“Đảo vai” như một phương thức tự sự trong đời sống văn hoá - nghệ thuật Hàn Quốc

Thứ Sáu, 28/06/2024 00:01

. ĐINH LÊ MINH THÔNG
 

Con người luôn muốn biểu đạt ra bên ngoài tính cách vốn là mình, thế nhưng, họ luôn bị chi phối bởi các diễn ngôn mang tính kiểm soát. Vì vậy, con người thường có cơ chế tự sắm cho mình các vai diễn để thích nghi với cuộc sống. Nghệ thuật đảo vai (tran-characters) được thực hiện dưới hình thức nguỵ trang (disguise) ra đời có lẽ vì mục đích trên, để mở rộng con đường đối thoại, giúp cá nhân giải quyết các vấn đề hoặc hiện thực hoá các mục tiêu thông qua việc xác lập “danh tính mới” phù hợp với từng tình huống nhất định, khi mà “danh tính thực tại” không đủ sức xoay chuyển.

Cảnh trong phim Vinh quang trong thù hận của Hàn Quốc

“Đảo vai” hay cách gọi “nguỵ trang” thường dùng, được hiểu là việc một người muốn thay đổi diện mạo, gây nhiễu suy đoán của người khác về mình, nhằm che giấu danh tính thực để thực hiện các mục đích cá nhân. Tuy nhiên, bỏ qua mặt trái của việc cải trang thành người khác để thực hiện hành vi trái với đạo đức, thì sử dụng thuật cải trang để “đảo vai” trên sân khấu cuộc đời tạo ra tính linh hoạt trong cư xử, vượt qua những trở ngại mà không vi phạm các chuẩn mực văn hoá.

Trong đời sống văn hoá - nghệ thuật thế giới, hình thức này đã có một quá khứ hình thành và phát triển đa dạng, trở thành lí thuyết nghiên cứu xã hội, văn học… gắn với con người. Bằng nhiều cách nguỵ trang khác nhau từ đơn giản đến phức tạp, nó đã tạo nên nhiều nhân dạng, tính cách phong phú. Nói theo Lloyd Davis là biến người ta thành những con lai có tính phức tạp, từ đó, họ trở thành những người chất vấn sự tồn tại của mình và vị thế của điều (tư tưởng) họ nói ra trong cấu trúc xã hội, qua sự thay đổi bề ngoài, để cuối cùng hướng đến “trình bày và giải quyết” các vấn đề liên quan đến con người, bản sắc văn hoá.

Có nhiều nhân vật “đảo vai” đi vào huyền thoại và thành công với sự vào vai thuần thục của mình. Một trong những nguyên mẫu cải trang sớm nhất ở phương Tây có lẽ là người hùng Odysseus trên hành trình trở về trong sử thi Odyssey của Homer. Phải đến thời kì Phục hưng ở châu Âu, hình thức “nguỵ trang” mới trở thành các quy ước gắn với xã hội và văn hoá, nhằm củng cố các hệ giá trị mang tính quyền lực. Ví như lễ hội carnaval hay còn gọi là lễ hội hoá trang ra đời vào thời kì này là một cuộc trải nghiệm cảm giác, để con người được phép trở thành tính cách khác mình, hoà vào đám đông. Thời điểm này cũng bắt đầu xuất hiện hình thức “nguỵ trang giới tính” (gender disguise) với thể thức “đảo trang” (coss-dressing) ở phụ nữ và cộng đồng đồng tính, với mong muốn khởi động các vấn đề bình đẳng giới. Người nữ sẽ có khuynh hướng cải trang thành nam để tránh các cuộc công kích từ nam giới, và thể hiện các quyền tự do cá nhân. “Thói đảo trang” (transvestism) trở thành một xu hướng trong đời sống đồng tính, đặc biệt là đồng tính nam qua biến đổi phục trang thành nữ với mục đích trình hiện bản năng giới tính mà họ muốn trở thành. Về sau, loại hình giải trí đương đại draf queen là sự tiếp nối của hình thức kể trên.

Về với phương Đông huyền bí, trong thần thoại, thuyết thoại, đến các thể loại văn xuôi dạng liêu trai, người đọc khó quên những lần hoá thân đến từ các vị thần khi thay đổi thần tướng để bước vào thế giới cõi người, cài cắm thông điệp nhân sinh như sự hiện thân thứ bảy của thần Vishnu qua hình tướng chàng thái tử Rama trong sử thi Ramayana. Hay thần Krisna là hoá thân của Vishnu dưới hình tướng người anh hùng được kể lại trong sử thi Mahabharata. Ở trong “chuyện tình ma nữ”, các nhân vật ma nữ luôn có nguồn gốc là loài vật, cây cỏ, hay yêu quái rồi dùng tà thuật đội lốt người để quyến rũ các nho sinh, từ đó trở thành motif xây dựng nhân vật quen thuộc của thể loại này. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là bước đầu của dấu ấn “đảo vai”, vì sự chuyển đổi danh tính ở nhân vật phần lớn dựa vào uy lực thần linh để thực hiện. Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Trung Quốc hình thành một loại hình sân khấu nổi tiếng mang tên kinh kịch. Ở Việt Nam có tuồng (hát bội) sử dụng các kiểu hoá trang bằng trang điểm, phục sức hoặc sử dụng các mặt nạ làm sẵn để vào vai các nhân vật trong vở diễn. Giống với kịch châu Âu, từ đây, việc “đảo vai” bắt đầu đi tìm và thể hiện rõ được “bản chất con người”.

