. TRẦN NGỌC HIẾU
Tự sự học đa phương tiện là một nhánh quan trọng của tự sự học hậu kinh điển. Sự phát triển của nhánh nghiên cứu này cho thấy xu hướng liên ngành, xuyên ngành như là một động hướng tất yếu của tự sự học. Trước hết, nó mở rộng đối tượng nghiên cứu của lĩnh vực này: thay vì lâu nay chỉ tập trung vào những hình thức tự sự bằng lời, các nhà tự sự học mở rộng sang các hình thức tự sự ngoài lời, và do đó, có khả năng chất vấn và tái định nghĩa khái niệm tự sự. Từ đây, tự sự học có thể trở thành phương pháp có thể thích ứng với những lĩnh vực mới, đang phát triển năng động như nghiên cứu phim, nghiên cứu truyền thông, nghiên cứu văn hóa đại chúng. Tự sự học đa phương tiện cũng vận động theo những hướng đi mới của nghiên cứu tự sự học hậu kinh điển như tự sự học tri nhận, tự sự học nữ quyền và đồng tính luận… Bài viết này sẽ tổng thuật lại những vấn đề lớn mà tự sự học đa phương tiện đặt ra đối với việc nghiên cứu bản chất của tự sự; những chủ đề nghiên cứu mới của nó, trong đó tập trung vào hai phạm vi là tự sự học trong điện ảnh và truyện tranh. Bài tổng thuật chủ yếu dựa trên những nghiên cứu của Marie-Laure Ryan và Werner Wolf, những học giả đầu ngành trong lĩnh vực tự sự học đa phương tiện, người đã có nhiều chuyên luận gây ảnh hưởng lớn đối với các nhà tự sự học.
Khái niệm phương tiện (medium, số nhiều: media) trong tiếng Anh có hai nét nghĩa phân biệt với nhau khá rõ nét. Một mặt, nó được hiểu như một kênh truyền dẫn thông tin; mặt khác, nó được định nghĩa như là hình thức vật chất hay kĩ thuật của biểu đạt, tức có thể hiểu chúng như một thứ “ngôn ngữ” nhào nặn nên thông tin. Đối với các nhà tự sự học, nếu phương tiện là các kênh dẫn thì hình thức của kênh dẫn có thể ảnh hưởng đến kiểu thông tin mà nó truyền đạt, từ đó, điều chỉnh cách người ta tiếp nhận thông tin và việc sáng tạo các tác phẩm được “đo ni đóng giày” cho phương tiện ấy (thí dụ, truyền hình và điện ảnh là hai phương tiện có những sự khác biệt, do đó, kịch bản phim truyền hình sẽ có những khác biệt cơ bản với kịch bản điện ảnh). Như vậy, các phương tiện khác nhau có thể dẫn đến những câu chuyện khác nhau. Đó là lí do mà phương tiện trở thành mối quan tâm của các nhà tự sự học.
Theo học giả Marie-Laure Ryan, trong truyền thống thi học phương Tây, ngay từ Plato và Aristotle, vai trò của phương tiện đối với các loại hình nghệ thuật đã được chú ý. Đặc biệt, đến thế kỉ XVIII, triết gia Lessing đã nhấn mạnh đặc thù của phương tiện như nhân tố phân biệt các loại hình nghệ thuật, làm nên sức mạnh của mỗi loại hình nghệ thuật cũng như những hạn chế của nó. Thí dụ, phương tiện của hội họa tác động đến thị giác của người thưởng thức, do đó, hội họa trở thành nghệ thuật không gian, thiên về miêu tả; trong khi đó phương tiện của thơ ca là ngôn từ, tác động đến trí tưởng tượng của người đọc, do đó, nó là nghệ thuật thời gian và tính tự sự là bản chất của nó. Cũng chính Lessing đã sớm lưu ý đến khả năng căng dãn của phương tiện khiến một loại hình nghệ thuật có thể có thêm khả năng biểu đạt của phương tiện khác: “Thơ ca có thể kịch tính hóa sự hiện lên của những vật thể tĩnh bằng cách biến một hình ảnh không gian thành một hành động mang tính thời gian, như cách Homer miêu tả cỗ xe ngựa của Juno bằng việc kể lại thần Hebe lắp từng bộ phận của nó vào với nhau như thế nào. Các nghệ thuật không gian, ngược lại, có thể vượt qua sự thiếu hụt tính tự sự của mình bằng cách chọn một “khoảnh khắc quan trọng” (“pregant moment”), mở ra cửa sổ để người ta có thể hình dung được những gì diễn biến trước và sau đó.” Nhưng phải sang đến thế kỉ XX, thời đại bùng nổ các phương tiện mới: máy ảnh, máy quay phim, radio, tivi, radio…, những suy tư mang tính triết học về bản chất của các phương tiện mới thực sự được đào sâu. Trong số những học giả tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về phương tiện, Marshall McLuhan là người đặt ra được những luận đề có tính chất nền móng như: “phương tiện là sự mở rộng của con người”, “phương tiện nhào nặn nên và nhào nặn lại những sự hình dung của chúng ta”, “phương tiện chính là thông điệp”. Cùng với McLuhan, Walter J.Ong đã đặt vấn đề nghiên cứu tự sự trong các hình thái phương tiện khác ngoài ngôn từ với những khám phá hệ thống về các hình thức tự sự trong văn hóa truyền khẩu và văn hóa dựa trên nền tảng chữ viết.
