyện đời từng người lính, người dân, để mong có những trang viết chân thực, sống động về những tấm gương dũng cảm, quên mình. Những trang viết nhọc nhằn, sau từng trận đánh, sau những ngày ốm sốt, mệt mỏi, ăn đói, ngủ bờ, ngủ bụi, ngủ ngồi, có lúc rải nilon nằm giữa vũng nước mà ngủ. Hàng chục đêm không được ngủ, vì bám địch. Hiện thực thì ngổn ngang, mà năng lực một cây bút mới ngoài hai mươi không dễ nắm bắt và thể hiện. Trong khi nhu cầu cần tuyên truyền gương chiến đấu của các tờ báo thôi thúc. Có dịp cùng trợ lí chính sách kiểm tra, sắp xếp di vật các liệt sĩ từ đầu mùa chiến dịch, Thục thấy số hi sinh quá lớn. Lướt qua ghi chép, thư từ, Thục thương cho bao bà mẹ, người vợ, người con, người yêu đợi chờ có nhận được di vật này không, khi đến thân thể của họ được chôn cất cũng không còn nguyên vẹn, rồi Thục đọc được cả những ghi chép về chính cô với những tình cảm mặn mà.

Trong truyện vừa Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Nguyễn Minh Châu từng viết một chi tiết y hệt. Quỳ vào chiến trường, từng làm nhiều việc: văn công, làm báo, cấp dưỡng, giao liên, y tá, gác nghĩa trang liệt sĩ, lái xe… Và trong lần kiểm tra di vật liệt sĩ, cô đọc được nhiều lời yêu thương dành cho mình. Là người đi tìm cái tuyệt đối, đòi hỏi nơi họ là một thánh nhân, người duy nhất được cô để ý là một cán bộ trung đoàn trẻ, tài hoa, đẹp trai. Nhưng anh có một điều làm cô không vừa ý: bàn tay nhiều mồ hôi. Cô đã hối hận, khi mà trong một trận đánh rất hiệu quả, chỉ có một người hi sinh, đó là Trung đoàn trưởng. Và suốt phần đời còn lại, Quỳ vẫn lang thang đi dập tắt những đám cháy mà tình yêu nhầm lẫn của mình đã gây ra.

Ở trường hợp của Thục hơi khác. Phải nói là trong chiến tranh, số phụ nữ có mặt ở chiến trường khá nhiều. Họ có mặt ở khắp nơi: bộ đội, du kích, thanh niên xung phong, cán bộ dân chính... Ngay chiến trường Khu V, có hẳn một tiểu đoàn - Tiểu đoàn bà Thao, khi đông lên đến 500 người, làm các công tác vận tải, hậu cần. Có cả một tiểu đội chuyên vận tải vượt thác ghềnh mùa mưa. Với cái sọt lớn sau lưng, sức gùi cõng đến phi thường, thường là vượt trọng lượng của chính họ. 70-80kg, thậm chí 100-105kg trên vai những chiến sĩ mà trọng lượng cơ thể chỉ trên dưới 40kg. Đói, rét, đạn bom, cực nhọc, bệnh tật, hi sinh không làm họ run sợ. Nhưng khi nhìn thấy nhau, mông teo, ngực lép, tóc rụng, bế kinh, thân thể tàn tạ, không còn nhận ra giới tính, nhiều lần họ đã ôm nhau khóc.

