Cái đẹp ở trong dân – Quan niệm của Bác Hồ cần được coi là hướng đi của văn nghệ hôm nay

Thứ Năm, 16/05/2024 07:17

. TRẦN MẠNH TIẾN


Tết đầu hòa bình năm ấy, một số cán bộ đến chúc Tết Bác, thấy đồng chí đại biểu cầm bó hoa bước ra, Bác nói: “Các chú thật khéo vẽ chuyện! Bác với các chú sống bên nhau hàng ngày, việc gì phải hoa!”. Rồi Người nói vui: “Dáng chừng Bác cho ăn cỗ Tết mà đến tay không thì ngại phải không? Các chú trồng được nhiều rau tốt, sao không chọn những cây nào đẹp, tốt, trồng vào chậu cảnh mang tới biếu Bác. Bác sẽ đặt ở trước phòng khách, khách tới Bác sẽ giới thiệu là của các chú trồng, hết Tết các chú mang về mà chén. Thế là Bác có quà tặng, các chú được Bác tuyên truyền cho, mà lại chẳng mất gì cả! Như vậy có tốt không”[1]. Sẽ có người cho đấy là quan điểm thực dụng. Không phải. Năm đầu hoà bình chúng ta gặp bao khó khăn chồng chất. Cái ăn phải đặt lên trước cái đẹp. Lúc này rau quý và “đẹp” hơn hoa. Lời Bác nói là hoàn toàn phù hợp với tình hình, vừa thực tế, hợp phong tục, lại vui vẻ...

Đồng chí Vũ Kỳ kể: Mùa xuân 1959, Phân đội Hải Quân 4 được đón Bác. Anh em tặng Bác bông hoa đá. Tưởng rằng được khen nhưng Bác lại nhắc nhở: “... tiếc rằng hoa đá đẹp mà không ăn được. Giá các chú biếu Bác vài quả bầu, quả bí do chính các chú trồng được để Bác mang về nấu canh... thì Bác càng vui hơn”[2]. Ý nghĩa của ví dụ này cũng tương tự như ví dụ trên, gắn với hoàn cảnh bộ đội hải quân luôn xa đất liền thì lại là lời Bác nhắc: bộ đội nên tăng gia sản xuất để ăn đủ hơn, ngon hơn.

Những mẩu chuyện trên phần nào cho thấy Bác Hồ quan niệm cái đẹp phải phù hợp với cuộc sống, nằm trong cuộc sống. Chính vì thế mà Người ủng hộ, khuyến khích các nhà văn nghệ thâm nhập sâu vào cuộc sống để tìm thấy ở đó cảm hứng về cái đẹp, sống cùng nhân dân lao động, chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu để viết về họ, phục vụ họ. Ngày 6-11-1962 dự cuộc họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về nội dung Đại hội văn nghệ, bàn về tổ chức anh chị em nghệ sỹ đi thực tế dài hạn, Người tán thành và nói: “Đi, nhưng phải tự nguyện, không ép buộc. Đi, nhưng phải sống như người nông dân chứ đi theo kiểu làm khách là không được. Không để lao động quá sức, nhưng nên thử để thấy người nông dân khổ như thế nào, khỏe như thế nào”[3].

Chính vì thế khi nhà văn Nga Ruf. Bersatxki tỏ ý tiếc khi không được gặp một số nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, thì Người lại tỏ ra vui mừng: “Sao lại đáng tiếc? Ngược lại, họ đi khắp đất nước là rất tốt. - Và đến đây hóa ra là Chủ tịch biết gần như tất cả mọi chi tiết công việc mỗi nhà văn đang làm. - Như tôi biết, - Người nói, - Chính Tô Hoài, người mà các bạn đã gặp, hàng năm đều đi đến các vùng dân tộc ít người ở miền núi, nơi anh ấy đã chiến đấu, cái đó cũng rất tốt! Hằng Phương - các bạn cũng đã làm quen với nữ thi sĩ ấy - trong thời gian cải cách ruộng đất đã về nông thôn và ở đó cùng lao động với nông dân. Do đó thơ của cô ta như các bạn hiểu đấy, chỉ hay hơn mà thôi. Và Nguyễn Đình Thi bao giờ cũng sát bên nhân dân. Cả nhà thơ xuất sắc Tố Hữu của chúng tôi cũng vậy. Và như vậy là đúng, phải như vậy, chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của các nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu nhà văn quên điều đó - nhân dân cũng sẽ quên anh ta”[4]. Ở đây đã rất rõ ràng một quan niệm thực sự biện chứng ở Người: để có tác phẩm hay nhà văn phải trở về với cuộc sống nhân dân, coi đấy là cái nôi, là mảnh đất màu mỡ để nuôi sống cái cây nghệ sỹ.

