Số phận những cuốn nhật kí chiến tranh

Thứ Ba, 28/05/2024 10:28

. HOÀNG ĐÌNH BƯỜNG

 

1. Nhật kí chiến tranh là những ghi chép của các chiến sĩ thường ngắn gọn bằng văn xuôi, pha trộn cả văn vần và thơ, mang tính thời sự nóng hổi, cập nhật muôn màu cuộc sống, tình cảm, đa dạng, đa chiều.

Thời kì kháng chiến chống Pháp, dân trí thấp, nhiều người lính thậm chí còn mù chữ. Đủ sức để viết được nhật kí như Tân Sắc, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Đăng… không nhiều. Nhật kí có giá trị văn học càng ít ỏi.

Cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước nổ ra, tình hình khác hẳn. Trình độ dân trí, quân trí cao vùn vụt, nhật kí chiến sĩ nở rộ như hoa mùa xuân. Những năm 1970 - 1975, nhiều đơn vị cấp trung đoàn trở lên đã có hàng trăm, hàng ngàn lính sinh viên. Điển hình nhất là ở chiến trường Trị - Thiên. Các Sư đoàn 304, 308, 312, 320B, 324, 325… và Trung đoàn 6 - Phú Xuân, đi đâu cũng gặp lính chiến có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học…

Cán bộ chiến sĩ có trình độ văn hóa cao cùng với những gì từng trải nghiệm qua cuộc chiến đã sản sinh nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật trong đó có nhật kí. Nhưng tất cả đều được định đoạt số phận trong phạm trù quy luật vô cùng nghiệt ngã của chiến tranh. Sống và chết, còn và mất đều gần giống với số phận lính trận, để lại bao nỗi niềm cho hậu thế. Hành quân dọc đường Trường Sơn, tôi đã gặp câu thơ ai đó khắc vào một thân cây ở “Bãi khách”: Cổ lai chinh chiến địa/ Bất kiến kỉ nhân hồi. Nội dung na ná như câu thơ của Vương Hàn viết từ ngàn xưa đầy bi ai, triết lí: Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi. Chiến tranh là thế đấy, cổ kim gì cũng vậy.

Kết thúc cuộc chiến chống Mĩ, nhật kí theo các chủ nhân trở về khá nhiều, được đọc, thưởng thức trong các câu lạc bộ cựu chiến binh gần như phổ biến. Nhật kí có thể không mang nhiều ý nghĩa giá trị văn học nhưng nội dung tư tưởng thì hết sức tốt đẹp, là máu thịt, kí ức một thời trận mạc của cả một thế hệ người Việt Nam.

Cũng như những người lính chiến, rất nhiều cuốn nhật kí có số phận “một đi không trở lại”, “yên giấc ngàn thu” cùng chiến sĩ, hóa vàng cát bụi, ẩn khuất, “vô danh” ở đâu đó trên các chiến trường.

Lại có những cuốn nhật kí có số phận vô cùng li kì, phiêu bạt chân trời góc bể, sang tận Tây bán cầu, được những người lính bên kia chiến tuyến vô cùng cảm phục, trân quý và tìm mọi cách gửi về gia đình chủ nhân ở Việt Nam. Tiêu biểu là cuốn nhật kí của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm ở chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi và cuốn sổ nhật kí của liệt sĩ Vũ Văn Dậu ở chiến khu miền Đông Nam Bộ, phụ cận Sài Gòn.

Tại chiến trường Trị - Thiên, nhiều cuốn nhật kí, thư từ của chiến sĩ đã hi sinh nhưng lại được gửi ra miền Bắc khá nguyên vẹn bằng nhiều cách rất độc đáo. Lê Văn Huỳnh, lính sinh viên khoa Cầu đường, Đại học Xây dựng quê ở xã Lê Lợi, Kiến Xương, Thái Bình đang chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, dự cảm đúng ngày hi sinh, viết thư gửi về báo tin cho gia đình và vợ là Đặng Thị Xơ (thư viết ngày 11 tháng 9 năm 1972, anh hi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1973). Nhật kí của những lính sinh viên hi sinh tại chiến trường Trị - Thiên như Lê Khắc Duy, Võ Thanh Dương, Nguyễn Kì Sơn, Nguyễn Văn Thạc… để lại rất nhiều dấu ấn.

