“Nói xấu” nhà văn

Thứ Sáu, 13/09/2024 00:44

. NGUYỄN HỮU QUÝ
 

Nói tốt về nhà văn là chuyện rất thường vì họ là những người xứng đáng nhận được sự ca tụng của thiên hạ. Trong triệu triệu người có được bao nhiêu văn sĩ đưa cuộc sống vào trang viết để rồi không ít bạn đọc khóc cười với các nhân vật của họ? Giai thoại về các nhà văn hơi nhiều và cũng khá hấp dẫn. Nhà văn càng nổi tiếng thì giai thoại về họ càng lan tỏa. Trong lòng công chúng luôn có hình ảnh các nhà văn mình yêu quý ngưỡng mộ…

Còn nhớ một lần đoàn nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội lên Điện Biên Phủ tổ chức Ngày Thơ, dọc đường có ghé vào một quán ăn ở Sơn La. Sau khi dọn món xong, người đàn ông chủ quán xoa xoa tay cười nói: “Dạ thưa các bác, bữa ăn hôm nay nhà em xin được khuyến mãi đoàn ta hai đĩa cá suối ạ!” Chúng tôi ngạc nhiên chưa kịp nói gì thì người đàn bà đứng cạnh đã cất tiếng: “Em cũng ủng hộ ý kiến của nhà em vì mấy khi được đón bác Trần Đăng Khoa như thế này.” Trời ạ, như vậy là họ đã nhận ra được tác giả Hạt gạo làng ta ngay từ đầu; chắc đã xem hình nhà thơ thần đồng trên tivi hoặc trong sách báo. Lão Khoa dủm dỉm cười rồi đứng lên nói với chủ quán: “Chà, cái dáng ụt à ụt ịt của tôi đi đâu cũng không giấu được, cảm ơn anh chị nhiều nhưng chúng tôi chỉ xin chủ quán khuyến mãi cho mấy đĩa rau sống thôi ạ.” Tiếng cười vỡ ra vui vẻ, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Tổng biên tập Tạp chí (lúc bấy giờ) trêu Khoa: “Có lẽ chú là người nổi tiếng nhất nước Việt Nam này đấy, hôm nay nhờ Khoa mà anh em tôi được chén rau sống thoải mái nhé.” Thế đấy, mỗi nhà văn nổi tiếng luôn có những giai thoại hài hước kèm theo mình, chẳng biết thật hay giả, kiểu như chuyện Lê Lựu, tác giả tiểu thuyết Thời xa vắng ngửi bít tất của mình…

Tuy nhiên, ở bài viết này tôi muốn lạm bàn về phía khuất tối (tạm gọi thế) tâm tính của các nhà văn, những tật xấu của họ trong cuộc sống đời thường mà người viết văn (phần lớn có cá tính mạnh) dễ vướng mắc vào. Câu “Văn mình vợ người” thường được nhắc đến khi nói tới những người khẳng định tài năng của mình bằng chữ nghĩa. Chữ bầu lên nhà thơ, tôi đã nghe một thi sĩ tên tuổi nói như thế. Một bạn thân của tôi bộc bạch rằng, nói thật nhé, nhà văn nhà thơ các ông hay tự ái vặt lắm. Tôi cười cười, thì đã sao, mà này tớ nói cho cậu biết mà tránh nhé, chê các bố, các mẹ nhà văn, nhà thơ gì cũng được cả chỉ đừng chê tác phẩm của họ. Ngẫm ra thì đúng thế thật, có lẽ nhà văn nào cũng rất đề cao tác phẩm của mình. Họ có thể say sưa ngồi nói về cái hay, cái đẹp, cái mới trong tiểu thuyết, truyện ngắn, trường ca, thơ… do mình viết ra. Kể cả những người chưa hề nổi tiếng hay mới tập viết cũng dễ bị mắc níu vào bệnh này. Mới đây có một ấn phẩm trình làng với cái tên rất gợi Những bài thơ hay năm… Ôi chao, gần trăm bài thơ hay được công bố trong một năm thì huy hoàng quá, kỉ lục quá. Một số tác giả được chọn bài vào tập có đưa lên “phây” khoe làng xã. Nói thật có bài khá nhưng có bài cũng bình thường thôi, thậm chí dở nữa. Điều đó phản ánh đúng mặt bằng thơ hiện nay ở nước ta. Lấy đâu ra nhiều thơ hay chứ. Một số ý kiến chỉ ra điều này, thế là bị “phản ứng” ngay, trước hết ở một số tác giả có bài trong tập thơ. Người chê bị gán cho cái tội hẹp hòi, ít bao dung, không biết nâng đỡ người làm thơ v.v… Đã nói rồi mà, khen người làm văn chương dễ nhận được hoan hỉ, còn chê thì mấy khi được đồng tình. Nói thêm, cái sự khen chê trong làng văn bây giờ cũng tù mù nhiễu loạn. Lắm khi cái sự khen chê bị hệ lụy vào những điều gì đấy như mối quan hệ, như có phong bì phong bao hay kiểu “khen cho nó chết”… Cái sự trong sáng của người gõ phím thành văn chắc cũng đã bị bay đi ít nhiều.

