Hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong tác phẩm múa đương đại

Chủ Nhật, 25/08/2024 07:57

. THANH HOA
 

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng kí ức hào hùng của một thời oanh liệt vẫn là nền tảng để các biên đạo múa khai thác và xây dựng hình tượng trong tác phẩm múa của mình. Tuy nhiên, cùng đề cập đến người lính, cùng phản ánh chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân, dân ta nhưng cách biểu hiện hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong tác phẩm múa hiện nay có nhiều điều khá khác biệt so với những tác phẩm múa ra đời trong thời kì chiến tranh.

Điều nhận thấy rõ rệt nhất là ngôn ngữ biểu hiện của tác phẩm. Nếu ngôn ngữ múa dân tộc, ngôn ngữ múa truyền thống là ngôn ngữ chủ đạo được các biên đạo tiền bối sử dụng trong các tác phẩm múa giai đoạn trước, thì ở giai đoạn hiện nay, do những tiến bộ về công nghệ, những thuận lợi về điều kiện con người và vật chất nên để khắc họa hình tượng người chiến sĩ cách mạng, các nhà biên đạo đã vận dụng tổng hợp giữa ngôn ngữ múa dân tộc kết hợp khéo léo với múa cổ điển châu Âu, múa hiện đại để xây dựng tác phẩm.

Trước hết, phải kể tới vở kịch múa Đất nước (biên đạo NSND Ứng Duy Thịnh) về đề tài người chiến sĩ cách mạng với nhiều sáng tạo, thể nghiệm khác nhau từ cấu trúc tới ngôn ngữ kịch.

Mở đầu tác phẩm là sự xuất hiện của các thiếu nữ tóc dài, áo tứ thân cách điệu để làm nổi bật hình tượng người phụ nữ Việt Nam. Người xem thấy được bối cảnh cuộc sống thanh bình của nông thôn Việt Nam, có cây đa, giếng nước với những hàng rào mùng tơi, rặng hoa dâm bụt và những cánh thoi đưa đều đều bên khung cửi nhỏ. Trong khung cảnh ấy, những chàng trai cô gái mười tám, đôi mươi đang ở ngưỡng cửa của tình yêu, họ yêu thương nhau đằm thắm và cũng rất đỗi thiết tha với quê hương. Chiến tranh nổ ra, họ đành tạm gác những giấc mơ trong cuộc sống, đầu quân đánh giặc, các chàng trai xông pha ngoài mặt trận chiến đấu, các cô gái nối tiếp nhau vào các đoàn dân công phục vụ tiền tuyến. Thông qua những hình ảnh của cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm đầy hi sinh gian khổ, tác giả đã cho thế hệ khán giả hôm nay cảm nhận được phần nào chiến công oanh liệt mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong niềm hân hoan hạnh phúc lẫn đau thương mất mát đến với mọi nhà, anh thương binh về làng, trở lại xây dựng cuộc sống với người vợ thân yêu, họ lại quấn quýt chung sức với nhau bên khung cửi nhỏ. Hạnh phúc chưa được bao lâu, cuộc chiến đấu chống quân xâm lược mới lại bắt đầu, chàng trai tuổi “bẻ gãy sừng trâu” là niềm vui của gia đình anh thương binh lại tiếp bước thay cha lên đường đánh Mĩ. Tác giả đã phản ánh được hình ảnh 30 năm chiến tranh đánh đuổi quân xâm lược với biết bao câu chuyện cảm động về các thế hệ “lớp cha trước, lớp con sau” cùng chung một chiến hào đánh giặc. Cuộc chiến đấu đầy cam go ác liệt; dưới những trận bom rải thảm của máy bay B52, pháo hạm từ biển dội vào để ngăn chặn những binh đoàn, đoàn xe vận tải của ta ngày đêm chi viện cho tiền tuyến lớn. Trong khói lửa bom đạn của kẻ thù, cuộc sống vẫn không ngừng sinh sôi nảy nở, chàng trai thay cha nối tiếp truyền thống đấu tranh anh dũng đã gặp cô thanh niên xung phong đang ngày đêm chiến đấu ngoan cường với kẻ địch đảm bảo giao thông luôn thông suốt tiếp sức cho chiến trường đánh thắng giặc Mĩ. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Bắc Nam sum họp, non sông thu về một mối... Trong ngày vui toàn thắng của đất nước, người con đã không trở về. Nhưng, cô thanh niên xung phong của đại ngàn Trường Sơn trở về; chàng trai đã hi sinh vẫn để lại một mầm non mới...

