Không chỉ là số phận “một con người”

Thứ Năm, 24/10/2024 00:02

Là tiểu thuyết gia người Mĩ gốc Anh đã luôn có những hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người đồng giới vào thế kỷ XX, tác phẩm của Chrisopher Isherwood đi sâu đến những mâu thuẫn cùng phần ẩn ức nội tâm của nhóm người thiểu số này trong xã hội. Tiểu thuyết Một con người đã thể hiện rất rõ sự giằng xé, đớn đau bên cạnh nỗi khao khát yêu thương, cảm giác được tồn tại trong số phận lớp người bên lề xã hội này.

Sau khi Jim, người bạn đời của giáo sư văn học Anh George qua đời đột ngột, ông vẫn ngày ngày giữ nếp sinh hoạt cũ trong căn nhà từng là tổ ấm do chính ông cùng Jim đã tìm thấy và gầy dựng nên. Nhưng đằng sau nhịp sống ngỡ chừng bình thường ấy là những mâu thuẫn giằng xé giữa cuộc sống quẩn quanh không lối thoát, là tận cùng nỗi cô độc của một cá nhân thuộc phần thiểu số trong xã hội đang vật mình duy trì sự sống và nhận ra, xung quanh ông là muôn mặt dáng hình “ngoài rìa xã hội” cũng như được sống là điều đáng trân quý đến thế nào.

Nhà văn Chrisopher Isherwood

Lớp người thiểu số

Như đã nói, trong suốt những tháng năm cầm bút, sáng tác của nhà văn Chrisopher Isherwood đã góp một phần cho phong trào đấu tranh vì sự bình đẳng của người đồng giới nói riêng, và rộng hơn là sự bình đẳng của cộng đồng những con người thiểu số trong xã hội nói chung. Những con người khác biệt với “đa số” xã hội Mĩ thế kỉ XX về xu hướng tính dục, về quốc tịch, về màu da,… Và điều đó đã thể hiện rất rõ trong tiểu thuyết Một con người được ông viết vào năm 1964.

Đặt điểm nhìn vào nhân vật trung tâm, qua đôi mắt của giáo sư văn học Anh George, trên trang viết tiểu thuyết Một con người dần hiện lên tháng ngày ông trải qua sau khi người bạn đời đồng giới qua đời đột ngột. Trong căn nhà như một không gian biệt lập ông và người kia đã tìm thấy rồi cùng nhau tạo lập nên một tổ ấm, người kia tựa chiếc mỏ neo níu giữ ông với láng giềng và với chính cuộc sống. Con người đó ra đi, để lại nỗi cô đơn ê chề cùng vết thương sâu hoắm cho người ở lại về một hiện thực mà khi bản thân vẫn còn điểm tựa, người ta như đã lãng quên. Rằng trong xã hội này, họ là những kẻ thuộc lớp người thiểu số, họ là những kẻ dị biệt đứng ngoài guồng cuộc sống và bao con người “bình thường” ngoài kia.

Họ nhạy cảm xiết bao giữa cuộc đời này. Trước mỗi ánh nhìn, trước mỗi hành động của người đời, chừng như với họ đều là sự công kích buộc họ phải gồng mình lên để tự bảo vệ bản thân. Giận dữ, căm ghét hay hằn học với tất thảy có lẽ chỉ như một cách người ta đang tự khoác lên lớp mặt nạ nhằm giữ cho chính mình đứng vững khỏi sự sụp đổ. Bởi chiếc mỏ neo hòa hoãn, làm dịu tâm hồn người ta đã không còn nữa, dẫu cho người ta có cố níu lấy nhịp sống bình thường hằng ngày cũng không thể khỏa lấp. “Nhưng liệu George có thực sự ghét tất cả những kẻ này? Chẳng phải bản thân chúng cũng chỉ là lời biện hộ cho sự căm ghét? Vậy thì, nỗi căm ghét của George là gì?”

“Gã” đàn ông George bước vào tuổi trung niên, mất đi người bạn đời, sống riêng biệt với xã hội dường như hằn học, căm ghét tất cả? Song có lẽ, tới tận cùng, sự căm ghét ấy cũng không hoàn toàn hướng về phía hết thảy con người. Bởi xuyên suốt cuốn tiểu thuyết Một con người, George không phải kẻ duy nhất thuộc lớp người thiểu số. Trong xã hội nước Mĩ những năm 60 của thế kỉ XX, không chỉ người đồng tính là “kẻ dị biệt” mà người nhập cư, người da đen, những kẻ phóng khoáng ở dưới đáy cùng xã hội… cũng là những “kẻ ngoại lai”. Tại nơi được coi như mảnh đất hứa kia, họ đến, tìm lấy “một chỗ” của giá trị tồn tại. Nhưng tới tận cùng, những “kẻ ngoại lai” sống ngoài luồng, tách biệt với xã hội, bằng hình thức này hay hình thức khác như họ lại tìm thấy nhau ở giao điểm của “sự bệ rạc rã rượi đặc trưng của kẻ sống sót.”

Buông xuôi, rời bỏ, cái chết, tan lẫn vào bóng tối lẫn dòng nước biển đêm đặc quánh… lớp người thiểu số này lặng thầm sống, lặng thầm khẳng định sự tồn tại, và cũng lặng lẽ mà ra đi, trong nỗi khao khát yêu mãnh liệt quyện hòa cùng nỗi cô độc ăn mòn bản thân.

