(Đọc "Sự im lặng biếc xanh”, tập thơ của Như Bình, NXB Hội Nhà văn, 2024)
Trong “Một mùa đông ở Stockholm”, nữ sĩ người Thuỵ Điển Agneta Pleijel viết: “Ở mỗi con người, dường như có nhiều cuộc đời khác nữa”. Tất nhiên rồi, con người trừu tượng, phức tạp, đa diện, khó đoán, khó lường hơn mọi thứ trên đời. Mỗi cuộc người là một cuộc loay hoay ngụy trang, đậy điệm, dẫu khéo léo đến đâu thì cũng rất dễ có nguy cơ giấu đầu hở đuôi. Mà với chủ thể hai trong một - sống và viết - thì cái “đuôi” thường khi bị lộ lõa lồ ở cái viết.
Về câu chuyện thú vị này, nhà thơ người Chile Pablo Neruda (Nobel văn học 1971) xác quyết: “Rất tự nhiên. Cuộc đời nhà thơ được phản ánh trong thơ anh ta. Đó là luật của nghệ thuật và luật của cuộc đời”. Và cây bút người Anh Ted Hughes cũng phát biểu: Chẳng phải Goethe đã gọi tác phẩm của ông là một cuộc tự thú sao? Cũng thế, nếu xem lại các tác phẩm của Shakespeare trên tinh thần phóng khoáng nhất, ta cũng sẽ thấy tác phẩm của ông là một sự tự vấn, một sự tự buộc tội, hoàn toàn là một sự tự thú - rất trần trụi. Có lẽ mọi nhà văn, những ai từng sống đời thi sĩ, đều thế cả. Và thơ ca nào cũng thế, một khi vẫn còn liên hệ và làm rung động chúng ta, sẽ tiết lộ những điều người viết tận sâu thẳm không muốn nói ra, dẫu rất khát khao được hiểu. Có lẽ chính vì nhu cầu che giấu ấy mà sinh ra thơ. Nhà thơ nghĩ mình đang viết để mua vui, nhưng thật ra anh ta đang bày tỏ cái khát khao được chia sẻ. Điều bí ẩn thật sự chính ở nhu cầu lạ lùng ấy. Tại sao anh ta không giấu chúng đi và im miệng lại? Tại sao anh ta lại viết ra? Tại sao nhân loại cần tự thú? Có lẽ, nếu không có những tự thú bí mật ấy, anh sẽ không có thơ - không có cả truyện. Và cũng sẽ không có nhà văn.
Phải, viết gì cũng là tự truyện, tự vấn, tự thú. Trường hợp nữ sĩ Như Bình với thi phẩm “Sự im lặng biếc xanh” là thêm một bằng chứng hùng hồn sinh động, củng cố và khẳng định tính tất yếu sự tồn tại “luật của nghệ thuật và luật của cuộc đời” nói trên.
Bìa tập thơ "Sự im lặng biếc xanh" của Như Bình.
Vậy, Như Bình tự thú với chúng ta điều gì? Chị tự thú rằng, thực ra mình chỉ là một “con thú”, một “nàng bò cái”, hoang dại và cô đơn, bị nhốt và bỏ đói quá sâu và quá lâu: “em không thể chạy đến để nói với anh thật ra em rất cô đơn/ con thú hoang trong em rũ lông cụp đuôi lùi về phía bìa rừng/ gục đầu thú tội/…/ nỗi nhớ phờ phạc đổ bóng những chiều tà/ nỗi nhớ rạc gầy trong xác thân héo rũ/ nỗi nhớ như a xít ăn mòn răng và tóc/ chỉ còn trơ lại hốc mắt khô/…/ con thú hoang đã nhốt sâu/ dù nó nhe răng van vỉ em bằng cái vẻ cụp đuôi xờ xạc/ dù nó đã cắn em suốt đêm trong nỗi nhớ anh phờ phạc” (Con thú); “tôi khóc như điên cởi trói cho bò/ những chiếc xích sắt khóc cùng tôi lạnh lẽo/ mắt nàng đâu, mũi nàng đâu, tai nàng đâu, cả đôi chân trên thảo nguyên của nàng nơi đâu/ tôi buồn như điên bất lực như điên/ chạy vòng quanh bầu sữa chờ những ống hút màu bạch tuộc/ nàng bò cái xuyên qua tôi đôi mắt mọng đỏ/ cái nhìn nhưng nhức cơn sốt sữa” (Nàng bò cái)…
“Có phải chúng ta đang bị tự nhiên lừa/ để kéo dài sự sống”. Đây là hai câu thơ của thi sĩ Trương Đăng Dung, dựa trên ý của triết gia vĩ đại người Đức Arthur Schopenhauer. Theo đó, cái gọi là tình yêu đã bị đặt vào tình thế giải thiêng, hoài nghi, chất vấn. Con tạo khéo bày trò lừa mị con người, để rồi giống đực và giống cái ngộ tưởng yêu nhau mà đến với nhau, phối trộn cùng nhau, để lại tạo sinh ra những con người, để nhân loài được trì bồi miên viễn.
Mặc kệ ai giải thiêng, hoài nghi, chất vấn tình yêu, thì trái tim đàn bà Như Bình vẫn đinh ninh tin, rằng tình yêu là có thật, rằng tình yêu là tất cả sinh mệnh, là ân điển và tai ách, hạnh phúc và thống khổ, phấn hứng và bất an, đầy tràn và hao rạc…
Như Bình diễn nhiều vai, thực hành nhiều bổn phận, để rồi sau cuối chị trở về đúng nghĩa trái tim mình, thảng thốt nhận ra mình vừa đáng thương vừa đáng trách, bởi tự giam cầm trái tim, bất tuân nó, thì đồng nghĩa với ngược đãi bản thân, và hơn thế, đồng nghĩa với tự “biến mình thành kẻ sát nhân lạnh giá”, nạn nhân ở đây không phải là ai khác mà là chính mình.