Nhà văn là người có tâm lí phức tạp, nhưng lại khó giấu được tâm tính của mình. Ở họ, bằng lòng, bằng mặt rất khó phân định tỏ tường, và cũng chẳng biết bằng mặt hay bằng lòng có đi cùng với nhau không. Cho nên, tôi nói thế này chẳng biết sai đúng mấy phần, nhà văn là đối tượng dễ bị kích động nhất và mặc nhiên cũng hay cãi vã nhất. Rất dễ bị mất lòng, mất bề lắm đấy. Khi không đồng thuận thì ít ai chịu ai, ít ai nghe ai, mỗi người là một vị chúa tể của vùng đất chữ nghĩa mình cát cứ. Tôi là nhất, duy nhất, không ít người cầm bút tự coi mình như thế, mặc thiên hạ xếp họ vào đẳng cấp văn sĩ nào. Có thể coi đó là căn bệnh dễ lây, sự tự phụ được bao bọc bởi “cái tôi” giãn nở quá mức. Cái tôi được đẩy lên tận cùng, kích hoạt sự kiêu căng, hoang tưởng đáng ngại. Nó vượt ngưỡng khả năng sáng tạo trời ban phát, tạo ra những chiếc bong bóng hư danh phình căng mà dễ vỡ, chỉ cần chạm vào đầu ngọn cỏ đã bụp toang rồi. Đâu biết rằng, tài năng trong văn chương thường rất hiếm hoi và tác phẩm lớn cũng ít ỏi. Sự rơi rụng nhiều hơn kết đậu. Có thể tôi là người dễ bi quan nhưng sự thật là thế. Bởi vậy, như ai đó từng nói, viết được một câu thơ hay, một bài thơ hay trong đời đã là hạnh phúc lớn của người sáng tác.

Nhiều nhà văn thích lập ngôn và ý tưởng trở thành nhân vật trung tâm của cuộc sống luôn ám ảnh họ. Trong một giới hạn nào đó có người đã thành công khi thế giới ngày càng phẳng hơn. Mạng xã hội bao la và bề bộn là nơi được một số nhà văn chọn để khẳng định mình. Cũng chả sao. Thực tiễn, có nhà văn giỏi giang nhưng chẳng hề đụng đến facebook; có nhà văn tài năng viết hay lại chơi mạng xã hội cũng lừng danh… Nhưng tôi nghĩ, nhà văn đích thực chỉ khẳng định mình bằng tác phẩm. Không phụ thuộc vào những “thích”, những “bình luận”, những “chia sẻ” được xuất hiện dưới nhiều cái “tút” do nhà văn biên trên trang cá nhân. Văn chương không bao giờ là cuộc chơi mà nó chính xác là lao động nghệ thuật, người viết là “phu chữ” luôn bị đày ải trong sự nhọc nhằn, cô đơn thăm thẳm đầy bất trắc, rình rập sự thất bại cay đắng. Thấm thía điều đó sẽ bớt ảo tưởng, bớt thổi phồng mình lên quá mức. Cứ bình tĩnh sống và viết. Sự khiêm nhường luôn là bài học cho mọi người kể cả nhà văn.