Bản in tiếng Việt Một con người

Nỗi cô độc ăn mòn

Mất đi điểm tựa tình cảm lẫn tinh thần, ẩn sâu trong sự “căm phẫn”, hằn học, vẻ ngoài bàng quan trong nhịp sống thường nhật vẫn điềm nhiên diễn ra là nỗi cô độc đang dần dà ăn mòn con người “gã” đàn ông trung niên George. “Gã” sinh hoạt như một cái máy và gặm nhấm “một sự mới mẻ phát ốm, như thể đây mới là lần đầu: Jim đã chết rồi. Đã chết.” Vì cô độc, George làm và gìn giữ tất cả những gì vốn thuộc về nếp “cũ” như một cách khỏa lấp nỗi “cô đơn tột bực” gã phải chịu đựng. Sự “cô đơn” không chỉ xuất phát từ một con người mất đi bạn đời mà hơn cả là con người đó đã mất đi mối dây liên kết cân bằng giữa bản thân với thế giới này, mất đi người có thể thấu hiểu, cũng có thể đồng cảm, và tiếp thêm cho họ lòng can trường, vì rằng họ là những kẻ đến từ cùng một thế giới.

Cô đơn khiến người ta thu mình lại trong lớp kén mà nhìn cuộc đời thêm phần cay nghiệt. Song cô đơn cũng khiến người ta dễ mở lòng với những cá thể cô đơn khác mà lắng nghe, mà tha thứ. Tha thứ với người họ từng căm ghét như một cách, người ta tự cứu rỗi lấy bản thân trước nỗi cô độc đang bào mòn cả thể xác lẫn tinh thần.

Cũng để họ nhận ra, tất cả đều cùng là “đồng loại” đang gắng sức để sinh tồn và tìm thấy giá trị của bản thân trong mối dây liên kết, sự gắn bó với “đồng loại” khác. Để rồi khi mối dây liên kết kia tan vỡ, nỗi ám ảnh bởi cái chết liền len lỏi, bủa vây. Cái chết hiện hình trong mọi ngõ ngách trong ngôi nhà giờ đây chỉ còn một người lẻ loi, cái chết hiện hình trong dáng vẻ mòn mỏi của người tha hương mất dần ý nghĩa sống, cái chết hiện hình trong bóng dáng con người đang sống những ngày cuối cùng của cuộc đời.

“Chúng ta đang trên cùng một con đường, tôi rồi sẽ sớm đi theo cô thôi.”

Thật sự, sau khi người bạn đời ra đi, George mất Jim vĩnh viễn, hơn cả nỗi cô độc gặm nhấm, có lẽ gã đã sớm ý thức được rằng, bản thân gã đang đi trên con người tận diệt. Gã làm việc, giao tiếp với con người, với “đồng loại” tựa như lời cáo chung gã gửi tới những kẻ cùng một thế giới với gã. Những kẻ, dẫu rằng khác biệt về tuổi tác, địa vị, xuất thân hay hoàn cảnh sống thì sớm thôi, họ có lẽ cũng sẽ đi tới con đường tận diệt trong sự cô đơn thăm thẳm, bi kịch và đầy bi quan như gã.

Sự sống của “một con người”

Tiêu đề cuốn tiểu thuyết là Một con người và điểm nhìn trần thuật của tác phẩm này được đặt trọn trên con người George, vị giáo sư dạy văn học Anh tại trường Đại học San Tomas. Nhưng bên cạnh cá nhân cụ thể như George, “một con người” mang nghĩa đầy bất định trong cuốn sách này lại cũng có thể là bất cứ ai. Và khi tác giả Chrisopher Isherwood xây dựng lên trang viết muôn mặt những số phận “dị biệt” trong xã hội nước Mĩ năm năm 60 của thế kỉ XX, thì “một con người” dường như chẳng còn mang tính cá thể riêng lẻ, mà đã trở thành cụm từ mang tính phổ quát. Rằng dù là gã, là anh, là ả, là cô hay là hắn, là em, là cậu… có khác biệt thế nào, họ vẫn là “một con người” toàn vẹn.

Họ mang theo “nỗi sợ sống sót” khi ý thức bản thân cô đơn, bé nhỏ, nhạy cảm và đầy yếu đuối thế nào trước cuộc đời, trước những biến động thời cuộc, cũng chẳng thể chạy trốn ánh nhìn người đời lẫn đổi thay xã hội. Vì cuối cùng, họ vẫn là “một con người” nhỏ bé xiết bao.

Nhưng dù cho có gánh chịu “nỗi sợ sống sót” đến đâu, tới tận cùng, những số phận bé mọn ấy vẫn khát khao được sống. Những kẻ “vô hình” mang theo ẩn ức về sự “tồn tại” và giá trị bản thân ở đâu sau tất thảy trôi dạt cuộc đời họ trải qua? Họ “sống sót” và bởi “sống sót”, người ta mới còn quá khứ lẫn tương lai. Dẫu cho người ta bị “quá khứ kìm hãm” nhưng vì “sống sót” và có “quá khứ” kia, người ta có thể nhớ về kỉ niệm mà trân trọng và không nguôi quên đi người đã khuất. “Sống”, cũng là khi người ta còn tương lai, cho chính mình, lẫn “tình yêu”.

Giữa màn đêm mà bầu trời lẫn mặt nước như tiếp giáp, hòa quyện trong bầu không gian đặc quánh đen kịt, lớp người “ngoại lai” này dần chìm sâu xuống dòng nước. Bóng những “kẻ dị biệt” khác dần xuất hiện, mang theo sự nồng nhiệt riêng, bên cạnh khao khát tồn tại, còn là khát khao tự do, phá bỏ xiềng xích. Tựa sóng biển đêm cuộn ngầm dưới mặt nước, vô thanh, vô hình mà mãnh liệt quấn lấy “một con người” chìm sâu xuống mặt biển u tịch, chìm sâu xuống lòng xã hội vẫn coi họ như những kẻ sống bên lề, chẳng có một “chỗ đứng.”

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)