Nếu như đôi trai gái Thái lỡ duyên nhau trong “Xống chụ xon xao” vẫn “tiễn dặn người yêu” với tinh thần lạc quan tếu: “không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông/ không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau lúc goá bụa về già”, thì Như Bình dường như đã không còn đủ sức để nuôi hi vọng: “ta đã không thuộc về nhau một ngàn năm trước/ thì hãy để một ngàn năm sau nữa vẫn lạc nhau” (Con thú); “chúng mình như những ngôi sao xa/ hun hút sáng không thể nào tới được/ vầng trăng hỏi em/ còn kiếp nào cho tình yêu” (Viết cho anh); “em thương những cái cây trên phố chật đông người/ cây thương em như thương một tuyệt vọng” (Âm thanh cuối).
Nhà thơ Như Bình hiện công tác tại Báo Công an nhân dân.
Nếu với nàng Kiều, "khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”, thì với Như Bình, chị muốn "tất toán” khối tình khi còn chưa mãn hạn sống. Chị sợ hãi cái chết, bởi chưa kịp yêu, tức chưa kịp sống: “em không muốn làm một hồn ma lạc lối/ em đã kịp sống đâu/ em đã kịp yêu đâu/ kẻ khát tình là em, yêu dại điên cũng là em, yêu như tử vì đạo chỉ có thể là em/ em nào đã kịp hôn và yêu như Eva thuở hồng hoang/ ngọt ngào trái cấm/ người đàn bà sợ chết/ như sợ sự đày ải tăm tối/ sợ vô biên cơn đói yêu thương/ sợ hồn ma/ dật dờ/ khóc than/ tiếc nuối” (Viết về một nỗi sợ hãi); “bây giờ gặm nhấm trước khổ đau/ để khi chết hồn không còn nước mắt/ cùng xác thân, yên ngủ dưới đất sâu” (Nghĩ về một cái chết).
Trong “Đất kinh kì”, nhà văn Nguyễn Khải để cho nhân vật người kể chuyện phát biểu: Văn chương đâu là thứ để dành ướp lạnh được, không dùng trước thì dùng sau hoặc dùng dần. Nó là sự sống mà lại là phần thiêng liêng mong manh dễ vỡ nhất của sự sống.
Đúng vậy. Với Như Bình, thơ là một cách để chị khám phá mình, cơi nới mình ra ngoài địa hạt văn xuôi. Thơ là nơi mà chị được tự do bày tỏ cái khát-vọng-thành-thực bao năm phong kín: “hãy để em được cất tiếng/ thanh âm như những ký tự/ em truyền chú mật ngữ vào thinh không” (Tảng đá đang thiền). Trường hợp Như Bình là hợp quy luật im lặng chỗ này thì lên tiếng chỗ kia, cũng là hợp quy luật thơ chỉ tràn ra trong tim khi mà cuộc sống đã thật đầy: “nỗi đau ướp nghìn sâu/ kết tinh những cánh đồng muối trắng” (Biển của em).
Nhà sử học văn học người Đức Friedrich Gundolf coi tác phẩm thơ như điểm nối kết giữa cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ. Theo ông, thơ là tấm gương phản chiếu cuộc đời của thi sĩ, là nguồn cội có thể rút ra tiểu sử cao siêu, đích thực và sâu kín nhất của nhà thơ. Và theo nhà văn người Pháp Marcel Proust thì cần phân biệt được ranh giới giữa những tiếng nói trong một câu chuyện hàn huyên với lời trong văn chương mà ta viết ra trong cô đơn, bắt im bặt những tiếng nói của mình cũng như của người khác. Bởi những lời trong văn chương này, dù biệt lập, dù ta phán đoán mọi vật không sâu sắc lắm, hay khi ta đứng trước chính mình, ta cũng phải cố gắng nghe và trả lời, nó là tiếng của trái tim, chứ không phải tiếng người trò chuyện.
Nhà thơ Luân Hoán trong một lần được hỏi về yếu tính của thơ đã trả lời vui: “ngôn ngữ - điệu vần - âm nhạc/ hình ảnh - màu sắc - ý tưởng/ mỗi thứ góp một chân/ cho tổng thể động đậy/ gia vị nào cũng cần/ cho em tôi lộng lẫy”. Nếu được hỏi thơ Như Bình hay ở điểm nào, tôi cũng không ngần ngại trả lời: Thơ của người thơ này hay ở tổng thể, mà làm nên cái hay tổng thể khó phân tách biện biệt ấy chính là sự tự nhiên chân thành.
Sau bã bời sống và yêu, “sầu não như điên/ nước mắt rơi như điên” (Nàng bò cái), Như Bình cũng đi đến được trạng thái tự cân bằng, nhờ học theo cách của bầu trời: “bầu trời triệu năm đã thiền bên mây trắng/ bọc ối thiền mặc kệ bão ngàn xa” (Những đám mây thiền bên cửa sổ máy bay); “thở vào thở ra tan biến/ hóa em một thanh âm lành” (Thiền 3).
Phải chăng, đó chính là “sự im lặng biếc xanh”?
Vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 19/10/2024, lễ ra mắt tập thơ "Sự im lặng biếc xanh" cùng tạp bút "Thương những xa xôi" của Như Bình sẽ diễn ra tại Phòng nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 65, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trong không gian ra mắt còn trưng bày các tác phẩm hội hoạ của nữ sĩ. |
HOÀNG ĐĂNG KHOA
VNQD