Riêng Thục, một mình giữa thế giới đàn ông, từ cơ quan Tuyên huấn, Bộ Tư lệnh Quân khu, Sư đoàn, Trung đoàn, đến các đại đội chiến đấu, dẫu gian khổ không còn nét búng sữa tuổi đôi mươi, nhưng vẫn là một bông hồng - dù là bông hồng thép - được nhiều, rất nhiều người lính ở mọi cấp để ý đến. Hằng ngày phải sống, quan hệ thế nào là một bài toán khó giải. Dẫu đã định hướng “Dù có chết cũng phải đi về nơi đang có tiếng súng”, nhưng hằng ngày, biết bao nhiêu cặp mắt soi xét từ lời ăn, tiếng nói, cử chỉ đối xử, lời chào hỏi, cách giao tiếp…, mọi thứ không hề dễ với một cô gái non nớt, nhút nhát, chưa có kinh nghiệm trong môi trường quân đội. Nhưng rồi, khi về đơn vị, được quan tâm đặc biệt, Thục đã nhanh chóng hòa nhập với chiến sĩ, lòng trong trẻo, ấm áp, vô tư, cởi mở, dễ gần. Chính vì thế, khi vào trận, cô bình thản, tự tin, không lo lắng, xao động nhiều. Cô tự biết, để xứng với tình cảm đó, mình phải sống nghiêm túc, vững vàng, quyết không trông chờ, dựa dẫm vào bất cứ ai. “Cứ nghĩ đến tình cảm những người lính dành cho mình, Thục lại ứa nước mắt vì xúc động” (tr.136). “Liệu có đủ tài, đủ tầm để viết về họ như mình đã thấu hiểu không? Cô có thể đánh đổi cả sinh mệnh mình để tìm hiểu và cảm nghĩ cho được về con người trong cuộc chiến đấu này” (tr.137). 5 tháng trực tiếp tham gia chống lấn chiếm năm 1973, nhiều khi Thục không thể yên tâm ngồi viết. Lúc phải đưa tin cho kịp, cô “ngồi viết trong tiếng bom nổ rung chuyển cả không gian, lòng đau nhói những cảm giác mất mát” (tr.138-139). Vì bên cô nhiều đồng đội hi sinh. Nhiều gương chiến đấu dũng cảm, cô chưa kịp gặp khai thác, đã nhận tin họ không còn nữa. Sống cạnh những cây bút tài năng, bám sát các đơn vị chiến đấu, mà vẫn có tác phẩm đều đều, cây bút mới nhiều lúc thiếu tự tin.

Nhưng không chỉ chuyện viết lách. Phiền muộn nhiều nhất đối với Thục lại là những dư luận không mấy thiện chí về những mối quan hệ phức tạp luôn bủa vây quanh mình. Được nhiều người quan tâm quá, hóa ra cũng là một áp lực nặng nề lên cuộc sống. Mỗi lần bị thương, bị ốm đau là có nhiều thư từ, quà cáp nhiều nơi gửi về. Ngay trong cơ quan, cũng nhiều người có cảm tình, mà không phải ai cũng nói ra. Một lần bị kiểm điểm về những lời ong, tiếng ve, Thục đã phải nói thẳng về những gì từng xảy ra với mình. Có cán bộ đêm mò qua võng, khi bị phản ứng, lại bịa đặt những chuyện này nọ để bêu xấu nhà báo. Có khá nhiều lời trách móc vì không được đáp lại những tình cảm chân thành. Giữa đạn bom, tình cảm Thục dành cho một chiến sĩ đặc công gan dạ, ngang tàng, xuất hiện bên Thục những khi khó khăn. Mấy lần cả hai bị thương, đã băng bó cho nhau, trong một tình cảm không lời. Nhưng rồi chàng trinh sát bị thương ra Bắc, và nghe tin đã lấy vợ. Có nỗi đau mất mát, mà cũng có niềm thương cảm cho hoàn cảnh bất khả kháng. Tình thế càng trở nên căng thẳng, khi trong một lần cùng đi công tác, do bất cẩn lúc lau khẩu K59, súng cướp cò, làm Nguyễn Bảo bị thương, phải cáng lên trạm xá. Lo sợ, hoảng hốt, bối rối trước mọi người. Tất nhiên phải kiểm điểm, bị cô lập. Hối hận cũng không xong. May là Nguyễn Bảo chỉ bị thương ở phần mềm. Những chiến dịch cuối cùng, ngày chiến thắng đã đến sau rất nhiều hi sinh, Thục có dịp theo các cánh quân vào lần lượt các tỉnh phía Nam, cho đến ngày phải ra Bắc điều trị sau hơn 4 năm sức khỏe sa sút ở chiến trường. Với một cách nhìn nào đó, Thục, nhân sự nữ duy nhất, trong các đơn vị toàn con trai các lứa tuổi, cấp bậc, thường trực giữa ranh giới sống - chết, như một thứ thuốc thử phẩm chất của những người lính Quân Giải phóng. Sự tồn tại an toàn của nhà báo gan góc, dũng cảm vừa qua tuổi 20 là một minh chứng hùng hồn cho sự thiêng liêng của tình đồng đội, đồng chí.

