Người ta sinh ra không phải đã là lính

Chủ Nhật, 06/10/2024 00:35

(Đọc Bình minh phía trước của Nguyễn Trọng Luân, Nxb Quân đội nhân dân, 2023)

. BÙI VIỆT THẮNG
 

Theo tôi, có ba cách viết nương vào nhau tạo nên diện mạo chung của thực thể “văn học viết về chiến tranh” hiện nay. Cách thứ nhất, gồm những nhà văn đi theo bộ đội trên các chiến trường khác nhau lấy chất liệu, tích lũy vốn sống để viết (trường hợp Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Hồ Phương, Xuân Thiều, Phan Tứ, Nguyễn Trọng Oánh...) Họ viết theo sự quan sát thông minh, theo những kĩ thuật căn bản của nghề viết. Ngòi bút của họ có tính nhị nguyên trước hiện thực đời sống (nửa trực tiếp, nửa gián tiếp). Cách thứ hai, gồm những lính trận chính hiệu, cầm súng trước khi cầm bút (trường hợp Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn Trọng Luân, Nguyễn Quốc Trung, Sương Nguyệt Minh, Trung Sỹ, Đoàn Tuấn...) Họ là người can dự đời sống chiến tranh, hiểu nó đến từng chân tơ kẽ tóc với tư cách người trong cuộc, nếm trải đủ mọi gian khổ, nên như người ta thường nói “thép đã tôi thế đấy”; tác phẩm của họ được viết ra từ tâm thế “nhúng bút vào sự thật”. Không phải không có lí khi nói trong chiến tranh có hai chân lí (sự thật): chân lí (sự thật) chiến hàochân lí (sự thật) tổng hành dinh. Nếu nhìn chiến tranh chỉ từ một phía (chân lí/ sự thật) thì tác phẩm có thể trở nên phiến diện. Một nhà văn bấu chặt vào đời sống để viết, với tâm thế của người trong cuộc, vẫn có thể nâng tác phẩm đến sự hài hòa cả hai chân lí (sự thật) nếu anh ta có cả sự trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa hài hòa. Cách thứ ba, gồm những người sinh sau đẻ muộn (thế hệ 6x và tiếp sau), có thể “quệt” qua chiến tranh hoặc không, thì viết theo sở năng tưởng tượng (Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Tiến Thụy, Doãn Dũng...) Khi đó chiến tranh được “nhào nặn” theo những sơ đồ có tính chủ quan của người viết văn, thậm chí có thể “cơ bản là buồn”...

Khi viết Rừng đói (tiểu thuyết, 2016) Nguyễn Trọng Luân đã tựa hẳn vào khối chất liệu ròng ròng sự sống của chính mình và đồng đội trong 100 ngày đầu vào lính, chỉ làm một việc đi đào sắn, chế biến thô sơ, rồi “cõng” về cho các đơn vị chủ lực phía trước có cái ăn tối thiểu lấy sức đánh giặc. Một trăm ngày của một đơn vị nhỏ trong chiều dài mười nghìn ngày của cuộc kháng chiến trường kì (1945 - 1975) của dân tộc là một con số nhỏ. Nhưng ý nghĩa lịch sử - nhân văn của nó lại không hề nhỏ khi vấn đề con người và chiến tranh được đưa lên bàn cân, không phải đặt lên bàn cân “tiểu li”, mà có ý nghĩa thời đại, vĩ mô. Khi viết Bình minh phía trước (tiểu thuyết, 2023), tác giả đã tự giác dịch chuyển ngòi bút vào thời điểm hệ trọng, quyết định vận mệnh cả dân tộc và mỗi cá nhân - từ những năm tháng trước đến kết thúc chiến tranh (4/1975). Khi con người nhận biết được sự kết thúc chiến tranh đang đến gần thì ý thức về cái sống và cái chết càng trở nên sâu sắc, cũng từ đó mà cuộc đấu tranh nội tâm càng trở nên quyết liệt, khi âm thầm khi trào dâng: “Chiến trận cứ lắp mảnh màu này vào mảnh màu kia để thành một bức tranh rậm rịt toàn là khói lửa rừng rực và toe toét xương máu. Nhưng chiến tranh cũng bừng sáng lên ở những giao thoa tâm hồn con người vào lúc nguy hiểm nhất. Ở chỗ chết chóc nhất thường ta hay gặp những mầm yêu mầm sống đẹp đến bàng hoàng, nó thức dậy tâm hồn khao khát sống để yêu nhau.” Như vậy, sốngchết là những mảnh màu (phạm trù) vốn rất khác nhau của nhân sinh cõi trần gian, vốn trái ngược nhau, nhưng chiến tranh đã gắn chúng lại với nhau như hai mặt của một tờ giấy. Trong chiến tranh, người lính trận mạc thực thụ luôn luôn sống bên cạnh chết. Đây là cấu tứ, tuy không mới mẻ hoàn toàn nhưng nó được khắc sâu, mở rộng, truy vấn đến tận cùng thông qua ngôn từ tiểu thuyết.

