Vai trò của văn hóa văn nghệ và những cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội trong 80 năm qua

Chủ Nhật, 29/09/2024 11:12

. GS.TS. ĐINH XUÂN DŨNG
 

1.

Từ khi mới thành lập, với bản “Chính cương vắn tắt” của Hội nghị hợp nhất (2/1930) và bản “Luận cương chính trị” (10/1930), vấn đề tổ chức quân đội công nông đã được Đảng ta nêu ra. Những quan điểm quân sự đầu tiên nhưng rất cơ bản đã hình thành, trong đó có một quan điểm cốt lõi “Nhiệm vụ chính trị quyết định nhiệm vụ quân sự”. Ngay trong những năm 1930 - 1931, một số tổ chức vũ trang cách mạng (Tự vệ đỏ, Du kích Nam Kỳ, Bắc Sơn…) đã ra đời và hoạt động. Tháng 3-1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng đã có riêng một nghị quyết về đội tự vệ, trong đó, về mặt chính trị, lần đầu tiên, những nguyên tắc xây dựng lực lượng tự vệ chính trị đã được đề ra. Đó là “giữ đúng bản chất cách mạng, bản chất giai cấp… giáo dục nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị của Đội tự vệ”. Tuy còn ở thời kỳ sơ khai, nhưng phương hướng rất đúng đắn, cốt lõi. Lúc đó, về văn hóa, văn nghệ, các phương thức “trực quan” đã được sử dụng để giáo dục, tuyên truyền như dùng báo chí, thơ ca yêu nước, kể chuyện căm thù… Trong hai năm, kể từ ngày thành lập Quân đội (12/1944) đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến (12/1946), những mặt hoạt động của công tác tư tưởng - văn hóa đã được triển khai, trong đó báo chí là một trong những phương tiện được sử dụng triệt để. Các tờ báo của quân đội lần lượt ra đời và thay thế nhau “Tiếng súng reo”, “Quân giải phóng” (8/1945) và sau đó là báo “Sao Vàng”. Tổ chức việc phát hành sách, báo, tổ chức thư viện trong quân đội được quyết định trong Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng (19/10/1946). Những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (1947 - 1950), vào thời điểm bề bộn, ngổn ngang trăm công ngàn việc, khó khăn chồng chất đó, còn nhiều bỡ ngỡ, tìm tòi, nhưng với quyết tâm xây dựng một quân đội kiểu mới, Đảng tiếp tục khẳng định “chính trị là linh hồn của quân đội cách mạng” (Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ quốc phòng về thi hành Nghị quyết của Hội nghị toàn quốc các chính ủy viên khu và các chính trị viên trung đoàn, 20/2/1947 - Hồ sơ lưu của Tổng cục Chính trị, số 16.325). Để làm tốt nhiệm vụ đó, hoạt động nổi bật, rầm rộ trong ba năm này là khai hội, diễn thuyết, ca kịch, bích báo, câu lạc bộ, học chữ quốc ngữ, viết thư, đọc sách báo… Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng được phát động trong toàn quân, đặc biệt từ đại đội, đã trực tiếp góp phần nâng cao trình độ còn rất thấp thời kỳ này lên một bước về chất lượng, đúng như “nhận định về sự phát triển của công tác chính trị trong quân đội giai đoạn 1948 - 1950” (Hồ sơ 199-42-50 TCCT) là “từ một người dân mù chữ, lầm lì đã trở thành người nhanh nhẹn, biết ca kịch, biết viết ca dao, bích báo, tham gia công tác chính trị” (Ấn tượng “vệ lỳ” đã được xóa bỏ trong một bộ phận chiến sĩ). Học hát tập thể, biểu diễn dân ca, chèo, tuồng, kịch, làm thơ, ca dao, vẽ tranh đăng trên bích báo đại đội, viết nhật ký, tổ chức triển lãm lưu động, các cuộc thi, liên hoan văn nghệ… là những hình thức hoạt động sôi nổi, hào hứng trong toàn quân, trực tiếp tạo bầu không khí nhiệt huyết, lạc quan, đoàn kết, vui nhộn trong các đơn vị, thay đổi hẳn diện mạo tinh thần của bộ đội, đóng góp trực tiếp, có hiệu quả cao, làm sinh động công tác chính trị - tư tưởng trong quân đội.

Như vậy, ngay từ đầu khi xây dựng quân đội cách mạng kiểu mới, hoạt động văn hóa, văn nghệ đã được khẳng định là một bộ phận không thể tách rời và có tác dụng trực tiếp đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội nói chung và nâng cao hiệu quả công tác chính trị - tư tưởng, phẩm chất bộ đội nói riêng. Sau Hội nghị Văn nghệ quân đội (4/1949), Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh đã ra Thông tư số 33 - TT/CT ngày 8/6/1949 như sau: “Văn nghệ trong quân đội là một hình thức tuyên truyền nhẹ nhàng, hứng thú và sinh động để nâng cao hiệu suất của công tác chính trị về mọi mặt… Cần xúc tiến việc nâng đỡ các mầm văn nghệ đã có để xây dựng một nền văn nghệ trong Quân đội quốc gia Việt Nam, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới”. 75 năm qua, tư tưởng chỉ đạo trên đã có tác dụng to lớn, sâu sắc, nhất quán đối với sự phát triển và thành tựu của văn hóa, văn nghệ quân đội.

Hội nghị Văn nghệ quân đội (4/1949) là mốc mở đầu quan trọng đánh dấu bước phát triển không chỉ của công tác văn hóa, văn nghệ trong quân đội mà còn có ảnh hưởng tích cực đối với toàn bộ công tác văn hóa, văn nghệ cả nước giai đoạn đó. Trong báo cáo công tác chính trị hai năm 1948 - 1949 (tháng 2/1950), Cục Chính trị lúc đó (nay là Tổng cục Chính trị) nhận định Hội nghị này “đã vạch rõ đường lối và nhiệm vụ chính trị của văn nghệ, đặt nền móng vững chắc cho văn nghệ quân đội”. Là người trong cuộc, trực tiếp tham gia dự hội nghị trên, và nhiều năm phụ trách lĩnh vực văn hóa - văn nghệ trong Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, sau này, khi được hỏi về vị trí, ý nghĩa của Hội nghị, nhà thơ Chính Hữu cho rằng: “Một nền văn hóa, nghệ thuật mới phải phản ánh hình tượng con người mới. Trong chiến tranh thì con người mới phải tìm ở đâu? Lúc đó, con người mới xuất hiện chủ yếu và tập trung nhất là ở trong quân đội. Anh bộ đội Cụ Hồ là người mang đầy đủ nhất bản chất của giai cấp công nhân. Vì vậy, Đảng chủ trương tập trung chủ yếu vào việc xây dựng văn học, nghệ thuật trong quân đội, lấy đó làm đầu tàu để kéo hoạt động của cả nước đi lên”. Đó là một sự thật lịch sử!

