Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của tác giả Genki Kawamura, Tháng tư, ngày em đến là câu chuyện tình yêu giữa con người chứa đầy xúc cảm cô đơn, cho đến khi họ thật sự mở lòng với người họ yêu thương. Bộ phim đẹp từ màu phim, cảnh phim, góc máy tới tình người hiện lên giữa nỗi chênh vênh của con người trong hiện hữu hồi ức - hiện thực đan xen xuyên suốt 108 phút thời lượng phim.
Bác sĩ tâm lí Shun Fujishiro nhận được một bức thư từ Haru Iyoda, người yêu của anh vào 10 năm trước khi anh vẫn còn là sinh viên đại học. Bức thư đó có đính kèm những bức ảnh Haru chụp ở mỗi địa điểm cô đặt chân đến, cũng là những nơi Fujishiro và Haru thời quá khứ từng lên kế hoạch tới thăm. Vị hôn phu của anh, Yayoi Sakamoto sau đấy đã biến mất một cách bí ẩn, không để lại bất kì manh mối, lời nhắn nào vào đúng ngày sinh nhật cô, ngày 01 tháng 4. Fujishiro lên đường tìm kiếm Yayoi khắp những địa điểm anh có thể nghĩ đến trong nỗi mơ hồ rằng, anh và cô có thực sự yêu nhau, trong những hồi tưởng quá khứ về quãng thời gian anh quen Haru và cả quá trình, anh và Yayoi đến với nhau.
Những con người cô đơn trong tình yêu
Trước hết, cần phải khẳng định một điều rằng, xét trên một vài khía cạnh, tình tiết, câu chuyện tình yêu trong bộ phim Tháng Tư, ngày em đến không mới. Nhưng với việc tác giả tiểu thuyết gốc: Genki Kawamura cùng đạo diễn Tomokazu Yamada tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng kịch bản cho Tháng Tư, ngày em đến thì quả tình, thước phim này có lối khai thác đề tài câu chuyện tận dụng gần như triệt để lợi thế của quá trình chuyển thể một tác phẩm mang ngôn ngữ văn học sang ngôn ngữ điện ảnh.
Ở đó, câu chuyện giữa những cá nhân cô đơn được kể dưới dạng thức truyện lồng truyện với quá khứ và hiện tại liên tục trở đi trở lại trong nội tâm chàng trai Fujishiro, trải dài theo từng con chữ của lá thư những cô gái Haru, Yayoi đã viết và mở rộng qua những bức hình Haru đã chụp. Để rồi, đằng sau các câu chuyện nhỏ tựa lát cắt vụn vỡ xuyên suốt 108 phút, dáng hình con người đơn côi dẫu có gần gũi bên nhau dần hiện rõ hơn bao giờ hết. Họ thu mình lại vào cái tôi mang nhiều thương tổn, hãi sợ hạnh phúc và cũng không đủ dũng khí vượt thoát ra khỏi vùng an toàn để nắm lấy hạnh phúc. Hay nói cách khác, những cá nhân ấy, họ ngờ vực bản thân và cô đơn trong tình yêu của chính họ.
Poster phim Tháng tư, ngày em đến
Họ đến với nhau vì sự đồng điệu trong tâm hồn, vì tìm được tiếng nói đồng cảm trong sự tương đồng ở hoàn cảnh sống tạo nên con người hiện tại của họ. Như cách Fujishiro, một chàng trai gặp cảnh gia đình đổ vỡ đã gặp gỡ và yêu Haru, một cô gái thiếu vắng bóng hình của mẹ, trưởng thành trong sự bảo bọc của cha vào tháng năm sinh viên họ cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ nhiếp ảnh, bằng những xúc cảm tuổi trẻ vô tư, giàu năng lượng nhất. Rồi như cách 7 năm sau, Fujishiro, sau sự tan vỡ trong mối quan hệ với Haru đã chẳng thể yêu thương thêm một người con người nào khác, lần nữa mở lòng trước cô gái có tên Yayoi, bệnh nhân điều trị tâm lí của anh, cũng là người như chạm được tới phần ẩn ức cô độc nhất Fujishiro đã luôn che giấu.
Họ gặp gỡ, trao gửi thương yêu, tan vỡ trong khi vẫn còn yêu thương rất nhiều bởi chẳng thể vượt thoát những mối ràng buộc của hiện tại lẫn quá khứ. Khiến cho người ta tưởng như ám ảnh với việc “chung sống” dưới cùng một mái nhà. Khiến cho người ta như ngược dòng thời gian, thực hiện nguyện ước còn dang dở năm nào. Và khiến cho người ta, buộc lòng không thể mãi thờ ơ.
Tan vỡ rồi gặp lại, qua những dòng chữ trên trang thư, qua những bức ảnh lưu lại khoảnh khắc để người ta bồi hồi nhận ra, quá khứ vẫn luôn vẹn nguyên trong kí ức. Và yêu thương buổi năm nao, chính để nuôi dưỡng cho thương yêu ngày hiện tại, cũng như để người ta trân trọng những gì bản thân đang có, đồng thời, để người ta hiểu rằng, kết nối của “tình yêu” thì ở chung thôi là chưa đủ.
“Làm thế nào để giữ được tình yêu?”
Ngoài việc sẻ chia và thấu hiểu cho người ta thương yêu, kể cả trong những khía cạnh ngỡ chừng nhỏ nhặt nhất.
Tháng Tư, ngày em đến. Tựa đề bộ phim thật sự chứa đựng nhiều tầng bậc ý nghĩa rất gợi. Tháng Tư là thời điểm mùa xuân đương độ đẹp nhất ở xứ Phù Tang, như biểu tượng cho khởi đầu và yêu thương, gắn kết. Lời hẹn thời sinh viên giữa Fujishiro và Haru có cột mốc tháng Tư. Tháng Tư là tháng sinh nhật của Yayoi và gắn liền cùng lời hẹn giữa Fujishiro với cô.