Bình minh phía trước, nói cho cùng, không có nhân vật trung tâm, điển hình theo quan niệm “con người này, lạ mà quen” (Hegel). Nếu làm một phép so sánh (dẫu cho mọi sự so sánh đều khập khiễng) thì tiểu thuyết mới của Nguyễn Trọng Luân có cái nguyên tắc viết gần với Lính trận (2010) của Trung Trung Đỉnh. Có một nhân vật đi suốt tác phẩm được tác giả chăm bẵm nhiều hơn cả là Thành ích. Nhưng Thành ích sẽ lẻ loi, cô đơn nếu không được đặt vào một tập thể những cán bộ, chiến sĩ khác đến từ mọi miền đất nước, châu tuần lại trong một “gia đình quân đội lớn”. Đó là những người sống (như Quyết, Loan...) và những người chết (như Thung, Phong, Phiến...) Sẽ có người khi đọc Bình minh phía trước đặt câu hỏi: Ở thập kỉ thứ ba của thế kỉ XXI mà vẫn viết về chân dung nhân vật tập thể thì có gì khác Nguyễn Minh Châu viết Dấu chân người lính (1972)?! Nửa thế kỉ qua rồi tưởng phải khác về thi pháp tiểu thuyết chứ? Nhưng nếu người đọc (cần hơn cả là giới phê bình) sâu sát sẽ thấy, lối viết chân dung tập thể trong những tiểu thuyết về chiến tranh gần đây vẫn có thể đạt giá trị nghệ thuật như Nậm Ngặt mây trắng (2018) của Nguyễn Hùng Sơn, Gió Thượng Phùng (2018) của Võ Bá Cường. Cả hai tác phẩm đã thành công trong việc dựng chân dung tập thể quân và dân anh dũng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thuộc phên giậu, lãnh thổ đất nước trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài từ 1979 - 1989. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Hữu Ước - Suối Cọp (2021) - cũng đã xây dựng thành công một chân dung tập thể người lính trong kháng chiến chống Mĩ, tuy vẫn có một “thỏi nam châm” (anh lính Hữu) thu hút nhiều nhân vật khác. Như vậy phải chăng trong nghệ thuật, chữ “thời” cần được hiểu linh hoạt hơn.

Nếu nhà văn quan niệm cần phải dựng chân dung nhân vật cá thể, hoặc Thành ích, hoặc Quyết Hà Giang (có thể là bóng dáng của tác giả, từ tiểu sử, tâm trạng đến năng lực) là “điểm nhấn”, có khả năng hội tụ và thậm chí độc sáng cái gọi là chất lính, cao hơn là nhân cách anh bộ đội Cụ Hồ. Ở đoạn kết tiểu thuyết, có trích nhật kí của trung đội trưởng Quyết Hà Giang: “Thế là cả tiểu đoàn đã về đến một hang đá trên đất Phú Yên. Ở đây có thể nhìn thấy cánh đồng lúa ngời ngợi chạy ra phía biển. (...) Chả biết rồi sẽ đánh đến đâu và chả biết bao giờ thì được nghỉ vài ngày. Từ đêm cho trung đội ăn thịt tê tê mình cứ lo ngay ngáy. Đêm ấy trung đội 27 người ăn thì bây giờ đã hi sinh mất 7 rồi. (...) Người như muốn bay lên. Những bàn chân như muốn nhảy nhảy trên đường. Chúng tôi đã giải phóng tỉnh Phú Yên. Đêm nay hương lúa đồng bằng lùa vào tóc vào áo quần những người lính trên rừng về.” Rõ ràng, tác giả muốn viết về “chúng tôi”, về “những người lính” (số nhiều). Ưu điểm của lối viết tạc tượng “đám đông”, “tập thể”, “quần chúng” đã không bó buộc nhà văn đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật cá thể như Thành ích, Quyết Hà Giang, thầy giáo Thưng... Lối viết của Nguyễn Trọng Luân trong Bình minh phía trước là chú ý vào “mẫu số”, cũng bởi lẽ chiến tranh thường tạo nên những mẫu số chung lớn về lực lượng đông đảo người tham gia, về lòng yêu nước ngút ngàn, tinh thần xả thân tận hiến vì nghĩa lớn, là môi trường đào luyện nhân cách - lửa thử vàng gian nan thử sức - rõ ràng hơn lúc nào, nơi nào hết.