Tự nhận mình là người có nhiều khiếm khuyết nên trên “phây” thỉnh thoảng tôi cũng đưa lên những lời tự khuyên răn. Đây là một dẫn chứng: “Dân mình có những câu nói mộc mạc mà thật sâu sắc về sự “biết” và “nói”. Ví như: “Biết mười nói một”; “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”; “Lời nói đọi máu”. Ngẫm ra, nên kiệm lời, kiệm chữ. Chỉ nói, chỉ viết những gì mình thấu hiểu, không thể nói bừa, nói ẩu, viết bừa, viết ẩu được. Càng không nên nói sai, viết sai để làm hại người khác...” Ai cũng mắc vướng sai lầm, khuyết điểm cả. Tôi cũng thế, trong đục đôi dòng, trắng đen hai mảnh, tốt xấu trộn lẫn. “Nói xấu” nhà văn cũng là muốn chỉ trích thói hư tật xấu của mình đó. Chẳng phải, chẳng cần cao giọng dạy đời hay vạch lá tìm sâu làm gì, chỉ là đôi chút bộc bạch tâm tư. Nhà văn cũng là con người, mặc nhiên không dễ thoát khỏi tội tham sân si do tổ tông truyền lại, cũng mắc phải những thói tật chả mấy hay ho của đời. Chẳng qua là họ hay xuất hiện, hay lập ngôn, hay diễn đạt bằng chữ nghĩa nên dễ bị người đời “bắt bài” đấy mà. Nhưng tôi tin phần lớn nhà văn có tâm tính tốt, hay hoặc dở cũng thật hồn nhiên, tuy vụng về trong ứng xử nhưng thường sâu sắc trong suy tưởng và đầy đặn cảm xúc. Nhà văn giàu lòng yêu thương nên họ cũng biết nhận mặt và chối từ điều ác. Viết về cái ác cũng là viết về yêu thương, cũng như viết về chiến tranh cũng là viết về hòa bình. Từ các mặt đối lập của cuộc sống, nhà văn nhận ra chân thiện mĩ và vin tựa vào con chữ để sáng tạo nên những tác phẩm có ích cho đời.

Cái còn lại cuối cùng của nhà văn là trang sách. Mồ hôi, máu, nước mắt ở đằng sau hay thấm đẫm trong từng dòng văn, câu thơ. Con chữ mang trong nó dấu ấn sáng tạo của mỗi nhà văn. Hôm qua và hôm nay. Hẵng biết thế đã. Còn ngày mai, tương lai của những trang sách chưa nói trước được. Nó cần được trải qua thách thức thời gian. Còn lại. Mất đi. Chỉ trông chờ vào kết tinh nghệ thuật ở mỗi tác phẩm. Nói như vậy, cũng đã quán chiếu anh em, bạn bè mình ở góc độ yêu thương và chia sẻ. Vẫn là cuộc đời. Vẫn là con người. Vẫn là thời gian. Vẫn là vũ trụ. Vẫn đi qua và trở lại trong một kiếp sinh linh. Phải chăng là thế này: Phía bên này lá sen là cuộc đời quá cũ/ Danh vọng, giấy tờ, bàn tủ…/ Hoan hô và chửi rủa…/ Thế mà lật lá sen hồ, bỗng chốc phía bên kia/ Bỗng chốc là mùi hương ở bên kia lá/ Là ánh trăng ở trong tiếng gió/ Là thì thầm ánh sao khuya/ Trong cỏ…/ Gọi anh đi/ À quên, chính là gọi anh về/ Về quê…/ Về cái gì như tiền thân mà anh đánh mất/ Mà lá sen hồ từng che khuất/ Rồi lá sen hồ lật lại/ Cho hồn anh lắng nghe/ Nghe… nghe/ Trong khoảnh khắc phút giây nghe hết/ Sống chết, sống chết…/ Hai từ ấy như thoi reo, lụa dệt/ Không có phía bên này/ Không có phía bên kia/ Phía bên này lá sen là cuộc đời rất tuyệt/ Mà bên kia lá sen cũng là cuộc đời/ Hồn anh ném thia lia (Chế Lan Viên). Đoạn thơ trích hơi dài, nhưng tôi không muốn cắt bỏ bớt, bởi nó hay quá. Hay như Chế đang nói về chúng ta, nói với chúng ta vậy. Mảnh thia lia ném ra từ tâm hồn đa cảm của thi nhân chấp chới ánh đời, trong đó phảng phất những khoảnh khắc thân quen man mác hương đồng gió nội của quê hương, Tổ quốc mình. Đó chính là tình yêu bền bỉ có trong tâm hồn của mỗi người cầm bút chúng ta.

N.H.Q

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)