Tháng Tư, ngày em đến. Có lẽ cũng là ngày anh và em thật sự mở lòng để mà thấu hiểu, đón nhận lẫn nhau, trọn vẹn.
Thước phim trong những bức ảnh
Như đã nói, Tháng Tư, ngày em đến là một thước phim có sự tận dụng gần như triệt để thế mạnh của ngôn ngữ điện ảnh khi đưa cuốn tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của tác giả Genki Kawamura lên màn ảnh rộng. Và trước hết, để làm nên yếu tố truyện lồng truyện trong tác phẩm, Tháng Tư, ngày em đến đã được tạo dựng từ nhiều phương thức dựng phim khác nhau.
Cảnh trong phim Tháng tư, ngày em đến.
Bên cạnh sự nối tiếp của sự kiện chính chảy trôi theo dòng thời gian tuyến tính từ lúc Yayoi biến mất và quá trình Fujishiro tới mọi nơi anh có thể nghĩ đến, gặp gỡ, xin ý kiến bất cứ ai anh có thể nghĩ ra, để tìm cô. Thì ở thước phim này còn xuất hiện những bước nhảy giữa các trường đoạn giữa một bên là hiện thực - một bên là kí ức của Fujishiro, một bên là Nhật Bản, nơi Fujishiro sinh sống - một bên là những địa điểm Haru đã đặt chân đến được cô đề cập trong bức thư gửi cho anh… Tất cả, quyện hòa cùng lối dựng phim song song: quá khứ với Haru - quá khứ với Yayoi - sự thật đằng sau bức thư Haru gửi cho Fujishiro cùng sự biến mất bí ẩn của Yayoi, tạo nên tính lớp lang, phức hợp cho câu chuyện điện ảnh về những cá nhân đều rất đỗi cô đơn, mong manh mà rất mực kiên cường, khao khát yêu và được yêu này.
Nếu cách dựng phim tạo lập nên sự phức tạp về mặt tình tiết cùng thứ cảm xúc chênh vênh, vô định của nhân vật thì cách quay phim, dựng cảnh đưa đến những ấn tượng bước đầu về mặt thị giác cho khán giả, đồng thời gợi mở người xem đến tầng bậc ý nghĩa được thể hiện trong tác phẩm. Quả thực, Tháng Tư, ngày em đến đã được đầu tư đúng mực để có những cảnh phim, đoạn, trường đoạn vô cùng mãn nhãn.
Mở đầu phim, đại toàn cảnh cô gái Haru nhỏ bé đi giữa cánh đồng muối trắng xóa ngút ngàn mà mặt đất như tiếp giáp với chân trời ở Uuyni, Bolivia đã tạo nên ấn tượng rất mạnh với khán giả. Và theo chân Haru, bối cảnh phim mở rộng từ Uyuni đến chân chiếc đồng hồ thiên văn ở Praha tại Cộng hòa Séc tới Iceland… Những trường đoạn với phần lớn là đại toàn cảnh, toàn cảnh, trung cảnh… như càng khắc họa mạnh mẽ sự bé nhỏ của con người bất kể là khi người ta đứng trước cảnh hay giữa đông vui phố phường.
Nhưng sự rộng lớn ấy, lại gói gọn trong lá thư của Haru, trong những bức ảnh Haru chụp, trong căn phòng Fujishiro sinh sống, trong không gian phố thị Nhật Bản. Ở đây, trung cảnh và đặc tả lên ngôi, nhiều cảnh phim hết sức đắt giá như cách máy quay thu lại căn phòng mờ tối, bóng người cô độc lướt qua khe cửa hẹp trong một cú lia máy như càng đẩy nỗi cô đơn lên cùng cực khi người ta sống chung dưới cùng một mái nhà mà sao vẫn đơn côi đến thế?
Nên có thể nói Tháng Tư, ngày em đến là một thước phim chuyển thể từ tiểu thuyết, và cũng là một thước phim tạo dựng từ các khung hình đẹp tựa những bức ảnh được chụp từ máy phim chăng? Nét đẹp không chỉ đến từ bối cảnh được thu lại dưới máy quay mà còn tới từ màu phim mang nét như nước ảnh phim vậy, chân thực và có phần cổ kính. Đặc biệt là các trường đoạn hồi tưởng quá khứ của Fujishiro về Haru, về Yayoi. Chính yếu tố màu phim này cũng gắn bó mật thiết với câu chuyện bởi những nhân vật trong câu chuyện này, đều gặp nhau nơi giao điểm chụp ảnh - các bức ảnh - căn phòng tối rửa ảnh.
Có lẽ 108 phút vẫn là chưa đủ để đạo diễn Tomokazu Yamada khai thác hết mọi khía cạnh được đặt ra trong tác phẩm và đẩy các vấn đề cùng cảm xúc con người lên tới cao trào. Tuy nhiên, 108 phút của Tháng tư, ngày em đến vẫn là một thước phim đẹp, chỉn chu cả về cảnh lẫn tình. Và quy tụ dàn diễn viên nổi danh của nền điện ảnh Phù Tang đương đại, với những cái tên bảo chứng diễn xuất: Satoh Takeru, Nagasawa Masami, Mori Nana… thành công của bộ phim tại đảo quốc Nhật Bản cùng sự đón nhận của khán giả Việt Nam trong những ngày đầu công chiếu dẫu rằng gặp nhiều khó khăn, càng khẳng định thêm sức hút của bộ phim điện ảnh đầu tay này của đạo diễn trẻ Tomokazu Yamada.
MỌT MỌT
VNQD