. PGS.TS ĐẶNG QUỐC BẢO
Xin được chép lại bài thơ Chơi trăng của Bác Hồ:
Gặp tuần trăng sáng, dạo chơi giăng,
Sẵn nhắn vài câu hỏi chị Hằng:
"Non nước tơi bời sao vậy nhỉ?
Nhân dân cực khổ biết hay chăng?
Khi nào kéo được quân anh dũng,
Để dẹp cho tàn bọn nhố nhăng?
Nam Việt bao giờ thì giải phóng
Nói cho nghe thử, hỡi cô Hằng?".
*
Nguyệt rằng: "Tôi kính trả lời ông:
Tôi đã từng soi khắp núi sông,
Muốn biết tự do chầy hay chóng,
Thì xem tổ chức khắp hay không.
Nước nhà giành lại nhờ tài sắt,
Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng.
Tổ chức, tuyên truyền càng rộng rãi,
Tức là cách mệnh chóng thành công".
Báo Việt Nam độc lập, số 135, ngày 21-8-1942.
Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng là câu thơ trong bài Chơi trăng được Bác Hồ viết ngày 21 tháng 8 năm 1942. Câu thơ nằm trong cặp câu đối nhau: Nước nhà giành được nhờ gan sắt/ Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng. Đó là tư tưởng đoàn kết dân tộc, cũng là hạt nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công. Tư tưởng đoàn kết này được Bác gói gọn trong một chữ "đồng".
Trong "Mười chính sách của Việt Minh" Bác cũng kết lại bằng hai câu thơ nhấn mạnh chữ "đồng":
Khuyên ai xin nhớ chữ đồng
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh.
Chữ "đồng" là từ Hán Việt có nghĩa là cùng. Phải nói Bác Hồ là người Việt Nam hiểu sâu sắc ý nghĩa của chữ "đồng" này mà vào ngày khai sinh ra nước Việt Nam mới, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Bác dùng hai chữ "đồng bào": Tôi nói đồng bào nghe rõ không? Bào có nghĩa là bọc, đồng bào là trong cùng một bọc. Ngay cách dùng từ này đã thể hiện một tư tưởng lớn của thời đại: tinh thần thương yêu đùm bọc, tinh thần đoàn kết nhất trí của một dân tộc để chống kẻ thù cứu Tổ quốc. Đoàn kết tạo ra sức mạnh. Do vậy mà trong các bài thơ kêu gọi Bác đều kêu gọi "kết đoàn":
Chúng ta trước phải ra tay kết đoàn
(Mười chính sách của Việt Minh).
Chúng ta biết kết đoàn tổ chức
(Khuyên đồng bào mua Báo "Việt Nam độc lập")
Chị em cả trẻ đến già
Cùng nhau đoàn kết để mà đấu tranh
(Phụ Nữ)
Vậy nên trẻ em nước ta
Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh
(Kêu gọi thiếu nhi)
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau
(Mừng xuân 1942)
Hỡi ai con cháu Hồng - Bàng
Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau
(Ca sợi chỉ)
Nhật Tây áp bức giống nòi
Ta nên đoàn kết để đòi tự do
(Con cáo và tổ ong)
Có người phân biệt thơ Bác Hồ có hai loại: thơ tuyên truyền và thơ nghệ thuật. Sự phân loại này có lẽ căn cứ vào mục đích sáng tác, còn đi sâu vào bản chất của hình tượng nghệ thuật thì sự phân loại kia có sự "khập khiễng" bởi trong thơ tuyên truyền của Bác có những hình tượng thật sự nghệ thuật. Tôi muốn chứng minh bằng ba bài thơ Bác Hồ viết để kêu gọi đoàn kết: Ca sợi chỉ, Hòn đá, Con cáo và tổ ong.
Kết cấu ba bài thơ này giống nhau, đều có hai phần, phần đầu giới thiệu, mô tả, phần hai là bình luận rút ra ý nghĩa. Phần đầu bài Ca sợi chỉ là lời của nhân vật "tôi", tức lời của sợi chỉ kể về "tiểu sử: "Mẹ tôi là một đoá hoa" và quá trình "trưởng thành": "Xưa tôi yếu ớt vô cùng" rồi "Khi tôi đã thành chỉ rồi/ Cũng còn yếu lắm, ăn ngồi không an". Và "sợi chỉ" cũng ý thức được thân phận mình qua lời tự bình luận: "Mạnh gì sợi chỉ con con", “Thế gian ai sợ chi anh chỉ xoàng?". ở bài Hòn đá, phần đầu cũng chỉ là miêu tả "hòn đá to", "hòn đá nặng", "hòn đá bền" và những chuyện đương nhiên: "Chỉ một người/ Nhấc không đặng", "Nhiều người nhấc/ Nhấc lên đặng". Bài Con cáo và tổ ong kể chuyện con cáo trèo lên cây định ăn trộm mật ong, nào ngờ bị đàn ong "kéo nhau xúm lại vây tròn cáo ta/ Châm đầu, châm mắt cáo già...". Đó là thơ kể kiểu vần vè dễ nhớ, dễ thuộc, nói như một số nhà phê bình thơ là chưa có chất thơ.