Vở kịch múa Đất nước cho ta cảm nhận được khí thế hào hùng của cả dân tộc trong suốt chiều dài 30 năm chiến tranh. Tác giả đã khéo léo kết hợp nhiều thủ pháp mới lạ trong ngôn ngữ vũ đạo, sử dụng các chất liệu múa dân gian, dân tộc, các kĩ thuật, kĩ xảo múa ballet, hiện đại, đương đại... một cách nhuần nhuyễn. Người xem cảm thụ được cái đẹp của vũ đạo và cách sử dụng một đạo cụ bình dị như chiếc khung cửi cũng rất uyển chuyển sinh động, tái hiện nhiều lần, khắc họa được nội dung, hình ảnh nông thôn Việt Nam khá hiệu quả. Phần âm nhạc trong vở kịch múa này đậm đà âm hưởng dân tộc và cũng rất hiện đại. Phảng phất trong cảnh chiến đấu thời kì chống Pháp là giai điệu Hò kéo pháo của Điện Biên năm xưa. Tác giả đã khéo léo đưa tiếng đàn bầu gắn kết cho một trường đoạn của vở kịch múa tạo nên sự tương phản. Trong bối cảnh bom đạn giặc tàn phá ác liệt, giai điệu nhẹ nhàng của một bài hát trẻ thơ về thế giới tương lai hồn nhiên, trong trẻo gợi lên cuộc sống hậu phương bình yên, hiền hòa bên những khung cửi nhỏ. Phần kết của tác phẩm, âm hưởng của giai điệu Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng đã giúp vở kịch múa vang động vào lòng người một cách hào hùng, và sau đó là sự lắng đọng, ngọt ngào.

Một số tác phẩm gần đây cũng có sự kết hợp giữa dân tộc và hiện đại một cách có chọn lọc, tạo được cảm tình đối với đông đảo công chúng và giành một số giải thưởng cao trong các kì liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp.

Một trong những tìm tòi của biên đạo trẻ là tác phẩm Tiểu đội xe không kính của NSND Thu Hà. Với bố cục hợp lí, tác giả đã sắp xếp một cách chặt chẽ các đường, tuyến, dùng ngôn ngữ múa hiện đại, kĩ thuật khó, phối hợp với âm nhạc cùng những khoảng lặng và đọc thơ để diễn tả theo một thể thống nhất với nhiều hình tượng đẹp, tạo cho người xem xúc cảm mạnh và dễ cảm nhận được thông điệp, nội dung tác phẩm.

Tác phẩm Tiểu đội xe không kính của NSND Thu Hà (lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Phạm Tiến Duật) đã làm sống lại một thời hào hùng, gian khổ, nhưng người xem không cảm thấy bi thương, mất mát mà chỉ cảm thấy chất hùng tráng, lạc quan, chí khí anh hùng của thời Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai (Tố Hữu). Hình tượng người chiến sĩ Trường Sơn hiện ra thật gần gũi, thân quen và đầy tinh thần lạc quan, yêu đời.

