. PHẠM VĂN MINH
Ngày 25-5-1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam bộ, có câu: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sỹ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. Cuối thư Người còn khẳng định vai trò “hiểu biết trước” của văn nghệ sỹ: “Anh em văn hoá với trí thức là lớp tiên tri tiên giác, càng phải quyết tâm không chịu làm nô lệ”[1]. Ngày 10-2-1962 gửi thư cho Hội nghị các nhà văn Á Phi lần thứ hai, có đoạn: “Cây bút phục vụ chính nghĩa trong tay nhà văn chiến đấu có một lực lượng cực kỳ mạnh mẽ”[2]. Như vậy Người đánh giá rất cao vai trò của tầng lớp văn nghệ sỹ trong sự nghiệp cứu nước. Chúng ta luôn tâm niệm lời Người dạy về sứ mệnh của văn hóa: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Có lẽ nhìn thấy vị trí cực kỳ quan trọng của văn hóa nên Người quan niệm văn hóa phải gắn liền với chính trị, biểu hiện chính trị. Ngày 5-1-1952 trên báo Cứu quốc, số 1986 Bác Hồ có Thư gửi các họa sỹ nhân dịp triển lãm hội họa 1951, nhấn mạnh: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”[3].
Nói chuyện với M. Tkatsôp, dịch giả Nga, Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ quan niệm văn học gắn bó với đời sống chính trị: “Tôi vẫn nghĩ thơ và chính trị không thể tách rời - Người ngừng một chút rồi thêm - Còn, có phải thơ chính trị không “cao quý”? Và đó không phải là loại mà người làm thơ có thể viết hay? Có phải nhà thơ không cần làm những bài thơ liên quan đến việc đấu tranh với những cái xấu? Không, không thể thế được. Tôi cho rằng, không nghi ngờ gì cả, cũng như các ngành nghệ thuật khác, thơ phải gắn bó với sự nghiệp cách mạng; đó là điều khẳng định. Và những gì đặt ra chung quanh chuyện này có quan hệ đến nhân cách nhà thơ”[4]. Xuất phát từ quan niệm này mà Người yêu cầu nhà văn phải thâm nhập sâu vào quần chúng, sống cùng họ, chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu để viết về họ, phục vụ họ.
Nhưng Hồ Chí Minh yêu cầu ở người nghệ sỹ thái độ trung thực với mình, sâu sắc với cuộc sống, theo chúng tôi, chỉ qua một chữ “hiểu” rất đích đáng. Nói chuyện với nữ ký giả Phrăng-xoa-dơ Co-re-dơ, báo Nhân đạo (Pháp), Người căn dặn: “Cô hãy tự lượng mình là người của báo Nhân đạo - Bác nói - mà viết bài. Chỉ có điều là cô hiểu thế nào thì viết rằng mình hiểu thế, chứ không viết là mình nghe thấy thế”[5]. Trong nghề viết ai cũng thấm thía chữ “hiểu” này. Để “hiểu” một vấn đề phải bỏ ra biết bao công phu, tâm huyết, bao sự mày mò... Viết được cái sự hiểu của mình ra thì trang viết mới có hồn, mới đích thực là cái của mình, cá tính mình. Và độc giả cũng cần cái ấy, chứ không cần cái mờ nhạt, chung chung.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Năng An kể một dịp ông chụp ảnh Bác và được Bác xem. Nghệ sỹ khen Bác ở trong ảnh đẹp như một ông tiên. Bác nói: “Ảnh ông tiên thì không phải là ảnh Bác. Ảnh người trước hết phải thực". Bác ôn tồn dặn: “Chú làm nghề ảnh, phải hiểu nghề ảnh cũng là một loại hình nghệ thuật như những nghệ thuật khác, là phải phản ảnh chân thật cuộc sống của quân và dân ta. Muốn làm được điều đó phải đi vào đời sống của các tầng lớp nhân dân đang quyết tâm kháng chiến cứu nước”[6]. Nghệ sỹ ngâm thơ Trần Thị Tuyết nhớ lại một ngày giáp Tết năm Ất Tỵ (1965), nghe nghệ sỹ ngâm thơ Bác khen: “Cháu ngâm được đấy, nhưng cháu phải khiêm tốn và cố gắng rèn luyện thêm, để khi ngâm cho nhân dân nghe hay hơn nữa”[7].
Không chỉ là trong quan niệm mà trong thực tế Bác Hồ đã dùng nghệ thuật để hoạt động, tuyên truyền, giáo dục cách mạng rất hiệu quả. Đồng chí Dương Đại Lâm khắc sâu bài học từ Bác: “Công tác huấn luyện quần chúng được Người tiến hành bất kể lúc nào, trong câu chuyện, trong việc làm thường ngày, có khi là những lời ngắn gọn như một châm ngôn, có khi là những câu chuyện mang tính chất ngụ ngôn. Những bài học ấy thường rất cụ thể và có hình ảnh sinh động, đi vào trí nhớ của chúng tôi rất nhanh”[8]. Ở một bản nọ có nhiều thiếu niên chưa ngoan, Bác chỉ thị các đồng chí thanh niên tập trung và dạy các cháu hát múa. Thế là “... các em nhi đồng luôn luôn xoắn xuýt chung quanh anh em ta để học hát, học nhảy múa, không nghịch ngợm và đánh nhau như trước nữa. Chúng ta đã góp phần làm cho cái làng tịch mịch trong một thung lũng âm u vui hẳn lên... Bác bảo các đồng chí thanh niên: “Đó là một cách dân vận thiết thực đấy”[9].
Xin kể lại một số chi tiết trên về Bác để nhấn mạnh một vấn đề hôm nay: Chúng ta chưa có tác phẩm tương xứng với thời đại bởi các văn nghệ sỹ như mới chỉ quan sát bề ngoài chứ chưa sống thật, sống hết mình, nhập cuộc một cách trọn vẹn với cuộc sống. Bởi chỉ có nhờ vậy các nhà văn mới hiểu đời để cảm đời. Trước nay các cây đại thụ có tác phẩm tạc ghi vào thời gian là nhờ vậy: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… và chính Bác Hồ của chúng ta!
P.V.M
------------------
[1]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. NXB Chính trị Quốc gia 2002, tr 131.
[2]. Hồ Chí Minh biên niên sử. NXB Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 195.
[3]. Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Chính trị Quốc gia, tập 6, tr 368, 369.
[4]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh. NXB Hội Nhà văn, 2010, tập 3, tr 402.
[5] . Vũ Ngọc Phan kể - Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh. NXB Hội Nhà văn, 2010, tập 2, tr 58.
[6]. Vũ Năng An kể, Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh. NXB Hội Nhà văn, 2010, tập 1, tr 162, 163.
[7]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sĩ. NXB Văn học, 1995, tr 328.
[8]. Nhiều tác giả - Bác Hồ (Lữ Huy Nguyên ghi trong Bác Hồ đến bản tôi. Hội văn nghệ Cao Bằng 1990, tr 129.
[9]. T.Lan - Vừa đi đường vừa kể chuyện. NXB Chính trị Quốc gia, 1994, tr 68.
VNQD