Trên thực tế, như Ryan lưu ý, thì các nhà tự sự học ngay từ giai đoạn cấu trúc luận đã sớm chú ý đến bản chất xuyên phương tiện (transmedia) của tự sự, trong đó có thể kể đến các tên tuổi như Claude Bremond hay Roland Barthes mà công trình Những huyền thoại của ông đã thể nghiệm phân tích các hiện tượng văn hóa đa dạng từ quảng cáo, sách hướng dẫn du lịch, tranh, tranh hoạt họa… như là các tự sự (không bó hẹp trong phương tiện ngôn từ đơn thuần). Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của tên tuổi cột trụ của tự sự học kinh điển là Gerard Genette, việc nghiên cứu tự sự ở thời điểm ấy hầu như chỉ tập trung vào các tự sự văn chương hư cấu. Các hình thức tự sự ngoài văn chương và phi văn chương hầu như không được quan tâm cho đến tận những năm cuối thế kỉ XX. Nghiên cứu tự sự trong các hình thái truyền thông đa dạng đã và vẫn đang phát triển rất năng động với những công trình nghiên cứu tự sự trong điện ảnh, truyền hình, truyện tranh, nghệ thuật múa, hội họa, opera, biếm họa…
Trở lên trên là những phác thảo về tự sự học đa phương tiện. Nhưng khái niệm đa phương tiện ở đây không đơn giản chỉ là nói đến tự sự ở những phương tiện khác ngoài ngôn từ. Theo Ryan, khi nghiên cứu về các phương tiện, cần nhớ rằng chúng luôn tồn tại trong mối quan hệ tương tác và cạnh tranh với nhau để thỏa mãn cảm giác của con người. Khi điện ảnh ra đời, chẳng hạn, nghệ thuật tự sự của tiểu thuyết buộc phải điều chỉnh chính mình để có thể cạnh tranh với phim trong việc kể chuyện. Irving Howe từng nói rằng nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại chủ nghĩa là nghệ thuật tự sự được điện ảnh hóa. Đến lượt mình, điện ảnh giờ đây lại chịu thách thức từ video-games, một phương tiện không những tích hợp được những khả năng vốn có của phim mà còn gia tăng sự tương tác giữa người chơi với câu chuyện được thiết kế. Games làm cho điện ảnh phải nghĩ lại với những khả năng kể chuyện của nó, thậm chí còn làm cho các tự sự hư cấu phải nghĩ đến việc tìm tòi những phương thức kết cấu và biểu đạt mới… Điều này đã khiến các nhà nghiên cứu đề xuất khái niệm “liên phương tiện” - intermediality hoặc xuyên phương tiện - transmediality để tìm hiểu về bản chất của phương tiện và mối quan hệ giữa phương tiện với nghệ thuật tự sự. Đề xuất này rất hợp lí đối với những hình thái tự sự tích hợp nhiều phương tiện như phim, video games, truyện tranh, nghệ thuật trình diễn…
Bản chất của phương tiện có thể được tiếp cận trên ba bình diện, mỗi bình diện lại nhào nặn nên các tự sự theo những đặc trưng riêng.