Phong cách và bút pháp hiện thực của Nguyễn Trọng Luân thể hiện ngay cách đặt nhan đề tác phẩm cả hai cuốn tiểu thuyết từ Rừng đói đến Bình minh phía trước. Ý kiến của nhà văn Bảo Ninh rất đáng quan tâm: “Vẫn cứ phải viết về chiến tranh. Nhưng viết thế nào cho ngày càng hay hơn lại rất khó. Mới đây có tiểu thuyết Rừng đói của Nguyễn Trọng Luân, tôi đã đọc. Hay vì viết một cách trung thực về chiến tranh.” Cách viết của Nguyễn Trọng Luân không màu mè, đến tận cùng sự thật dẫu cho đôi khi đắng đót, có người xếp nó vào cái gọi là “tả trận”. Tôi không nghĩ thế, vì đó chỉ là “phân khúc một” của văn học viết về chiến tranh. Cảm hứng phân tích chiến tranh và con người rất rõ ràng trong Rừng đói, lại càng hằn lên trong Bình minh phía trước. Viết theo nhiệt hứng phân tích nên tác giả tránh được sự “leo thang” của số chữ. Cuốn này sẽ nhập vào dòng tiểu thuyết ngắn hưng thịnh trên văn đàn đương thời. Chất hiện thực đầy ứ trong tác phẩm không che khuất chất lãng mạn, nên thơ của những trang viết bề ngoài khét lẹt khói thuốc súng và xám xịt tử thi. Những người lính có cái tư thế rất đẹp - “nằm ngay bên cái chết để chuyện trò về cái sống”. Chất lãng mạn nảy mầm từ vẻ đẹp tâm hồn của người lính chiến thực thụ. Chất lãng mạn còn quấn bện khi tác giả gắn cảnh với người, rộng ra là con người với tự nhiên. Nói Bình minh phía trước là cuốn tiểu thuyết chứa chan chất lãng mạn, nên thơ trên nền hiện thực chiến tranh khốc liệt còn chính là cảm hứng về tương lai tạo nên gốc rễ của mọi hành vi, ứng xử của người lính chiến trận. Độc giả ngày nay sẽ thực sự xúc động khi đọc đến “cận cảnh” lớp “tập huấn” đặc biệt được mở ra gấp gáp giữa bom đạn khét lẹt - đó thực chất là lớp học ngắn ngày chừng hai tháng cho những chiến sĩ không biết chữ, đa số họ từ các đơn vị chiến đấu về dự. Giáo viên là những thầy giáo nhập ngũ năm 1972, lúc này có cơ hội thể hiện năng lực chuyên môn phục vụ sát sao, hiệu quả thực tế đời sống. Họ được cánh lính gọi trìu mến, thân thương là “mấy anh văn hóa”. Đó là cảm hứng về tương lai tựa vững trên đôi cánh lãng mạn.

Lãng mạn và hiện thực là đôi cánh của văn chương từ xưa đến nay. Đọc Bình minh phía trước của Nguyễn Trọng Luân, độc giả cảm nhận được sâu sắc điều đó khi hiện thực - lãng mạn - bi hùng không tách rời, cái này nâng đỡ cái khác cùng nhau phát lộ, tỏa rạng trên từng trang sách. Để đạt được sự hài hòa đó, nhà văn đã viết bằng sự trải nghiệm đời sống của một người lính trận thực thụ có độ dày của trải nghiệm văn hóa, điều căn cốt của nghệ thuật.

B.V.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)