Những câu chuyện không của riêng ai

Thứ Năm, 29/08/2024 07:08

 Với một nhà văn chuyên nghiệp thì giọng văn là yếu tố quan trọng, then chốt để bạn đọc ấn tượng, nhận ra và yêu thích. Giọng văn cũng cho thấy được tài năng của nhà văn. Bởi vậy, một nhà văn có giọng riêng thường được xem là một nhà văn có sự thành công trong nghề. Nhắc đến nhà văn Hồ Anh Thái bạn đọc hình dung ngay đến những tác phẩm nổi tiếng, tiêu biểu như: Người đàn bà trên đảo, Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Họ trở thành nhân vật của tôi, Tự sự 265 ngày, Cõi người rung chuông tận thế, Đức Phật, nàng Sivitri và tôi, Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu... Giọng văn Hồ Anh Thái trẻ trung và độc đáo, tươi mới và thâm trầm, dí dỏm và sâu xa.

Trượt chân trên tầng cao là tập truyện ngắn mới ra mắt bạn đọc của nhà văn Hồ Anh Thái do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành. Với 22 truyện ngắn trong cuốn sách này, bạn đọc ấn tượng rõ rệt với giọng điệu sắc sảo, hài hước, chặt chẽ của Hồ Anh Thái lâu nay. Nhà văn luôn duy trì được giọng điệu của mình trong những tác phẩm đầy mới mẻ, sinh động, màu sắc của đời sống xã hội cũng như đời sống tâm hồn con người. Và dù thời gian sáng tác các tác phẩm ở những thời điểm khác nhau, có thể là đã lâu, có thể là gần đây nhưng Hồ Anh Thái vẫn luôn nhất quán về giọng điệu, phong cách. Có lẽ đó là do Hồ Anh Thái viết các truyện ngắn này ở vào độ chín của tuổi đời tuổi nghề và gom lại thành một tập, khi đã có quá nhiều “kinh nghiệm” trong việc xuất bản sách, để mỗi tác phẩm của anh trở thành một chỉnh thể nghệ thuật công phu khi đến tay bạn đọc. Thế nên, dẫu chỉ là một tập sách nhỏ, nó vẫn gợi nhớ đến cái chí mà Hồ Anh Thái định hình được cho mình ngay từ khi xuất hiện trên văn đàn, đó là một hình mẫu về một nhà văn hiện đại: chuyên nghiệp, bền bỉ, quyết liệt trong phong cách; tinh tế, lớn lao và đầy tính triết luận sâu sắc trong nội dung; hài hước sáng tạo và sắc sảo trong ngôn ngữ thể hiện.

Câu chuyện về khu tập thể cũ đã mấy chục năm nay, hay câu chuyện ở những tòa chung cư còn đang nóng hổi trong từng ngày qua... đều được nhà văn viết với một thái độ "vừa phải". Cái vừa phải vừa thể hiện ở sự tỉnh táo, kín kẽ vừa thể hiện ở sự gợi mở, không kết luận, không phán xét, không định hướng để mỗi bạn đọc sẽ tự có những góc nhìn và cách tiếp cận của riêng mình. Mỗi câu chuyện được viết ra tưởng chừng đơn giản như nhà văn đang chiếu cho chúng ta một thước phim tư liệu. Những nhân vật không nhập vai mà họ là vai của chính mình trên cả sự điêu luyện, thuần thục trong hành động, chín muồi trong cảm xúc - đó là chân thật. Đến mức tưởng như đó là đời sống chứ không phải nghệ thuật. Nhưng lại nghệ thuật ở ngôn ngữ và phong cách kể chuyện. Mỗi câu, mỗi đoạn, mỗi chi tiết, mỗi lời thoại đều khiến chúng ta không thôi cật vấn lại chính mình. Thậm chí có lúc chuyện của thiên hạ, chuyện của người khác đó mà bản thân ta không khỏi giật mình: “Khi anh chạy ngược trở lại và nhảy lên vỉa hè, anh có dáng vẻ của người vừa lao xuống dòng nước lũ và quả cảm cứu người. Trời đã bắt đầu tối. Hai người đi ngược trở lại, đi chậm rãi, vì câu chuyện của họ mới bắt đầu. Chị phàn nàn, một tinh thần không chuyên nghiệp bao trùm cả xứ này. Nhân viên bán hàng siêu thị, nhân viên nhà hàng cũng gườm gườm nhìn khách theo kiểu, chẳng qua là đây không may mắn, đây chỉ làm tạm ở đây một thời gian rồi đây biến. Ai cũng nghĩ là công việc mà mình đang làm không xứng. Khắp nơi, từ nông dân đến người thợ đến kỹ sư lập trình đến doanh nhân đến quản lý. Ta xứng với chỗ cao hơn sạch hơn ngon hơn thơm hơn. Tỏ ra yên tâm với công việc tức là mình hèn mình đụt mình thấp kém. Một tinh thần không chuyên nghiệp đang bao trùm. Chị nhắc lại. Anh gật gù thầm nghĩ. Ô, nhan sắc lại đi kèm trí tuệ."

