Kí ức về những trại diệt chủng bạo tàn trong Thế chiến thứ hai có thể nói đã xuất hiện trong hàng ngàn tiểu thuyết và các hồi kí bởi sự ám ảnh và những tổn thương không thể nào nguôi. Thế nhưng Cùng cha đến Auschwitz của tác giả Jeremy Dronfield có thể nói là cuốn sách đầy đủ và bao quát nhất về giai đoạn này, thông qua câu chuyện của hai cha con cùng nhau tồn tại và cùng sống sót qua thời khủng hoảng vô cùng khốc liệt.
Tác giả Jeremy Dronfield
Tác phẩm theo đó kể về câu chuyện có thật của nhà Kleimann sinh sống tại thủ đô Vienna của nước Áo cả trước, trong và sau khi Đức Quốc xã tiến hành phủ bóng lên đất nước này. Vốn là một người Do Thái, người cha Gustav và cậu con Fritz đã bị bắt đến trại tập trung Buchenwald trong khi người mẹ Tini thì tìm mọi cách để người người chị cả Edith và cậu con út Kurt ra được nước ngoài trước khi bản thân và cô con thứ Herta cũng bị bắt đi với lời hứa hẹn đến “vùng đất mới” cho người gắn ngôi sao vàng. Trong những ngày tháng vô cùng khốn khổ ở trại tập trung, Gustav đã giấu được một cuốn sổ và ghi lại những suy ngẫm của mình trong thời khắc đó. Sau này kết hợp với các tài liệu lưu trữ, hồi kí của Fritz và những người khác cũng như những cuộc phỏng vấn với Kurt… mà Dronfield đã chắp nối thành câu chuyện hoàn chỉnh, đến mức như ông nói rằng không cần dụng công mà những gì đã xảy ra cứ thế dàn trải lên trên trang giấy.
Cùng cha tới Auschwitz có một vị thế vô cùng quan trọng bởi chứa đựng nhiều điểm đặc biệt. Trước hết là cách tiếp cận mang tính vi sử. Theo đó như đã nói trên, cuốn sách đã được tổng hợp từ rất nhiều nguồn, qua đó hình thành được một câu chuyện gần như thống nhất và đáng tin cậy khi được soi chiếu qua nhiều góc nhìn và nhiều tư liệu vẫn còn để lại. Để qua đó, từng sự kiện từ khi nước Áo chính thức sáp nhập vào Đệ tam đế chế đến Đêm kính vỡ rồi Cuộc chiến tẻ ngắt... đã được thuật lại một cách bao quát nhờ vào một nguồn phong phú tư liệu. Và tuy được viết như một tiểu thuyết với những mô tả tâm lý của các thành viên trong nhà Kleimann, nhưng chính nhờ vào những gì để lại mà Dronfield đã khắc họa một cách chân thật như ngày tháng ấy vẫn còn lửng lơ trong bầu không khí.
Ở đó những gì xảy ra trong trại tập trung Buchenwald rồi Auschwitz, Mauthausen, Mittelbau - Dora, Bergen – Belsen... không khỏi khiến ta cảm thấy ám ảnh. Cuộc sống ở những nơi đó như là địa ngục với chính sách diệt chủng không ngơi tay và bọn SS biến chất, mất hết nhân tính. Như Gustav nói: “Hệ thống Đức Quốc xã là một cỗ máy cơ khí đáng gờm nhưng đổ nát. Nó được dựng nên bằng chắp vá, và hoạt động với một tốc độ rung chuyển, kẹt máy, sặc máy, tiêu thụ nhiên liệu con người, nhả ra tro và xương, và xả ra một thứ khói khiến người ta buồn nôn”. Ở đây, tác giả không tránh nhắc đến bất cứ điều gì mà ngay cả những gì đau đớn và khốc liệt nhất đều được kể lại, không tránh né, không giảm bớt, từ đó hiển hiện lên cả thời đoạn đau thương.
Trên chính nền đó, câu chuyện về 2 cha con đã cùng nhau sống và cùng tồn tại trong suốt 6 năm cũng là một điều cuốn hút độc giả. Theo đó, rất hiếm người Do Thái đã từng trải qua một cách xuyên suốt từ những vụ bắt giữ hàng loạt đầu tiên tại các trại tập trung của Đức Quốc xã vào cuối những năm 1930 cho tới kế hoạch Giải pháp cuối cùng đối với vấn đề Do Thái và sau cùng là ngày giải phóng vào năm 1945. Cả 2 cha con thì gần như là không có một ai, do đó câu chuyện trong cuốn sách này vô cùng phức tạp. Nếu như một người nỗ lực tồn tại để thoát khỏi chốn địa ngục trần gian ta đã thấy nhiều, thì ở đây là 2 cá thể nương tựa vào nhau để cùng tồn tại. Như Gustav viết “Chúng tôi tiếp sức mạnh cho nhau. Chúng tôi là một, không thể tách rời.” Do đó vấn đề của họ không chỉ đơn lẻ mà còn khó khăn gấp nhiều phần hơn khi phải sống cho nhau và sống vì nhau, dẫn đến cuốn sách có nhiều bước ngoặt không thể đoán trước, đầy ắp bất ngờ.