Tuy vậy, trong thời gian này, công tác văn hóa, văn nghệ hòa lẫn, quyện chặt với công tác tuyên truyền, nằm trong phòng tuyên truyền, chưa có dấu hiệu phân biệt các đặc trưng khác nhau của hoạt động tuyên truyền, cổ động trực tiếp với hoạt động văn hóa, văn nghệ. Như vậy, ba năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dầu còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, song đã đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển có ý nghĩa đặc thù của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ quân đội, từng bước vươn lên xây dựng dần một quan điểm đúng đắn, phù hợp với đặc trưng của nó.

Kể từ năm 1950, cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới, kết thúc giai đoạn phòng ngự, cầm cự, chuẩn bị tiến tới phản công và tổng phản công để giành thắng lợi cho cuộc kháng chiến. Tại Hội nghị Tuyên huấn toàn quân (8/1951) đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã khẳng định: “Chúng ta đang hết sức tăng thêm sức mạnh cho quân đội bằng nhiều phương pháp, trong đó có một phương pháp “thần diệu” và cốt chính là nâng cao trình độ tư tưởng cho bộ đội. Vì vậy, hiện nay chúng ta đặt vấn đề lãnh đạo tư tưởng lên địa vị cao bậc nhất của công tác chính trị trong quân đội”. Theo suy nghĩ và trải nghiệm lãnh đạo, gắn bó với văn hóa, văn nghệ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn coi một trong những phương pháp “thần diệu” đó là phát huy sức mạnh, tính ưu việt của văn hóa, văn nghệ. Hoạt động văn hóa, văn nghệ giai đoạn này nổi lên một đặc điểm mới, đó là bám sát từng nhiệm vụ chính trị của quân đội; bám sát chiến dịch, chiến trường; bám sát và thấu hiểu cán bộ, chiến sĩ. “Ở đâu có bộ đội ở đó có tiếng hát”, thường xuyên đưa báo chí ra chiến hào (Báo Quân đội nhân dân in tại mặt trận trong chiến dịch Điện Biên Phủ), các đội - đoàn văn công đến tận chiến hào biểu diễn phục vụ bộ đội; nhiều sáng tác văn học, nghệ thuật kịp thời phản ánh những tấm gương chiến đấu, nhiều tác phẩm được “thai nghén” để chuẩn bị cho những thành tựu đáng tự hào vào năm cuối của cuộc kháng chiến… Từ hoạt động phong phú đó, văn hóa, văn nghệ đã trực tiếp mở đầu việc phát hiện, đúc kết, phản ánh, tái tạo và cổ vũ một hình tượng hết sức độc đáo của văn hóa quân sự Việt Nam, nói riêng, và văn hóa Việt Nam hiện đại, nói chung, đó là hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ”. Kiểu mẫu nhân cách mới này trở thành nhân vật trung tâm của văn hóa, văn nghệ quân đội, bắt đầu từ giữa những năm 50 thế kỷ trước. Hình ảnh những chàng “vệ” với những chiến công hiển hách, với cái cười hồn nhiên và chiếc mũ nan có lưới ngụy trang cùng tấm áo trấn thủ “ba mươi sáu đường gian khổ”, hình ảnh “bộ đội về làng”, “bộ đội kéo pháo - công đồn”, “đi dân nhớ, ở dân thương”, “tình cá nước”, “tình đồng chí”, kết nạp Đảng ngay tại chiến hào… đã tạo nên đặc trưng riêng có của văn hóa, văn nghệ quân đội và cả nước thời kỳ này.

2.

Những kinh nghiệm sâu sắc của công tác văn hóa, văn nghệ trong quân đội thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp được vận dụng triệt để và phát triển trong thời kỳ lịch sử mới - những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1955 - 1975). Nhìn lại giai đoạn này, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định, đây là thời kỳ công tác văn hóa, văn nghệ trong chiến tranh đã phát triển lên đỉnh cao, có nhiều thành tựu và những bài học có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Công tác và hoạt động này đã quán triệt và góp phần tích cực, chủ động thực hiện thắng lợi đường lối chiến lược cách mạng Việt Nam: tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.

Trong giai đoạn từ 1955 đến 1964, ngay từ những ngày hòa bình đầu tiên, Tổng cục Chính trị đã mở Hội nghị Tuyên huấn toàn quân lần thứ ba (1/1955) với chuyên đề về chức trách công tác của chủ nhiệm câu lạc bộ các cấp. Phong trào hoạt động câu lạc bộ trong toàn quân với tư cách một thiết chế văn hóa đã được tổ chức thành hệ thống từ cấp đại đội lên cấp trung đoàn, đại đoàn, khu và toàn quân. Ở đây luôn có những hoạt động văn hóa cởi mở, dân chủ, sinh động, hấp dẫn, thu hút bộ đội, trong đó tuổi trẻ là chủ thể sáng tạo, biểu diễn, thụ hưởng các sản phẩm văn học, ca hát, diễn kịch, khai hội… qua đó góp phần trực tiếp xây dựng tinh thần, tình cảm, tâm hồn tốt đẹp, phong phú của bộ đội. Rút kinh nghiệm hoạt động này, trong chỉ thị về đẩy mạnh hoạt động Câu lạc bộ đại đội, Tổng cục Chính trị nhấn mạnh: “Lãnh đạo tư tưởng bộ đội hiện nay, nếu chỉ có lên lớp, cấp trên giải thích, họp Đảng, họp chính quyền thì không đủ nữa, mà còn phải biết vận dụng nhiều hình thức hoạt động câu lạc bộ phong phú, linh hoạt, được quần chúng ưa thích”. Đó là bài học thiết thực còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay: Bài học về vai trò của văn hóa “là nhận thức cuộc sống, giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức mới cho bộ đội và thỏa mãn nhu cầu mỹ cảm của bộ đội” (Hồ sơ B327. TH. tr.1, Tổng cục Chính trị).