Riêng thể loại tiểu thuyết trinh thám, thông qua các nhân vật là thám tử, kĩ năng nguỵ trang đã trở thành một công việc phải thực hiện để bước vào cuộc điều tra. Họ không chỉ diện trang phục mang đặc trưng riêng, mà còn phải giả dạng thành người khác để thâm nhập vào hiện trường thám thính. Sức đánh lừa như Dupin của Edgar Allan Poe hay Sherlock Holmes của Conan Doyle là đáng phục. Vũ trụ Điện ảnh Marvel (Marvel Cinematic Universe) thu hút một lượng lớn công chúng yêu thích các nhân vật siêu anh hùng có những màn biến hoá dũng mãnh để bảo vệ thế giới như Spider-Man, chiến thần Thor, Iron Man…

Đến với xứ sở Hàn Quốc (Korea), xuôi dòng lịch sử, từ trong văn hoá cảm xúc, đến các hình thức diễn xướng dân gian truyền thống, qua văn học, và hiện nay với loại hình nghệ thuật phát triển như điện ảnh…, chúng ta đều bắt gặp các hình thái khác nhau của nghệ thuật “đảo vai” được công chúng Korea sử dụng như một cách trò chuyện với cộng đồng mình. Tuy nghệ thuật “đảo vai” không phải là phương thức mới trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, nhưng rõ ràng, bằng quyền năng với lối kể chuyện từ sự hoá vai này đã khiến mỗi người dân xứ sở kim chi thể hiện được cách sống hoà điệu với môi trường xung quanh, tạo ra những cư xử thông minh và biết cách làm chủ đời sống thực tại của mình.

Một trong những điểm nhấn lớn về mặt văn hoá, người ta thường hay nhắc đến Korea với “mặt nạ cảm xúc”, qua ba chuỗi cảm xúc: jeong (tình), han (hận) và shimbaram (hoan ca). Với riêng cơ chế nuốt han, nôm na với nghĩa, người Korea không để lộ sự tức giận, oán trách ra bên ngoài khi jeong bị phản bội, họ luôn chịu đựng để tìm phương cách tự cảm hoá nhằm đạt đến shimbaram, đó là một biểu hiện “đảo vai” cảm xúc trở thành “cảm xúc mĩ học” nằm trong hệ thống hanguk gojeon mihak (mĩ học cổ điển Korea). Đó là cách con người ta tự điều hoà để có thể tiếp tục sống khi tâm trạng rơi vào hỗn độn. Khả năng thay đổi cảm xúc ấy từng được bậc kì nữ Hwang Jin Yi thể hiện trong các tự khúc Sijo (thời điệu) khi nàng mang nỗi buồn cô quạnh rồi tự tìm kiếm niềm vui trước vực thẳm tình yêu: Đông chí! Tôi lờ bỏ/ màn đêm dằng dặc quanh eo/ đến chiếc giường mềm bông của tôi/ cuộn tròn bóng đêm bên dưới/ những dệt thêu của mùa xuân, đợi chờ/ một đêm trải ra lần nữa cho người (Đông chí).

Loại hình diễn xướng pansori sử dụng “đảo vai” bằng cách thay đổi giọng nói điêu luyện để trình diễn. Đây là một loại hình diễn xướng dân gian truyền thống xuất hiện vào triều đại Joseon thế kỉ XVII, và phát triển nở rộ vào thế kỉ XIX. Pansori là hình thức kể chuyện bằng âm nhạc dưới sự tham gia của một người hát (ca nương/ kép hát) gọi là sorikkun và một người đánh trống gọi là gosu. Nó được ví là vở opera độc diễn của Korea. Điểm đặc biệt khi diễn thể loại này là một người diễn kiêm nhiều vai, cùng lúc phân thân thành nhiều nhân vật, nhiều giới với các độ tuổi khác nhau, lúc nam, lúc nữ, có thể vào vai già rồi quay lại vai trẻ… Bất kì vai nào họ đều giả giọng được, sự thể hiện ấy đạt đến độ tinh xảo. Về sau, nó trở thành một trong những thể loại chính của văn học quốc ngữ Korea thời kì Joseon, gọi là tiểu thuyết pansori.