Và cũng bằng tựa nương ấy mà ta thấy được câu chuyện về tình cảm cha con, tình yêu gia đình và khát vọng sống không hề bỏ cuộc đã được truyền đi. Không dưới một lần họ tách nhau ra nhưng rồi sau cùng vẫn luôn tìm cách để về với nhau. Trong khi Gustav không đành lòng để con trai đến Buchenwald trong những ngày đầu dẫu ông hoàn toàn có thể lẩn trốn, tự lo cho mình; thì Fritz cũng làm như thế khi từ bỏ sự an toàn để đến với nơi địa ngục Auschwitz vốn được đồn thổi “một đi không có ngày về”. Câu chuyện của họ thấm đẫm phi thường nhưng cũng phần lớn nhờ vào vận may, nhưng ở đó cũng có những người đồng cảm, qua đó thắp lên một tia lửa nhỏ và rồi bùng cháy trong đêm trường tăm tối.
Ngoài nguồn tài liệu và hai nhân vật vô cùng đặc biệt, thông qua cái nhìn toàn cảnh và bao quát qua tuyến nhân vật người mẹ Tini, Dronfield cũng cho ta thấy những khía cạnh khác mà vốn không thường được nhắc đến trong những tác phẩm thuộc giai đoạn này. Nếu cha con Gustav và Frizt cho ta cái nhìn tiệm cận vào trại tập trung, thì Tini, Herta, Edith và Kurt lại cho ta thấy những gì xảy ra ở nơi mà cuộc bố ráp giờ đã quét qua, cũng như khẳng định dù ở bên trong hay là bên ngoài những dây thép gai, thì với sự lạnh lùng, vô cảm của con người, ở đâu cũng là địa ngục. Ta thấy điều đó qua những nhân vật đã từng rất thân với nhà Kleimann nhưng khi Hitler bắt đầu nắm quyền, họ liền quay mặt và rồi trở thành những kẻ chỉ điểm. Đó cũng còn là những người ở lại, những kẻ đã hạ nhục, cướp bóc và làm cuộc sống ở giai đoạn ấy ngày càng nghẹt thở, khiến không ít người đã tự giải thoát vì quá ám ảnh với một thế giới lên đến điên loạn…
Ngoài điều đó ra, phản ứng của các chính phủ đối với vấn đề của người Do Thái cũng được hiện lên một cách rõ ràng trong cuốn sách này. Theo đó thay vì có những chính sách tiếp nhận người tị nạn, thì điều mà các quốc gia làm chỉ là lên tiếng đầy căm phẫn nhưng rồi đồng thời ngăn chặn họ đến đất nước của mình qua một mối lo không có cơ sở. Như Dronfield chỉ ra, chính quyền Anh quốc dưới thời Churchill từng có giai đoạn bắt giam những người có gốc gác Do Thái vì nghi họ là gián điệp được cài cắm vào, thế nhưng hóa ra theo các tài liệu sau này, những người vào vai hai mang lại là công dân Anh Quốc gần như thuần chất. Phản ứng của Mĩ dưới thời Rooservelt gần như tương tự, khi họ bỏ mặt rất nhiều gia đình ngày này tháng nọ chờ đợi visa và khép cửa sinh của rất nhiều người bằng những khoản phí không thể có được...
Và như đã thấy, cốt lõi cuốn sách được lấy từ cuốn nhật kí của Gustav, nhưng ông không viết trong sự bất an, có thể bị phát hiện bất cứ lúc nào chỉ để ghi lại những gì xảy ra, mà còn muốn thế hệ sau biết được những gì bản thân đã phải chịu đựng. Như câu trích dẫn từ tiểu thuyết Đêm của Elie Wiesel được Dronfield đặt để ở đầu cuốn sách: “Những gì tận mắt chứng kiến đã buộc ông phải đứng ra làm chứng. Vì những người trẻ của ngày hôm nay, vì những đứa trẻ sẽ được sinh ra ngày mai. Ông không muốn quá khứ của mình sẽ trở thành tương lai của chúng”. Cuốn nhật kí ấy và cuốn sách này ở mặt nào đó giúp ta nhớ về một đoạn thời gian vô cùng bạo tàn khi mà đồng loại quay lưng với nhau. Điều ấy ngày càng đúng đắn ở buổi giờ đây khi các vấn đề di cư và nguy cơ bạo lực ngày nóng hổi hơn bao giờ hết, và sự tiên tri một sự lặp lại những nỗi đau cũ ngay trước mắt mình ngày càng đến gần.
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD