Bản sắc văn hóa Nhật Bản trong phim “Kubo và sứ mệnh Samurai”

Chủ Nhật, 09/06/2024 00:39

. HÀ THY LINH
 

Là một trong những phim hoạt hình stop-motion tiêu biểu, Kubo và sứ mệnh Samurai của đạo diễn Travis Knight đã giành giải BAFTA lần thứ 70 cho Phim hoạt hình hay nhất, đồng thời nhận hai đề cử tại giải Oscar 2017. Mặc dù được sản xuất bởi Laika Entertainment - hãng phim hoạt hình Mĩ, song Kubo và sứ mệnh Samurai lại mang đậm màu sắc Nhật Bản, với những yếu tố huyền bí, ma mị, giàu triết lí phương Đông. Được biết, quá trình lên kịch bản và thiết kế hình ảnh phim dựa trên sự nghiên cứu kĩ lưỡng về kiến trúc, lịch sử và văn hóa của xứ sở hoa anh đào. Do vậy, bối cảnh và những đặc trưng văn hóa Nhật Bản đã được nhà làm phim khắc họa một cách sinh động, rõ nét.

1. Sự tái tạo không gian văn hóa Nhật Bản: kì vĩ và huyền bí

Dựa trên sự tìm tòi, khám phá về đất nước Nhật Bản, Kubo và sứ mệnh Samurai đã xây dựng bối cảnh về một vùng đất huyền bí, với địa hình phức tạp, núi non hùng vĩ, biển cả mênh mông... Điều này khiến hành trình thực hiện sứ mệnh của Kubo khó khăn và nguy hiểm khôn cùng. Thông qua ngôn ngữ điện ảnh, đạo diễn đã tạo nên không gian truyện phim hấp dẫn, đầy tính nghệ thuật, mang đến những trải nghiệm thị giác thú vị và chân thực cho khán giả.

Ngay mở đầu phim, chúng ta thấy một đại cảnh về đại dương bao la, đầy bão tố. Những con sóng dữ tợn như muốn nhấn chìm và nuốt chửng con người. Trước thiên nhiên tàn khốc, sóng gió trập trùng, hiểm nguy rập rình, con người dường như càng trở nên nhỏ bé, đơn độc và mong manh. Nhìn chung, khung cảnh phim đa dạng: vừa đáng sợ, hiểm nguy, vừa đẹp đẽ, thơ mộng. Các đại cảnh thiên nhiên liên tục thay đổi trên hành trình phiêu lưu của nhân vật: miền tuyết phủ trắng xóa, sa mạc trải rộng mênh mông, những hang động bí hiểm, đáy nước sâu u tối tràn ngập sinh vật quái dị... Trái ngược với căn nhà đơn sơ nằm trên mỏm đá chênh vênh của hai mẹ con Kubo là làng Sun Village thanh bình với những cảnh sinh hoạt đời thường: người lớn đánh bắt cá, đan rổ hay buôn bán; trẻ con chạy nhảy vui chơi, xem múa sư tử; người già thong thả đánh cờ; các cô, các mẹ mặc kimono trò chuyện rôm rả... Bên cạnh đó, hình ảnh lá phong xuất hiện rất nhiều lần trong phim, có thể coi đây là một motif, tương tự hình ảnh chiếc mũ giáp hay áo choàng có biểu tượng samurai khiến người ta liên tưởng ngay đến đất nước Nhật Bản. Tất cả tạo nên một bức tranh sống động, hài hòa, đầy chất thơ.

Laika Entertainment đã dành ra năm năm để chuẩn bị và thực hiện Kubo và sứ mệnh Samurai. Phần lớn khung cảnh thiên nhiên hay nhân vật đều được tạo hình từ giấy và mô hình đất sét. Những đại cảnh choáng ngợp như miền tuyết trắng xóa, sa mạc mênh mông, khu rừng xanh ngút ngàn, buổi chiều hoàng hôn trên đỉnh núi, hay những màn chiến đấu võ thuật hoành tráng... đều là thành quả của đội ngũ sáng tạo không ngừng nghỉ với kĩ thuật 3D stop-motion, có sự hỗ trợ của CGI.

2. Những đặc trưng văn hóa Nhật Bản

Ngay từ poster, trailer, thậm chí là tên phim, khán giả của Kubo và sứ mệnh Samurai đã dễ dàng nhận ra những hình ảnh đặc trưng của văn hóa Nhật Bản như: đàn shamisen, nghệ thuật gấp giấy origami, samurai và tinh thần võ sĩ đạo...

