"Hét lên trong cơn mưa phùn": Không có thứ gì là biến mất cả

Thứ Hai, 09/12/2024 00:53

Từng xuất hiện tại Việt Nam nhiều thập niên trước, sau một thời gian gần như vắng bóng, mới đây tiểu thuyết Hét lên trong cơn mưa phùn của Dư Hoa đã trở lại. So với những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông, đây có thể nói là tác phẩm không chỉ đặc biệt về nội dung mà còn đồng thời là nghệ thuật viết, khi đã phá vỡ chủ nghĩa hiện thực thường thấy để đến với những thể nghiệm về mặt thời gian vô cùng đặc biệt.

Cuốn sách xoay quanh nhân vật Tôn Quang Lâm và số phận của những con người gắn bó với bản thân mình. Là một tác phẩm trải dài suốt 4 thế hệ, Dư Hoa đã cho ta thấy những giá trị truyền thống và cái ẩn ức tàn dư còn lại có thể gây ra bi kịch thế nào cho người ở lại, từ ông nội Tôn Hữu Nguyên cho đến cha Tôn Quảng Tài, các anh em, mẹ mình rồi đến những người bạn cùng học, cha mẹ nuôi và một đứa bé mà những định mệnh đưa đẩy nhân vật này đến... Dễ thấy với những tình tiết đậm tính hiện thực như đã kể trên, Dư Hoa hoàn toàn có thể cấu trúc cuốn sách theo mạch thời gian tuyến tính, nhưng ông đã không làm vậy mà để nhân vật dẫn dắt câu chuyện như những ám ảnh lần lượt trở về mà những bi kịch ám ảnh đến độ khả năng sắp xếp lại nó vốn là thôi thúc mang tính bản năng cũng bị chối từ.

Tiểu thuyết gia Dư Hoa

Như nhân vật chính đã tỏ bày rằng: “Tôi thường có những ảo giác mơ hồ trước mắt, dường như tôi có thể nhìn thấy được dòng thời gian. Thời gian xuất hiện như bóng tối trong suốt và mọi thứ đều nằm trong bóng tối ẩn giấu này. Chúng ta không sống trên đất liền, thực ra chúng ta sống trong thời gian. Cánh đồng, con đường, dòng sông, ngôi nhà đều là bạn đồng hành của chúng ta trong thời gian. Thời gian đẩy chúng ta tiến lên hoặc lùi lại và thay đổi diện mạo của chúng ta”. Thời gian với riêng Dư Hoa trong tác phẩm này là những loang lổ của nỗi đau và kí ức, từ đó gọi mời những sự khám phá.

Những vỉa tầng ẩn ức

Được xếp vào lớp nhà văn tiên phong của Trung Quốc cùng Tàn Tuyết, Mạc Ngôn, Tô Đồng... Dư Hoa cũng như nhà văn trên, triệt để hướng vào cái riêng thay vì cái chung đã phong bế nền văn chương nhiều thập niên trước. Và một trong những đề tài ông thường xoáy vào đó là ẩn ức tình dục. Trong một cuộc phỏng vấn ông đã chia sẻ ẩn ức tình dục là đối tượng quan trọng để thể hiện sự khác biệt giữa hai thời đại. Trong khi Cách mạng Văn hóa là thời kì đàn áp tình dục cực độ, thì phải đến những ngày đầu cải cách kinh tế những giới hạn ấy mới dần lỏng đi. Ông nói: “Có rất nhiều đàn ông theo dõi phụ nữ trong phòng tắm. Rất nhiều người làm điều này không muốn thừa nhận, nên sau khi Huynh đệ ra mắt, thậm chí có người nói tôi chắc hẳn cũng đã làm thế thì mới viết ra được những dòng này”. Và trong cuốn tiểu thuyết này, điều ấy cũng sẽ được ông triển khai một cách ám ảnh ở nhiều cấp độ.

