. HÀN GIANG
1. Cách đây hơn nửa thế kỉ, lựa chọn hàng đầu của đông đảo người đọc thường là những cuốn sách học thuật nghiêm cẩn, những tiểu thuyết tràn đầy lí tưởng cao cả, nhưng giờ đây, lựa chọn ấy đã phần nào bị chi phối bởi ngôn tình, đặc biệt là truyện ngôn tình Trung Quốc được đăng trên mạng. Ngôn tình phủ sóng trên nhiều website, ngôn tình chiếm sóng ở nhiều fanpage hay group, ngôn tình có lượt rating ngất ngưởng. Và dù bị dán nhãn “ba xu”, nhưng nếu xét theo quy luật “cái tồn tại thì hợp lí, cái hợp lí thì sẽ tồn tại” (Hegel) thì không thể cực đoan khước từ sự hiện diện của dòng truyện này hoặc khắc nghiệt tuyên án tử cho nó dưới cái lốt rác rưởi của thời đại. “Ba xu”, mà lan tỏa chóng mặt, mà lưu hành tốt hơn các đồng mệnh giá cao thì cần có sự đánh giá khách quan để định danh nó một cách nghiêm túc, từ đó đề xuất cách ứng xử hợp lí với dòng văn học đại chúng này.
Ngôn tình Trung Quốc du nhập vào Việt Nam từ những năm 2006 - 2007, bùng nổ mạnh mẽ như một hiện tượng trong cả thập niên tiếp đó, và sau vài cú “tuýt còi” của cơ quan kiểm duyệt thì thị trường sách giảm nhiệt, ngọn đuốc của nó được những trang mạng xã hội rước tiếp, trong sự “quần tinh ủng nguyệt” của đám đông. Hiểu một cách bản chất, truyện ngôn tình là những câu chuyện tình yêu lãng mạn, thiên về giải trí, với các dòng chính là xuyên không, cổ đại, huyền huyễn, đam mĩ, bách hợp, quân nhân và viễn tưởng. Dòng truyện tiếp nối những tiểu thuyết giai nhân tài tử, uyên ương hồ điệp này chủ yếu thu hút sự chú ý của độc giả nữ và nhận được sự “đỡ đầu” của những nhà xuất bản tư nhân, sự “nuôi dưỡng” của các trang mạng xã hội để nhanh chóng lớn mạnh. Dạo một vòng từ các trang web đến blog, từ group đến fanpage, ta đều có thể bắt gặp sự hiện diện phong phú của ngôn tình. Những tên tuổi chói sáng như Cố Mạn, Đồng Hoa, Tân Di Ổ... sánh vai cùng những tác giả vô danh với những câu chuyện khi thì trải ra cả ngàn chương, khi thu lại trong vài chương. Thiên biến vạn hóa, vàng thau lẫn lộn, được tìm đọc nhiều nhưng bị chỉ trích không ít là những điều khiến người ta bối rối khi tiếp cận ngôn tình, từ đó dẫn đến thái độ cực đoan khi nhận diện nó. Tuy nhiên, xét từ tâm lí tiếp nhận, có thể thấy truyện ngôn tình thu hút người đọc bởi nó đã chạm đến tâm thức thời đại thông qua các motif quen thuộc và hình tượng nhân vật đặc trưng.
2. Chỉ cần bỏ chút công sức khảo sát truyện ngôn tình đang được cập nhật từng ngày từng giờ trên internet là thấy nổi lên ngay các motif quen thuộc. Dù dòng truyện phong phú và cốt truyện biến hóa ra sao, thì bộ khung kiến tạo thế giới ngôn tình ấy vẫn chủ yếu là các motif như trùng sinh/ trọng sinh, xuyên không/ xuyên sách, thật - giả, liên hôn/ ép hôn, trừng phạt trà xanh/ tiểu tam... Bằng ấy motif nhưng tạo nên những câu chuyện với đủ hỉ nộ ái ố, thu hút hàng nghìn, hàng triệu lượt đọc thì chắc chắn ẩn trong diện mạo bị phán xét là nhàm chán đó, phải có điều gì đã chạm sâu vào tâm thức của số đông người đọc.