“The Two Strings” trong tên phim ám chỉ cây đàn shamisen mà Kubo luôn mang theo bên mình, cũng là vũ khí với sức mạnh phép thuật giúp cậu chống lại những thế lực xấu xa. Chắc hẳn khán giả sẽ thắc mắc, đàn shamisen có ba dây, tại sao tên phim lại chỉ nhắc tới hai dây. Điều này sẽ được lí giải ở cuối phim. Shamisen (hay samisen) là nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản, thường được sử dụng trong các buổi biểu diễn múa hát hoặc diễn kịch. Người Nhật rất tự hào về loại nhạc cụ độc đáo này. Ngày nay, nhiều nơi ở Nhật Bản đã đưa đàn shamisen vào chương trình học. Trong Kubo và sứ mệnh Samurai, cây đàn shamisen xuất hiện ngay từ những phút đầu tiên, khi mẹ Kubo phải chống chọi lại cơn cuồng nộ của biển khơi. Chính cây đàn đã giúp bà vượt qua hiểm nguy để mang Kubo trốn thoát. Sau đó, cây đàn là vật bất li thân của Kubo. Đó là công cụ giúp cậu biểu diễn và “truyền kí ức” bằng cách kể chuyện về người anh hùng Hanzo cho dân làng vào mỗi buổi chiều. Khi mũ giáp và kiếm đã không còn, đàn shamisen là vũ khí duy nhất Kubo có thể dùng để chiến đấu với Nguyệt Đế. Và cũng chính lúc này, thắc mắc ban đầu của khán giả đã có lời giải đáp. Hai sợi dây ở tên phim là sợi tóc của mẹ Kubo và dây cung của cha Kubo. Sợi dây thứ ba là tóc của Kubo. Cây đàn shamisen gồm ba dây, tượng trưng cho một gia đình. Nhờ sự bao bọc chở che, lòng yêu thương sâu nặng và đức hi sinh cao cả của cha mẹ, Kubo mới có thể sống sót, để đi tìm cái kết có hậu cho câu chuyện của mình.

Người Nhật vốn khéo léo, tỉ mỉ và rất sáng tạo, họ có thể làm ra những sản phẩm nghệ thuật từ nguyên liệu đơn giản và thô sơ nhất. Một trong số đó là nghệ thuật gấp giấy origami - biểu tượng văn hóa đặc sắc của đất nước mặt trời mọc. Nghệ thuật gấp giấy origami được thể hiện rất rõ trong phim. Việc Kubo kể chuyện bằng origami cũng khiến chúng ta liên tưởng tới các nghệ nhân kamishibai (múa rối giấy). Nghệ nhân thường đi xe đạp từ thị trấn này qua thị trấn khác, dùng đôi thanh gõ bằng gỗ để tập trung mọi người, sau đó bày hộp múa rối ra và kể chuyện. Kubo thường bắt đầu câu chuyện của mình bằng việc đánh đàn và nói: “If you must blink, do it now” (Nếu bạn phải chớp mắt, hãy chớp ngay đi).

Xuyên suốt chiều dài lịch sử Nhật Bản, samurai luôn là biểu tượng đẹp của lòng trung thành, đồng thời có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa của đất nước này. Câu chuyện về samurai và những bí ẩn phương Đông luôn là chủ đề cuốn hút các nhà làm phim và khán giả khắp thế giới. Ngày nay, tinh thần samurai vẫn luôn được người Nhật tôn vinh, ca ngợi. Kubo và sứ mệnh Samurai hấp dẫn khán giả bởi “sứ mệnh samurai” của Kubo. Samurai là những chiến binh có kĩ năng chiến đấu điêu luyện, thực hiện nhiệm vụ bằng nhiều loại vũ khí, đặc biệt là gươm và kiếm. Những võ sĩ thường mặc áo giáp và mũ giáp. Trong phim, Kubo phải đi tìm thanh kiếm bất khả phá, áo giáp bất thủng và mũ giáp bất khả phạm để có được sức mạnh lớn nhất, chiến đấu với Nguyệt Đế. Trên hành trình phiêu lưu, Kubo nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của Khỉ và Bọ. Họ là một gia đình, dù tới cuối phim ba người mới nhận ra nhau. Bọ chính là cha Kubo - một samurai chân chính. Và Kubo cũng tiếp bước cha mình để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của người võ sĩ.

