Và rồi tín gậy “yêu thương” đã được trao đi

Chủ Nhật, 20/10/2024 00:50

Được chuyển thể thành bộ phim cùng tên năm 2021, cuốn tiểu thuyết của Seo Maiko viết năm 2018, Và rồi tín gậy đã được trao đi là câu chuyện của những yêu thương được gửi trao giữa những con người dẫu không cùng chung huyết thống. Yêu thương đó như “tín gậy” trên chặng đường đời đằng đẵng mà mỗi người trải qua. “Tín gậy” trao đi, yêu thương gửi gắm để người họ yêu thương, được hạnh phúc.

Yuko là một nữ sinh đặc biệt. Sự đặc biệt đến từ cuộc sống của cô khi Yuko có tới hai người mẹ, ba người cha. Họ của cô vì thế cũng liên tục thay đổi từ Tanaka sang Izumigahara rồi Morimiya. Nhưng dẫu liên tục thay đổi người thân và cả môi trường sống thì Yuko vẫn luôn nhận được tình thương yêu, sự chở che, bao dung vô hạn. Tuy vậy, nỗi trăn trở về hai tiếng “gia đình” cùng việc phải rời xa những người Yuko mới vừa gắn bó không khỏi khiến cô vạch ra ranh giới để có thể bình thản đối diện trước mọi xao động cuộc sống. Dù thế, chính bản thân Yuko đã không nhận ra, “ranh giới” cô vạch ra kia chừng như sớm đã bị xóa nhòa trước những yêu thương cô được nhận và cách cô thể hiện tình thương tới những người cô trân trọng.

Gia đình

Như đã nói, là một nữ sinh sống trong hoàn cảnh đặc biệt, nên yếu tố gia đình với Yuko nói riêng, trong cuốn tiểu thuyết Và rồi tín gậy đã được trao đi nói chung là yếu tố được trở lại xuyên suốt trên trang viết. Và những gia đình Yuko đã sống đều là sự chắp vá mà dần dà, yếu tố huyết thống cũng không còn hiện hữu.

Mất mẹ từ rất sớm, tuổi thơ Yuko lớn lên bên cha cùng ông bà nội luôn dạy cô cách sống tiết kiệm, không phung phí. Yuko đón nhận người mẹ kế Rika khi cô lên lớp hai và cô Rika, bằng sự trẻ trung, xinh đẹp, lòng nhiệt thành, tình yêu thương thật lòng không vụ lợi với người con riêng của chồng, đã nhanh chóng trở thành “gia đình” của Yuko. Nhưng gia đình đó lại chia đôi ngả vào năm cuối cùng Yuko học tiểu học, ngày cha cô bé nhận điều chuyển công tác ra nước ngoài. Giữa hai lựa chọn “cha ruột” và “mẹ kế”, Yuko chọn ở lại với cô Rika. Để nuôi dạy Yuko, cũng như mang đến cho Yuko những điều Yuko ao ước, cô Rika sẵn sàng đánh đổi, hi sinh bản thân. Nhờ thế, Yuko có thêm hai người cha, dù không cùng huyết thống song đều thương yêu cô rất mực, bác Izumigahara và chú Morimiya.

Yếu tố “huyết thống” dần trở nên mờ nhạt trong cuộc sống, quá trình Yuko trưởng thành, đặc biệt từ khi cô không còn là Tanaka Yuko nữa. Nhưng dù mờ nhạt theo sự hiện hữu hữu hình, thì “huyết thống” vẫn như thứ ẩn ức vô hình nhức nhối, day dứt trong tâm thức Yuko. Rằng một gia đình “bình thường”, cuộc sống bên cạnh những người thân “ruột thịt” có khác biệt chăng với những tháng ngày đã qua cùng hiện tại cô đang đối mặt. Bởi dẫu những người cha, người mẹ kia có yêu thương cô vô hạn tới đâu thì đó tới tận cùng, đây vẫn là những gia đình được tạo lập từ sự chắp vá, gá víu giữa từng cá nhân xa lạ. Khác biệt thế hệ, suy nghĩ, tính cách, nỗi âu lo mơ hồ về sự “thấu hiểu”… mỗi lúc khiến “ranh giới” càng thêm sâu thẳm.

