Cách mạng tháng Tám – Công tác chuẩn bị, tổ chức và lãnh đạo

Thứ Năm, 01/08/2024 08:08

. PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ


Một vài luận điểm phản động lạc lõng rất phản lịch sử xuyên tạc Cách mạng tháng Tám 1945 chỉ là sự ăn may. Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là sự “ngẫu nhiên của lịch sử”. Căn cứ vào những văn bản văn thơ của Hồ Chí Minh(1) và một số sự kiện lịch sử dễ dàng vạch trần quan điểm ác ý trên.

Sau khi đề nghị và được Quốc tế Cộng sản chấp thuận, mùa đông năm 1938, Bác Hồ đến Trung Quốc tìm cách về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Tháng 6 năm 1940 Người bắt liên lạc với Đảng ta. Trong buổi gặp với các đồng chí Ban hải ngoại và các đồng chí lãnh đạo của Đảng từ trong nước sang, Người đưa ra một nhận định lịch sử: Chủ nghĩa phát xít nhất định bị tiêu diệt, đây là thời cơ thuận lợi cho các dân tộc đứng lên tự giải phóng(2). Khi Pháp đầu hàng Đức, Người đã chỉ đạo cho các đồng chí ở Ban hải ngoại (tại Côn Minh - Trung Quốc): "Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng"(3). Người quyết định thành lập Việt Nam đồng minh hội trên đất Trung Quốc vừa để hợp pháp hoá tổ chức vừa để tranh thủ sự ủng hộ của phe Đồng minh. Đây là bước chuẩn bị đầu tiên rất cơ bản cho Cách mạng Tháng Tám sau này của một nhãn quan chính trị thiên tài đã dự liệu những điều cần thiết cho cả một cuộc cách mạng.

Mùa xuân 1941 Bác Hồ về Cao Bằng mở Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (khóa 1) và thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh, gọi tắt là Việt Minh. Và chính Người đã chỉ đạo soạn thảo các văn kiện của Việt Minh như Tuyên ngôn, chương trình, điều lệ. Mặt trận Việt Minh, như chúng ta đều biết đã lôi cuốn, tập hợp sức mạnh quần chúng cả nước để đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Mặt trận Việt Minh đã góp phần quyết định sự thành công của Cách mạnh tháng Tám và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cực kỳ to lớn, được ví như người cầm lái của con tàu cách mạng vượt qua bão táp để cập bến độc lập tự do.

Các năm 1941, 1942 là những năm Người viết rất nhiều tác phẩm kêu gọi dân ta đoàn kết một lòng, tuyên truyền, cổ vũ mọi tầng lớp, giai cấp chờ thời cơ để đứng lên đánh giặc cứu tổ quốc. Sơ lược liệt kê các tác phẩm cho ta thấy phần nào sự chuẩn bị của Bác cho cuộc cách mạng vĩ đại từ rất sớm:

Khuyên đồng bào mua Báo Việt Nam Độc lập (ngày 1 tháng 8 năm 1941).

Mười chính sách của Việt Minh (1941).

Dân cày (Ngày 22 tháng 8 năm 1941).

Phụ nữ (Ngày 1 tháng 9 năm 1941).

Trẻ con (Ngày 21 tháng 9 năm 1941).

Công nhân (Ngày 11 tháng 10 năm 1941).

Ca binh lính (Ngày 1 tháng 11 năm 1941).

Chúc năm mới 1942 (Ngày 1 tháng 1 năm 1942).

Ca đội tự vệ (Ngày 1 tháng 2 năm 1942).

Ca sợi chỉ (Ngày 1 tháng 4 năm 1942).

Hòn đá (Ngày 21 tháng 4 năm 1942).

Con cáo và tổ ong (Ngày 1 tháng 7 năm 1942).

Nhóm lửa (Ngày 1 tháng 8 năm 1942).

Bài ca du kích (Năm 1942)...

