Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ trong con mắt đời thường

Thứ Năm, 26/09/2024 15:23

Trong di cảo Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn do PGS.TS.Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ biên soạn ra mắt vào năm 2022, độc giả đã được đi sâu vào những trang viết từ năm 1965 của Xuân Quỳnh khi bà mang thai người con đầu lòng là Lưu Tuấn Anh. 2 năm sau đó ta được chứng kiến một sự “đổi ngôi” tương đối thú vị khi chính Lưu Tuấn Anh sẽ kể về đại gia đình “đông đúc” của mình trong Những ô cửa gió lộng.

Ở đó ta thấy có một Xuân Quỳnh vừa vui tươi, hài hước nhưng cũng chất chứa nhiều nỗi niềm riêng. Đó cũng là Lưu Quang Vũ ở những ngày đầu lúc chưa nổi tiếng cũng như là các con trai Lưu Minh Vũ (Kíp) hay Lưu Quỳnh Thơ (Mí). Một nhân vật khác có thể nói là lần đầu tiên được giới thiệu đó là nghệ sĩ violon Lưu Tuấn – cha ruột tác giả và là chồng trước của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Bằng những câu chuyện đậm chất đời sống được thể hiện bình dị, gần gũi, chân dung của những người nghệ sĩ lớn sẽ được hiện ra nhưng không phải với hào quang sân khấu rực rỡ mà là những người vô cùng giản dị trong đời thường nhật.

Một Xuân Quỳnh vừa quen vừa lạ

Nhân vật có nhiều bài nhất trong cuốn sách này không ai khác chính là nhà thơ Xuân Quỳnh. Nếu qua những trang nhật kí trong cuốn sách ra mắt vào năm 2022 ta đã thấy bà không ngại đường xa, bom rơi đạn lạc để đạp xe mấy mươi cây số từ Hà Nội đến vùng sơ tán để thăm con mình dù chỉ vài phút, thì qua trang viết của Lưu Tuấn Anh, ta cũng thấy được một điều tương tự. Bằng những hồi ức tuôn ra như cơn gió lộng, độc giả sẽ được nghe kể về những năm tháng mà bà làm báo, đi dọc chiến tranh. Ở đó bà đã lên án tội ác phi nhân khiến những chiến sĩ không còn hiện diện dù cho rất trẻ, bà kể về những sự thật mắt thấy tai nghe mà mình chứng kiến... nhưng không quá khó để ta hiểu rằng đó cũng là sự ám ảnh còn bám suốt bà vì sự khốc liệt và cái phi nghĩa của những trận chiến...

Cuốn sách cũng mở rộng sang quãng đời trưởng thành của chính tác giả mà ta chưa được nghe qua. Xuân Quỳnh đối với tác giả không chỉ là một người mẹ mà cũng còn là một tấm gương sáng cho anh học hỏi. Lưu Tuấn Anh cho biết tuy chỉ học hết lớp 4 nhưng không khi nào bà thôi sự học. Bà có thể trò chuyện lưu loát với người bạn là nhà văn Pháp chính nhờ một cuốn từ điển vô cùng đồ sộ cũng như tuy không được tham khảo những cách dạy con mang danh “tiên tiến” của thời đại này, nhưng ngay từ sớm bà đã khuyên răn, dạy dỗ con cái không cần đòn roi... Qua đó ta được nhìn thấy một khía cạnh khác của cố nhà thơ trong cuộc đời thực đứng dưới cương vị của một người vợ, người mẹ và người phụ nữ thuộc về gia đình.

Bìa cuốn sách "Những ô cửa gió lộng". 

Tuy vậy điều không thể tránh là sự nhạy cảm. Trong câu chuyện về việc bẫy mèo để nó không thể ăn trộm lạp xưởng cất trong chẹn bát vô tình dẫn đến cái chết cho con vật này của Lưu Tuấn Anh, ta cũng được thấy một nữ nhà văn thương yêu động vật nhưng cao hơn cả là quý trọng cuộc sống. Tác giả tiết lộ đây cũng đồng thời là nguồn cảm hứng cho truyện thiếu nhi Cái Tết của mèo con mà bà từng viết, để như một lời tưởng nhớ cho sinh vật nọ mình không thể quên. Rồi sự nhạy cảm biến thành nhạy bén. Tác giả kể rằng chính bà là người nhìn thấy trước sự phổ biến của tiếng Anh sau khi hòa bình lặp lại chứ không phải tiếng Nga trước đó, vì thế đã hướng anh học thứ ngôn ngữ này. Bà cũng quyết tâm khuyên răn tác giả nên dừng ở mức yêu thích thay vì chọn lấy kịch câm như nghề của mình. Bà cũng nhạy bén để luôn tin tưởng vào Lưu Quang Vũ, để dẫu trong những ngày khốn khó nhất khi cuộc hôn nhân của hai người họ không được chấp nhận, thì bà vẫn luôn cố gắng nuôi sống gia đình, trong khi luôn tin sẽ có một ngày nhà viết kịch này có thể tỏa sáng. Và cho đến cuối, như ta đã biết, điều đó cuối cùng đã thành sự thật.