Vẫn với hình ảnh người chiến sĩ cách mạng nhưng Những bước chân không mỏi (Thái Phương Ngọc) lại lấy ý tưởng từ một tứ thơ nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng (Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm) để làm nội dung xuyên suốt tác phẩm về hình ảnh người chiến sĩ Vệ quốc quân thời kháng chiến chống Pháp. Biên đạo trẻ Thái Phương Ngọc đã làm sống dậy khí phách “oai hùm” của “đoàn binh không mọc tóc” và tái hiện hình ảnh của người chiến sĩ trong thơ bằng ngôn ngữ múa hiện đại. Đạo cụ phụ trợ là tấm vải dù lớn mang màu xanh của núi rừng trùm lên đầu đoàn quân cho ta cảm nhận chân thực về “đoàn binh không mọc tóc” nhưng vẫn hùng dũng, lẫm liệt và tràn đầy nhuệ khí. Chính điều đó đã khiến tác phẩm đi vào lòng người bởi dù phản ánh người lính xưa nhưng vẫn thấy ẩn chứa chất chân thực, gần gụi với người lính thời nay.

Ở kịch múa Dư âm của biên đạo NSND Hồng Phong, hình ảnh người chiến sĩ cách mạng được đưa vào tác phẩm với một phương cách mới lạ nhưng vẫn gần gũi với cuộc sống của người lính thời bình. Không tạo dựng không khí căng thẳng trong khí thế chiến đấu với kẻ thù, tác phẩm vẫn làm toát lên phẩm chất mạnh mẽ, kiên cường của người lính thời bình trong nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh (tháo gỡ bom mìn). Đứng ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, người lính thời nay vẫn tiên phong vững bước, sẵn sàng giành lấy sự hiểm nguy về bản thân để đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Tinh thần đồng đội của người lính công binh trong tác phẩm cũng được biên đạo khắc họa khá đậm nét qua tạo hình ba người chuyển động trên đường ngang, chéo, biểu hiện sức mạnh tình đoàn kết vào trận cùng chung chiến tuyến, chung một niềm tin, luôn luôn gắn kết và sẵn sàng hi sinh vì nhau. Tác phẩm đã được tác giả sử dụng ngôn ngữ, động tác múa hiện đại, kết hợp với một số động tác múa cổ điển châu Âu để xây dựng nên tổ hợp động tác phong phú, nhiều tạo hình đẹp, gây ấn tượng và truyền tải cho người xem hiểu được mục đích của tác phẩm. Chuyển động nhuần nhuyễn, những bước chân đi thật chậm cùng với đạo cụ là que dò mìn, thể hiện sự gay go, căng thẳng khi cái chết luôn cận kề nhưng tinh thần người lính không hề nao núng. Mỗi một bước chân đi sai, đi lệch là sự nguy hiểm, thương tích, hi sinh xảy ra ngay đối với họ trong công việc tháo gỡ bom mìn để xây dựng trường học, vì bình yên cuộc sống cho thế hệ con em hôm nay. Cao trào trong tác phẩm mà biên đạo muốn khai thác là tâm trạng của ba nhân vật trước sự sống chết của đồng đội; với ba tâm trạng khác nhau nhưng họ vẫn chung một ý chí quyết hi sinh vì đồng đội. Có thể nói, hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong Dư âm của Hồng Phong vừa đậm chất “lính” vừa đượm chất “đời”.

Biển đảo là một trong những vấn đề nóng bỏng cần quan tâm. Tác phẩm Đạp bằng sóng gió của NSƯT Công Hải và NSƯT Bích Lan đã thể hiện hình ảnh những chiến sĩ đang đứng giữa biển khơi, hiên ngang đạp bằng mọi sóng gió với sức mạnh ý chí và tinh thần đoàn kết của mình. Bằng những động tác múa lao động, sinh hoạt khỏe khoắn, đơn giản kết hơp với ngôn ngữ múa cổ điển châu Âu, vở múa mang đến cho người xem hình ảnh người chiến sĩ căng đầy sức trẻ, cùng chung sức vận chuyển những phiến đá ra khơi để xây dựng kè chắn sóng, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Yếu tố gây ấn tượng bất ngờ trong tác phẩm là biên đạo đã dùng đạo cụ để thể hiện ý tưởng, gây được nhiều cảm xúc mạnh mẽ cho người xem. Họ đã dùng động tác xoay chuyển để tạo hình những phiến đá thành cột mốc chủ quyền sừng sững uy nghiêm, biểu tượng sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc cùng với tâm hồn và tình yêu của mỗi con người Việt Nam dành cho biển trời Tổ quốc.