Thứ nhất, phương tiện mang bản chất kí hiệu và căn cứ vào bản chất kí hiệu này thì có thể phân loại phương tiện thành ba nhóm lớn: ngôn từ, thị giác và thính giác. Các tự sự văn chương tất nhiên dựa chủ yếu vào phương tiện ngôn từ, do đó, có khả năng thể hiện được diễn biến của sự kiện theo thời gian một cách thuận lợi trong khi đó đây lại là thách thức đối với các tự sự dựa vào phương tiện thị giác vốn mạnh hơn khả năng biểu đạt sự tồn tại trong không gian của các vật thể. Các loại hình tự sự như điện ảnh, truyện tranh, ballet, kịch câm, nghệ thuật trình diễn… đều là những nỗ lực kết hợp khả năng biểu đạt cả tính thời gian lẫn tính không gian của các sự kiện trong thế giới. Ở những loại hình tự sự này, ta có thể quan sát rõ nét nhất sự cộng hưởng khả năng của nhiều phương tiện để biểu đạt và tác động đến người tiếp nhận. Tiếp cận tự sự từ bản chất kí hiệu của phương tiện sẽ tập trung vào những khả năng và giới hạn của phương tiện ấy trong việc kể chuyện. Ryan gợi ý những câu hỏi sau để ta suy tư về vấn đề này: “Làm cách nào các hình ảnh có thể gợi ra ý niệm về thời gian? Làm thế nào các động tác, cử chỉ có thể biểu đạt được mối quan hệ nhân quả? Ý nghĩa của thiết kế đồ họa là gì? Làm cách nào mà các loại kí hiệu khác nhau có thể góp phần tạo nên ý nghĩa tự sự trong những hình thức nghệ thuật đa phương tiện?”
Thứ hai, phương tiện có bản chất vật chất, bản chất kĩ thuật. Đối với các nhà tự sự học, khi xem xét phương tiện từ khía cạnh bản chất này, mối quan tâm của họ sẽ tập trung vào khả năng “nâng cao hay điều chỉnh sức mạnh biểu đạt của những phương tiện kí hiệu thuần túy”. Thí dụ, nghệ thuật tự sự văn chương chủ yếu được thể hiện trên trang giấy qua công nghệ in ấn. Bản thân việc in ấn đã làm thay đổi đáng kể nghệ thuật tự sự từ hình thức truyền khẩu vốn đã xuất hiện trước đó đến hình thức tự sự được cố định hóa về văn bản trên giấy in. Tuy nhiên, sự ra đời của internet đã mở ra một không gian tồn tại khác cho việc sáng tác và tiếp nhận các tự sự văn chương. Các hư cấu mang hình thức hypertext chính là một dạng chuyển mình của tự sự văn học trong thời đại số, có những đặc thù mới, đòi hỏi một cách tiếp cận khác về thế giới truyện kể (storyworld), tổ chức trần thuật, người kể chuyện… Các tự sự điện ảnh đòi hỏi người nghiên cứu phải tư duy về chức năng của camera trong việc tạo ra các điểm nhìn như thế nào, các hình thức trần thuật ra sao…
Thứ ba, phương tiện mang bản chất văn hóa. Ryan đưa ra một nhận định rất xác đáng: “Đặc điểm của các tự sự được tạo nên bởi một phương tiện nhất định thường là sự gắn kết của các nhân tố văn hóa, kĩ thuật và kí hiệu.” Bản chất văn hóa của phương tiện sẽ giúp chúng ta kiến giải được nhiều phương diện văn hóa của tự sự và hình thành thêm nhiều cách phân loại các thể loại tự sự. Thí dụ, truyện tranh là một thể loại văn học bao gồm nhiều tiểu loại, mỗi tiểu loại lại có những mã riêng của nó: truyện dành cho trẻ em, dành cho người lớn, dành cho độc giả nữ… Các mã này lại được cấu thành bởi những cách vẽ riêng, tương quan giữa phần lời và phần hình ảnh cũng không giống nhau, từ đó mà ý nghĩa tự sự cũng được cấu tạo theo những cách khác nhau. Ý thức được điều này sẽ mở đường cho việc tiếp cận các thể loại tự sự đa phương tiện này từ góc độ phê bình văn hóa, lí thuyết tri nhận, phê bình giới tính, v.v...