Do được chú trọng trong chỉ đạo và có kế hoạch tổ chức thực hiện, cố gắng đầu tư và phát huy các năng lực sáng tạo nên trong thời gian này, việc xuất bản, in ấn, sản xuất, biểu diễn đã phát triển mạnh. Một dẫn chứng cụ thể, trong ba năm từ 1958 đến 1960 đã xuất bản 580 đầu sách với 2.315.840 bản, trong đó có những tác phẩm văn học để lại dấu ấn sâu đậm về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xuất hiện những sáng tác về “bộ đội thời bình”, một đề tài không dễ để viết sâu và hay. Một nét nổi bật khác là các hoạt động văn hóa, các sáng tác thuộc nhiều loại hình văn học, nghệ thuật của quân đội thời gian này là tiếng nói tình cảm thiết tha dành cho đồng bào miền Nam và ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam. Có thể khẳng định, đây là cảm hứng chủ đạo, là chủ đề số một đối với các loại hình văn học, nghệ thuật góp phần mở đầu cho một dòng chảy văn nghệ vì miền Nam ruột thịt, về chủ nghĩa yêu nước và anh hùng của văn nghệ Việt Nam từ đây về sau, đặc biệt trong 10 năm cả nước chống Mỹ - cứu nước (1965 - 1975).

Từ chiến tranh vô cùng gian khổ và lâu dài chuyển sang thời bình là một bước ngoặt lịch sử dẫn tới những thời cơ lớn và cả những thách thức hoàn toàn mới. Tình hình thế giới giai đoạn 1956 - 1959 diễn biến phức tạp, tình hình trong nước những năm đầu hòa bình có sự biến động lớn dẫn đến sự lúng túng, chuệch choạc, bi quan, kể cả những phản ứng trái chiều trong một bộ phận cán bộ, sĩ quan trong đó có văn nghệ sĩ. Một số tham gia và bị ảnh hưởng của nhóm Nhân văn - Giai phẩm. Khắc phục những sai sót, chệch hướng, vượt qua cuộc đấu tranh tư tưởng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trong quân đội thời kỳ 1956 - 1959, hoạt động và đội ngũ văn hóa, văn nghệ tiếp tục phát triển mạnh những năm tiếp theo. Trong lãnh đạo, chỉ đạo văn hóa, đặc biệt là văn học, nghệ thuật, đã vượt qua sự hiểu biết không đúng mức về vai trò của văn hóa, văn nghệ mà trước đó có lúc rơi vào máy móc, cứng nhắc, giáo điều (Ngày 12/9/1956, trong báo cáo tình hình trí thức trong quân đội, Tổng cục Chính trị đã rút kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn nghệ sĩ và điều chỉnh một số mặt quản lý đối với đội ngũ này). Cùng với lãnh đạo Tổng cục Chính trị, Đại tướng - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh có đóng góp lớn trong giai đoạn khó khăn này.

Cũng bắt đầu từ giai đoạn này, Tổng cục Chính trị đã quan tâm đúng mực, nhấn mạnh vị trí, tác dụng của văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp giữ vai trò nòng cốt sáng tạo tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, đồng thời nhấn mạnh văn nghệ chuyên nghiệp phải đặt trên cái nền phát triển vững chắc, mạnh mẽ của văn hóa, văn nghệ quần chúng trong bộ đội. Nơi đó sẽ ươm mầm, phát triển những tài năng mới. Vì vậy, thời kỳ này, đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật trong quân đội tiếp tục xuất hiện nhiều gương mặt mới đầy triển vọng, dần trở thành một lực lượng đông đảo, nòng cốt cho dòng văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Cùng với sự nở rộ các sáng tác văn học là sự ra đời với những đóng góp đặc sắc của các tác phẩm âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh… đã mở đầu tạo nên một giai đoạn quan trọng có ý nghĩa và giá trị bồi dưỡng tình cảm yêu nước, khẳng định cái đẹp, cái anh hùng của bộ đội và nhân dân. Đến nay, có thể không khó chỉ ra những hạn chế lịch sử, tính đơn giản khi nhìn nhận cuộc sống và con người, song không thể phủ nhận giá trị và sự đóng góp riêng của dòng văn nghệ giai đoạn này trong lịch sử văn nghệ nước nhà.

Đến những năm 60 (thế kỷ 20), trên cơ sở hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh trong quân đội, vấn đề củng cố và nâng cấp lên quy mô mới các thiết chế và các đơn vị hoạt động văn hóa, văn nghệ được đặc biệt quan tâm. Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Quân đội nhân dân và các phương tiện thông tin khác được tăng cường sự lãnh đạo và giao đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ lớn hơn, không chỉ trong quân đội mà gắn với các nhiệm vụ của cả nước, phản ánh những nội dung, chủ đề lớn của thời kỳ cách mạng này. Nhà xuất bản Quân đội được tách thành đơn vị độc lập trực thuộc Tổng cục Chính trị. Bảo tàng Quân đội được xây dựng theo phương hướng phát triển thành viện bảo tàng lớn tầm quốc gia. Thư viện Quân đội xây dựng thành thư viện lớn của quân đội. Các đoàn văn công được quan tâm thích đáng, đặc biệt trong việc bố trí đội hình nhạc sĩ, biên đạo múa, đạo diễn và diễn viên… Vì vậy, trong những năm từ 1960 đến 1964, đã xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị cao, gây được tiếng vang, tiêu biểu cho cả giai đoạn từ sau kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ở giai đoạn từ 1965 đến 1975, hoạt động văn hóa, văn nghệ trong quân đội có những đặc điểm mới trong một thời kỳ đặc biệt, đầy thử thách đối với cả dân tộc, nói chung và đối với quân đội ta, nói riêng. Đó là mười năm cả nước chống Mỹ, cứu nước. Hoạt động văn hóa, văn nghệ giai đoạn này là bước phát triển cao nhất của cả văn hóa quần chúng và văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp trong toàn quân, tạo ra được bề rộng, chiều sâu, đỉnh cao, chuyển tải tình cảm yêu nước, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, vẻ đẹp trí tuệ và tâm hồn người lính cách mạng. Cao trào hoạt động văn hóa, văn nghệ những năm cả nước chống đế quốc Mỹ gắn chặt với chiến trường, với đời sống chiến sĩ, phù hợp với nhu cầu tinh thần, tình cảm người lính đang ngày đêm đương đầu với thử thách vô cùng gay gắt, ác liệt. Hệ thống thiết chế văn hóa đã phát huy tác dụng cao nhất, kịp thời đưa phim, ảnh, sách, báo, đài ra tận các chiến hào. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật hay của các văn nghệ sĩ quân đội và của cả nước thường nằm trong ba lô của người lính. Báo chí quân đội bao gồm cả báo viết, báo nói của Trung ương (ở cả Bắc và Nam), trong đó có nhiều tờ báo của các đơn vị ở các chiến trường khác nhau đã đồng loạt “xuất quân” như một vũ khí mạnh về tinh thần của cán bộ, chiến sĩ ở chiến trường hai miền. Chương trình phát thanh quân đội nhân dân, chương trình phát thanh của quân giải phóng đã trở thành nhu cầu hằng ngày, không thể thiếu của cán bộ, chiến sĩ, thành người bạn tinh thần tin cậy, yêu mến, gắn bó trong các chặng đường hành quân chiến đấu của họ. Hầu hết các đoàn văn công của quân đội đã đến biểu diễn tận các chiến hào, ở những nơi đang diễn ra ác liệt các cuộc chiến đấu. Phong trào “tiếng hát át tiếng bom” thực sự làm nên diện mạo văn hóa độc đáo một thời của quân đội ta.