“Việc trở thành người thân của ai đó khó hơn em nghĩ. Đôi bên thế nào cũng sẽ để ý quá mức tới cảm xúc của bên còn lại.”

Vì “để ý quá mức tới cảm xúc của bên còn lại”, chừng như người ta lãng quên, hay luôn phải kìm nén xúc cảm, nghĩ suy, ước muốn trong việc làm sao gìn giữ lấy bầu không khí họ vẫn cho là “bình thường”. Mà càng “để ý”, vô hình trung người ta lại càng ý thức đến vấn đề huyết thống họ như đã cố lãng quên. Để rồi người ta nhận ra, càng là những người thân yêu, càng yêu thương, gần gũi và có trách nhiệm với nhau, kì vọng hay mâu thuẫn sẽ càng không thể tránh khỏi. Nhất là với những đứa trẻ trong độ tuổi nổi loạn, không còn quá nhỏ song lại chưa thật lớn khôn, thiếu vốn sống nhưng lại nhạy cảm khôn cùng đó.

Gia đình là nơi trú ngụ của những cá nhân có chung huyết thống. Nhưng rộng hơn, gia đình cũng là nơi trú ngụ của những con người đã luôn nghĩ và quan tâm đến nhau, dành cho nhau khoảng lặng để cảm thông, sẻ chia, dành tình thương cho nhau với niềm khao khát rằng, người mình yêu thương sẽ được hạnh phúc. Bất kể rằng, đến một ngày, họ có thể không còn chung sống cùng nhau dưới chung một mái nhà đi chăng nữa.

Trách nhiệm và yêu thương

Tiểu thuyết Và rồi tín gậy đã được trao đi đề cập đến hoàn cảnh sống đặc biệt của nữ sinh cấp ba Morimiya Yuko nhưng ngoài khía cạnh Yuko có hai người mẹ, ba người cha thì sự đặc biệt ấy còn đến từ yếu tố là dù sống với bất kì ai, người mẹ kế Rika hay người cha dượng Izumigahara trước đó rồi Moriyama sau này, tới đâu, Yuko cũng nhận được tình yêu thương không chút vụ lợi. Tình thương yêu vô hạn xuất phát từ những con người không chung huyết thống song luôn ý thức rằng, họ là gia đình của cô bé Yuko. Bởi thế, bản thân họ cần có trách nhiệm trao cho Yuko tình thân và trao cho Yuko cả tương lai mà cô xứng đáng được nhận.

Ý thức mãnh liệt đó thật sự rất đặc biệt trong bối cảnh những gia đình Yuko đã sống đều được tạo lập từ các cá nhân xa lạ. Đặc biệt đến nỗi, Yuko phải thừa nhận “Tôi chưa từng phải gồng mình miễn cưỡng làm điều gì, luôn vui tươi, yêu đời, nhưng lại khiến người khác phải quan tâm, lo lắng. Chính việc phải cảm thấy áy náy vì mình đang sống một cuộc sống bình thường mới là điều bất hạnh” và chính cô đã thốt lên với người cha dượng hiện tại của cô, chú Morimiya rằng: “Cháu thấy mệt mỏi khi được bao quanh bởi toàn người tốt quá. Cháu nghĩ nếu người mẹ tiếp theo của cháu là một người xấu tính một chút thì sẽ có nhiều cái tiện lợi hơn.”

Nhưng không bị bạo hành hay không có những nỗi buồn thường trực của một cô nữ sinh liên tục thay đổi môi trường sống với những “người thân xa lạ” khác nhau không có nghĩa Yuko không có những âu lo riêng. Mà chừng như, càng bình thản đối diện với cuộc sống gia đình bao nhiêu, càng bình thản đón nhận việc trong tương lai có thể tiếp tục, lần nữa thay đổi môi trường sống và sống cùng những “người thân xa lạ” khác, thì cũng là khi, nỗi cô đơn trong cô nữ sinh ấy lại càng thêm sâu sắc. Bởi, trong ánh nhìn của những người xung quanh, Yuko được mẹ kế, cha dượng yêu thương đã là một sự bất thường. Và bản thân cô, tự nhiên đề cập tới chuyện gia đình ngay trước tập thể, cũng là bất thường như thế. Ngần ấy năm, qua nhiều biến cố, gặp gỡ và sống cùng muôn mặt kiếp người khác nhau, lòng Yuko như càng thêm bình lặng để đón nhận tương lai phía trước.