Phim cũng phần nào thể hiện được những nét văn hóa ẩm thực của Nhật Bản. Kubo và mẹ ăn cơm bằng đũa - vật dụng không thể thiếu trong nền ẩm thực của một số quốc gia châu Á... Ở Nhật Bản, ngày 4 tháng 8 là ngày lễ hội đũa - hashi no hi (箸の日) hay hashi matsuri (箸祭), thậm chí còn có hẳn những cửa hàng chỉ bán đũa gọi là hashiya (箸屋). Khi ở trên chiếc thuyền bằng lá phong tại Trường Hồ, Kubo cùng Khỉ và Bọ thưởng thức món sashimi có tên tai-no-okashira-tsuki. Đây là món ăn trong nghi lễ cưới hỏi, hàm ý chúc mừng hạnh phúc đoàn viên. Chắc chắn Kubo sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều nếu cậu biết mình đang được dùng bữa với cả cha và mẹ. Sau này, dì của Kubo tiết lộ việc Bọ chính là Hanzo, cả gia đình họ chỉ được đoàn tụ trong vài phút ngắn ngủi rồi lại phải chia xa. Vậy nên, những giờ phút họ được ở bên nhau như lúc ở Trường Hồ càng đáng trân trọng hơn.

Obon là ngày lễ Phật giáo quan trọng nhất tại Nhật Bản, gần giống ngày Xá tội vong nhân ở Việt Nam. Đây là một trong những phong tục truyền thống của người Nhật, là dịp để con cháu tưởng nhớ và bày tỏ lòng kính trọng với ông bà tổ tiên, báo hiếu với cha mẹ, cũng là dịp để mọi người trở về quê nhà đoàn tụ cùng gia đình hoặc tặng quà cho bạn bè, người thân. Để bắt đầu ngày lễ, một ngọn lửa chào đón (mukae-bi) được thắp lên. Điều này mang ý nghĩa soi sáng đường đi cho linh hồn tổ tiên quay lại thế giới của người còn sống. Vào ngày kết thúc lễ hội, người ta đem đèn lồng đến thả ở các sông, hồ, hay bờ biển, xem như cách để tiễn đưa linh hồn của người quá cố về với thế giới của họ. Thông thường, trong đêm thả lồng đèn, người ta còn đốt pháo hoa. Kubo lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ nhưng lại thiếu sự nâng đỡ của cha, cậu chỉ biết về cha qua những lời kể của mẹ. Vì thế, khi biết trong lễ hội người ta có thể trò chuyện với những người thân đã khuất, cậu đã làm cho riêng mình một chiếc đèn lồng và “tâm sự” cùng cha. Ở cuối phim, Kubo lại nói chuyện với đèn lồng, nhưng lần này là hai chiếc dành cho cha và mẹ. Khi đó, cậu ước giá như có hai người ở bên để cả gia đình có thể kết thúc câu chuyện một cách thật đẹp - cùng với nhau.

Ngoài ra, trong Kubo và sứ mệnh Samurai, ta còn thấy chiếc kimono xuất hiện rất nhiều. Tại Nhật Bản ngày nay, kimono thường chỉ được dùng vào dịp lễ tết. Phụ nữ mặc kimono có màu và hoa văn nổi bật, còn nam giới mặc kimono không có hoa văn, màu tối và chỉ mặc trong lễ cưới hay buổi lễ trà đạo.

3. Triết lí Á Đông và vẻ đẹp tâm hồn Nhật Bản

Kubo và sứ mệnh Samurai có nhiều sáng tạo, thể nghiệm và sự phá cách của phương Tây, nhưng cũng mang nhiều dấu ấn phương Đông, thể hiện qua những hình ảnh ẩn dụ hay những triết lí nhân sinh đã được hình tượng hóa.

Theo quan niệm Á Đông, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là phương tiện để chúng ta nhìn thấy thế giới bên ngoài và thể hiện nội tâm bên trong. Khi Kubo và Bọ xuống Trường Hồ để tìm áo giáp bất thủng, họ đã rơi xuống Nhãn Uyển, nơi có những con mắt có khả năng nhìn thấu tâm can và thấy hết bí mật, khiến người nhìn vào chúng bị kẹt lại dưới đáy biển sâu mãi mãi. Bản thân Kubo cũng chỉ có một mắt, vì ông ngoại muốn lấy đi đôi mắt của cậu. Ông ngoại cho rằng, chừng nào vẫn còn mắt là vẫn bị mắc kẹt dưới địa ngục, bởi với đôi mắt sáng, người ta sẽ thấy rõ những nỗi thống khổ, đau thương của nhân loại và thấy cả cái chết. Nhưng cuộc sống vốn dĩ rất kì diệu, dẫu luôn có những điều tồi tệ, khiến chúng ta yếu đuối, tổn thương, song cũng có muôn vàn điều đẹp đẽ mà chúng ta có thể thấy và cảm nhận bằng trái tim. Tình yêu khiến cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi thế, Hanzo không ngần ngại hi sinh tính mạng để bảo vệ vợ con và con mắt còn lại của Kubo.

Hình ảnh diệc vàng (golden heron) xuất hiện rất nhiều lần trong phim. Theo lời Khỉ, loài diệc vàng nắm giữ linh hồn của những người đã khuất, mang họ đến thế giới bên kia. Diệc vàng hát bài ca về những điều xảy ra sau khi chúng ta qua đời. Thật ra, chúng ta không biến mất, mà giống như những tờ giấy của Kubo, chúng ta biến đổi và tiếp tục câu chuyện của mình ở một nơi khác. Khỉ nhấn mạnh: “Kết thúc của câu chuyện này là sự khởi đầu của một câu chuyện khác”. Điều này ứng với triết lí luân hồi trong Phật giáo của Á Đông.

Mọi câu chuyện đều cần một hồi kết. Đó là mong muốn của dân làng mỗi khi Kubo bỏ dở câu chuyện đang kể, cũng là mong muốn của cậu. Trải qua cuộc phiêu lưu mạo hiểm, với sự giúp sức của những người đồng hành, cuối cùng Kubo vẫn phải đơn độc, tự bước đi và chiến đấu một mình. Đó là quy luật tự nhiên, bởi suy cho cùng, người anh hùng vẫn phải tự hoàn thành sứ mệnh của mình. Kubo trở lại ngôi làng, lấy được mũ giáp và đánh trận chiến cuối cùng, để khép lại câu chuyện của chính mình và tìm thấy câu trả lời cho những điều cậu luôn trăn trở.

Kí ức là thứ ma thuật mạnh mẽ nhất từng tồn tại, giúp con người mạnh mẽ hơn. Chỉ cần tiếp tục giữ kí ức về những người mà chúng ta yêu thương thì chẳng ai có thể mang họ đi khỏi chúng ta được, họ sẽ sống mãi trong trái tim chúng ta. Những người anh hùng sẽ bất tử nếu như chúng ta tin và không ngừng lưu truyền câu chuyện về họ. Việc mất đi kí ức là sự trừng phạt Nguyệt Đế dành cho Hanzo, ông bị nguyền rủa, bị biến thành Bọ và mọi kí ức đều rơi vào lãng quên. Cuối cùng, nhờ sức mạnh của tình thân, Hanzo đã tìm lại được kí ức.

Vẻ đẹp tâm hồn Nhật Bản là vẻ đẹp của tinh thần võ sĩ đạo được tích tụ qua nhiều đời; của lòng dũng cảm, sự hi sinh, đức tính bao dung, thông minh, đầy tinh tế; đặc biệt là sự trân trọng tình yêu và tình cảm gia đình. Kubo và sứ mệnh Samurai ca ngợi tình yêu thương, đồng thời đề cao lòng trắc ẩn và sự vị tha. Mặc dù Nguyệt Đế từng muốn hại Kubo và dân làng, nhưng khi ông ta quên đi tất cả, trở thành một người thậm chí không còn nhớ bản thân là ai thì dân làng vẫn đón nhận ông. Họ kể cho ông nghe câu chuyện về chính ông: ông không phải là một người xấu xa độc ác, mà là một ông lão tốt bụng, luôn giúp đỡ mọi người. Vậy là câu chuyện đã được khép lại với một cái kết trọn vẹn, viên mãn.

Có thể thấy, bên cạnh cốt truyện phim hấp dẫn, ngôn ngữ điện ảnh lôi cuốn với những khuôn hình đẹp, cách kể chuyện thú vị được tạo nên từ kĩ thuật làm phim hoạt hình 3D stop-motion, Kubo và sứ mệnh Samurai còn gây ấn tượng bởi những yếu tố mang đậm màu sắc phương Đông. Phim không chỉ tái tạo không gian Nhật Bản kì vĩ và huyền bí, mà còn khắc họa rõ nét những đặc trưng văn hóa của xứ sở hoa anh đào, đồng thời thể hiện triết lí Á Đông và vẻ đẹp tâm hồn Nhật Bản. Thành công của Kubo và sứ mệnh Samurai cho thấy kĩ thuật làm phim stop-motion chưa bao giờ lạc hậu và hoàn toàn có thể tạo nên những thước phim hành động phức tạp, không hề thua kém các kĩ thuật làm phim hiện đại khác.

H.T.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)