Những đặc điểm trên được thể hiện nổi bật ở chiến trường miền Nam. Hoạt động văn hóa, văn nghệ ở đây giàu sức sống, sức chiến đấu, luôn được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu của cuộc kháng chiến, của chiến sĩ quân giải phóng và nhân dân miền Nam. Góp phần chi viện, bổ sung cho các hoạt động đó, cùng với lực lượng văn hóa, văn nghệ đang phát triển tại chỗ (miền Nam), từ những năm 60, những cán bộ văn hóa, văn nghệ (quay phim, nhà báo, văn nghệ sĩ cả sáng tác và biểu diễn) của quân đội đã bí mật lần lượt lên đường vào Nam. Đến khi cuộc chiến đấu ở miền Nam mở rộng thành nhiều chiến trường lớn với những binh đoàn chủ lực làm đồng cốt cho chiến đấu thì các sản phẩm văn hóa, văn nghệ của quân giải phóng và của miền Bắc chi viện vào đã cơ bản trực tiếp đáp ứng nhu cầu tinh thần của quân đội đang chiến đấu. Những năm tháng đó, vừa ngoan cường chiến đấu vừa phát huy tiềm năng văn hóa của mình, quân giải phóng đã trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng văn hóa, văn nghệ cách mạng miền Nam, cả về đội ngũ và sản phẩm văn hóa. Văn hóa, văn nghệ quân giải phóng đã thực sự trở thành sức mạnh cổ vũ, vậy gọi mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam những năm kháng chiến chống Mỹ - cứu nước vĩ đại.

Có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ có sự gắn bó mật thiết như thế giữa văn hóa, văn nghệ và cuộc sống chiến đấu của người lính như thời cả nước chống Mỹ. Và phải chăng, đây cũng chính là bài học lớn, là kinh nghiệm sâu sắc của những tháng năm hào hùng đó để lại cho chúng ta hôm nay?

3.

Có lẽ phải dành một công trình nghiên cứu riêng về giai đoạn gần 50 năm công tác văn hóa văn nghệ trong quân đội (1976 - 2023), vì quá trình đó diễn ra các bước ngoặt lịch sử lớn, mà trước hết là đất nước chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, từ chia cắt sang thống nhất, và đặc biệt vượt qua những thử thách nặng nề, có dấu hiệu khủng hoảng kinh tế - xã hội để đến với sự nghiệp đổi mới vĩ đại từ cuối 1986. Thế giới trong gần 50 năm đó có quá nhiều biến động cực kỳ nhanh chóng, phức tạp, không thể dự báo hết. Trong bối cảnh đó, quân đội phải luôn luôn tỉnh táo, sáng suốt, sáng tạo, có tầm nhìn mới để đáp ứng kịp thời và hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của mình. Gần 50 năm ấy lại là sự “bàn giao lịch sử” các thế hệ chỉ huy, lãnh đạo ở tất cả các lĩnh vực hoạt động, các cấp trong quân đội. Công tác văn hóa, văn nghệ trong quân đội không nằm ngoài những đặc điểm và tác động của các sự kiện đó.

Do thời gian dài trên và do khối lượng lớn các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong thời gian đó nên bài viết chỉ xin dừng lại một số nhận định tổng quát mà không thể đề cập đầy đủ, toàn diện các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ cụ thể.

Từ 1976 đến những năm gần đây, hoạt động văn hóa, văn nghệ có lúc thăng, lúc trầm nhưng nhìn tổng thể, hoạt động đó đã vượt qua nhiều thách thức mới, vươn lên trực tiếp góp phần nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất, nhân cách của cán bộ, chiến sĩ, góp phần giữ vững ổn định, củng cố trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội và xây dựng quân đội về chính trị, từ đó làm cho quân đội hoàn thành tốt những nhiệm vụ nặng nề, to lớn được giao. Thắng lợi đó là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, nhiều lĩnh vực, nhiều mặt hoạt động của quân đội, trong đó hoàn toàn có thể tự tin, tự hào và khiêm tốn khẳng định rằng, hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật là một bộ phận hữu cơ có vai trò trực tiếp và là vũ khí, sức mạnh tinh thần có hiệu quả của công tác tư tưởng. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng, mà trực tiếp là Tổng cục Chính trị và sự nỗ lực hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn hóa, văn nghệ từ toàn quân đến các đơn vị cơ sở là nhân tố quyết định làm nên các kết quả trên.

Sau 1975, công tác văn hóa, văn nghệ trong quân đội tiếp tục có nhiều hoạt động tích cực, đặc biệt trong năm đầu sau chiến tranh, thống nhất đất nước, song từ 1980 đã xuất hiện những cái cũ, nếp hoạt động cũ không đáp ứng được yêu cầu mới, nhu cầu mới, chất lượng hoạt động suy giảm, mất dần vị trí vốn có của nó trong những năm kháng chiến. Đội ngũ vừa cồng kềnh, vừa hẫng hụt, phương thức hoạt động vẫn theo “kiểu” thời chiến… Thực tiễn mới đòi hỏi phải có những định hướng, phương thức, tổ chức và giải pháp mới. Tôi được biết, thời gian đó, các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Chính trị đã dành nhiều thời gian suy nghĩ về vấn đề này và điều đó đã bắt kịp với những tư tưởng đổi mới của Đảng được khởi xướng từ đại hội VI (12/1986).

Từ những năm 80 của thế kỷ XX, Bộ quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã lần lượt ra những quyết định mới trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Suốt gần 50 năm qua, đặc biệt vào dịp kỷ niệm năm chẵn thành lập quân đội, Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo các cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng trên tất cả các loại hình: tiểu thuyết, truyện ngắn, kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội, hồi ký, trường ca, ca khúc, giao hưởng, múa, mỹ thuật, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh… Chưa bao giờ có sự tham gia đông đảo, nhịp nhàng, ăn ý giữa công tác văn học, nghệ thuật trong quân đội với đội ngũ sáng tác, sản xuất, biểu diễn đang hoạt động ở ngoài quân đội, trong các Hội văn học, nghệ thuật từ Trung ương đến các địa phương những năm vừa qua, từ khi Tổng cục Chính trị phát động đợt hoạt động trọng điểm này từ 1984 - Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Những cuộc vận động sáng tác có quy mô toàn quốc này đã tạo ra nhiều sản phẩm, công trình văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật về đề tài yêu nước, chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang đã được xuất bản, sản xuất, triển lãm, dàn dựng thành công, được quần chúng yêu mến, đánh giá cao, qua đó góp phần khẳng định truyền thống và các giá trị cao đẹp của dân tộc ta trong các cuộc chiến tranh bảo vệ và giải phóng Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực, làm phong phú vào sự phát triển của văn học nghệ thuật hiện đại Việt Nam, xứng đáng luôn là một bộ phận hữu cơ, không thể tách rời và không thể thiếu của nền văn nghệ đó.