 

2. Nhật kí chiến tranh tôi đã đọc khá nhiều, không kể hết. Nhưng không thể không điểm qua Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và Nhật kí Đặng Thùy Trâm của liệt sĩ, bác sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Thùy Trâm.

Là lính sinh viên khoa Toán - Cơ xuất sắc của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng Nguyễn Văn Thạc lại đoạt giải Nhất học sinh giỏi văn toàn miền Bắc (1969 - 1970). Rồi người yêu là Phạm Thị Như Anh lại sang trời Tây du học khi anh ra lính là những gì kết tinh long lanh trong cuốn nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc để lại cho đời. Nói về khả năng văn chương và sức viết diệu kì thì ít ai qua anh. Viết nhiều, viết liên tục, viết hấp dẫn, viết đến bạc đầu trước khi vào Quảng Trị. Từ ngày 3 tháng 7 năm 1971 (nhập ngũ) đến dòng cuối cùng viết ở Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh (3 tháng 6 năm 1972) kết thúc, làm nên cuốn nhật kí vô giá lấp lánh sắc màu văn chương. Đó là chưa kể mấy trăm bức thư đều đặn gửi cho người yêu ở phía trời xa… Tất cả là cảm xúc, nỗi niềm người lính trước giờ ra trận tràn ngập tinh thần lạc quan yêu đời, say lí tưởng cách mạng, muốn được trực tiếp cầm súng đánh giặc. Thạc không thích làm lính xe tăng, pháo binh hay thông tin. Phải là lính bộ binh cầm súng AK ra trận. Anh đã từng nhiều lần tâm sự như thế. Khi nhận được lệnh vào chiến trường Trị - Thiên, anh rất phấn khích và hành quân cấp tốc chiếm lĩnh trận địa phía Nam Thành cổ Quảng Trị. Cuộc chiến vô cùng khốc liệt, Thạc đã ngã xuống trên mảnh đất xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ngày 30 tháng 7 năm 1972, đóng băng ngày hẹn ước tổ chức hôn lễ sau năm 1975 (dự cảm gửi P.T.N.A trong một lá thư).

Cũng như Lê Văn Huỳnh, Nguyễn Văn Thạc hình như biết trước cái chết sẽ đến. Hồi ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, anh đã tìm cách chuyển cuốn nhật kí vô giá về quê. Không có dòng nhật kí nào được viết ở chiến trường nhưng thế cũng là quá đủ. Tình yêu, lí tưởng cùng bao nỗi niềm trong cuốn nhật kí giúp hậu thế cảm hiểu sâu sắc một con người, một thế hệ “vàng mười” tôi luyện và trưởng thành trong lửa đạn. Điều còn băn khoăn có lẽ là Nguyễn Văn Thạc hi sinh quá sớm, chưa kịp trở thành đảng viên Cộng sản như anh từng phấn đấu và ao ước được sống và chiến đấu theo gương Paven Coocsaghin trong cuốn Thép đã tôi thế đấy. Số phận Mãi mãi tuổi hai mươi khá may mắn, suôn sẻ, bạn đọc biết được nội dung đầy đủ và vô cùng hấp dẫn. Một thiên tài văn chương vừa hé lộ đã bị chiến tranh dập tắt. “Cho hay muôn sự tại trời!” Ở chiến trường, nhiều chiến sĩ cũng có những cuốn nhật kí hay nhưng không bao giờ trở về.

Nhật kí Đặng Thùy Trâm xuất hiện và tồn tại khác hẳn Mãi mãi tuổi hai mươi. Đặng Thuỳ Trâm viết giữa chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi ngập tràn đạn bom, hoang tàn đổ nát, quân Mĩ càn đi quét lại, chết chóc tang thương. Bệnh xá Đức Phổ gần như ngày nào cũng đầy ắp thương binh, tử sĩ. Những đồng đội yêu thương quý mến của bác sĩ Đặng Thùy Trâm như Khiêm, Đường, Lâm, San, Thọ, Thường, Thuận… lần lượt hi sinh. Vậy mà người con gái Thủ đô chân yếu tay mềm đã vượt qua tất cả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và viết nên hai tập nhật kí rung động lòng người, đầy lòng nhân ái, vị tha. Thật là kì diệu!