Xin lưu ý, tự sự học đa phương tiện không chỉ phát triển để thích ứng với sự tồn tại phong phú của các hình thức tự sự ngoài ngôn từ lịch sử đến hiện tại. Nhìn rộng hơn, có thể nói đến khúc ngoặt phương tiện/ liên phương tiện trong nghiên cứu nhân văn và văn học, nói như học giả Werner Wolf. Khúc ngoặt phương tiện này khiến ta phải quan tâm đến sự tồn tại của văn học trong một hệ sinh thái phương tiện (media ecology). Trên thực tế, một thể loại tự sự như sử thi chẳng hạn bao giờ cũng tồn tại trong môi trường đa phương tiện: đời sống của sử thi chưa bao giờ chỉ là đời sống trên văn bản, nó còn sống trong nhiều phương tiện khác: âm thanh (qua lời hát của nghệ nhân), ngôn ngữ thân thể (qua cử chỉ, điệu bộ trình diễn). Tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa thường có tiền thân là các thoại bản, là các bản kể truyền miệng được lưu hành trong đời sống thị dân. Nhìn xa hơn, các kịch bản sân khấu, điện ảnh thường được sáng tác trong ý thức văn bản ngôn từ có khả năng chuyển thể được sang các phương tiện khác. Bởi lẽ đó, Werner Wolf đã nhận định xác đáng rằng: “Nếu văn học đã gây ảnh hưởng đến nhiều phương tiện và đến lượt mình chịu ảnh hưởng cũng như được lưu truyền bởi nhiều phương tiện thì việc nghiên cứu phương tiện phải trở thành một bộ phận tích hợp của nghiên cứu văn học.”
Cách tiếp cận văn học nói chung, tự sự nói riêng từ phương tiện đòi hỏi chúng ta phải chú ý đến tổng thể của cả ba bình diện bản chất ở trên vừa nói đến. Phương tiện kiến tạo nên bình diện không - thời gian của tự sự như thế nào, có ưu thế trong việc tác động đến giác quan nào, những mã kí hiệu học nào được sử dụng để truyền đi nội dung tự sự, sự hỗ trợ của các yếu tố vật chất, kĩ thuật tạo nên sự khác biệt gì trong khả năng tự sự, các yếu tố văn hóa trong việc sáng tạo và lưu truyền các tự sự ảnh hưởng như thế nào đến diện mạo và các kiểu loại tự sự… Theo Ryan, thao tác so sánh là thao tác cần thiết khi đối với việc nghiên cứu tự sự từ phương tiện.
Tự sự học đa phương tiện là một cách tiếp cận thích ứng đối với nhiều hiện tượng văn hóa đại chúng đương thời. Một trong những đặc điểm nổi bật của văn hóa đại chúng hiện nay đó là sự bùng nổ đa dạng của phương tiện mới phục vụ cho nhu cầu kể chuyện của con người. Thêm nữa, những phương tiện mới ấy tiện lợi hơn, phổ cập hơn, có nhiều tính năng để tạo ra những hiệu ứng tự sự mới mà các phương tiện truyền thống chưa làm được. Mạng và các thiết bị số chính là những phương tiện đang gây ra những tác động đặc biệt đối với sự phát sinh và diện mạo mới của các tự sự hiện nay. Tiêu biểu nhất là sự phát triển của games điện tử. Xem games như một tự sự mà bản thân người chơi trở thành nhân tố trực tiếp cấu thành thế giới truyện kể, games buộc các nhà tự sự học phải nghĩ lại đến những khái niệm then chốt như người kể chuyện (games là câu chuyện được kể bởi ai), cốt truyện (trong games, cốt truyện phải chăng được xây dựng bởi người thiết kế, người thiết kế dựa trên những mẫu gốc nào để xây dựng nó, làm thế nào để người chơi dù chơi nhiều lần vẫn không mất đi cảm giác bất ngờ, rơi vào bẫy…) Các tự sự hình thành trên nền tảng kĩ thuật số - các hypertext - mặc dù vẫn chưa được đón nhận giống như games nhưng ít nhiều đã ảnh hưởng ngược trở lại đối với nghệ thuật tiểu thuyết và điện ảnh. Một bộ phim như Lara Croft: The Tom Raider (2001) trên thực tế là phiên bản chuyển thể của games được ra mắt trước đó - Tomb Raider vào năm 1996. Tiểu thuyết House of Leaves của Mark Z.Danielewski (2000) - một cách tân thường được nhắc đến của văn học Mĩ đương