‘Vườn yêu’: Những kiếm tìm mỏi mệt

Thứ Năm, 31/10/2024 13:43

Trong cuốn tiểu thuyết thứ ba mang tên Vườn yêu (Phanbook và NXB Hội Nhà Văn ấn hành), tác giả Nguyễn Hải Nhật Huy tiếp tục mở rộng trí tưởng tượng với một câu chuyện sử dụng nhiều khái niệm mới mẻ, từ đa vũ trụ, chồng chập cảnh giới cho đến xuyên qua kẽ nứt không - thời gian để đến với cuộc phiêu du dục tính bất tận.

Tưởng tượng mới mẻ

Vài năm trước đây, Nguyễn Hải Nhật Huy từng gây ấn tượng trên văn đàn Việt với cuốn tiểu thuyết Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới. Dễ thấy các tác phẩm của anh thường đặt trọng tâm vào những người trẻ cảm thấy chông chênh trong cuộc sống hiện đại, từ đó đi sâu vào nội tâm mình. Tuy vậy anh không chú trọng cách viết nghiêm túc mà luôn “thả” vào tác phẩm những sự tưởng tượng có phần nghịch ngợm, đôi khi bất tuân. Chẳng hạn ở Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới là người ngoài hành tinh và câu chuyện về chủ nghĩa tiêu dùng, trong khi ở Vườn yêu là những chiều kích mà câu hỏi được đặt ra là đời sống con người đổi khác ra sao nếu như ta quyết định khác đi ở những khúc quanh quan trọng của cuộc đời mình.

Trong một cuộc phỏng vấn, tác giả đã chia sẻ rằng: “Ngày xưa gia đình tôi có một tiệm sách báo nhỏ, tôi hay trông hàng giúp má vào các buổi chiều, thường tranh thủ thời gian đọc rất nhiều, từ báo chí cho đến các thể loại khoa học thường thức, võ hiệp, truyện tranh. Nhìn chung có lẽ vì thế mà tôi vốn thích những gì phiêu lưu, li kì”. Và đúng như thế, Vườn yêu thật sự mang theo màu sắc của một hành trình phức tạp, bí ẩn và cũng kì lạ. Nó kể về chàng thanh niên Nhật Huy - người đến Ấn Độ tìm thầy Thích Thoát Trí để được hướng dẫn phiêu lưu cảnh giới. Sở dĩ biết đến điều này là vì một người bạn tên Long của anh trong một tai nạn bất ngờ đã đến một thế giới khác, nơi những nút thắt lịch sử thay đổi bất ngờ từ đó tạo nên cảnh quan đời sống cũng như nội tâm không giống thế kỉ 21 mà họ đang sống. Với sự tò mò, nhân vật chính này lên đường để tự mình lạc vào nơi chốn ấy, và liệu có thành công không?

Bìa cuốn sách.

Điểm đáng khen nhất ở Vườn yêu chính là trí tưởng tượng của tác giả. Dẫu biết đa vũ trụ, chồng chập chiều kích không còn là điều quá mới mẻ nữa khi các tác phẩm điện ảnh như Everything Everywhere All At Once hay các phần nhỏ thuộc series siêu anh hùng Marvel đã có thành công thương mại trên toàn thế giới, nhưng trong cuốn sách, Nguyễn Hải Nhật Huy vẫn lồng ghép tốt yếu tố bản địa trong tác phẩm này. Anh dùng Phật giáo để nói về cây nhân - quả và những “cành nhánh” của nó như những vũ trụ tồn tại song song nếu như người ta chọn lựa khác đi. Từ nền móng đó, anh đã kết hợp các khái niệm toán học, vật lí lượng tử, vũ trụ, triết học... để nói về các vector, điểm gốc, hố đen thời gian, bước nhảy không gian... để giải thích cho chồng chập chiều kích. Điều này cho thấy một sự truy tầm và dấn thân sâu của tác giả qua việc khai mở trí tưởng tượng của bản thân, từ đó khiến cho tác phẩm vừa quen thuộc với những triết lí về kiếp sau, vị lai nhưng cũng mới mẻ với những khoảng trống khoa học vẫn còn bỏ ngõ.

Điểm đặc biệt thứ 2 là xuyên suốt cuốn sách, vẻ hài hước, châm biếm cũng được duy trì một cách hài hòa. Từ việc cho nhân vật chính mang tên của mình cho đến việc tưởng tượng ra một thế giới khác mang tên Trúc Lâm, nơi con người ta có thể giải phóng những gì nguyên bản và hoang sơ nhất chính là dục tình. Mượn thế giới khác để nói về thời đại này, Nguyễn Hải Nhật Huy đã gửi gắm nhiều mong ước vào thế giới gần như “không tưởng” mà anh tạo ra, từ nhiều rừng hơn, ít xe cộ hơn, ít chuyến bay hơn dẫn đến môi trường cũng không ô nhiễm. Con người ở đó chung sống với các Thần rừng có giá trị khai thác cao mà không khỏi khiến ta nhớ đến TinkerBell của Peter Pan cũng như không ngại bộc lộ chính mình thông qua dục tính.

Phải nói tác giả tương đối dũng cảm khi đã khai thác một trong những yếu tố không thường xuyên thấy và được khai thác trong văn chương Á Đông đó là tình dục. Đây là một lối hoán dụ tương đối hợp lí để nói về ước mong và những suy tư chôn chặt trong lòng mỗi người. Nếu ở Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới là chủ nghĩa tiêu dùng, thì ở Vườn yêu, tác giả đã tiến một bước cao hơn vào một lãnh địa có tầm phổ quát. Tiêu dùng có thể không phải là một ân điển đối với con người, nhưng dục tình thì có. Có thể nói cuốn sách thứ 2 cho thấy sự dấn thân sâu của chính tác giả trong nỗ lực tạo ra một tác phẩm đa nghĩa để nói về những kiềm kẹp không chỉ ở thời hiện đại, mà còn là sâu tận trong bản chất, như việc truy tìm lại chính hạt nhân hay là bản nguyên của mỗi một người. Qua sự khác biệt giữa hai thế giới, ta có thể hiểu mình đã sống sót mà không thực sống đến mức độ nào.

Thiếu sự tiết chế

Tuy vậy, thẳng thắng mà nói, Vườn yêu vẫn còn tồn tại rất nhiều thiếu sót. Được mô tả là một tiểu thuyết “đa cảnh giới”, “chồng chập chiều kích”... nhưng thật ra trong cuốn sách này chỉ có 2 nơi duy nhất được Nguyễn Hải Nhật Huy chú ý, dù anh từng viết ở những chương đầu có lượng vô số những chiều kích này. Thế giới Trúc Lâm được anh mô tả cũng không khác xa thời đại ngày nay là mấy, qua đó cho thấy khả năng xây dựng bối cảnh của tác giả này còn rất hạn chế. Nó vẫn đi theo lối mòn kinh điển là xoay ngược lại thế giới hiện tại, nơi thứ xấu trở nên tốt đẹp và những hạn chế được đánh sáng bóng. Nó tuy mới mẻ với cách lật ngược tiến trình lịch sử hay kết hợp sử tây - sử ta... nhưng bao nhiêu ấy vẫn chưa đủ với một cuốn sách được xây dựng nền móng tương đối thú vị ở những buổi đầu. Việc hai thế giới này không khác biệt nhau khiến cho cuốn sách đôi khi chững lại, khi chính độc giả đang không thể biết mình ở nơi đâu.

Tác giả Nguyễn Hải Nhật Huy. Ảnh: TL

Ngoài ra, tác giả cũng cho thấy mình chưa thật khéo léo trong cách dẫn truyện. Với một nội dung đã rất thể nghiệm như đã nói trên, độc giả chờ đợi một cách khai phá ấn tượng và độc đáo hơn thay vì là những miêu tả hay các đối thoại truyền thống thông thường. Cái châm biếm và sự hài hước cũng không được giữ cho đến cuối cùng. Tác giả tuy là đã dùng phong phú chất liệu từ đời sống đến văn chương, từ pho sử đến lời ăn tiếng nói hàng ngày... nhưng sự tinh tế là chưa thể có. Mọi thứ hỗn loạn và lồ lộ ra nhưng lại không khiến người đọc vỡ ra điều gì. Giá như tác giả biết tiết chế hơn để việc châm biếm khiến cho độc giả phải suy ngẫm hơn là thứ hài nhộn nhạo, thượng vàng hạ cám... mà mọi thứ như được bày ê hề trước mắt như một bàn tiệc thịnh soạn nhưng chỉ toàn thứ thực phẩm hạng hai.

Cuối cùng, như đã nói trên, dục tính là một trong những chân kiềng của cuốn sách này, nhưng cũng như trên, nó hiển lộ hầu như khắp nơi trong sự bất cần của việc thiếu tiết chế, khiến cho độc giả cảm thấy mỏi mệt. Có thể là sự châm biếm khi dục tính ở chiều kích Trúc Lâm không hề ẩn giấu, nhưng nó vẫn thô quá mức cần thiết. Có cảm giác Nguyễn Hải Nhật Huy muốn tạo cú hích cảm xúc ở những nơi này, nhưng vì đã quá ê hề một món quen thuộc, nó lại nhàm chán và khiến mạch đọc bị chùn hẫng lại. Tác giả cần phải cân nhắc và tiết chế hơn, để với số ít có thể tạo hiệu ứng thay vì gây ra nhiều sự mệt mỏi.

Vườn yêu như đã nói trên, cho thấy được sức sáng tạo của Nguyễn Hải Nhật Huy trong việc vẽ ra một thế giới mới để từ đó phản ánh cũng như phơi bày những điều ẩn giấu trong xã hội hiện tại. Tuy vậy hạn chế về cách triển khai cũng như việc thiếu tiết chế để tạo điểm nhấn đã khiến cho cuốn tiểu thuyết trở nên “ê hề”, không có trọng tâm. Nhưng dẫu sao từ Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới cho đến Vườn yêu, thì sự phát triển của cây bút này là điều không thể phủ định.

TUẤN MINH

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)