Nhà thơ có thể tìm thấy giọng nói của mình trong khe hở của bài thơ, khoảng trống giữa các từ. Còn họa sĩ, sự có mặt của họ trong một bức tranh trực diện và giản dị hơn rất nhiều. Họa sĩ diễn đạt cảm xúc, hiểu biết của bản thân qua sắc màu, hình khối và sự liên kết giữa chúng với nhau. Sự liên kết ấy hé lộ câu chuyện mà họa sĩ muốn biểu đạt.
Trong hình dung của tôi, cảm giác mà hội họa của họa sĩ Nguyễn Lê Anh tạo ra giống như con đường trở lại quê nhà, trở lại tuổi thơ. Một con đường mãi cô đơn, xa vắng nhưng tự do vô cùng. Tôi gặp ở đó những mùa thu tuổi nhỏ, những mùa thu bất tử…
Tác phẩm "Chiều vàng".
Thu đã nồng. Những bức tĩnh vật khiến lòng người thêm nôn nao. Và nhớ. Những thức quả đặc trưng mùa thu là hồng, thị, ổi, chuối trứng cuốc như vừa được hái vào từ khu vườn kí ức, hương thơm vẫn phảng phất đâu đây từ những sắc màu kia. Hay đó là sự dậy hương của sắc màu? Chúng nằm đó tĩnh lặng nhưng vô cùng sinh động và kể cho chúng ta nghe về những mùa thu xa xôi, nhưng đồng thời, đó cũng là mùa thu thực tại trong tâm thức sáng tạo của họa sĩ. Những hoa trái mùa thu rơi xuống bề mặt toan một cách tự nhiên, ngẫu hứng nhưng là sự ngẫu hứng của ý tưởng nên ở góc nhìn lí trí hơn ta lại thấy ra cái sự bày biện đầy cảm xúc của bàn tay sáng tạo. Đỉnh cao của sáng tạo chẳng phải là tạo ra sự tự nhiên đó sao. Khi thì lộn xộn, rải rác trên mặt bàn, lúc lại chỉn chu sắp đặt, cùng với lọ hoa, các loài hoa, cốc, bình tạo nên bức tranh thu đầy hoài niệm, gợi nhắc. Không gian đặt tĩnh vật vốn là không gian hẹp, nhưng với cách tạo ra khung cửa mở, trái cây bổ dở, giá sách, một vài cảnh sắc tối giản hiện diện xung quanh làm cho bức tranh tĩnh vật trở nên sống động. Đặc biệt, tranh tĩnh vật của Nguyễn Lê Anh cho ta cảm giác như hình khối được tạo ra bằng những gam màu, chúng tiếp nối nhau, nâng đỡ nhau tạo nên sự liên kết chặt chẽ, hài hoà của bố cục. Và khi hoạ sĩ có sự vững vàng trong cách tạo ra bố cục là khi bức tranh đạt được sự tinh tế đến độ vi tế.
Tác phẩm "Mùa trái chín".
Tranh phong cảnh là một mảng nổi bật trong hội hoạ của Nguyễn Lê Anh. Đặc biệt, phong cảnh thu được hoạ sĩ khắc hoạ rõ nét và giàu cảm xúc qua những tác phẩm như: Rước đèn đêm trăng, Đêm trăng mùa thu, Dưới nắng mai, Bóng chiều, Trường làng mùa thu, Nắng mùa thu, Nắng chiều, Lối về, Mùa cây lá đổ… Không gian thu trong tranh Nguyễn Lê Anh nhuốm màu hoài cổ nhưng có sự pha trộn của tư duy hiện đại trong cách thức biểu đạt, điều này giống như chất dẫn, vừa giúp ta nhận ra đó vẫn là những mùa thu chứa đầy trong tâm thức mỗi người vừa mang lại mĩ cảm của hội hoạ đương đại.
Những trò chơi dân gian được tái hiện trong bức Trường làng mùa thu như chơi ô ăn quan, chơi chuyền, chơi nhảy dây trước cửa lớp học. Mái ngói ô cửa nhuốm vết khắc thời gian mà các em thì đầy hồn nhiên trong trẻo trong những sắc áo màu. Các em náo động bức tranh thu theo cách tự nhiên và lắng đọng nhất. Tôi cảm giác như lớp học, hàng cây, mái ngói cũng đang nghiêng, đang nhoè vào nhịp nhảy, nhịp tung của các em.
Tác phẩm "Trường làng mùa thu".
Hình ảnh bà dắt cháu đi trên con đường làng quanh co trong bức Lối về hay đứa trẻ đợi mẹ bên bến nước trong Nắng chiều tạo ra không gian vô cùng bình dị, quen thuộc và lay động. Những ngôi nhà cạnh nhau nhưng im lìm vắng vẻ, tạo nên cái xa vắng, lẻ loi cho đôi bóng người xuất hiện trong tranh. Nhưng mối quan hệ tình cảm, sợi dây của tình thân ruột rà lại là sự liên kết vô hình để ta thấy hàng cây dẫu sắp sửa trơ trụi thì cành lá vẫn đan chạm vào nhau để bớt đi xao xác; những ngôi nhà như nhích lại bên nhau trong cái dáng nghiêng nhoà lổ đổ cũ xưa; con đường, bến nước như ngẫm ngợi như phản chiếu chiều sâu suy nghĩ con người, đồng thời cũng tạo nên bối cảnh mang tính ước lệ cho những bức tranh… Tất cả sự quây quần như cố kết lại của cảnh vật để châu tuần về câu chuyện tranh của Nguyễn Lê Anh là tâm thức, là kí ức đang sống động trong ý thức sáng tạo của anh.
Tác phẩm "Lối về".
Những bức tranh thu của Nguyễn Lê Anh cho ta cảm giác như kia đúng là nhà mình, trường mình, kia là bà mình, mẹ mình, bạn mình và cả chính mình nữa… Những dòng nước sáng lên như đang rung rinh trong nắng, những mái nhà cũ kĩ mà bền bỉ cùng nắng mưa, những dáng cây như vươn lên từ cằn cỗi hao gầy mà vững chãi, thảm thắc lá rơi như thả nỗi bâng khuâng vào lòng người xem tranh. Nắng thu vàng nhẹ và trong, phảng phất như ẩn hiện khiến cảnh trí mùa thu trong tranh càng thêm biến ảo.
Nguyễn Lê Anh không chọn những khung cảnh bắt mắt của cái đẹp hào nhoáng hay cái đẹp của sự sắp đặt cố ý mà anh khắc hoạ những khoảnh khắc dung dị, đời thường. Khoảnh khắc ấy được kéo dài bằng sự kiên nhẫn quan sát sâu vào tàng thức, sự xúc động của tình cảm và sự tài hoa trong sáng tạo của hoạ sĩ.
Tác phẩm "Nắng chiều".
Hoạ sĩ dẫu có vẽ gì thì cũng là đang vẽ nội tâm của chính mình. Mùa thu trong tranh Nguyễn Lê Anh không chỉ là mùa thu của kí ức, phản chiếu kí ức để tìm thấy hiện tại, tương lai. Những bức tranh đó là phiên bản cao nhất, ý vị nhất mà hoạ sĩ cảm thấy khi anh khám phá đề tài này.
KIM NHUNG
VNQD