Từ tháng 5/1992, Tổng cục Chính trị đã ra “Chỉ thị về Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong các đơn vị quân đội”. Cuối năm 1993, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đã xác định, cùng với các cuộc vận động khác, cuộc vận động này là một trong những nội dung quan trọng nhằm mục tiêu xây dựng quân đội về chính trị, củng cố và phát triển kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới. Hơn 30 năm qua, cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa đã đạt nhiều kết quả rõ rệt, rộng khắp, nhiều đơn vị đi vào nền nếp, có chiều sâu, tạo được những chuyển biến thực chất, lan tỏa ánh sáng văn hóa trong quân đội ra ngoài xã hội, tạo được quan hệ “cá nước” trong tình quân dân - một truyền thống quý báu, hiếm có của quân dân ta. Đặc trưng nổi bật của cuộc vận động này là từ góc độ văn hóa, phát huy sức mạnh, tính ưu việt, đặc trưng của văn hóa để rèn luyện, nuôi dưỡng, định hình trong nhân cách cán bộ, chiến sĩ những giá trị về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tình cảm, thế giới cảm xúc và tâm hồn… Bằng văn hóa, thông qua văn hóa, người lính tự (tự giác, tự nguyện) chăm lo bồi đắp những phẩm chất tốt đẹp cho chính mình, cho đồng đội trong quan hệ quân dân. Hơn 30 năm qua có thể khẳng định rằng cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa là phù hợp với nhu cầu của bộ đội và đáp ứng đúng và trúng những đòi hỏi của thực tiễn mới. Trên nguyên tắc xây dựng chính trị làm cơ sở, làm nền tảng, cần “văn hóa hoá” toàn bộ hoạt động của toàn quân. Nhiều nhân tố mới, nhiều tập thể điển hình tiên tiến đã được phát hiện, hình thành và định hình trong cuộc vận động lớn này theo các tiêu chuẩn của Tổng cục Chính trị tổng kết từ thực tiễn đề ra và chỉ đạo thực hiện. Cuộc vận động này còn là “lá chắn” tạo khả năng đề kháng của cán bộ, chiến sĩ trước các diễn biến phức tạp, tinh vi của âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và trước tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, của xã hội đang ngày càng xâm nhập vào đời sống bộ đội.

Gắn liền với cuộc vận động trên là các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng của bộ đội trong thời kỳ mới với những tìm tòi, sáng tạo mới, nâng cao tính lan tỏa và chất lượng của hoạt động mang tính truyền thống này. Từ nhiều năm, trong quân đội thường tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng các cấp đến toàn quân. Đó là ngày hội văn hóa sôi nổi, hấp dẫn, thu hút và phát hiện các năng khiếu văn nghệ từ chiến sĩ đến sĩ quan các cấp. Từ những năm 80 đến nay, hoạt động này không dừng lại ở nội bộ các đơn vị quân đội, mà được tổ chức trong sự phối hợp, giao lưu với địa phương, đặc biệt với sinh viên các trường đại học ở nơi đóng quân của các quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng… Cán bộ, sinh viên nhiều trường đại học đã nhiệt tình tham gia với các chương trình ca múa nhạc trong sáng, phong phú, giàu cảm xúc của tuổi trẻ về bộ đội, về cách mạng… Có những cuộc “thi đấu” căng thẳng, khó phân loại, trao giải thưởng vì các chương trình của bộ đội và sinh viên đều hay, hấp dẫn, làm “khó” cho ban giám khảo. Song ấn tượng để lại lâu nhất, sâu nhất, đẹp nhất là tình cảm gắn bó giữa sinh viên và bộ đội. Mặt khác, kết quả của các hội diễn quần chúng ấy không chỉ là các tấm huy chương mà là các đêm vừa liên hoan vừa để trực tiếp phục vụ bộ đội và nhân dân. Từ Bắc đến Trung và Nam, hoạt động đó là dấu hiệu đổi mới thực sự, tạo nên sức lan tỏa và sự đồng cảm văn hóa giữa bộ đội và tuổi trẻ sinh viên.

Trong những năm qua, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động phù hợp, đáp ứng tình hình mới, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo việc củng cố, tổ chức, sắp xếp lại, từng bước hiện đại hóa các thiết chế và mạng lưới văn hóa, văn nghệ toàn quân.

Trước hết là hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, như phòng Hồ Chí Minh, nhà văn hóa, phòng truyền thống. Ở nhiều đơn vị, các thiết chế văn hóa này đã phát huy tác dụng, trở thành một địa chỉ, một trung tâm hoạt động văn hóa tinh thần của đơn vị cơ sở. Nổi bật trong thiết chế văn hóa đó là hoạt động của hệ thống phòng Hồ Chí Minh, đặc biệt ở các đơn vị đủ quân. Tổng cục Chính trị đã có những chỉ thị kịp thời đổi mới nội dung, quy chế, tổ chức và phương thức hoạt động của phòng Hồ Chí Minh. Công tác thư viện, phát hành sách, sách, báo, phim, ảnh, văn hóa phẩm được chú trọng cải thiện để nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ huy, huấn luyện, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phong trào tự học, nâng cao kiến thức tổng hợp cho bộ đội, đặc biệt ở cơ sở. Việc lựa chọn sách, báo, phim, ảnh, văn hóa phẩm có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu của tuổi trẻ, của người lính và đảm bảo cả tiêu chuẩn, định lượng cho bộ đội là nhiệm vụ cao nhất. Các hoạt động văn hóa trên, nổi bật là hoạt động chiếu phim, không chỉ phục vụ bộ đội mà còn trực tiếp phục vụ nhân dân, đặc biệt ở các vùng khó khăn như biên giới, vùng núi, những nơi xa xôi còn thiếu thốn về văn hóa…