“Trong cuộc đời, sẽ có những lúc chúng ta buộc phải trở nên mạnh mẽ.”

Nhưng trong cuộc đời, cũng sẽ có những lúc ta có thể buông bỏ sự mạnh mẽ để dựa vào người thân, gia đình. Dù cho, nền tảng “tình thân” bước đầu xây dựng trên sự gặp gỡ giữa những con người khác biệt.

Mỗi người làm cha, làm mẹ lại có cách thể hiện thương yêu khác nhau. Có người nhiệt huyết tự do, có người thầm lặng mỗi ngày hay cũng có người nhiệt tình tới vụng về… Và yêu thương, đâu nhất thiết phải xuất phát từ cùng một dòng máu. Mà là khi, từ trách nhiệm đến thương yêu, người ta sẵn sàng hi sinh, chấp nhận buông bỏ để trở thành điểm tựa cho người họ trân quý.

Hạnh phúc

Được viết qua ngôi kể thứ nhất, từ điểm nhìn của nhân vật “tôi”, cô nữ sinh Yuko, Và rồi tín gậy đã được trao đi như lời tự truyện chính Yuko kể về cuộc sống bản thân đã trải qua. Trong hiện tại, và trong dòng chảy thời gian quá khứ, với những người cha, người mẹ đã từng xuất hiện, đi qua cuộc đời 17, 18 năm của Yuko.

Câu chuyện lớp lang, ẩn chứa nhiều tầng bậc nội dung như chính nội tâm sâu thẳm của mỗi cá nhân xuất hiện trên trang sách. Bởi không chỉ Yuko mang những âu lo, sớm phải học cách đưa ra lựa chọn đúng - sai và có trách nhiệm với lựa chọn đó. Mà cả những người bạn của cô cũng gặp phải mâu thuẫn thường nhật với người thân trong gia đình. Và bao người lớn cũng đang gồng mình lên cùng ý thức trách nhiệm đè nặng trên vai, lẫn tình yêu thương thật khó để nói thành lời.

Yêu thương khó để diễn đạt, nên bao xúc cảm đó, người ta gửi vào từng hành động, suy tính, cho hiện tại và tương lai của người mình thương yêu. Người ta đứng trước những lựa chọn, có thể đúng, có thể sai, nhưng tới tận cùng, được sống, đón nhận và trao đi thương yêu, đã là một điều hạnh phúc đáng trân trọng.

Bởi “có được một người quan trọng hơn chính mình là một điều hạnh phúc, có nhiều việc chú không thể làm được cho chính mình nhưng lại có thể làm được cho con cái.”

Và giữa cuộc đời này, người ta sống không đơn thuần chỉ bo bo giữ lấy yêu thương cho cá nhân. Mà tình yêu được nhận về và trao đi, mới có thể làm nên hạnh phúc. Như một cuộc chạy tiếp sức trên đường đời, đứa trẻ đón nhận thương yêu của người lớn mà dần trưởng thành. Chúng gặp gỡ, tiếp xúc, mở rộng thêm nhiều mối quan hệ để nhận ra, giữa cuộc đời bao la này, người ta chẳng hề cô đơn hay lạc lối.

Từng được độc giả Việt Nam biết đến qua cuốn tiểu thuyết Bữa cơm ngày mai chúng ta cùng chờ đợi được xuất bản trước đó và bộ phim cùng tên được chiếu trong Liên hoan phim Nhật Bản tại Việt Nam năm 2022, tiểu thuyết Và rồi tín gậy đã được trao đi thật sự là mảnh ghép tiếp theo, định hình dáng hình, phong cách sáng tác của tác giả Seo Maiko với bạn đọc Việt Nam. Nhẹ nhàng, dịu dàng, ấm áp song vẫn chở nặng suy tư về ý nghĩa của hai tiếng yêu thương, về hai chữ hạnh phúc con người giữa cuộc sống còn nhiều khuất khúc này.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)