Các truyện ngắn trong Trượt chân trên tầng cao hầu hết viết theo lối giễu nhại, một điểm mạnh của tác giả, tập trung châm biếm hài hước các khía cạnh hiện thực của đời sống, trải từ thời bao cấp đến đương đại. Tất cả như những tấn trò đời lạnh và trơ, diễn mà không diễn nhưng khiến người đọc cười mà phải ngẫm, ngẫm sơ thì trầm ngâm, ngẫm đến nơi đến chốn thì giật mình cay mắt. Truyện ngắn của Hồ Anh Thái vốn vẫn nổi tiếng với độ nén cao, ngôn ngữ sắc bén, tình tiết thông minh và bất ngờ, dụ ngôn đa tầng nghĩa; đằng sau sự “đành hanh” đó luôn ẩn hiện một tấm lòng đau đời trầm lặng và sự minh triết trí tuệ. Nhà văn kể như không kể. Sự tự nhiên của câu chữ làm mờ đi lằn ranh giữa thực tại và nghệ thuật. Chúng ta như cũng thấp thỏm với tâm trạng của người chồng khi có cô vợ là "Trạng hít"; cũng ám ảnh mối tình một thời của nàng ca sĩ và anh họa sĩ nơi nhà vệ sinh chung trong khu tập thể đến nỗi giấc mơ đó còn tàng ẩn đến cả thế hệ sau; cũng phấp phỏng vừa lo sợ, vừa hồi hộp mong đợi những điều đáng sợ như người đàn ông đi công tác ở đảo quốc phía nam Thái Bình Dương; cũng thấy mình có mặt trong câu chuyện của gia đình nọ trong một bữa tối khi cả nhà bình luận về hiện tượng trượt chân trên tầng cao...

Nhân vật của Hồ Anh Thái là những công chức, thị dân, văn nghệ sĩ, những người thân thiết và cả những số phận chỉ một lần thoáng qua, một lần nhắc đến... nhưng tất cả đều có những nét khắc họa và phác họa vô cùng ấn tượng. Không cầu kì, không rườm rà, mọi sự xuất hiện đều "đủ liều" để bạn đọc cười đó mà cũng phải suy tư, trăn trở. Tuyến nhân vật thiên về tầng lớp trí thức nhưng nhà văn cũng truy nguồn, lí giải mỗi chân dung, để từ những khuôn diện riêng ấy bộc lộ ra những góc khuất của cuộc sống, của con người trong những bối cảnh và thời điểm khác nhau.

Suy cho cùng đó chính là cách để nhà văn đi tìm câu trả lời cho sự tồn tại người. Mỗi cá nhân đơn lẻ vẫn có thể làm nên sự bao trùm từ sự cá biệt nhưng rất con người của mình.

THÙY CHI

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)