Tập thơ Một ngày từ bên trong của tác giả Minh Anh gây ấn tượng với khổ giấy rộng, bìa tối đơn sắc và chữ nổi, thực sự phù hợp với nội dung tập thơ: một cuốn nhật ký ghi chép lại những suy tư của người viết về cuộc đời và ý nghĩa của sự tồn tại. Bìa trong lược bỏ thông tin về tác giả, không có tranh minh họa xen kẽ tác phẩm, dường như tác giả muốn người đọc chỉ tập trung vào thơ, và đó có lẽ cũng là cách để thơ ca đến với độc giả nhanh nhất.
Một ngày từ bên trong là thơ của một người đang trưởng thành, trải nghiệm và chiêm nghiệm về thế giới. Câu chữ trong thơ Minh Anh giản dị, chưa hoặc ít dấu vết của kỹ thuật. Thơ không dụng công về mặt tu từ hay hình thức biểu đạt mà tập trung vào xây dựng và diễn giải ý tưởng. “Chui vào quả đất, bạn lớn lên” là một bài thơ như vậy:
phía sau chân trời tĩnh lặng
mọi thứ nhạt dần vào vùng mênh mông
giống như ký ức cuối cùng về bạn
ở nơi xa xôi nào đó
trong khi tôi hít thở bầu khí quyển này
tôi nghĩ mình không xứng đáng
bởi khi đang dần mờ nhạt
bạn cũng đã kịp cho tôi
những khoảnh khắc không gian chúng ta cùng nhau nở rộ
chui vào quả đất, bạn lớn lên
Một ngày từ bên trong mang đến những ý tưởng thú vị về công việc sáng tác thơ ca. Chẳng hạn, bài “Sự kỳ lạ của nghệ thuật viết” cho thấy nhận thức của tác giả về ngôn ngữ - cái làm nên “đời sống tế bào” (cellular life) của một bài thơ[1]: ngôi rừng ý tưởng trong đầu chúng ta/ nằm nghỉ ngơi trong tiếng âm thanh/ khẽ sột soạt lật qua trang mới/ hơi thở cuộc sống mà ngôn ngữ mang lại; và về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và đời sống xã hội: tôi tin rằng chúng ta được kết nối với nhau bởi một mạng lưới phức hợp/ ràng buộc với nhau bằng những ngôn ngữ không lời - lạ lùng - đồng nhất/ mỗi lần chúng ta chạy xa một chút khỏi chốn thân quen/ sợi dây của mạng lưới sẽ kéo chặt người khác vào mình/ bộc lộ ra các ngôn ngữ không lời - lạ lùng này”. “Viết lại lần nữa”, “Đồng hành một mình” kể về những thao thức của bản ngã, nỗi cô đơn của người viết khi đối diện với chính mình, Trong khi đó, “Thay đổi”, “Khám phá”, “Cơ thể tự biết cách”, “Thì thầm với đại dương”, “Ám ảnh” phản chiếu sự dịch chuyển của một cái tôi đang trưởng thành, nghiệm sinh về cuộc đời và con người: Cái cô đơn yên lặng đến nghẹt thở này, và nỗi khát khao độc lập tự thân, giữa chúng là một đường biên giới mờ nhạt vô cùng, làm tôi bối rối (Thì thầm với đại dương), Phía bên kia biển cả/ rơi vài mảnh vụn của chính tôi/ tôi là hạt cát buồn thiu/ mãi mãi chờ mảnh tôi còn lại của mình/ chờ một ngày tái hợp/ vĩnh viễn bên nhau (Khám phá), Bơi quanh những vòng lập này một mình/ bơi trong cái chậu cá nhỏ/ tôi đã xây nó cho chính tôi (Ám ảnh). Tập thơ của Minh Anh khiến tôi nhớ đến một ý của Keat, rằng nhà thơ “liên tục ở trong - và lấp đầy một cơ thể nào đó khác”, “cơ thể khác” đó có thể là mặt trời, mặt trăng, biển, hoặc tha nhân[2]… Ở những bài thơ sử dụng ngôi nhân xưng thứ nhất (tôi), dường như Minh Anh luôn nhập thân vào những sự vật mà cô viết. Tác giả cho thấy sự nhạy cảm bản năng của một nhà thơ khi cô luôn luôn quan tâm đến các vấn đề thiết thân của thế giới, dù là nhỏ nhoi và dễ rơi vào quên lãng: cô ước những con kiến đã bị đưa đến cái chết có thể tái sinh ở kiếp sau (Những con kiến), nhận ra những chiếc lá chính là cảm xúc sơ khai của các mùa (Những chiếc lá), ghi chép lại nụ cười của những bức tượng bên trong ngôi đền kín trong khi chẳng có lịch sử nào ghi về họ (Ngôi đền), cẩn thận sợ vô tình cán lên những con ốc sên hoặc ếch nhái (Dòng suy nghĩ trong đầu như chiếc xe đạp chạy loanh quanh), tâm tình với một con cua ẩn sĩ (Những con cua nhỏ trên biển), say mê ngắm vẻ sống động của tự nhiên, của bốn mùa: Đám cừu nằm phơi nắng, ngày mở toang ra (Nông trang)…
Triết học và thơ ca giống nhau ở sự suy niệm, sự nhìn vào bên trong. Nếu như khoa học cung cấp kiến thức về bản thân sự vật, chẳng hạn sự hình thành của vũ trụ, sự phát triển của các sinh vật sống, vòng tuần hoàn cuộc đời, thì ngược lại, vai trò của nghệ thuật là bộc lộ thế giới dưới ánh sáng của sự mặc khải - theo quan điểm nghệ thuật của Heidegger - đó là một sự mặc khải về bản thân chúng ta. Nhà thơ loại bỏ cách nhìn thế giới mang tính công cụ và thực dụng (chẳng hạn, rừng như một nguồn gỗ tiềm năng, đất đai để trồng trọt, sông suối cung cấp nước làm thủy điện…), họ nhận diện thế giới như bản thể mà nó vốn có, tri nhận và tái tạo thế giới bằng ngôn ngữ độc đáo - đó là ý nghĩa sâu sắc nhất của việc nhìn “từ bên trong”: nghệ thuật bên trong bạn/ mắt tôi nhìn thấy/ bạn là nghệ sĩ/ vẽ cả một viện bảo tàng/ nhưng sao bạn lạc lối/ mù lòa nghệ thuật/ nét vẽ tuyệt vời đó/ tôi thấy chúng/ mỗi khi chúng ta chạm mắt nhau/ hỡi đôi mắt thiên thần của bạn/ có lặn vào đại dương bên trong tôi - bức tranh này (Bức tranh).
Một ngày từ bên trong có nhiều bài thể hiện suy tư của Minh Anh về Hữu thể, Tồn tại và Thời gian: Hư vô là ký ức bỏ lại đằng sau/ đầy lãng phí (Run), Thời gian đã hết/ Tôi chìm đắm lại nơi mình ngồi, chờ đợi/ chào đón những phản chiếu/ đang bị kẹt trong chiếc gương thực tế (Cơ thể tự biết cách). Cá nhân nhìn thấy mình trong gương và “cảm nhận cái toàn thể”, nhận ra đối ảnh của chính mình là chính mình, nhưng dường như cũng là một “kẻ khác” cần được khám phá, tìm hiểu: nên ta muốn ta vờ như biết ngươi/ chính xác như khi giải phẫu/ ta muốn biết rõ ngươi/ như cách ta biết về mình (Giải phẫu). Minh Anh quan niệm, viết là cách để ký ức sống lại (Nhớ lại, Khóc thân tôi, Lầm tưởng của hồi ức xa xôi, Ngắn ngủi, Trượt, Điểm cân bằng, Viết lại lần nữa, Dòng suy nghĩ trong đầu như chiếc xe đạp chạy loanh quanh…). Cô trân trọng những ký ức đẹp đẽ bởi chúng chính là chất liệu kiến tạo bản ngã tôi liếc trộm những tấm ảnh cũ/ chợt nhận ra mình bị ám ảnh bởi/ những điều đẹp đẽ, giản đơn/ chúng ta đã từng có dù thoáng qua… (Tưởng niệm), đống lửa/ giống như