đại - được kết cấu như một games thực sự, ngay từ hình thức của cuốn sách. Gần đây nhất, mạng xã hội và công nghệ livestream không chỉ khiến cho báo chí truyền thống phải dè chừng bởi khả năng cạnh tranh rất cao, mà ngay cả báo mạng và truyền hình cũng bị thách thức bởi giờ đây mỗi người đều có thể trở thành phóng viên, trở thành một nguồn cung cấp tin tức, một kênh tạo ra các tự sự của riêng mình. Chưa bao giờ người ta có thể trực quan sự tan rã của các đại tự sự như ở thời tiến bộ công nghệ diễn ra với tốc độ chóng mặt như thế này. Từ đó, trong nghiên cứu, càng không thể đặt văn học tách khỏi những mối tương tác của nó với hệ sinh thái phương tiện quanh nó, để nhấn mạnh lại một luận điểm mà ở trên bài viết này có nhắc tới.
Các tự sự đa phương tiện đang tồn tại dưới nhiều hình thức phong phú trong đời sống văn hóa Việt Nam hiện nay và gây được những ảnh hưởng đáng chú ý, đặc biệt trong khu vực văn hóa trẻ. Khái niệm “văn hóa trẻ” là một khái niệm rất cần quan tâm trong nghiên cứu văn hóa đại chúng. Đó là thứ văn hóa được làm nên và gắn bó với giới trẻ của một xã hội - bộ phận năng động nhất, dễ tạo ra những xu hướng phong cách sống mới, tạo ra những lệch chuẩn, những khác biệt mới trong đạo đức, thẩm mĩ, nhận thức. Văn hóa trẻ thường gắn với đô thị, bộc lộ từ những biểu hiện vật chất như ăn mặc, đầu tóc, xăm mình đến những hình thức tự do biểu đạt trong cách nói năng, cách nghĩ. Một nền văn hóa giàu tính khoan dung luôn cố gắng nới rộng không gian cho văn hóa trẻ, một thứ văn hóa luôn có thể phá vỡ những giá trị đã định hình, đã thành những khuôn thức. Bước đầu có thể nhắc đến những thể loại tự sự đa phương tiện đang khởi sắc hiện nay trong văn hóa Việt Nam và đồng thời hoàn toàn có thể tiếp cận chúng từ lí thuyết tự sự học:
Truyện tranh: Một thời kì khá dài, phần lớn các truyện tranh được đón nhận nồng nhiệt bởi giới trẻ chủ yếu được dịch từ nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản. Trong lịch sử, ở Việt Nam, cũng đã có những họa sĩ chuyên về truyện tranh, song nói đúng hơn, tác phẩm của họ nên được gọi là sách tranh minh họa. Người ta hoàn toàn có thể bỏ phần tranh mà giữ phần truyện mà không mất mát gì đáng kể về ý nghĩa. Một hiện tượng đáng ngạc nhiên là trong khoảng 5 năm trở lại đây các tác giả Việt đã bắt đầu chiếm lĩnh thị trường truyện tranh. Có thể kể đến Lê Linh với Thần đồng đất Việt, Phong Ronin với Sát thủ đầu mưng mủ, Long thần tướng, Lê Bích (Huara Team) với Đời về cơ bản là buồn cười, Dịch từ tiếng Yêu sang tiếng Việt, Đời vai phụ, Mèo Mốc với Nhật kí mèo mốc, Bích Ngọc với Chuyện vặt của Múc, Thăng Fly với Quan trọng là phải đẹp trai… Trong những cuốn sách vừa nói đến ở trên, dạng comic strip có lẽ đang chiếm ưu thế hơn về số lượng so với tiểu thuyết tranh - graphic novel (Long thần tướng và Cửa sổ là hai tác phẩm trong phạm vi những gì tôi đọc được vừa vặn hơn cả với tính chất tiểu thuyết). Đặc trưng văn hóa trẻ thể hiện ở sự hài hước qua nét vẽ và ngôn từ của các tác giả: nguệch ngoạc, phóng đại, chủ ý xây dựng nhân vật như một biểu tượng icon chạy xuyên suốt cả series dài (Lê Bích, Đậu lướt ván, Mèo mốc…) Bám sát vào những tình huống đời thường và thời sự của giới trẻ, các tác phẩm comics thường tạo nên tự sự trên nền một thành ngữ được nhại chế, một sự kiện đang nóng, một trào lưu trên mạng xã hội. Nét vẽ phải làm sao nhấn mạnh được sự dí dỏm, sự cợt nhả hay sự ngoa ngoắt của nhân vật trung tâm trong series. Mỗi một truyện trong tác phẩm comic này có thể ví như một tập sit-com được cô đọng tối đa bằng hình vẽ và lời văn.