Câu chuyện của họa sỹ Diệp Minh Châu kể càng cho thấy rõ hơn quan niệm của Bác nhà văn phải tìm cái đẹp trong cuộc sống: “Lần đầu tiên được theo Bác đi tìm một địa điểm mới, trong khi đang lội qua suối, Bác dừng lại chỉ tay ra phía trước: “Chú Châu, chú thấy có đẹp không?”. Tôi nhìn theo tay Bác trỏ, thấy giữa dòng suối có một hòn đá, nước suối chảy mạnh đập vào tung tóe, bụi nước tung lên như ánh bạc. Có một đêm hai Bác cháu đang nghe đài phát thanh, bỗng Bác gọi:

- Chú Châu, qua đây!

Tôi đến ngồi cạnh Bác. Bác kéo đầu tôi ghé cạnh Bác, trỏ ra khung cửa sổ. Một mảnh trăng lưỡi liềm vừa nhô ra khỏi núi, tỏa sắc xanh huyền ảo xuống những dãy rừng xa. Bác nói:

- Của chú đấy!”[5].

Đồng chí Lê Quảng Ba kể tháng 2-1961 Bác về thăm Pác Bó, ngắm nhìn cảnh đẹp, Bác nói với đồng chí Tố Hữu: “Nào nhà thơ, làm thơ đi chứ!”. “Mời Bác làm trước ạ!”. Đồng chí Tố Hữu trả lời. Bác nói: “Vậy thì tôi làm trước!”.

Và bài thơ Thăm lại hang Pác Bó ra đời[6]. Qua hai câu chuyện này còn toát lên một ý: người nghệ sỹ phải tìm cái đẹp trong cuộc sống, lấy cái đẹp vừa là đối tượng miêu tả vừa là cảm hứng sáng tạo. Câu chuyện tiếp theo của đồng chí Đặng Tính cho thấy, theo Bác thì cảm hứng cộng với cái đẹp của cuộc đời sẽ tạo thành thơ:

“Chợt Bác gọi:

- Chú Tính! Chú Tính lại đây!

Tôi bước nhanh đến bên Bác, Bác chỉ tay về phía biển. Một đoàn thuyền đánh cá nhấp nhô những cánh buồm nom xa nho nhỏ xinh xinh như những cánh bướm:

- Chú xem kìa! Rồi Bác đọc chậm rãi như ngâm thơ: Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa...

Tôi xúc động đọc luôn hai câu thơ vừa mới làm xong: Bác về thăm lại quê xưa/ Năm mươi năm ấy bây giờ là đây...

Bác gật đầu cười:

- Hay đấy! Thế mà cũng thành thơ đấy!

Tôi sướng quá, muốn nói to lên...”[7].

Bao giờ và ở đâu thì con người cũng luôn là hiện thân của cái đẹp và Bác Hồ suốt đời luôn đi tìm cái đẹp ấy, chủ yếu là nơi con người lao động. Một lần đi chiến dịch gặp dòng suối dữ, có người đi tìm chỗ sang, có người bàn đợi nước rút. Bác đứng nhìn bao quát xung quanh rồi hỏi: “Thế các chú chỉ tìm ở bờ nước thôi à? Phải tìm trong dân chứ!” Rồi Bác giải thích: “- Ở đây hai bên suối đều có ruộng nương của đồng bào, chẳng lẽ những ngày nước lũ đồng bào lại không đi làm? Chỉ tìm lối sang ở bờ nước là không biết dựa vào dân”. Các chiến sỹ vỡ lẽ, đi dọc bờ suối về phía bản, quả nhiên có cây cầu đi sang”[8]. Đấy là đi tìm cái đẹp trí tuệ ở trong dân.

Bác Hồ là một nghệ sỹ lớn bởi Bác có một quan niệm mỹ học vì dân, coi nhân dân vừa là đối tượng thẩm mỹ vừa là mục đích nghệ thuật. Ở ngày hôm nay văn nghệ cần học tập một cách thiết thực hơn bài học này. Vì xét đến cùng, bao giờ nghệ thuật cũng bắt nguồn từ cuộc sống và quay trở lại phục vụ cuộc sống!

T.M.T

[1] . Nguyễn Ngọc Châu (biên soạn) - Đưa Bác về Pắc Pó. NXB Lao động Xã hội, 2007, tr 148.

[2] . Phan Tuyết - Bích Diệp sưu tầm, tuyển chọn - Những chuyện kể về đức tính chuyên cần của Bác Hồ. NXB Lao Động, 2008, tr 52.

[3] . Hồ Chí Minh biên niên sử, Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 304.

[4]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 3, tr 55.

[5]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 214, 215.

[6]. Nhiều tác giả - Avooc Hồ (tập hồi ký) - NXB Văn Hóa Dân tộc, 1977, tr 208

[7]. Nhiều tác giả - Bác của chúng ta. NXB Quân đội Nhân dân, 1985, tr 216.

[8]. Nguyễn Sông Lam, Bình Minh (tuyển chọn) - 120 câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. NXB Thanh niên, 2010, tr 61.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)