Trùng sinh/ trọng sinh là motif xuất hiện với tần suất lớn dưới dạng phiên bản hiện đại của khát vọng bất tử mà nhân loại ấp ủ từ thuở sơ khai. Cốt lõi của motif trùng sinh là khi nhân vật bị đẩy đến đường cùng (bệnh tật, bị lừa dối, bị hãm hại, bị sa ngã) thì bỗng được sống lại trong một thời điểm trước đó của cuộc đời. Sống lại để vãn hồi một kết cục đầy đổ vỡ hay để cứu chuộc chính mình, để vung thanh đao trả thù những kẻ lòng lang dạ sói, báo đáp ân nhân hay gắng gỏi tạo nên ý nghĩa của sự tồn tại thì điều quan trọng nhất chính là sự sống lại mở ra lần nữa. Khao khát được sống, được có cơ hội để bảo toàn sự sống, triệt tiêu những thứ cản trở trên đường ray sống đã cộng hưởng với tình thế hiện sinh mà người ta luôn bị ám ảnh của thời đại này khúc xạ giấc mộng bất tử thành motif trùng sinh. Vì vậy, bước vào thế giới của truyện, nhập vào hành trình trở lại của nhân vật, người đọc dường như được tiếp thêm dưỡng khí giữa cái vòng ngột ngạt của thiên tai, dịch bệnh, áp lực vây bủa. Khi nhân vật thực hiện được nguyện vọng, cái kết có hậu truyền cho người đọc sự an ủi qua niềm tin mơ hồ về những phép lạ, điềm lành như kiểu giấc mơ cổ tích. Khi nhân vật không thể thay đổi định mệnh, tàn cuộc đen tối không chỉ nhắc nhở người đọc về chân lí “điều xảy ra là điều cần phải xảy ra” mà còn truyền cho họ sự can đảm đối mặt với thực tại nghiệt ngã. Như vậy, xét đến cùng, sức hấp dẫn của motif trùng sinh đối với độc giả là nó đã thỏa mãn ước muốn nối dài đời sống, “nâng cấp” bản thân của họ. Những con người của thế kỉ XXI không hài lòng với tình trạng sự sống dễ bị cắt đứt, với việc quay cuồng trong “vòng đua chuột nhắt”. Họ muốn thay đổi giá trị, đặt lại vị trí của mình trong sự tồn tại lâu dài nhưng bất lực trước hoàn cảnh nên đành tìm lối thoát ở những điều không tưởng, tìm thỏa mãn trong ảo tưởng.
Nếu trùng sinh chạm đến khao khát thay đổi bản thân, thì xuyên không/ xuyên sách lại chia sẻ với độc giả ước muốn thay đổi thực tại. Đặc trưng của motif này là sự việc các nhân vật rời khỏi thực tại để đến với một thế giới khác, hoặc nhập hồn vào người khác, mang một thân phận khác, hoặc hiện diện đầy mới mẻ trong thế giới ấy như một nhân tố ngoại lai bằng chính diện mạo của mình. Thế giới khác này có thể là quá khứ với những triều đại lịch sử đã hoàn kết, có thể là không gian nghệ thuật sinh động của những cuốn sách mà nhân vật vừa đọc, và ít gặp hơn là thế giới tương lai, nơi mọi thứ đang định hình. Xuyên không/ xuyên sách không phải là quyết định của nhân vật, mà hoặc do ngẫu nhiên (khi họ ngã, bị bệnh, bị chết) hoặc do chủ ý của người khác (được gọi là “hệ thống”) điều khiển. Tất nhiên, thế giới họ dịch chuyển tới không phải thiên đường mà cũng đầy âm mưu, nhiều tạp niệm, vô số khiếm khuyết nhưng đặt trong thế đối sánh với xã hội trước đó nhân vật tồn tại thì vẫn nhiều ưu điểm hơn. Ưu điểm, bởi thế giới ấy cho phép nhân vật phát huy thế mạnh, hiện thực hóa khát vọng của mình. Ưu điểm, bởi nhân vật đã nắm được quy luật vận hành của thế giới đó và có thể “căn chỉnh” lại nó theo hướng tích cực. Ưu điểm, bởi không gian mới mở ra này lấp lánh những vẻ đẹp từ thiên nhiên rực rỡ hay từ nhịp sống an hòa mà đến thế kỉ XXI chỉ còn gặp lại trong sách vở. Vì vậy, dù truyện kết thúc có hậu hay bất như ý, thì thông qua trải nghiệm đặc biệt của nhân vật, người đọc được du hành bằng mộng tưởng để “sống chậm lại giữa thế gian vội vã”, để tạm quên đi những vòng siết ngày càng căng tức của hiện thực, để đưa mình vào chốn đào nguyên giữa bốn bề ngột ngạt. Xuyên không hay xuyên sách rốt cuộc đều là phiên bản khác của giấc mơ tiên mà người đọc vẫn ấp ủ giữa thời đại 4.0 này.
