Bạn muốn viết tác phẩm mà độc giả sẽ không tiếc lời tán dương?

Chủ Nhật, 13/10/2024 07:43

Khi sách không bán được, thật dễ dàng để đổ lỗi cho công việc tiếp thị. Rốt cuộc, thật nhẹ nhàng hơn khi tin rằng sự tinh tế của cuốn sách đã bị che khuất bởi chiến dịch quảng cáo kém cỏi, hơn là phải đối mặt với khả năng rằng tác phẩm đó không đủ tốt. Một sự thật cay đắng. Thường thì không một cây bút nào muốn nghe cả. Nhưng có lẽ vấn đề không nằm ở khâu tiếp thị.

Có những tác giả tài năng, với những tác phẩm được trau chuốt tỉ mỉ, nhưng họ không biết cách tiếp thị hiệu quả, khiến cho tác phẩm không được chú ý. Tuy nhiên, đối với mỗi câu chuyện như vậy, lại có nhiều trường hợp, mà vấn đề thực sự nằm trong những trang sách, trong những dòng chữ không đủ hấp dẫn.

Trong một thế giới lí tưởng, bạn sẽ có cả hai: một cuốn sách tuyệt vời và một kế hoạch tiếp thị vững chắc. Nhưng nếu bạn cần phải chọn thì nội dung cuốn sách luôn là yếu tố quyết định. Một câu chuyện kém cỏi, dù có được quảng cáo tốt đến đâu, cũng sẽ không đi xa được. Nó có thể thu hút một chút sự chú ý, tạo nên gợn sóng, nhưng sẽ không chạm được đến trái tim của người đọc. Ngược lại, một cuốn sách phi thường - loại sách mà người đọc chẳng thể không chia sẻ với bạn bè - hoàn toàn có thể tự mình lan tỏa. Đó là loại sách tự tạo động lực riêng, như một đóa hoa dại nở ra từ kẽ nứt của vỉa hè, lan tỏa nhờ chính những lời thì thầm của độc giả.

Hãy nhìn vào trường hợp của Han Kang, tác giả Hàn Quốc với cuốn tiểu thuyết "Người Ăn Chay" thu hút sự chú ý toàn cầu sau khi giành giải Man Booker Quốc tế rồi giải Nobel Văn chương tuần này. Mặc dù tác phẩm đã được dịch sang tiếng Anh, chính những lời truyền miệng, những cuộc thảo luận đầy đam mê ở Hàn Quốc đã đưa nó trở thành hiện tượng văn học.

Không phải cần đến chiến dịch tiếp thị khổng lồ nào cả. Chính sức hút thô sơ, mãnh liệt của câu chuyện đã làm nên thành công cho tác phẩm đó.

Bài học ở đây thật đơn giản: Bạn có thể sống sót với việc tiếp thị trung bình, nhưng bạn không thể tồn tại với một nội dung kém cỏi.

 Ảnh minh họa.

Nhưng thế nào là sách tồi? Tôi không phải là nhà phê bình văn học, nhưng từ góc độ tiếp thị, một cuốn sách hay là cuốn sách mà độc giả yêu thích. Đừng bận tâm đến phong cách, sự độc đáo hay việc các nhà phê bình đánh giá. Điều quan trọng là liệu độc giả của bạn - những người thực sự, bằng xương bằng thịt - có bị cuốn hút bởi tác phẩm hay không. Họ có đọc mãi không dừng, chìm đắm trong từng trang sách? Họ có phấn khích giới thiệu tác phẩm đó cho bạn bè của họ hay không?

Nếu ước mơ của bạn là viết lách, đặc biệt viết bằng tiếng Anh cho độc giả toàn cầu, thì đây chính là điều bạn nên tập trung vào: Cần viết ra những tác phẩm mà người đọc không thể buông xuống, những câu chuyện lưu lại trong tâm trí họ lâu sau khi chương cuối kết thúc.

Để làm được điều đó, bạn sẽ cần đến ba yếu tố.

Đầu tiên là sự hiểu biết sâu sắc về thị trường. Cho dù đó là sự nhạy bén tự nhiên hay việc nghiên cứu kĩ lưỡng, bạn phải hiểu được độc giả của riêng mình: Họ là ai và mong muốn điều gì.

Viết theo thị trường không có nghĩa là bán rẻ tâm hồn mà có nghĩa là biết điều gì đang chạm đến tâm tư của độc giả và mình tìm cách hòa hợp điều đó với giọng văn nghệ thuật của riêng mình.

Yếu tố thứ hai là tay nghề. Viết là một kĩ năng, một nghề đòi hỏi sự rèn luyện và mài giũa qua thời gian, sự kiên nhẫn và, đương nhiên, thực hành.

Nhiều tác giả chỉ dồn năng lượng vào việc lập các kế hoạch tiếp thị thay vì tập trung vào việc viết lách. Tức là ngồi xuống để trau chuốt từng câu chữ, định hình câu chuyện cho đến khi nó thực sự hoàn hảo. Nếu không có sự cống hiến cho nghề viết, tiếp thị cũng chẳng ý nghĩa gì.

Và yếu tố thứ ba, đó chính là sự may mắn. Vâng, sự may mắn. Ngay cả những nhà xuất bản lớn nhất thế giới, như Penguin Random House, với đội ngũ chuyên gia và nguồn lực khổng lồ, vẫn phải dựa vào may mắn. Họ xuất bản hơn 15.000 đầu sách mỗi năm, nhưng chỉ có một số ít lọt vào danh sách bán chạy nhất. Dù có cả bộ máy tiếp thị mạnh mẽ, họ vẫn chỉ thành công với một phần nhỏ trong số những cuốn sách họ phát hành.

Sự thật là ngành xuất bản được xây dựng trên những rủi ro tính toán như vậy. Những ông lớn ngành xuất bản luôn biết rằng họ sẽ không thành công với mọi cuốn sách. Một tác phẩm đột phá sẽ bù đắp cho mất mát của những cuốn khác.

Đó là một canh bạc, dù bạn là tác giả độc lập hay kí hợp đồng với nhà xuất bản truyền thống. Nhưng bạn có thể cải thiện cơ hội bằng cách chơi thông minh.

Càng viết nhiều, cơ hội của bạn càng lớn. Và những tác phẩm, cuốn sách càng hay, càng có khả năng độc giả sẽ yêu thích chúng.

Điều này không có nghĩa là nên hoàn toàn bỏ qua tiếp thị. Có một sự cân bằng tinh tế ở đây. Nhưng nền tảng của sự cân bằng đó chính là viết lách. Đó là cốt lõi của mọi thứ. Nếu không có nội dung tốt, tất cả những nỗ lực tiếp thị trên thế giới cũng sẽ chẳng thể giúp bạn.

Vì vậy, khi tiếp tục hành trình, nên nhớ: Hãy tiếp tục viết, tiếp tục hoàn thiện kĩ năng, và, biết đâu, may mắn sẽ mỉm cười với bạn như với nhà văn nữ Han Kang.

NGỌC TRÂN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)