Các cơ quan văn hóa, văn nghệ có truyền thống và uy tín nhiều năm như Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Điện ảnh Quân đội, Phát thanh Quân đội và sau này là Truyền hình QĐND, tiếp tục nỗ lực giữ vững truyền thống và uy tín, đồng thời có những tìm tòi, đổi mới. Với tư cách là các đơn vị sản xuất, sáng tạo các sản phẩm văn hóa, có vai trò nòng cốt, chủ lực, các đơn vị văn hóa trên đã giữ vững định hướng chính trị, cho ra đời nhiều sản phẩm, tác phẩm có chất lượng, có những hoạt động tạo ảnh hưởng lớn, được dư luận chú ý, đánh giá cao. Tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn là địa chỉ tin cậy, được yêu mến, là “bà đỡ” của nhiều truyện ngắn, thơ, lý luận phê bình văn nghệ có giá trị. Điện ảnh Quân đội đã dày công sức và trí lực để sản xuất nhiều bộ phim tài liệu - nghệ thuật về đề tài chiến tranh và người lính, về các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc. Nhiều tác phẩm như là “đặc sản” của Điện ảnh Quân đội đã nhận được các giải thưởng cao. Nhiều bộ sách có giá trị của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân về các lĩnh vực quan trọng của lịch sử, của nghệ thuật quân sự, của sáng tác văn học, nghệ thuật… được khẳng định, đặc biệt trong các đợt kỷ niệm lớn dân tộc, của Đảng và của quân đội. Báo Quân đội nhân dân được đánh giá là “tờ báo quan trọng hàng đầu của đất nước”, là tờ báo “chủ lực tiêu biểu” trong các tờ báo chủ lực của cả nước (Đánh giá của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 70 năm ngày Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên (20/10/1950 - 20/10/2020), ngày 17/10/2020).

Hệ thống các đoàn nghệ thuật của Tổng cục Chính trị, các quân khu, quân chủng, Tổng cục Hậu cần và Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội luôn được đặt ra trước yêu cầu đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động. Sự biến đổi, lựa chọn các mô hình thích hợp cho sự phát triển là đòi hỏi cần thiết, song vượt qua những thử thách lớn, trong từng giai đoạn cụ thể trong gần 50 năm qua, các nhà hát, các đoàn văn công quân đội và Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã có những bước tiến nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ, xứng đáng là một “binh chủng đặc biệt” trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, được sự yêu mến của các đơn vị và địa phương. Hằng năm, các đoàn nghệ thuật quân đội đều có những chương trình mới phục vụ mọi miền đất nước, đặc biệt những nơi xa xôi, khó khăn, biên giới, hải đảo, Trường Sa.

Hệ thống bảo tàng quân đội có bước phát triển mạnh và trưởng thành nhanh chóng. Từ những bảo tàng, nhà truyền thống nhỏ, sau gần 50 năm xây dựng, đến cuối thế kỷ XX, trong quân đội đã có một hệ thống tương đối hoàn chỉnh được Nhà nước công nhận nằm trong hệ thống, mạng lưới bảo tàng quốc gia. Những năm gần đây, các bảo tàng trong quân đội đang nỗ lực tìm tòi đổi mới về nội dung và giải pháp trưng bày, đồng thời từng bước hiện đại hóa để thu hút người xem, nâng cao hiệu quả văn hóa - xã hội, vươn lên trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử có sức thu hút rộng rãi bộ đội và nhân dân, nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống dân tộc và cách mạng, nhất là đối với thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Như vậy, từ 1975 đến nay, tranh thủ thời cơ, vượt qua nhiều thử thách, khó khăn trong giai đoạn vừa qua, có thể xác định rằng, công tác văn hóa, văn nghệ quân đội đã trụ vững và có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô, loại hình và chất lượng - Có thể nghĩ tới những nhược điểm, hạn chế và các vấn đề mới đặt ra cần giải đáp, giải quyết, song, chúng ta nhận rõ, hiệu quả trực tiếp của hoạt động văn hóa, văn nghệ của quân đội đã góp phần củng cố, phát huy bản lĩnh, phẩm chất, nhân cách, lẽ sống, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trong quân đội ở vào giai đoạn mà những giá trị đó đang phải trải qua những thách thức gay gắt. Đồng thời, qua kết quả hoạt động của mình, văn hóa, văn nghệ quân đội đã thực sự tham gia và trở thành “dòng chủ lưu” của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt… truyền cảm hứng chủ đạo trong bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội (Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng).

Mặt khác, ở giai đoạn phức tạp này, hoạt động văn hóa, văn nghệ của quân đội đã góp phần trực tiếp đầy lùi một bước những quan điểm sai trái, thù địch, phủ nhận thành tựu cách mạng, phủ định văn học, nghệ thuật cách mạng, chống lại có hiệu quả các xu hướng thương mại hóa, lối sống chạy theo đồng tiền, tạo sức đề kháng văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ trước những ảnh hưởng của văn hóa phẩm độc hại, phản động, những âm mưu, thủ đoạn, “diễn biến hòa bình”, qua đó góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của văn hóa xấu độc, của tệ nạn xã hội trong các đơn vị quân đội.

4.

Làm nên những thành tựu đáng tự hào trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ quân đội có những nguyên nhân sâu xa và trực tiếp. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng mà trực tiếp và toàn diện của Tổng cục Chính trị là nguyên nhân sâu xa, căn cốt. Điều khẳng định đó hoàn toàn không phải là lý thuyết, là “sách vở”. Hai mươi lăm năm được làm việc trong lĩnh vực này, tiếp xúc, tiếp nhận, tham mưu triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ thị, chính sách của Tổng cục Chính trị trên lĩnh vực này, tôi cảm nhận, trải nghiệm sâu sắc điều đó. Nguyên nhân trực tiếp là thuộc về những người hoạt động, sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, trong đó đội ngũ văn nghệ sĩ đã và đang mặc áo lính tạo nên. Cho phép tôi viết ít dòng tri ân họ, với tư cách là đồng nghiệp, là đồng đội.