Đặng Thuỳ Trâm viết trong bom đạn ròng rã hơn hai năm (từ ngày 8 tháng 4 năm 1968 đến ngày 20 tháng 6 năm 1970, trước khi chị hi sinh hai ngày). Sống như thế, viết như thế, mấy ai sánh bằng! Nhưng tất cả đều nằm trong lặng im và rồi sẽ lãng quên theo năm tháng nếu hai tập nhật kí không còn, không được công bố phổ biến rộng rãi.

Nhật kí của “người con gái Việt Nam”, nhờ tự nó “có lửa”, thứ lửa đặc biệt, nên đã làm cho đối phương phải cảm phục, kính nể, không những không thiêu hủy mà còn gìn giữ, lưu trữ như một báu vật. Đọc và lưu giữ mãi, không chịu nổi, viên sĩ quan Quân báo Hoa Kì Fred và phiên dịch viên Nguyễn Trung Hiếu từ bên kia bán cầu đã tìm cách liên hệ và trả về cho gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm hai tập nhật kí quý giá vào năm 2005 mà họ thu được sau trận càn năm 1970 của Quân đội Mĩ.

Bức màn bí mật lật mở, bác sĩ, chiến sĩ Đặng Thùy Trâm hiển lộ chân thực, sống động. Chi tiết, sự kiện chiến trường ngồn ngộn, nội tâm bộc lộ sâu kín trong nhiều mối quan hệ đan xen: quê hương, gia đình, người thân, người yêu, đồng đội, nhân dân Phổ Cường, Đức Phổ… Cả những nỗi niềm riêng tư, chị cũng giãi bày: lí lịch gia đình tiểu tư sản trí thức và con đường phấn đấu vào Đảng chông chênh ở chiến trường. Trăn trở suy tư nhưng không nản chí. Đặng Thùy Trâm đã đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 17 tháng 9 năm 1968.

Nhật kí Đặng Thùy Trâm không thua kém một tác phẩm văn học xuất sắc hiện đại. Sách ra đến đâu hết đến đấy. Nhiều thế hệ người Việt Nam tìm đọc, cả thế giới tìm đọc… Liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.

3. Là lính sinh viên văn khoa, vào quân ngũ tôi viết ngay nhật kí, đương nhiên không liên tục và không ít lần trục trặc. Số phận nhật kí của tôi cũng không khác mấy cuộc đời trận mạc ở chiến trường Trị - Thiên đã trải qua ròng rã bốn năm.

Có sẵn hai cuốn sổ bìa nilon màu nâu (thời đó rất quý hiếm), ba tháng huấn luyện trên đất Bắc, tôi viết khá nhiều, viết đều, viết khỏe theo mạch nguồn anh lính sinh viên binh nhì vừa mới rời ghế giảng đường đại học.

Để kịp tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị, đơn vị chúng tôi hành quân thần tốc, bảy ngày nghỉ một. Ba lô oằn lưng, đèo cao dốc dựng trên đường Trường Sơn cùng với đạn bom dội không ngớt… Nhật kí viết đứt quãng, phải tập trung xoa bóp chân, vai để mai còn đi tiếp.

Vào mặt trận, đánh ngay. Sau vài ngày tác chiến, nhiều đồng đội đã hi sinh, trong đó có Võ Thanh Dương, Tuấn Minh Cầu, Vũ Văn Phấn, anh nuôi Năm… Tôi vác khẩu B41 “chạy sô” tham chiến ở tất cả các đại đội của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6 - Phú Xuân. Thầm nghĩ, thôi rồi, chẳng có cơ hội nào để viết nhật kí. Tôi cho hai cuốn sổ vào “túi rùa” bằng nhựa rất tốt, quân Mĩ dùng để đựng nước sôi, luôn mang theo bên người. Nhưng rồi, cái khó ló cái khôn. Đánh xong, nhiều đêm ở trên chốt tôi đã đốt nhựa trong hầm chữ A và… viết. Nhựa và đất nhanh chóng nhuộm vàng các trang nhật kí chắp vá, thường rất ngắn, có cả văn vần và thơ - nhật kí. Đầu tháng 8 năm 1972, nhìn lại, cuốn sổ đã giăng gần đầy những dòng chữ xiêu vẹo đủ kiểu, đủ loại.