Sức chinh phục, sức truyền cảm của hình tượng thơ nằm ở tính chỉnh thể. Nếu các bài thơ trên dừng lại ở phần đầu thì chưa có gì là ý nghĩa. Hình tượng thơ ở đây luôn vận động. Sợi chỉ không còn là sợi chỉ mà "Nhờ tôi có lắm đồng bang/ Họp nhau sợi dọc, sợi ngang rất nhiều/ Dệt nên tấm vải mĩ miều". Đâu chỉ là chuyện ong đốt cáo theo bản năng sinh tồn mà cao hơn thế nhiều: "Ong kia yêu giống yêu nòi/ Đồng tâm hiệp lực đuổi loài cáo đi". Hình tượng thơ tiếp tục vận động hướng về cuộc sống, hướng về vấn đề chính trị thời sự nhất, nóng bỏng nhất, cấp bách nhất. Cả ba bài thơ đều được Bác làm trong năm 1942 - một trong những năm "bản lề" chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám 1945. Từ một "sợi chỉ con con" nhờ "họp", "đồng bang" mà trở thành "tấm vải mĩ miều", "đố ai bứt xé cho ra". Từ chuyện nhấc hòn đá thành chuyện "biết đồng sức, biết đồng lòng. Việc gì khó làm cũng xong". Hình tượng thơ trở thành bài học về sự đoàn kết: "Bây giờ ta chỉ so bì. Ong còn đoàn kết, huống chi là người. Nhật Tây áp bức giống nòi. Ta nên đoàn kết để đòi tự do".
Thơ là sự sống. Chất thơ là chất liệu từ cuộc sống. Thơ phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật từ chính cuộc sống. Hiểu như thế tôi thấy các bài thơ có mục đích kêu gọi của Bác Hồ lại rất thơ.
Nhưng đoàn kết phải có phương pháp. Xin quay trở lại những năm 1920, trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bàn về vấn đề này sâu sắc, thâm thúy. Ngày 29-9-1922 trên báo L’Humanite’ có in truyện ngụ ngôn Đồng tâm nhất trí của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh toàn tập, 2011. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 1, tr 111). Đại thể, truyện thế này: anh Hai đi chợ bán vàng mã, anh Ba đi chợ bán trầu non, họ “cùng đi một chợ này, theo cùng một con đường này lại có cùng một mục đích - là bán hết hàng, cùng một chí hướng - là làm ăn lương thiện kiếm miếng cơm” - lời anh Ba. Thế là họ “kết nghĩa anh em cùng nhau giao ước thắt tình hữu ái, …khuyên bảo lẫn nhau, thấy đây làm gì thì đó làm theo, mà đó đã bảo gì thì đây cũng làm y, nói tóm lại, là giữa hai ta có sự đồng tâm nhất trí”- lời anh Hai. Đường tới chợ còn xa, họ hát cho đỡ mệt, anh Hai hát, anh Ba hát theo. Gặp dòng sông, anh Ba nhúng trầu non, anh Hai cũng làm theo, nhúng vàng mã xuống nước. Đến khi trời nắng, anh Hai phơi vàng mã, anh Ba cũng làm theo, phơi trầu non… Truyện có nhiều cách hiểu, nhưng có lẽ ai cũng tán thành cho rằng qua câu chuyện, Bác Hồ là một trong những người đầu tiên giới thiệu với thế giới thể thơ lục bát đặc sắc của người Việt. Xin chép lại nguyên văn lời thơ:
Kon – mèo trèo lên cây cau
Hỏi thăm Kon - chuột đi đâu vắng nhà
Thưa rằng đi chợ đường xa
Mua đồ vật liệu giỗ cha kon – mèo.
…
Trông lên hòn núi Thiên Thai
Thấy bầy chim quạ ăn xoài chín cây.