Rất nhiều tác phẩm văn học mờ chồng lên khi đọc Chạm vào ký ức. Thép đã tôi thế đấy, Sông Đông êm đềm, Phía Tây không có gì lạ… là những tác phẩm thân thuộc với sinh viên một thời. Nhưng xa hơn, mà gần sát hơn phải kể tới Chinh phụ ngâm với “thiên địa phong trần - hồng nhan đa truân” đã vận đúng vào truyện kí. Chỉ khác là nhân vật chính không phải là “chàng tuổi trẻ”, mà đi suốt cuộc chiến muôn phần ác liệt hơn này là một nữ sinh vừa ra trường. Những trang viết về chiến trận gợi nhớ về: Hồn tử sĩ gió ù ù thổi/ Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi/ Chinh phu, tử sĩ mấy người/ Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn. Không có ngựa để “ôm yên gối trống”, nhưng “nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh” lại là chuyện thực. Thục đã là hình ảnh hiện thực hóa mong ước của Chế Lan Viên: Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/ Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi. Hàng trăm liệt sĩ, rồi rất nhiều chiến sĩ kể cả một số cán bộ các cấp ngày ấy mà giờ phần nhiều đã thành người thiên cổ, được tác giả nhớ tên như gọi hồn, như một sự tri ân. Những năm tháng này, sống giữa cái cao cả và thấp hèn, vô tư và vị kỉ, trong sáng và vẩn đục, cô gái tuổi 20 đã thấy mình sớm già dặn, chín chắn, để hiểu thấu về cuộc đời của những người chiến sĩ giải phóng. Hàng chục nhà văn cùng thời đã trở thành những cây bút hàng đầu của văn học về chiến tranh: Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Thái Bá Lợi…

25 tuổi, Thục bước ra khỏi cuộc chiến tranh, với một thân thể nhiễm bệnh, một tâm trạng có phần chơi vơi, bất định, “một đoạn đời sẽ chấm dứt, không phải bằng một dấu chấm hết, mà là một dấu chấm hỏi” (tr.257). Ngày ra đi, trong đoàn có 4 cô gái, 2 vào Nam Bộ, 2 ở lại Khu V. May mắn là cả 4 người đã trở về, đã trở thành những nhà văn với nhiều tác phẩm được chú ý. Trần Thị Thắng nhiều năm về Báo Văn nghệ, có chồng là người đi cùng đoàn - Lê Quang Trang, có thời là Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Đỗ Thanh (Hà Phương) làm ở Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, có chồng là nhà văn với sức viết sung sức - Nguyễn Mạnh Tuấn. Bùi Thị Chiến một thời làm ở Tạp chí Văn nghệ Nghĩa Bình, có chồng là thượng tá Nguyễn Hoài An. Tác giả truyện kí, có bút danh Nguyễn Bắc Hà, là đại tá, từng phụ trách Ban Phụ nữ Quân đội, có chồng là đại tá, nhà văn, chiến sĩ đặc công Chu Lai. Có lẽ đó là những đáp án lí tưởng cho câu hỏi 50 năm trước. Được biết các chị đang chuẩn bị kỉ niệm 55 năm bên nhau ấy bằng một tập sách in chung, khi đã bước vào tuổi “cổ lai hi”, nhớ lại cái giá phải trả để có những trang viết của mỗi người.

N.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)