Ở phía đơn giản, đó là những sự dồn nén mà các đứa trẻ mới lớn không thể hiểu thấu được bản thân mình. Trong phần giữa cuốn sách, nhân vật Tôn Quang Lâm đã chất vấn bản thân trong những khát khao sinh lý ở tuổi trưởng thành. Cũng như những thanh niên cô độc và khác biệt khác, cậu không được chuẩn bị cho những thay đổi ở cơ thể mình. Do đó khi Tô Hàng – một người hoàn toàn khác biệt với cậu – tinh nghịch mang vào lớp cuốn sách ảnh về cơ thể người, cậu đã e sợ và tránh xa nó. Trong nhân vật này ta thấy còn đó là những tàn dư của Nho giáo phong kiến, nơi sự đường hoàng của bậc trượng phu đã kềm giữ mình. Nhưng Dư Hoa cũng đào rất sâu, cho ta thấy sự phân vân ở tuổi trẻ này, khi dẫu từ chối kiến thức mới ấy bằng việc đứng gác ngoài cổng, thì sâu trong cậu vẫn có thôi thúc được thấu hiểu nó.

Nhưng những ẩn ức đôi khi cũng dẫn đến những cảnh huống tan cửa nát nhà và cứ như thế, kết hợp với những giá trị không còn phù hợp khi nhịp phát triển đã đi quá nhanh, thì cũng là khi bi kịch có dịp ập đến. Ta thấy điều đó đến tận 2 lần khi người cha Tôn Quảng Tài động tay động chân, sàm sỡ hôn phu sắp cưới cũng như người vợ đã cưới của con trai cả là Tôn Quảng Bình, khiến y điên giận và cắt một tai của chính bố mình. Ta cũng nhìn thấy điều đó khi y chung đụng với người góa phụ dâm dật, từ đó mang hết những thứ có trong nhà mình cho chính bà ấy. Trong khi đó mẹ anh - người phụ nữ bởi lễ nghi phong kiến, bởi những di sản truyền lại đời đời về việc hi sinh cho chồng cho con, lại hóa nín thinh, không nói một lời... Đứng trước những sự tréo ngoe dở khóc dở cười, Dư Hoa mang thêm vào đó cái nhìn châm biếm, để những sự việc khó chấp nhận này dần dần vượt ngưỡng và làm méo mó đi chính lí trí ở nơi con người.

Đó là người mẹ suốt đời câm lặng rồi bỗng một ngày thẳng thắng đứng lên, đánh ghen với ả lẳng lơ rù quến chồng mình trên cánh đồng làng. Đó cũng là người con gái Phùng Ngọc Thanh mà anh trai Tôn Quảng Bình định lấy làm vợ, nhưng rồi bỏ cô bơ vơ dẫn đến sự trả thù sau đó bằng vòng dây thắt như của một xác người tiến hành treo cổ... Ngoài ra, việc xây dựng nhân vật Quốc Khánh ở tuổi thiếu thời khi không thể đến với người con gái mình yêu đã cầm dao xông vào nhà thẳng vào nhà cha mẹ nhân tình để sau rốt bị cảnh sát bắt cũng cho ta thấy được rất nhiều điều, không chỉ là cái bốc đồng của tuổi mới lớn mà đồng thời là cái nhìn phiến diện của thế hệ trước khiến cho tình cảm lứa đôi trở nên ngăn cách, không thể đến được với người mình yêu...

Nhưng cũng có khi những bi kịch này mang đến cái kết khó mà chịu nổi trong chính bộ máy chuyên quyền của nhà nước quan liêu. Khi cha nuôi của Tôn Quang Lâm có quan hệ ngoài luồng với một người phụ nữ, việc trả thù ả đã vạch trần tội lỗi của ông một cách bạo tàn như tiếng gào thét của một thời đại. Ẩn ức và những kềm nén về mặt dục tình quá lâu khiến con người ta không còn là mình. Họ xỉa xói, móc mỉa và coi hành động hạ nhục người khác là một lí tưởng rất đáng hoan nghênh. Điều này cũng từng xuất hiện trong Phố Ngũ Hương của Tàn Tuyết, khi những người đàn bà trên con phố đó không thể ngừng việc suy đoán về cô nàng X với hành tung kì lạ vậy mà quyến rũ được anh chàng Q có vợ có con chạy suốt theo mình.

Bi kịch của cái nghèo

Và không chỉ có ẩn ức về dục tình, mà sự dồn nén và tình cảnh nghèo khó quá lâu cũng khiến cho những người này bỗng dưng biến chất. Họ lấy cái chết của con trai mình để đổi lấy danh tiếng, để được một lần lên đài truyền hình cùng với tấm gương người tốt việc tốt. Và khi sự đồng lõa không thành, thì cha cùng với con trai bỗng dưng ngoảnh mặt, không còn nơi đó điểm neo nào cả dù là huyết thống hay là gia đình. Nghèo khó cũng khiến người con như Tôn Quảng Tài muốn cha mình hay ông nội của người kể chuyện mau chóng chết đi, và rồi cái ương bướng, ngang ngạnh của người già phản chiếu trong ánh mắt trẻ thơ của người em chết yểu Tôn Quang Minh cũng đã mang đến rất nhiều phút giây hóa thành nụ cười...