cuộc đời/ ăn dần dần/ những tấm hình ném vào nó/ quá khứ chúng ta (Hệ thống). Thơ của Minh Anh có những bài đề cập đến những vấn đề thuộc về bản thể và siêu hình học - nhưng được diễn giải bằng cảm xúc và trải nghiệm cá nhân. Chẳng hạn, suy tư của cô về cái chết và sự tái sinh: trước khi cái con người mà tôi từng biết bị chết đi/ giống như một cú ngoặt (…) nhưng đến ngày cái phiên bản con người tôi cũng chết đi/ ở kiếp tới tôi giữ những tấm ảnh trên tay (Tưởng niệm); bạn nói rằng tôi hay cả nghĩ/ làm con quái vật trong tôi lớn mạnh/ đến một ngày nó sẽ to lớn hơn đủ để/ xé toạc tôi rồi thoát/ cuối cùng, đến một ngày nó sẽ giết chết tôi/ và cả bạn (Nghe đi), con bướm đau thương đã chết/ tái sinh thành một người buồn/ đứng trước gương chia hai nửa của mình/ thành hai phiên bản nhỏ (Màu xanh buồn). Thừa nhận một thực tế hiển nhiên và tàn khốc rằng sau khi người ta chết đi, thế giới vẫn tiếp tục quay mà không còn sự hiện diện của họ, nhưng cô tin sức mạnh của nghệ thuật có thể vượt qua giới hạn của thời gian, những nghệ sĩ kiệt xuất có thể thách thức cái chết bằng cách tạo ra những tác phẩm có giá trị xuyên suốt nhiều thế kỷ (Tưởng niệm, Sự kỳ lạ của nghệ thuật viết, Bức tranh).
Cũng viết về thời gian, “Dòng suy nghĩ trong đầu như chiếc xe đạp chạy loanh quanh” là một bài thơ văn xuôi thú vị, trong đó, Minh Anh nhận ra “đứa trẻ chân thành” bên trong nhà thơ - kẻ mãi mãi nhìn thế giới như thủa ban đầu. Chính sự ngây thơ “từ bản năng tự nhiên, từ sâu thẳm bên trong” mang lại cho nhà thơ cái nhìn sâu sắc về những sự thật vĩnh cửu - điều mà có lẽ những người giàu trải nghiệm trần thế chưa chắc đã có được:
“Nếu bỗng nhiên trong khoảnh khắc vô tư, từ bản năng tự nhiên, từ sâu thẳm bên trong, tôi bước ra như một đứa trẻ chân thành một lần nữa, khi mà cả hai chúng tôi đã rẽ trên con đường cách đây không lâu. (…)”
“Khi tôi và cô bé hội nhập thành “một”, tôi như được sống lại những ký ức sống động. Nó giống như một tia sáng xưa cũ lóe lên. Giống như cái cách bạn đặt mắt của bạn và một tác phẩm nghệ thuật và nhìn nó mãi. Cho đến khi bạn bắt tay vào làm, nó không phải là gì ghê gớm, nhưng là một thực tế. Thật tuyệt vời có được trải nghiệm cái mà nó từng là một lần nữa. Một cơ hội thứ hai. (…)”
“Tôi chẳng thể làm gì hơn, ngoài việc thắc mắc là khi con người chúng ta quay trở lại trái đất, quá khứ của chúng ta không còn nữa, thì ngoài kia có thế giới nào để quá khứ được tồn tại không” (…)
“Một cơn lạnh từ từ bất chợt thấm vào làn da tôi, thấm vào từng nguyên tử trong xương tủy của tôi nỗi sợ hãi. Một ngày nào đó, cái tôi hoặc cái chúng ta đã từng có, một cách hãi hùng hoặc tao nhã, sẽ trở về ngôi nhà hoặc tan biến vào quả đất. Và liệu tất cả sự giãn nở của các thiên hà trong mỗi chúng ta, trong mỗi chút xíu của chúng ta có chạy đi mất. Giống như câu chuyện bi kịch thi vị của một đứa trẻ được viết bởi một nhà thơ có cuộc sống còn bi kịch hơn đứa trẻ.”