Những khuôn mặt khác

Bên cạnh vị trí lớn lao của cố nhà thơ Xuân Quỳnh, thì tập sách cũng đề cập đến nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Thay vì một người thuộc về công chúng với các vở kịch sát sườn cuộc sống, ta thấy hiện lên ở Những ô cửa gió lộng là người đàn ông có nhiều thâm trầm và những câu chuyện ít người biết đến. Từ các bài viết về thói ki bo và niềm say mê, ta biết vì sao Xuân Quỳnh lại chọn gắn bó với nhà viết kịch. Trong đời sống, theo Lưu Tuấn Anh, ông luôn gắn liền với khói thuốc và thơ ca. Anh cũng đưa ra một chân dung khác của tên tuổi này, khi nhìn thấy ông bên dưới nhãn quan của một nhà thơ thay vì một nhà viết kịch đại tài. Anh khẳng định với Lưu Quang Vũ thì thơ ca là miền thiêng liêng, là nơi mà tâm hồn ông có thể trú ngụ một cách tự do không có rào cản, thứ mà kịch nghệ với yêu cầu phản ánh đời sống không thể làm được.

Ta cũng nhìn thấy được khoảng thời gian sau khi giải ngũ mà ông trở thành người vẽ quảng cáo, qua đó làm nổi bật lên tài năng khác biệt đó là mỹ thuật. Những cuộc “trà dư tửu hậu” với bậc kì tài như họa sĩ Bùi Xuân Phái cũng là chi tiết lần đầu bật mí, qua đó phản ánh đời sống văn nghệ nhiều thập niên trước. Khác với Xuân Quỳnh vừa quen vừa lạ, tin chắc trong cuốn sách này người đọc sẽ thấy một Lưu Quang Vũ dưới một góc nhìn tuy là “hẹp” hơn nhưng cũng lạ hơn mà chỉ những người kề cận mới có thể thấy. Điều này cũng sẽ dẫn đến một chân dung khác ta ít nghe đến là nghệ sĩ violon Lưu Tuấn - cha ruột tác giả - người đã hy sinh lùi lại phía sau để cặp Vũ-Quỳnh có thể tỏa sáng.

Gia đình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ (hàng trên) cùng các con (hàng dưới, từ trái qua) Lưu Tuấn Anh, Lưu Quỳnh Thơ và Lưu Minh Vũ.  Ảnh: GĐCC

Bằng tình phụ tử dạt dào và đầy thiêng liêng, thay vì nhắc đến những khác biệt đã khiến cuộc hôn nhân đầu nhanh chóng tan vỡ, tác giả Lưu Tuấn Anh lại cho ta thấy cái “tình” của người trong cuộc. Với Xuân Quỳnh thì dẫu đã rời khỏi mối quan hệ, nhưng bà vẫn luôn quan tâm đến phía bên nội của con trai mình. Mặc cho trong Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn đôi khi ta thấy những sự tranh cãi có khi căng thẳng giữa bà và mẹ chồng mình, thì trong cuộc sống bà vẫn không ngừng quan sát và nhớ đến họ. Còn với Lưu Tuấn dẫu không nói ra bởi những cách ngăn nhưng ta luôn thấy ở đó tình cảm giấu kín xuyên qua thời gian dành cho chính người phụ nữ ông đã đánh mất. Mối quan hệ gắn bó với Mí (hay Lưu Quỳnh Thơ) vắn số của ông cũng khiến cho ta không khỏi bất ngờ vì sự gắn kết của 2 gia đình có nhiều chồng chập và phức tạp này.

Nhớ về quá khứ, những kỉ niệm cũ vui vẻ, ấm áp với Mí hay Kíp của Lưu Tuấn Anh cũng đã cho ta một cái nhìn toàn diện về đại gia đình. Khép lại cuốn sách, một Mí trưởng thành hơn tuổi cũng như một Kíp có phần hoang dại, đôi chút bốc đồng... vẫn mãi còn đó. Nhưng khi sự kiện đã làm xáo động cả gia đình xảy ra, thì những trang viết ngày càng đau đớn và ám ảnh hơn. Độc giả không thôi xúc động với những linh cảm của chính tác giả khi tin rằng người em này vẫn còn ở đó trong những buổi tối mát trời nằm trên sân thượng để tránh cái nóng, khi nhìn thấy được những ngọn cây đung đưa trìu mến như muốn nói rằng mình vẫn ở đây hay việc Kíp đã bảo vệ mình trong những ngày đau khổ đó ra sao...

Có thể nói Những ô cửa gió lộng là một “món quà” thật sự dành cho những người hâm mộ cặp đôi Vũ – Quỳnh để ta thêm hiểu về hai người họ một cách bình dị đằng sau văn đàn cũng như sân khấu. Ngoài ra qua đó ta cũng được biết nhiều hơn về thế giới quan và nhân sinh quan của hai nghệ sĩ, cũng như là những ảnh hưởng từ cuộc sống đến sáng tác mà dù đi xa thì vẫn luôn có vị trí quan trọng trong lòng độc giả.

TUẤN MINH

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)