Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn còn nguyên giá trị

Chủ Nhật, 28/07/2024 15:32

. NGUYỄN VĂN SƠN - PHAN VĂN CẤP
Cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt đầu năm 2023. Cuốn sách thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Cuốn sách gồm 3 phần, với hơn 600 trang và có 111 bức ảnh.

Phần thứ nhất cuốn sách gồm bài viết tổng quan Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!; 4 bài phát biểu kết luận tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các năm 2014, 2018, 2020, 2022 và nội dung phát biểu kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại 36 phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo từ năm 2013 đến năm 2022. Trong đó, bài viết tổng quan đã đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho đến nay; các bài phát biểu, kết luận chỉ đạo tại các hội nghị đã tổng kết thực tiễn phong phú và rút ra những vấn đề có tính lí luận về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; khẳng định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, “không thể chỉ làm một lần là xong; ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”; đòi hỏi “phải có quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao, biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại”. Từ đó, đề ra nhiệm vụ, giải pháp hướng tới mục tiêu “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.”(1)

Phần thứ hai cuốn sách gồm 22 bài viết, bài phát biểu được tuyển chọn từ hơn 500 bài viết, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; với thông điệp chính là: “Vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm, mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên để trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực.” Trong đó, có 14 bài viết, bài phát biểu về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng từ những năm đầu Đổi mới (1986) đến nay; 8 bài về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Các bài viết trong phần này đặc biệt nhấn mạnh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên - căn nguyên, cái gốc, cái cơ bản cần phải phòng ngừa… cho thấy sự trăn trở, quan tâm đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân với vai trò lãnh đạo của Đảng, với công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Phần thứ ba cuốn sách tuyển chọn 96 trên tổng số hàng vạn ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và của chính khách, học giả nước ngoài đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư; khẳng định: “Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách mà đã trở thành mối quan tâm chung của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế.”(2) Từ những trăn trở của cán bộ hưu trí với vận mệnh của đất nước, cho đến các nhà giáo, nhà báo, nhà văn, những người dân trên mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đều thể hiện tình cảm yêu quý, sự kính trọng và niềm tin dành cho đồng chí Tổng Bí thư đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tin tưởng vào sự chuyển biến tích cực mà công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mang lại.

Thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chấp hành nghiêm ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2020 - 2025: “Đảng bộ Quân đội phải thật sự trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, gương mẫu đi đầu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quân đội phải thực sự trong sạch nội bộ, đi đầu trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”; triển khai Chương trình hành động của Quân ủy Trung ương thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, xây dựng Đề án “Quân đội với nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí” để triển khai sâu rộng công tác đấu tranh chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lí nghiêm minh, dứt điểm các sai phạm tồn đọng từ những năm trước theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương không có “vùng cấm”, không có trường hợp ngoại lệ... Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội thiếu gương mẫu, vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và những điều đảng viên không được làm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”. Vì vậy, cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư vẫn có tính chỉ đạo sâu sắc để tiếp tục thúc đẩy quyết tâm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực để toàn quân tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tư tưởng chỉ đạo trong cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư. Để làm được một cách nghiêm túc và triệt để các cấp uỷ, tổ chức đảng cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư. Trong đó, phải đưa nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào nghị quyết lãnh đạo thường kì hoặc chuyên đề của cấp uỷ, tổ chức đảng và nội dung sinh hoạt thường xuyên của tất cả các tổ chức; triển khai đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng sát với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị; khi bình xét, phân loại, đánh giá chất lượng các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải gắn với kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ này. Xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung quán triệt, triển khai tư tưởng chỉ đạo trong cuốn sách đúng trọng tâm, sát với sự lãnh đạo, chỉ đạo của trên. Từ Quân ủy Trung ương đến các chi bộ phải có trọng trách lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội.

Hai là, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên cần thường xuyên và tự giác thực hiện trách nhiệm nêu gương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kì mới, thực hiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương như: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư khóa XI; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII; Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Quy định số 646-QĐ/QUTW ngày 06/11/2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong quân đội”… Với phương châm chỉ đạo “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “đảng viên đi trước, quần chúng theo sau”, yêu cầu cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nêu gương về lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, trước hết. Xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; viết cam kết, tu dưỡng, phấn đấu không tham nhũng, tiêu cực và “Học tập, làm theo Bác, nêu gương của cán bộ đảng viên”...

Ba là, đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, biện pháp. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần coi trọng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, biện pháp tuyên truyền cho phù hợp với thực tiễn, có như vậy mọi người mới tiếp nhận được nội dung, tư tưởng của cuốn sách. Quán triệt, triển khai thực hiện các kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết của Thường vụ Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Thực hiện đầy đủ, có chất lượng chương trình giáo dục chính trị hằng năm cho các đối tượng. Đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền về giá trị cuốn sách, trang bị cơ sở lí luận và thực tiễn để đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch... Các cơ quan thông tấn, báo chí trong Quân đội tăng cường các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”(3) như Bác Hồ đã dạy.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo chức năng, nhiệm vụ và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra cấp dưới thực hiện công tác kiểm tra giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sát với thực tế, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ rõ rệt hơn ở các cơ quan, đơn vị. Quá trình thực hiện cần tiến hành đồng bộ giữa xử lí kỉ luật của Đảng với kỉ luật Quân đội; kỉ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để xử lí kỷ luật Quân đội, có như vậy thì công tác phòng, chống tham nhũng mới đạt hiệu quả và được “điều trị” tận gốc. Coi trọng việc sơ kết, tổng kết thực tiễn, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan, đơn vị và trong Quân đội. Qua đó, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm đấu tranh đã tích lũy được, vận dụng và phát triển sáng tạo vào điều kiện mới.

 

Cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư tưởng nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta về công tác xây dựng Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đưa ra nhiều giải pháp có giá trị quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nói chung, cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nói riêng nắm vững, quán triệt và tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả để góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Dù đã ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn quân toàn dân ta, những những tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại vẫn mãi là con đường soi sáng cho mọi tổ chức đảng, đảng viên trong việc rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu xây dựng quân đội, xây dựng đất nước vì các mục tiêu công bằng - dân chủ - văn minh, mỗi cán bộ đảng viên luôn là tấm gương sáng để quần chúng noi theo.

N.V.S – P.V.C

—————————-

1. Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.25.

2. Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, sđd, tr.523.

3. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.419.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)