Sách ảnh: Trường hợp tôi muốn nhắc đến nhất ở đây là hiện tượng cuốn Humans of Hà Nội - bước vào thế giới của nhau (2015) mà trường nhóm dự án là Trần Quang Tuấn và Bùi Hoàng Long. Dự án được truyền cảm hứng từ Brandon Staton, nghệ sĩ nhiếp ảnh người Mĩ sinh năm 1984 và mới chỉ bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp nhiếp ảnh từ năm 2010, người khởi xướng trang “Humans of New York” trên mạng xã hội facebook giới thiệu ảnh chân dung những con người đời thường, được chụp trong những khoảnh khắc thường nhật, đi kèm với những văn bản ngắn ghi lại câu chuyện mà họ tâm tình với người chụp. Brandon Stanton trên thực tế đã tạo ra một thể loại tự sự mới chứ không đơn giản chỉ là những bức ảnh. Phần văn bản và phần hình ảnh trong những cuốn sách chịu ảnh hưởng từ “Humans of New York” luôn có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ trợ cho nhau. Có thể nói một cách hình ảnh, những bức ảnh - câu chuyện trong cuốn Bước vào thế giới của nhau là những truyện cực ngắn đa phương tiện. Người chụp ảnh cố gắng nắm bắt được những khoảnh khắc, những sắc thái nào đó của nhân vật khiến người ta phải “tò mò” đọc vào câu chuyện và ngược lại, câu chuyện cũng phải bỏ ngỏ một điều gì đó để người ta nhìn chăm chú hơn nữa vào bức ảnh chụp người kể câu chuyện ấy.
Sit-com: Là thể loại phim truyền hình ngắn, nhiều tập, đậm chất hài hước, thường là xoay quanh một dàn diễn viên cố định, với những câu chuyện chủ yếu gắn với sinh hoạt đời thường trong gia đình, công sở, trường học. Sitcom gần với kịch tiểu phẩm nhưng được thực hiện ở trường quay chứ không phải trên sân khấu, được quay từ nhiều góc khác nhau với tiết tấu luôn phải được duy trì ở mức độ nhanh, gọn. Sit-com ở Việt Nam bắt đầu với phim Lẵng hoa tình yêu được Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất vào năm 2004 và đang ở giai đoạn phát triển khá nhanh với các series chạy được qua nhiều mùa như 5S online hay Phụ nữ là số 1. Lối nghiên cứu tự sự học kết hợp với phân tích diễn ngôn có thể giúp nhận thấy ở những tự sự bông đùa này sự đóng khuôn những hình mẫu về giới tính, về sự khác biệt đô thị - nông thôn, sự phân hóa xã hội…
Với thực tiễn sống động của các dạng tự sự đa phương tiện trong văn hóa đại chúng Việt Nam hiện nay mà bài viết này mới chỉ đề cập rất sơ lược, có thể thấy nghiên cứu tự sự học đa phương tiện hoàn toàn thích ứng để tiếp cận bộ phận này. Cố nhiên, trong trường hợp này, tự sự học đa phương tiện phải có sự gắn kết với phê bình văn hóa (cultural studies) thì mới thật sự đi đến những phát hiện, khám phá có chiều sâu.
T.N.H
VNQD