Ở đây Dư Hoa cho ta nhìn thấy khả năng uyển chuyển của mình ở việc chiếm hữu cả 2 khía cạnh: có khi là bi kịch đắng chát nhưng cũng có khi là cái cười châm biếm mà ẩn sau đó là một dư vị vô cùng ám ảnh. Ông cũng không chỉ khắc họa số phận của những người đương thời thuộc thế hệ mới là người kể chuyện, mà còn nhắc đến rất nhiều hệ lụy bắt nguồn từ di sản lên đến ngàn năm của đất nước mình, từ hủ tục như câu chuyện bà nội bị đuổi khỏi nhà giàu sang chỉ do vô tình nhìn thấy một cặp chim giao phối cho đến nhắc đến lịch sử Nhật Bản ào vào nước nhà. Ông cũng không bỏ qua những hủ tục lạc hậu và niềm mê tín dị đoan, và rồi hướng đến Cách mạng văn hóa với những con người sống trong e sợ, coi việc tra hỏi cũng như ép cung là thứ cần làm để làm cho khớp với những âm mưu tự mình nghĩ ra, dù họ là thầy cô giáo và ngồi trước họ là một học sinh chẳng mấy nhanh nhẹn...

Nhìn thấy chính những điều đó, nhân vật kể chuyện của Dư Hoa cũng chỉ còn biết hét lên trong cơn mưa phùn. Tôn Quang Lâm bất lực và không thể biết mình phải làm gì trước một cuộc sống còn nhiều ngổn ngang. Căn nhà của cậu bị đốt cháy không phải là điểm kết thúc của cốt truyện chính, nhưng lại được Dư Hoa phi tuyến đảo ngược diễn tiến, để xuất hiện ở đầu và cuối cuốn tiểu thuyết này. Một mặt, ở phần đầu sách, nó là điềm báo cho một tội ác sắp sửa xảy ra, nhưng ở mặt khác, ở phần cuối sách, nó lại là sự gột rửa những gì nhơ nhớp để hướng đến cảm giác trong sạch. Nhưng cơn mưa đã làm nhẹ nó, qua đó cho thấy những gì đã từng tồn tại không dễ bôi xóa. Nó có thể mất đi, nó có thể xóa nhòa thế nhưng vẫn luôn còn mãi trong tâm trí người vì sự quyến dụ và cái ám ảnh sở hữu ma lực quá lớn.

Như nhân vật chính một lần đã nói: “Dù mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, nhưng tôi vẫn xác định được chính xác vị trí ngôi nhà cũ và cái ao ngày nào. Tim tôi lỡ nhịp khi bước đến đó, ánh trăng soi cho tôi thấy chiếc ao ngày xưa vẫn còn tồn tại. Sự xuất hiện đột ngột của cái ao lại khiến những cảm xúc bủa vây trong tôi. Chiếc ao trong kí ức luôn mang lại cho tôi sự ấm áp, và sự xuất hiện thực sự này của nó đã đánh thức thực tế quá khứ của tôi. Nhìn bụi đất trôi trên mặt nước, tôi nhận ra cái ao này không tồn tại để an ủi tôi, mà nó như một dấu vết của quá khứ, không những không biến mất khỏi kí ức của tôi mà còn đứng sừng sững trên mảnh đất Cửa Nam, như một lời nhắc nhở tôi đến muôn đời.”

Sau rốt cơn mưa phùn ấy đã làm tàn dư trở nên âm ỉ, chờ đợi một ngày ngọn lửa bùng lên. Cuốn sách kết thúc bằng một cái kết gần như lơ lửng, nhưng đó cũng là hiện thực của cuộc đời này, rằng không có gì sẽ biến mất đi. Hét lên trong cơn mưa phùn là cuốn tiểu thuyết mang đậm dấu ấn hiện thực địa phương nhưng đầy ám ảnh, qua đó bộc lộ nghệ thuật viết đặc sắc và khả năng chạm đến những vùng tối tranh chấp đặc biệt của Dư Hoa.

NGÔ THUẬN PHÁT

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)