Để kết nối hai thế giới, thiêng và phàm, người dân Korea đã sáng tạo ra chiếc mặt nạ, tạo ra một loại hình biểu diễn kịch múa mặt nạ talchum truyền thống. Họ xem chiếc mặt nạ là “vật chuyển” để người biểu diễn gửi gắm các tâm sự đời tư, xúc cảm thế sự. Điểm thú vị của nghệ thuật trình diễn này là chiếc mặt nạ được tạo ra dựa trên cấu trúc của khuôn mặt và những hình thái cảm xúc trong đời sống thường ngày của người Korea. Thông thường, những người đeo mặt nạ biểu diễn thuộc tầng lớp thấp, không có tiếng nói trong xã hội, phải che giấu khuôn mặt dưới lớp mặt nạ để dễ dàng bày tỏ quan điểm cá nhân đối với cuộc sống, thường là thể hiện thái độ đối với sự bất công, nỗi thất vọng đối với tầng lớp quý tộc.

Điểm qua những màn “đảo vai” tạo ấn tượng trong văn chương, ngoài các biểu hiện thường thấy gần giống với các truyện kể phương Đông thời kì đầu qua các truyện truyền kì, thì trường hợp Truyện Xuân Hương (Chunghyang Jeon), quốc bảo của văn học viết Korea, với màn cải trang của nhân vật Lý Mộng Long đã cho thấy rõ chức năng giải quyết vấn đề khi thực hiện thay đổi diện mạo. Trong phần Gặp lại, Lý Mộng Long khi được vua bổ nhiệm làm mật sứ, trên hành trình trở về đã giả dạng thành người ăn xin, mũ thủng lỗ chỗ, nhàu nát, áo quần cũ kĩ bẩn thỉu, nhờ vậy đã vạch trần được bộ mặt của tên tham quan Biện Học Đồ, trả lại bình yên cho dân chúng tỉnh Jeolla. Chủ động “đảo vai” từ nhân vật, phần nào tô điểm thêm cho tài trí của chàng Lý, làm sáng thêm vẻ đẹp của mẫu người anh hùng cứu nạn, giải thoát cho phụ nữ, bài trừ thế lực đen tối, hiện thực hoá ước mơ công lí của con người - thời đại. Qua một sáng tác khác thời hiện đại, “đảo vai” trở thành một thủ pháp nghệ thuật được vận dụng chuẩn xác, tạo ra nhiều giọng nói “đồng hiện” trong tác phẩm. Một trong số tác phẩm thuộc xu hướng văn học nữ quyền nổi tiếng ở Korea là Kim Ji Young, sinh năm 1982 của Cho Nam Joo sử dụng thủ pháp “đảo vai” rất thích hợp cho việc kiếm tìm giải pháp nữ quyền. Tác giả kết hợp khả năng che giấu và động cơ che giấu của nghệ thuật “đảo vai” để cấp quyền cho các vai nữ được lên tiếng công khai trước cộng đồng mình và giữa họ với nam giới. Với tính năng của việc hoá vai vào các nhân vật khác, người viết đã tạo nên một diễn đàn trao đổi khi đặt ra các vấn đề căn bản như gánh nặng văn hoá, vai trò của người đồng hành (chồng) trong đời sống hôn nhân, sức khoẻ sinh sản… - nguyên nhân tạo ra bất bình đẳng giới trong xã hội Hàn Quốc.

Trong điện ảnh đương đại, motif nhân vật cải trang để vào vai khác trở nên phổ biến đối với nhiều bộ phim truyền hình Hàn Quốc, cả theo lối cổ trang lẫn hiện đại. Có thể thấy rõ, gắn với ý thức hệ Nho giáo, phản ánh về một bức tranh xã hội nam quyền, các nhà làm phim đã sử dụng hình thức nguỵ trang cho các nhân vật nữ thành nam sinh để dễ dàng thực hiện các chức năng xã hội như việc phụ nữ được đi học, được thể hiện tài năng của mình qua các bộ phim Chuyện tình ở Sungkyunkwan (2010), Mây hoạ ánh trăng (2016), Luyến Mộ (2021)… Hoặc có những motif nhân vật biến mất như mất tích sau nhiều năm hoặc chết đi sống lại, vẫn hình hài cũ nhưng mang một danh tính mới nhằm trả thù hoặc tìm ra sự thật được kể lại đầy thú vị đến từ các thước phim thời hiện đại như Thiên tài lang băm (2015), chuỗi phim Cuộc chiến thượng lưu (2020), Vinh quang trong thù hận (2023)…

Như vậy, với chủ ý thể hiện bản tính thông qua cách biểu đạt dưới hình thức “đảo vai” của con người Korea từ xưa đến nay, chúng ta phần nào thấy được đời sống nội quan đa chiều của họ, đồng thời, với cách kể chuyện bằng việc sắm vai đa dạng trong nhiều kiểu thức khác nhau, cũng nhằm tỏ rõ sự khôn khéo, thấy được suy nghĩ và hành động lí trí của người dân nơi đây. Đó là cách mà dân tộc Korea đối mặt và vượt qua những trắc trở, biến cố ập đến với họ. Nhìn rộng ra, thủ pháp này đã phát triển đến mức trở thành những ứng xử văn hóa xã hội trong nhiều cộng đồng khác nhau, nhằm thích ứng với hoàn cảnh sống cụ thể của mỗi cá nhân, dân tộc, thời đại.

Đ.L.M.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)