Cùng phản ánh hình tượng người lính biển đảo, nhưng mỗi tác phẩm lại khai thác, triển khai ở những góc nhìn khác nhau. Tác phẩm Rẽ sóng (biên đạo Phi Trường) đã lấy nền tảng là chiếc dây neo của con thuyền để biểu hiện nội lực mạnh mẽ qua những động tác khỏe khoắn và tuyến chuyển động logic bộc lộ sự thông minh, quả cảm của các chiến sĩ hải quân. Còn biên đạo NSƯT Nguyễn Văn Dũng lại thể hiện khí chất của người lính đảo qua tác phẩm Vượt sóng với hình ảnh chiếc tàu thủy làm nền tảng cho những hành động vượt gian khó, cùng đồng lòng chung sức để không những vượt sóng dữ của biển khơi mà cao hơn là vượt sóng “xâm lăng, xâm chiếm” của kẻ thù đang ngày đêm rình rập, nhằm giữ vững biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Còn ở tác phẩm Thao trường của biên đạo NSƯT Hải Tiến, tác phẩm thể hiện tính chất đặc thù của lực lượng biên phòng và bản lĩnh của những chiến sĩ biên phòng anh dũng, quả cảm, kiên định với nhiệm vụ được giao. Ở một góc độ khác, Điểm tựa biên cương cũng được biên đạo Hải Tiến phác họa về hình ảnh người chiến sĩ biên cương thời nay sát cánh cùng nhân dân để vượt qua bão lũ, vượt qua những gian khó của cuộc sống, hướng tới một tương lai tươi sáng, phồn vinh.

Một số tác phẩm múa về hình tượng người chiến sĩ cách mạng xuất hiện trong cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc gần đây như Biệt động thành (biên đạo NSND Kiều Lê), Dũng sĩ rừng Sác (biên đạo NSND Trần Ly Ly), Diễn tập (biên đạo NSƯT Thùy Chi)… đều được các tác giả lấy bối cảnh là sự kiện lịch sử chiến đấu của quân và dân ta, nhưng chất liệu, ngôn ngữ biểu hiện tác phẩm chủ yếu là ngôn ngữ múa hiện đại. Bố cục tác phẩm sáng tạo, cộng thêm sự trợ giúp đắc lực của ánh sáng, âm thanh, đạo cụ và mĩ thuật hiện đại đã tạo được hiệu ứng nghệ thuật khá tốt, khiến hình tượng người chiến sĩ cách mạng xưa trong cái nhìn hôm nay vẫn không kém phần quả cảm, hùng dũng…

Ngôn ngữ biểu hiện trong các tác phẩm múa về đề tài chiến tranh cách mạng trên sân khấu múa hiện nay khá đa dạng. Các tác giả vận dụng khéo léo, hòa quyện giữa ngôn ngữ múa dân tộc, múa cổ điển châu Âu và múa hiện đại để xây dựng tác phẩm. Có thể nói, các biên đạo đều cố gắng sáng tạo, tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật múa của dân tộc cũng như thế giới để phù hợp với thẩm mĩ đương đại.

Hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong tác phẩm múa hiện nay được các biên đạo khai thác với những phẩm chất phong phú. Ở đây không còn là sự mô phỏng cuộc chiến sinh tử, mà đọng lại là hình tượng người chiến sĩ với ý chí kiên cường, lòng quả cảm, tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, yêu sự sống và khát vọng nhân văn cao cả. Đó mãi mãi là những phẩm chất tốt đẹp làm sáng lên hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ trong thời đại Hồ Chí Minh.

T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)