Về văn xuôi, ngoài những tác phẩm viết về cách đánh du kích, có tác phẩm Kính cáo đồng bào, được Người viết ngày 6 tháng 6 năm 1941 thể hiện rất rõ tư tưởng về giải phóng dân tộc: "Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng". Toát lên từ các tác phẩm trên chính là những vấn đề cốt tử cho một cuộc cách mạng thành công. Trước hết là vấn đề mở mang dân trí, có lẽ không ngẫu nhiên bài thơ Khuyên đồng bào mua Báo Việt Nam Độc lập là một trong những tác phẩm được Bác viết sớm nhất (8 -1941), kể từ khi Người về nước. Mở đầu tác phẩm Người chỉ ra chính sách cai trị ngu dân cực kỳ hiểm độc của thực dân Pháp: Đế quốc Pháp thật là ác nghiệt/ Làm dân ta như điếc như mù/ Làm ta dở dại dở ngu/ Biết gì việc nước biết đâu việc đời. Thế cho nên, góp phần nâng cao dân trí, Bác khuyên mọi người mua Báo Việt Nam Độc lập, để Làm cho ta mở mắt mở tai/ Cho ta biết đó biết đây... Cho ta biết nước non ta là gì... Thứ hai là vấn đề tổ chức, Bác Hồ rất coi trọng vấn đề tổ chức, coi đó là một trong những nhân tố mang tính quyết định giúp cách mạng sớm thành công. Điều này thể hiện rõ trong bài Chơi giăng: Muốn biết tự do chầy hay chóng/ Thì xem tổ chức khắp hay không/ Nước nhà giành lại nhờ gan sắt/ Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng/ Tổ chức tuyên truyền càng rộng rãi/ Tức là cách mệnh chóng thành công. Vấn đề then chốt của tổ chức lại là sự lãnh đạo, chỉ đạo của đội quân tiên phong, đối với cách mạng nước ta lúc ấy là Mặt trận Việt Minh: Chúng ta có hội Việt Minh/ Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh (Mười chính sách của Việt Minh). Chỉ có Việt Minh mới đủ sức lãnh đạo toàn thể dân ta đứng lên giành độc lập tự do, Bác khuyến khích động viên mọi người: Đua nhau vào Hội Việt Minh/ Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên (Phụ nữ); Cùng nhau vào Hội Việt Minh/ Ra tay tranh đấu hy sinh mới là (Công nhân)... Thứ ba là vấn đề đoàn kết, sau này Bác Hồ đã tổng kết nguyên nhân của mọi thành công là sự đoàn kết nhất trí: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công. Chúng tôi tìm thấy hầu như ở tác phẩm nào được Bác viết trong những năm này Người cũng đều nói về tinh thần đoàn kết, hai chữ kết đoàn, đoàn kết luôn được Bác nhắc đi nhắc lại để nhấn mạnh nguyên nhân chính để dẫn tới thành công: Chúng ta phải biết kết đoàn, Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh... Thứ tư là phải có lực lượng để đánh giặc, Người có hai bài thơ: Ca đội tự vệ, Bài ca du kích và một tác phẩm văn xuôi Đánh du kích như đánh cờ phổ biến cách đánh du kích (Theo Tuyển tập văn thơ Hồ Chí Minh thì "Người còn sáng tác một tập truyện ký, gồm mười hai chương và một phần kết luận" - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2008 - tr.107). Ở các tác phẩm này đã thể hiện rõ phương châm một cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện: Già nào/ Trẻ nào/ Lính nào/ Đàn ông nào/ Đàn bà nào/ Kẻ có súng dùng súng/ Kẻ có dao dùng dao/ Kẻ có cuốc dùng cuốc... Rõ ràng Cách mạng tháng Tám không hề là ngẫu nhiên mà có sự chuẩn bị cực kỳ chu đáo của Đảng ta đứng đầu là Bác Hồ kính yêu ngay từ đầu những năm 40 thế kỷ XX, khi mà cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai mới bắt đầu.

Với một tầm nhìn chiến lược, khi cuộc thế chiến lần thứ hai chuyển biến có lợi cho phe Đồng minh, Bác Hồ đã xác định nhiệm vụ cho cách mạng nước ta: "Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh"(4). Thực tế lịch sử đã chứng minh đấy là một tiên đoán thiên tài. Người ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, "là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam"(5). Ngày 9-3 -1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, cuối tháng 5-1945 Bác Hồ về Tân Trào chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, mùa thu năm 1945 khi thế thắng đã nghiêng hẳn về phe Đồng minh, Người ra chỉ thị thành lập Khu giải phóng và cử ra Uỷ ban cách mạng(6). Tháng 8 -1945 phát xít Đức đầu hàng Đồng minh, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng họp Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội đại biểu quốc dân ở Tân Trào. Người đã ra chỉ thị lịch sử: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập"(7). Cả nước một lòng theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đứng dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 2-9-1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước ta.

Như vậy sự thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là kết quả của tầm nhìn chiến lược, của tư duy chủ động, sáng tạo, kịp thời luôn luôn bám sát thực tiễn tình hình thế giới và cách mạng trong nước của Đảng ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

N.T.T

------------------------

 

(1). Tuyển tập văn thơ Hồ chí Minh - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 2008.

(2). Xin xem: Tìm hiểu vai trò của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 2005, tr.152.

(3). Đầu nguồn - Nhà xuất bản Văn học - 1975, tr.234 .

(4). Hồ Chí Minh, toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tập 3, tr.505, 506.

(5). Hồ Chí Minh, toàn tập - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, tập 3, tr.508.

(6). Xin xem: Tìm hiểu vai trò của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 2005, tr.159.

(7). Võ Nguyên Giáp - Từ nhân dân mà ra - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1969, tr.212.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)