(Dòng suy nghĩ trong đầu như chiếc xe đạp chạy loanh quanh)
Nền tảng của chủ đề về thời gian là vòng đời - với các mùa quay tròn như một bánh răng nhỏ quanh một bánh xe lớn hơn. “Dòng suy nghĩ trong đầu như chiếc xe đạp chạy loanh quanh” gợi nhớ đến “As I Walked Out One Evening” (Một buổi tối khi tôi bước ra ngoài) của W. H. Auden - một bài thơ mô tả việc thu hoạch lúa mì từ góc độ thời gian, ẩn dụ cho những mùa đã trôi qua trong cuộc đời con người. Với tiết tấu chậm, giọng điệu khoan thai, mỗi đoạn của bài thơ giống như một vòng xoay của bánh xe, cả bài thơ tạo thành một vòng tròn diễn ngôn vượt thời gian - vòng tròn mà “tôi” đã đi qua cũng là vòng tròn của suy tư và ký ức.
Thơ cũng là cách Minh Anh khám phá thế giới thông qua ngôn ngữ. Trong cuốn The Cambridge Companion to Creative Writing, David Morley nhận định “Sự ngạc nhiên trong ngôn ngữ là bí mật mở (open secret) của thơ”[3]. Tất cả ngôn ngữ đều có nhịp điệu, ngay cả những ngôn ngữ không phải của con người (chẳng hạn nhịp gõ của móng vuốt, giai điệu của cá voi xuyên qua những bức tường đại dương, tiếng hót của chim, tiếng kêu của động vật trong rừng rậm…). Vần điệu và nhịp điệu không phải ngẫu nhiên sinh ra, mà là “cách để ghi nhớ tự nhiên”[4]. Minh Anh đã lắng nghe, bằng trực giác, những nhịp điệu của âm thanh trong thế giới:
dưới làn da này
dưới thớ thịt này
dưới dòng máu này
dưới khúc xương này
sâu thẳm trái tim ta
kề tai thật gần
ngươi có nghe không
giai điệu của vũ trụ
(Về nhịp điệu)
Mỗi bài thơ là một cấu trúc ngôn ngữ, trong đó, mỗi từ có tính nhạc của riêng nó. Nhà thơ có thể tìm thấy giọng nói của mình trong khe hở của bài thơ, khoảng trống giữa các từ. Năng lực quan sát và sự thơ hóa ký ức cũng quan trọng với thơ tựa như việc xây dựng nhân vật đối với tiểu thuyết. Bằng một thái độ trân quý cuộc sống, Minh Anh quan sát những động thái của thế giới xung quanh một cách tỉ mỉ, đó là thế giới mà cô lớn lên mỗi ngày, từ những cảm xúc từ ngây thơ, trong sáng (Chui vào quả đất, bạn lớn lên, Gửi cô gái chăm chăm nhìn ngọn cỏ, Công chúa trừu tượng - con mèo xám, Cái cây của tình bằng hữu, Những chiếc lá…), đến phức tạp hơn, nhiều trăn trở hơn của người đang trưởng thành (Cô đơn đến nỗi ngay cả cô đơn cũng không thể tự đo đếm được, Mái tóc, Những ước mong vô thức khóc thân tôi, Cơ thể tự biết cách, Khóc trong sự đơn giản, Vấn đề riêng tư, Đồng hành một mình…):
Mọc dài mọc dài ra mãi
chảy thành con sông đen tuyền
làm tôi chết đuối
(Mái tóc)
Nhốt mình
trong điên loạn của bản thân
ta có với tới không
phía bên kia
của chính mình
(Khóc trong sự đơn giản)
Toàn bộ các bài thơ trong tập thơ này đều viết theo hình thức thơ tự do. Sự phân chia các khổ, đoạn tùy thuộc vào dòng cảm xúc của tác giả. Dòng thơ có thể vươn dài theo chiều ngang hay chiều dọc, còn nhịp điệu “nằm ngay ở điểm hẹn của cảm xúc, ngữ pháp và ngữ nghĩa, cụ thể hơn, nơi ngắt nhịp trùng với ngắt nghĩa”[5] Tập thơ của Minh Anh có nhiều bài thơ viết về biển (Nhịp điệu, Đại dương, Thì thầm với đại dương, Lời kết cho chúng ta, Viết lại lần nữa…). Thừa nhận biển như một không gian khơi gợi sự sáng tạo: tôi thích viết thơ trước biển/ dẫu bạn đã đứng đó cùng tôi/ tôi vẫn