Không tìm cách trốn tránh hiện thực bằng những ảo mộng xa xôi mà mạnh mẽ tiếp cận trực diện, thẳng thắn chỉ ra vấn đề nổi cộm của nó là tinh thần chính của motif thật - giả khá phổ biến trong truyện ngôn tình trên internet hiện nay. Motif này thường bắt đầu bằng chi tiết nhân vật chính danh trở về giành lại vị trí mà nhân vật mạo danh đã chiếm trong một thời gian dài. Tất nhiên, chính danh và mạo danh ở đây là xét theo thân phận, thứ bậc chứ không đồng nhất với giá trị thực - giá trị ảo, và sự đánh tráo kiểu tu hú chiếm tổ chim khách nhiều khi là mưu tính của những thế lực khác, không phải chủ ý của hai nhân vật bị hoán đổi. Quá trình đấu tranh để trả mọi thứ về vị trí xứng đáng rất dai dẳng, nhọc nhằn và nhiều khi phải hạ bệ những thần tượng, giải thiêng các anh hùng, điểm mặt chỉ tên những kẻ ngụy quân tử. Quá trình ấy phát lộ bản chất nhân vật, phơi mở những bất cập của cuộc sống, nhưng quan trọng hơn là đã cất lên sự truy vấn về giá trị. Một xã hội mà rường cột lung lay đến tận gốc rễ, lộng giả thành chân, hiện tượng và bản chất bất tương thích đến cực đại thì còn có gì là chân giá trị nữa không? Có tấm kính chiếu yêu nào hoàn nguyên mọi thứ, để ta đặt vào đó “một lòng tin đầy đủ” (chữ dùng của Hoài Thanh)? Và nếu tín điều chỉ còn là lớp phù hoa, thì ta phải dựa vào điều gì để sống? Tất cả những câu hỏi quay cuồng trong tâm trí nhân vật, làm rung chấn tam quan của nhân vật đã chạm đến mối ưu tư sâu kín của những độc giả sống trong thời đại chủ nghĩa mặt tiền lên ngôi, phải nhìn hắc bạch bất phân và chứng kiến việc ngồi nhầm chỗ của nhiều đại quan trước khi “cháy nhà ra mặt chuột”. Sự tương liên đó đã duy trì sức hấp dẫn cho những truyện ngôn tình lãng mạn sử dụng motif thật - giả, bởi nó tạo nên “động cơ đốt trong” thúc đẩy người đọc khám phá hành trình tái thiết thế giới của nhân vật với tất cả sự đồng cảm của mình.
Nếu ở những motif kể trên, cú chạm tâm thức thời đại của ngôn tình Trung Quốc là ở bề sâu, thì ở những motif khác như trừng phạt tiểu tam, bị ép hôn/ liên hôn, cú chạm ấy lại diễn ra ngay ở bề mặt. Có thể nói, chưa bao giờ các mối quan hệ trong xã hội, nhất là hôn nhân, lại dễ tổn thương và đứt gãy như bây giờ. Người thứ ba được xem như chất xúc tác tiêu biểu của phương trình hủy diệt ấy và nhân tố này được hình tượng hóa trong truyện ngôn tình thành kiểu nhân vật phản diện đặc trưng trong motif trừng phạt trà xanh. Trừng phạt, là giành lại triệt để những gì tiểu tam chiếm được, phơi trần bộ mặt hồ ly để nhân vật nếm trải ngũ vị tạp trần. Trừng phạt, là khiến trà xanh thân bại danh liệt, trở lại làm một thứ cỏ đầu tường. Quá trình trừng phạt ấy căng thẳng, kịch tính và hấp dẫn nhưng sức hút mạnh nhất từ motif này không bởi drama, mà vì nó đã xoa dịu tổn thương, giải tỏa ẩn ức, chữa lành cho người đọc dù theo kiểu phép thắng lợi tinh thần. Có lẽ chính vì thế mà kiểu truyện này thu hút lượt tương tác nhiều nhất trên các diễn đàn ngôn tình. Motif bị ép hôn/ liên hôn lại hấp dẫn độc giả bằng tâm thế người trong cuộc. Khi thấy các nhân vật bị sắp đặt như một quân cờ trên bàn cờ hôn nhân, và chuyện chung thân đại sự đời họ chỉ đơn thuần là phép tính lợi ích của phe phái hay gia tộc, người đọc nhận ra tình cảnh thân bất do kỉ của mình không phải là cá biệt, và nhập thân vào nhân vật như sự quan sát chính mình. Khi nhân vật lật ngược tình thế, vùng vẫy thoát khỏi hiểm cảnh, người đọc tìm thấy niềm hi vọng trong trạng thái bất như ý mà mình lâm vào. Quả thực, bước sang thế kỉ XXI, những thành tựu khoa học công nghệ đem lại tiện ích lớn lao cho con người, nhưng đa số “chẳng bao giờ tìm thấy sự hài lòng” (Harari). Thêm vào đó, dịch bệnh, thiên tai và áp lực cuộc sống càng tô đậm cái bóng của sự bất đắc chí ấy. Vì vậy, motif bị ép hôn, xét một mặt nào đó, là sự phóng chiếu tâm lí con người thời đại này và tạo được nhiều điểm chạm đồng cảm sâu xa.