Trong vài năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phong trào văn hóa được phát động trong toàn quân đã trực tiếp góp phần nâng cao trình độ còn thấp của bộ đội thời kỳ này lên một bước mới về chất lượng. Do “học tập không biết mệt mỏi về văn hóa, chính trị, quân sự, không bỏ phí thời gian sinh hoạt hàng ngày”, nên “từ một người dân mù chữ, lầm lỳ đã trở thành người nhanh nhẹn, biết ca kịch, biết viết ca dao, bích báo, tham gia công tác chính trị” (Hồ sơ 199-B42-50, Tổng cục Chính trị “nhận định về sự phát triển của công tác chính trị trong quân đội giai đoạn 1948-1950). Những năng khiếu sáng tạo văn hóa, văn nghệ được hình thành. Sự trưởng thành, phát triển về trình độ mọi mặt, và sự tham gia trực tiếp các cuộc chiến đấu đã giúp các năng khiếu đó vượt lên, từng bước trưởng thành và nhiều trong số họ, trở thành những cây bút sáng tác đầu tiên trong quân đội (Nhiều năm sau, trong số họ đã là những văn nghệ sĩ nổi tiếng trong cả nước). Kịp thời, nhạy bén nắm bắt dấu hiệu trên, trong Thông tư số 33-TT/CT, ngày 8/6/1949 của Bộ quốc phòng - Tổng tư lệnh có đoạn viết: “Cần xúc tiến việc nâng đỡ các mầm văn nghệ đã có để xây dựng một nền văn nghệ trong quân đội quốc gia Việt Nam, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới”. Đó là một tư tưởng sáng suốt, cực kỳ quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ - chiến sĩ trong quân đội những năm kế tiếp. Như vậy, từ trong phong trào văn nghệ quần chúng sôi nổi đã xuất hiện “mầm văn nghệ”, manh nha hình thành đội ngũ sáng tạo và hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp. Đồng thời, vào những năm tháng đó, sự đầu quân của nhiều văn nghệ sĩ có tên tuổi vào quân đội đã bắt đầu tạo thành một đội ngũ tâm huyết, tài năng hoạt động văn nghệ trong quân đội. Hội nghị Văn nghệ quân đội (4/1949) là sự họp mặt, tập hợp đội ngũ đó, có tác dụng truyền cảm hứng, lan tỏa ảnh hưởng để tiếp tục làm này mầm và phát hiện các năng khiếu, tài năng mới sau này. Tôi có may mắn đã được gặp một số nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ… của thời kỳ đặc biệt đó, như Chính Hữu, Hữu Mai, Hồ Phương, Lương Ngọc Trác, Văn Đa…

Từ hai nguồn tạo thành, những năng khiếu, tài năng đang nở rộ trong bộ đội và những văn nghệ sĩ đầu quân vào quân đội, thời kỳ này bắt đầu hình thành đội ngũ văn nghệ sĩ mặc áo lính chuyên nghiệp. Song, đặc điểm đó đặt ra một vấn đề mới: ứng xử với đội ngũ này như thế nào? Đã xuất hiện quan niệm hẹp hỏi, khắt khe, máy móc, ngại sử dụng và phát huy lực lượng này. Sự lúng túng vì thiếu hiểu biết như vậy là một hạn chế lịch sử khó tránh khỏi thời kỳ đó. Để khắc phục các hạn chế đó, tháng 11/1947, Cục Chính trị (nay là Tổng cục Chính trị) đã có một chỉ thị riêng gửi các khu và các trung đoàn độc lập trong toàn quân: “về việc dùng các văn nghệ sĩ trong công tác chính trị”, trong chỉ thị đã nêu rõ: “Từ trước tới giờ, cán bộ chúng ta đối với các anh em văn nghệ sĩ thường cứ cho là khó dùng vì họ hay “khó tính” và có nhiều đặc biệt theo kiểu văn nghệ sĩ. Không đúng hẳn, chỉ tại không biết dùng hoặc muốn dùng nhưng ngại phải tốn kém. Cũng có ý nghĩ chỉ muốn dùng những người cho là “thuần túy”, bảo sao nghe vậy, không hay lôi thôi lắm chuyện. Thật sai lầm. Cần phải rộng rãi không nên hẹp hòi trong việc dùng các anh em có tài văn hoặc chuyên môn. Không phải chỉ dùng tài chuyên môn của họ, mà còn phải nâng đỡ, giúp điều kiện cho tài nghệ sĩ của họ dễ dàng phát triển… dùng văn nghệ sĩ và nâng đỡ họ là việc không thể thiếu trong công tác chính trị” (Hồ sơ TQ-129/CT-TCCT). Chỉ thị viết thật mộc mạc, dễ hiểu, song tư tưởng chỉ đạo trên đây được thực hiện trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã đóng một vai trò to lớn, lôi cuốn, phát hiện, tập hợp, động viên, bồi dưỡng, đào tạo và phát huy đội ngũ đông đảo, tài năng hoạt động, sáng tạo văn hóa, văn nghệ trong quân đội. Kế thừa và phát triển tư tưởng đó trong suốt gần 80 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ mặc áo lính phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với danh hiệu nghệ sĩ - chiến sĩ, chiến sĩ - nghệ sĩ. Tư tưởng đó không chỉ là một kinh nghiệm thuộc về quá khứ mà còn là một bài học lớn mang ý nghĩa sâu sắc đối với hiện tại và tương lai.

Từ 1950, cuộc kháng chiến chuyển sang bước ngoặt lịch sử. Chuẩn bị tư tưởng cho bước ngoặt đó, trong Đảng mở đợt chỉnh huấn chính trị trong cả năm 1952. Trong quân đội triển khai đợt chỉnh quân năm 1953. Mặc dầu có những biểu hiện tả khuynh trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, song hai đợt chỉnh huấn, chỉnh quân đó đã “xốc” lại đội ngũ, nâng cao tinh thần và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Toàn bộ hoạt động văn hóa, văn nghệ được xác định là tập trung chủ yếu cho việc thực hiện nhiệm vụ chiến đấu của quân đội, thể hiện rõ nhất ở công tác “cổ động chiến trường”. Văn nghệ sĩ ra chiến trường, đến tận chiến hào biểu diễn phục vụ bộ đội, báo in tại mặt trận trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều sáng tác (thơ, nhạc, hoạ…) hình thành và có tác phẩm hoàn thành ngay trong chiến hào. Nhiều tác phẩm, cả chuyên nghiệp và quần chúng, được truyền bá ngay trong các chiến dịch, các trận đánh. Những tác phẩm “dài hơi” được thai nghén để đến cuối năm chống Pháp, một số văn nghệ sĩ quân đội được giải thưởng cao trong “Giải thưởng Văn nghệ Việt Nam” (1954 - 1955) và nhiều tác phẩm có chất lượng được công bố, xuất bản ngay những năm hòa bình đầu tiên. Được rèn luyện, trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, từ những năm 60 (thế kỷ XX), đội ngũ văn nghệ sĩ trong quân đội phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều tài năng đầy triển vọng, đủ sức “gánh vác” xây dựng các cơ quan sáng tạo văn học, nghệ thuật của quân đội. Đoàn văn công thuộc Tổng cục Chính trị (thành lập từ 3/1951) được củng cố, phát triển về quy mô và đủ sức dàn dựng chương trình nghệ thuật và tác phẩm lớn (ca kịch Xô Viết Nghệ Tĩnh…), nhiều nhạc sĩ, biên đạo múa, đạo diễn, diễn viên trưởng thành trong kháng chiến, được bồi dưỡng, đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn trở thành nòng cốt và có uy tín trong “làng” nghệ thuật cả nước. Tạp chí Văn nghệ Quân đội ra mắt (1957) tập hợp nhiều cây bút sung sức, “vạm vỡ”, phát lộ tài năng trong những năm cuối kháng chiến. Điện ảnh Quân đội xuất hiện, tham gia vào đội ngũ điện ảnh non trẻ của cả nước với sản phẩm “đặc sản” là các bộ phim tài liệu lịch sử về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân với nhiều tập về “Kỉ niệm sâu sắc trong đời bộ đội” được đón nhận nồng nhiệt…