lấy cơ hội này để viết (Lời kết cho chúng ta), và là một thế giới mộng mơ - nơi chốn nương náu của một tâm hồn thuần khiết: tôi muốn mình mãi thư thái bên đại dương/ trong mọi giai đoạn cuộc đời/ từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc (…) đại dương luôn là ngôi nhà rộng/ tôi trở về lúc nào đó mai sau (Viết lại lần nữa), cô lắng nghe nhịp điệu của biển như một cách trò chuyện với chính mình: hãy tìm ta/ ở nơi sâu thẳm/ của đại dương mênh mông/ ở bên trong ta (Nhịp điệu). Trước biển - cái tôi của người viết tự do đối thoại với không gian và thời gian, một “cái tôi” trữ tình say sưa diễn tả trạng thái tâm trí và cảm giác của mình như thể đang trò chuyện với người đọc trước mặt:
“Tôi yêu lắm những nơi này. Cứ như có tia sáng kỳ diệu lóe lên khi đi qua đây, bạn có thể nghe trộm nhìn lén những chuyện mà bạn không cảm thấy ngại ngùng hay tội lỗi. Chẳng hạn mỗi khi lướt phố đêm Sài Gòn, nơi mà sự lãng mạn của mùi thoát nước mưa, cùng những tiếng kèn thô lỗ, và cả những quang cảnh khó hiểu đã nói lên điều đó. Hoặc ngay nơi biển cả này. Chỉ thực sự để sống, bạn biết không?”
“Ngay cả khi tôi ở đây trước biển, dẫu làn da hữu cơ khỏe mạnh với nhiều lớp biểu bì bên trong bảo vệ, tôi vẫn dễ bị tổn thương.”
“Khi tôi ở một nơi vắng vẻ, tôi khao khát được thấy nhiều người. Và khi tôi ở nơi có nhiều người, tôi còn khao khát đến những nơi xa vắng. Tôi bị xoay trong vòng nghịch lý như điểm đầu và điểm cuối của bánh xe quay.”
(Thì thầm với đại dương)
Tập thơ Một ngày từ bên trong hướng đến sự kết hợp hài hòa của trí tuệ và cảm xúc, gây ấn tượng cho người đọc về một lối viết chân thành và một tình cảm trong sáng, yêu thương cuộc đời. Thơ Minh Anh có xu hướng tìm hiểu bản chất của sự việc, đặt câu hỏi gợi suy ngẫm và đối thoại về hiện thực. Cô tìm thấy mối gắn kết giữa sự suy tưởng về thế giới với ngôn ngữ, và thơ ca chính là không gian để cả hai điều này cùng tồn tại. Bài thơ, khi đó, giống như một ngôi nhà để trú ngụ, những ô cửa của nó đóng lại và mở ra theo từng mùa trên trái đất. Vì vậy, tính triết lý của thơ cô, đôi khi, rất gần với tính triết học, hiểu theo nghĩa mà Wittgenstein từng nói, triết học thực sự nên được viết như viết một bài thơ[6].
Mở đầu con đường văn chương thuận lợi bằng việc xuất bản tập thơ song ngữ năm 16 tuổi, tự viết bằng tiếng Anh và dịch ra tiếng Việt, Minh Anh cho thấy khả năng và cũng là cơ hội của cô: viết giữa hai ngôn ngữ như một cách tạo lập căn tính. Điều này hứa hẹn việc cô có thể mở rộng không gian sáng tác bằng cách chuyển dịch giữa hai ngôn ngữ khác nhau. Nếu tiếp tục con đường này, Minh Anh sẽ đặt mình vào đội ngũ của các nhà văn song ngữ (bilingual writer) trên thế giới, và rõ ràng, tiềm năng sáng tạo của cuộc du hành ngôn từ này là vô hạn.
NGUYỄN THỊ THÚY HẠNH
[1] David Morley. 2012. The Cambridge Companion to Creative Writing, Cambridge University Press, tr.194.
[3]David Morley. Tlđd., tr.194.
[4]David Morley. Tlđd., tr.194.
[5] Mã Giang Lân. 2011. Những cấu trúc của thơ. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 36-37.
[6] Tham khảo: https://wittgenstein-initiative.com/writing-philosophy-as-poetry-literary-form-in-wittgenstein/
VNQD