Như vậy, có thể khẳng định, thông qua các motif đặc trưng, truyện ngôn tình Trung Quốc đã kiến tạo một thế giới tuy khác về hình tướng nhưng lại có nhiều nét tương đồng về bản chất với bối cảnh xã hội thế kỉ XXI. Sự tương đồng đó đã chạm đến tâm thức người đọc ở những điểm căn cốt nhất và đem lại sức hút lớn lao cho dòng truyện chưa có nhiều kết tinh nghệ thuật này.
3. Một điểm đặc biệt đáng khám phá của truyện ngôn tình Trung Quốc là ở hình tượng nhân vật nam chính hoàn hảo gắn liền với tình yêu lãng mạn. Họ thường được mệnh danh là nam thần, soái ca bởi hội tụ các đặc điểm lí tưởng nhất: con nhà giàu, đẹp trai, lạnh lùng, tài năng. Nam chính xuất hiện ở nơi nào, nơi đó liền biến thành phong cảnh. Nam chính làm gì, dù là cử chỉ giơ tay nhấc chân, vẻ tuấn mĩ đều thu hút mọi ánh nhìn. Nam chính nói câu nào, câu đó đều hàm chứa biết bao ý vị sâu sắc. Nếu như ban đầu, nhân vật này có hành xử trái đạo, nghịch thiện thì chắc chắn là do nỗi khổ tâm riêng, về sau sẽ được cởi giải. Xuyên suốt chiều dài của truyện là tình yêu ngọt ngào như trong mơ với những tình tiết làm người đọc mê đắm. Hiếm có dòng truyện nào lại xuất hiện một kiểu nhân vật thập toàn thập mĩ theo cùng một nguyên tắc khắc họa như vậy, và càng hiếm gặp hơn là mẫu hình quen thuộc đến khuôn sáo ấy lại tạo nên hiệu ứng thu hút siêu mạnh, làm chao đảo trái tim người đọc. Có những nhân vật đã trở thành thần tượng, thậm chí còn tạo thành chuẩn mực để đánh giá các chàng trai ngoài đời thực. Có thể nói, hình tượng soái ca là nét đặc trưng trong “bộ nhận diện thương hiệu” của truyện ngôn tình, và điều đó hoàn toàn thuộc về ý đồ nghệ thuật của người viết. Những tác giả ngôn tình quá hiểu đối tượng độc giả tiềm năng của họ (đa phần là nữ), quá hiểu sự trống thiếu trong thực đơn của thời đại nên đã đem đến một món ăn vô cùng phù hợp: sự lãng mạn. Khi chủ nghĩa tiêu dùng lên ngôi, khi con người đang trong cuộc đua gấp gáp với trí tuệ nhân tạo, khi các quy chuẩn để đánh giá cá nhân ngày càng quá mức chặt chẽ, thì biên giới dành cho sự lãng mạn đã bị thu hẹp đến tận cùng. Lí trí tỉnh táo trong thời đại số đã tước đoạt không gian của những huyền hồ, thơ mộng. Chu trình sống khép kín của xã hội công nghiệp đã khóa nốt bức màn lãng đãng của sự lãng mạn. Đa số không đủ khả năng hoặc điều kiện để tạo nên chất thơ cho cuộc sống của mình, mà điều đó lại là gia vị vô cùng cần thiết cho tâm hồn mỗi người. Chính lúc đó, một nam thần như trong mộng với tình yêu ngọt đến “sâu răng” đã đến qua các trang truyện, phủ lớp sương huyền ảo lung linh lên cuộc sống hiện thực khô khan của họ, và điều đó tạo nên những cơn say không dứt, tạo nên lớp độc giả trung thành với dòng văn học đã bắt trúng cái mạch chủ của đời sống.
Trong Miền đất hứa của tôi, khi viết về việc đi chệch khỏi những chuẩn mực giá trị và sa vào lối sống gấp, tôn thờ những thứ phù phiếm và cấm kị của lớp trẻ Israel những năm đầu thế kỉ XXI, tác giả Ari Shavit cho rằng đó là cách mà những người trẻ này đang “cố tạo ra một thực tại thay thế, một ý nghĩa thay thế”. Xét một cách nào đó, việc người đọc trẻ tìm đến với truyện ngôn tình Trung Quốc cũng là cách thức để họ bày tỏ sự kháng cự trước một thực tại đang ngày càng ngột ngạt, để họ tạo ra “một ý nghĩa thay thế” cho những khoảng trống, khoảng vỡ ngày càng loang rộng của thời đại này.
H.G
VNQD