Vào những năm từ 1965 đến 1975 là thời kỳ văn nghệ sĩ quân đội phát triển mạnh mẽ và ra quân rầm rộ nhất, tạo được hiệu quả thực sự sâu sắc trong xây dựng, nuôi dưỡng những chất phẩm giá cao đẹp của Anh bộ đội Cụ Hồ, và có lẽ, còn giữ vai trò nổi bật góp phần phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ này. Từ trong cuộc chiến đấu cực kỳ gian khổ và anh hùng đã xuất hiện một loạt tài năng văn nghệ, cả sáng tác và biểu diễn, trên tất cả các loại hình văn học, nghệ thuật trong quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Đồng thời, ngay từ những năm đầu 60 (thế kỷ XX) các văn nghệ sĩ của quân đội đã bí mật, thầm lặng, tự nguyện vào miền Nam, vừa chiến đấu vừa sáng tác. Hàng trăm phóng viên đã có mặt ở khắp các chiến trường cả Bắc, Trung, Nam, đặc biệt ở miền Nam. Các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh, diễn viên, đạo diễn của quân đội đã có mặt ở các chiến trường từ Khu 5, Khu 6 ( Nam Trung bộ) đến B2 (Nam Bộ). Hàng ngàn tác phẩm của văn nghệ sĩ quân đội (cả quân giải phóng) đã ra đời, trong đó có những tác phẩm văn học, âm nhạc, sân khấu, hội họa, múa, điện ảnh, nhiếp ảnh, báo chí… có giá trị bền vững cho tới hôm nay và chắc rằng, cả mai sau - những tác phẩm đi cùng năm tháng, “những bài ca không quên”. (Tôi nhớ và định thử ghi tên các tác phẩm, các tác giả đó, nhưng có hai nỗi lo: lo một mình không thể kể hết, nếu thiếu và chắc chắn thiếu nhiều, thì thật ân hận, nhiều trong số văn nghệ sĩ đó, do công việc, tôi đã từng gặp, quen biết và tâm sự; lo vì sẽ quá dài, kể sao cho hết… Hàng trăm đạo diễn, diễn viên các đoàn nghệ thuật quân đội đã đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân ở những vùng chiến sự ác liệt nhất. Hàng ngàn vạn cuốn sách, bộ phim đã được đưa vào chiến trường bởi những người cán bộ, chiến sĩ văn hóa thầm lặng mà kiên cường…

Trong cuộc hành quân dài, gian lao và thầm lặng đó, nhiều người đã trực tiếp cầm súng chiến đấu và thật đau lòng và tự hào, hàng trăm văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà quay phim… đã hy sinh trong tư thế rất đỗi tự hào: chiến sĩ - nghệ sĩ, trong đó có người được phong anh hùng lực lượng vũ trang (Tôi nhớ không thật chắc lắm, riêng Điện ảnh Quân đội nhân dân đã có tới 38 liệt sĩ, hy sinh trong các cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc). Tôi nhớ nhiều lắm những người bạn đồng môn của tôi, năm 1965, sau tốt nghiệp đại học, đã xung phong vào Nam, vào quân giải phóng, trở thành các phóng viên mặt trận, trong đó có 6 anh đã hy sinh!

Nối tiếp truyền thống quý báu trên, từ 1975 đến nay, văn nghệ sĩ trong quân đội đã vượt qua những thử thách, khó khăn mới, nỗ lực vươn lên, quyết tâm giữ vững truyền thống, uy tín của đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội, giữ vững tình yêu, lòng tin cậy của quần chúng dành cho đồng đội mình trên lĩnh vực cao quý này. Gần 40 năm qua, những văn nghệ sĩ trưởng thành trong chống Mỹ tiếp tục sáng tạo, để lại nhiều tác phẩm giàu chất sống thời chiến tranh và nỗ lực bắt kịp nhịp sống mới, tự đổi mới mình trong bản lĩnh kiên trì giữ vững danh hiệu nghệ sĩ - chiến sĩ. Những “thê đội” trẻ và mới xuất hiện, từng bước trưởng thành, trụ vững trước thách thức mới và đã, đang trở thành đội quân chủ lực làm nên những thành tựu mới trên các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Lứa tuổi 30 - 60 hôm nay đang giữ vững ngọn cờ tiên phong trong sáng tạo, sản xuất, xuất bản, dàn dựng, biểu diễn, quảng bá các sản phẩm mới của văn nghệ sĩ mặc áo lính trên cả nước. Phải chăng, khắc sâu truyền thống bao năm qua, họ đang thực hiện ngày càng tự tin và xuất sắc nhiệm vụ góp phần trực tiếp làm nên “dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội” như yêu cầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr. 48).

Như vậy, 80 năm qua, một đội ngũ đông đảo, tài năng, giàu tâm huyết, chạy tiếp sức nhau rất ngoạn mục, gắn bó với cách mạng, với Đảng, với nhân dân, với các cuộc kháng chiến và sự nghiệp đổi mới, đã xuất hiện, trưởng thành từ trong quân đội, trở thành lực lượng nòng cốt trong đội ngũ sáng tạo văn học, nghệ thuật của cả nước. Trong 80 năm qua, riêng đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội chuyên nghiệp, cả sáng tác và biểu diễn, trong 7 loại hình văn học, nghệ thuật, có lẽ đã có tới vài ba nghìn người (riêng nhà văn quân đội, trong bộ Tổng tập Nhà văn Quân đội mới xuất bản đã có tới 366 tác giả). Các văn nghệ sĩ đó với hàng ngàn, hàng vạn tác phẩm của họ trong 80 năm qua đã là kho tàng quý báu, giá trị đặc sắc, góp phần quan trọng và to lớn không chỉ trong công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa trong quân đội mà cả cho nền văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại.

Phía trước còn nhiều thách thức khó lường hết, song với niềm tin vững chắc và lòng tự hào chính đáng, chúng ta tin rằng, sẽ có và nhất định có những thành tựu mới trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ quân đội thân yêu của chúng ta.

7/2024
Đ.X.D

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)