Nhưng rồi, ngày 13 tháng 8 năm 1972, chiến sự diễn ra ở vùng Không Tên - Yên Ngựa - Sơn Na. Ta và địch quần nhau suốt cả ngày. Không nấu cơm được, đói, phải liều lao ra trận địa mở thắt lưng trên xác địch, lấy mì tôm, gạo sấy cho vào bụng. Khoảng 5 giờ chiều, một quả lựu đạn Mĩ US lao tới nổ tung, thổi bay gùi đạn B41, găm vào tôi ba mảnh. Tôi vụt ra dập lửa, nhặt cuốn nhật kí bị băm vằm, cháy xém bỏ vào gùi, lên Viện 94 điều trị. Hai hôm sau, mở ra xem. Trời ơi! Cháy rụi, vụn vỡ tất cả, chả đọc được gì. Tôi quyết định “tái sinh” một phần nhờ vào trí nhớ và sự hồi tưởng để sao chép lại một số bài thơ - văn vần. Văn xuôi thì bó tay. Do điều kiện chiến đấu liên tục, căng thẳng, cuốn nhật kí thứ hai tôi viết rất ngắn gọn theo lối văn vần, chứa đựng nhiều thông tin. Chẳng hạn: Bảo, Duy nằm trên chốt/ Mãi mãi với núi rừng/ Yên Ngựa! Phạm Thế Hùng/ Răng Cưa! Lê Ngọc Sỹ... Sau này, đọc lại, tôi biết, Phan Văn Bảo hi sinh ở cao điểm Không Tên, Lê Khắc Duy nằm lại trên chốt 303…

Cuốn nhật kí thứ hai theo tôi ra trận và trở về sau cuộc chiến. Kể thì nghe đơn giản vậy nhưng thực tế không hề xuôi thuận. Qua mấy chục trận đánh và chốt, cuốn sổ cũng bị băm vằm, nhàu nát, bê bết đất máu, lắm chỗ không đọc được. Và suýt nữa nó cũng “mất mạng” vào sáng ngày 3 tháng 2 năm 1973. Lúc đó là mồng một Tết Quý Sửu, tôi bị thương điếc tai, mờ mắt. Chiến sự đang dữ dội, không ai trợ giúp, tôi tự mò mẫm tìm gùi và cuốn nhật kí để về phẫu tiền phương dưới khe. Tìm mãi chẳng thấy. Lăn xuống sườn núi chạm một gốc cây, sờ thấy chiếc gùi cạnh khẩu súng. Quá mừng, tôi vội khoác lên vai cùng nhóm thương binh nhập phẫu rồi vào Bệnh xá Nam điều trị. Cuối năm 1975, tôi giải ngũ mang theo cuốn nhật kí - thơ trở về…

Đằng đẵng gần 40 năm sau chiến tranh, khi đã nghỉ hưu, tôi đem nhật kí ra đọc, chỉnh sửa và in thành một tập thơ và văn vần 55 bài. Số “chữ nghĩa” còn lại trong đó, “thanh lí” tất cả. Tập Nhật kí chiến trường Trị - Thiên nhiều người đọc và rất ưa thích, nhất là đồng đội cựu chiến binh Trung đoàn 6 - Phú Xuân. Phạm Văn Vui công tác ở Hội Cựu chiến binh Quảng Bình và nhà thơ Mai Văn Hoan ở Huế động viên cổ vũ, giúp tôi xuất bản tập thơ có tên là Điểm danh mà linh hồn là cuốn nhật kí số hai ở chiến trường Trị - Thiên.

Trên cơ sở đó, tôi viết tập bút kí Yên Ngựa sau cuộc chiến được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành và hiện tại tôi đang hoàn thành bản thảo tập bút kí Nỗi niềm Trung đoàn.

Cho dù số phận có long đong, lận đận và mất hẳn một cuốn, nhật kí - thơ của tôi đã trở về một phần và hồi sinh số phận qua hai tập bút kí. Nhật kí chiến trường vẫn còn sống và sinh sôi phát triển.

H.Đ.B

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)