Bản phiên âm tiếng Pháp có in nguyên bản lời thơ bằng tiếng Việt và được dịch ra tiếng Pháp. Những ký tự in hoa là dụng ý của tác giả để giới thiệu cách gieo vần của thể thơ lục bát, chữ cuối ở câu lục ăn vần với chữ thứ sáu của câu bát, chữ cuối của câu bát lại ăn vần với chữ cuối của câu lục. Có lẽ tác giả muốn cải tiến âm C bằng âm K (trong chữ quốc ngữ) nên ký tự này luôn được in hoa, nhưng rất có thể là để tránh sự hiểu nhầm của độc giả Pháp vì chữ con trong tiếng Pháp có nghĩa tục, vì thế mà các chữ Kon - mèo, Kon - chuột luôn có gạch nối để phân biệt. Chung quanh ngụ ý của câu chuyện có hai cách hiểu, cách thứ nhất cho rằng tác giả muốn khẳng định một nguyên tắc quan trọng là nếu nguyện vọng của cá nhân và tập thể có mâu thuẫn thì phải biết hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi tập thể. Hình ảnh vàng mã và trầu non tượng trưng cho sự khác biệt và tương phản của quyền lợi riêng. Nhân vật anh Hai và anh Ba soi sáng tính cách anh hùng, bền bỉ, đoàn kết, hy sinh vì đại nghĩa của nhân dân ta. Cách hiểu này khó chấp nhận vì tính chất gán ghép trong lập luận khi cho rằng “vàng mã và trầu non tượng trưng cho sự khác biệt và tương phản của quyền lợi riêng” và hai nhân vật anh Hai, anh Ba cũng không có một nét tính cách nào để có thể “soi sáng tính cách anh hùng, bền bỉ, đoàn kết, hy sinh vì đại nghĩa của nhân dân ta”. Cách hiểu của GS Trần Đình Sử là hợp lý hơn cả (so với nhiều ý kiến khác): “Câu chuyện ngụ ngôn đã kể về một trường hợp đặt vấn đề đồng tâm nhất trí một cách máy móc, hy sinh vô ích quyền lợi chính đáng của mình cho một cái chung hư vô. Câu chuyện trên còn ngụ ý phê phán một lối xác định cái chung vu vơ, tôi làm gì thì anh làm nấy, kết quả là làm theo cái chung kiểu đó, cái riêng của anh này sẽ trực tiếp hủy hoại cái riêng của anh kia, và chẳng anh nào được lợi lộc gì cả”. Căn cứ ngay vào bản chất của hình tượng cũng dễ hiểu là nếu đem trầu non phơi nắng, vàng mã nhúng nước (những hành động ngược đời) thì còn ai mua nữa (không có mục đích). Truyện được viết theo phong cách trào phúng của một ngụ ngôn chính trị khi ta thấy lời miêu tả mang tính bình luận của người kể được nhại lại: “Một lời đã hứa… làm theo không chối cãi” càng củng cố thêm cho cách hiểu thứ hai là đúng.
Đồng tâm nhất trí đánh dấu một bước nhận thức sâu sắc về một phương pháp cách mạng cực kỳ quan trọng là đoàn kết, không phải là đoàn kết chung chung mà đoàn kết có tổ chức, phù hợp với tình hình mỗi nước. Chúng tôi xin dẫn chứng một đoạn trong Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp (1923), vừa làm rõ cách hiểu thứ hai ở trên vừa để thấy con đường hoạt động cách mạng của Người, ngay từ những ngày đầu, năm đầu đi tìm đường cứu nước là cực kỳ đúng đắn, khoa học, hết sức biện chứng:
“Các bạn thân mến,
Bao lâu nay chúng ta làm việc với nhau.
Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em.
Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ: sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta.
Trong cuộc chiến đấu của chúng ta, chúng ta không cô độc, vì chúng ta có tất cả dân tộc của chúng ta ủng hộ và vì những người Pháp dân chủ, những người Pháp chân chính, đứng bên cạnh chúng ta.
Công việc chung của chúng ta “Hội Liên hiệp thuộc địa” và tờ báo Người cùng khổ đã có những kết quả tốt. Nó đã làm cho nước Pháp, nước Pháp chân chính hiểu rõ những việc xảy ra trong các thuộc địa. Làm cho nước pháp hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được. Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng ta. Đồng thời nó cũng khiến cho đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp, nước Pháp tự do bình đẳng và bác ái. Nhưng chúng ta còn phải làm nhiều hơn.
Chúng ta phải làm gì?
Chúng ta không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc.
Điều đó tùy hoàn cảnh của mỗi dân tộc chúng ta.
Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập…” (Sđd, tập 1, tr 192).
Nội dung bức thư này càng khẳng định cho ý nghĩa của truyện Đồng tâm nhất trí là tuy mục đích thì chung nhưng với mỗi trường hợp thì phải có cách riêng chứ không làm theo nhau một cách mù quáng máy móc như anh Hai và anh Ba nọ. Đồng tâm nhất trí viết bằng tiếng Pháp hướng tới độc giả là các đồng chí, đồng bào biết tiếng Pháp, in trên báo Nhân đạo ngày 29-9-1922, vì là một tác phẩm văn học nên ý nghĩa của nó phải kín đáo, bóng gió như vậy. Như vậy, Bác Hồ đã chuẩn bị cho sự thành công của Cách mạng tháng Tám ngay từ khi trên đất Pháp!
Đ.Q.B
VNQD