TRƯỜNG CA “TIẾNG CHIM RỪNG VÀ ĐẤT LỬA TÂY NINH” CỦA CHÂU LA VIỆT:

Để mãi xanh tươi đất nước này

Thứ Bảy, 07/12/2024 06:53

Trong trường ca Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh, Châu La Việt đã viết một hơi, đi một mạch để kể ra câu chuyện về hai người con quê hương cách mạng Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên vào chiến trường trên mảnh đất Tây Ninh chiến đấu và công tác cùng với nhân dân, bộ đội của người cháu - nghệ sĩ Tô Lan Phương và người chú - cán bộ ngành an ninh Tô Quyền với bí danh Tô Lâm. Câu chuyện rất xúc động và có những kịch tính, nhất là trong khoảng thời gian cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, nguy hiểm.

Trong năm 2024, nhóm văn nghệ sĩ quê Hưng Yên công tác tại thành phố Hà Nội tiến hành thực hiện bộ sách về vùng đất Xuân Cầu nên tôi đã có nhiều chuyến điền dã về làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên - một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và có bề dày về văn hóa lịch sử.

Dấu ấn sâu đậm nhất chính là khu Nhà tưởng niệm liệt sĩ - nhà cách mạng Tô Hiệu với đôi câu đối của GS Vũ Khiêu:

Vạn lý đào hoa nghinh quốc vận

Thiên thu hồng nhật chiếu gia thanh

Nghĩa là:

Muôn dặm hoa đào nở chào đón vận hội mới của đất nước

Ngàn năm mặt trời còn chiếu trên thanh danh gia đình họ Tô

Và đặc biệt hơn, GS Vũ Khiêu còn tặng Nhà tưởng niệm liệt sĩ - nhà cách mạng Tô Hiệu một bức trướng đối hai vế, mỗi vế 5 câu đã tổng kết cuộc đời nhà cách mạng Tô Hiệu một cách vô cùng sâu sắc:

Cuộc đấu tranh vượt bể băng ngàn

Kết giao tuấn kiệt

Tuyển lựa hiền tài

Trọn một đời vì Đảng vì Dân

Vầng nhật nguyệt ngời soi khí phách.

 

Đường cách mạng vào tù ra tội

Kiên định tử sinh

Đạp bằng uy vũ

Trải bao độ thử vàng thử sức

Đấng anh hùng chói sáng tinh khôi.

Nhà cách mạng Tô Hiệu là một chiến sĩ cộng sản kiên trung từng bị giặc bắt tù đầy ở Côn Đảo (1930 - 1934) nơi địa ngục trần gian giữa biển khơi và bị bắt giam cầm ở Nhà tù Sơn La (1940 - 1944) nơi rừng thiêng nước độc. Ông còn nhiều lần bị bắt đi tù ở Đề lao Hải Phòng và Nhà tù Hỏa Lò. Kể cả ở trong tù, nhà cách mạng Tô Hiệu đều là ngọn cờ đầu trong đấu tranh cách mạng. Đôi câu đối và hai vế trong bức trướng đối đã thể hiện rất rõ khí phách và tinh thần Tô Hiệu.

Trong gian nhà thờ đơn sơ, hậu sinh chúng tôi đọc chữ mà như nhìn thấy người khiến ai nấy đều vô cùng xúc động, có người đã rơi nước mắt.

Thơ văn, nhất là thể câu đối và trướng đối luôn mang trong chiều sâu nội dung của nó một sức mạnh tinh thần to lớn.

Trong trường cảm xúc ấy, tôi đã vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi nhận được tập trường ca: Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh của nhà văn Châu La Việt, nhất là bắt gặp nhân vật Tô Lan Phương - một người con của đất Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên chính là cháu ruột của nhà cách mạng Tô Hiệu và người cán bộ an ninh Tô Quyền - người chú cùng quê hương Xuân Cầu trên đất lửa Tây Ninh.

"Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành.
 

Hãy nghe người con gái xứ nhãn Hưng Yên giới thiệu về mình:

Quê của em làng Xuân Cầu cổ kính

Mảnh đất thiêng sinh ra những con người

Tô Chấn, Tô Hiệu những người ông ruột thịt

Đường cách mạng từ thuở ấy đôi mươi.

 

Dẫu lao tù, dẫu nhục hình, tra tấn

Côn Đảo, Sơn La ý chí không sờn

Và cây đào mang tên ông Tô Hiệu

Trong ngục tù đỏ như tấm lòng son.

Nhà văn Châu La Việt với thế mạnh của một người từng ở chiến trường trong những năm chống Mĩ cứu nước đã hiểu rất sâu sắc rằng, công cuộc cách mạng của Đảng ta, sự nghiệp đấu tranh thống nhất hai miền Nam - Bắc của nhân dân ta là vô cùng gian khổ, phải trả giá bằng vô số máu xương của các thế hệ trong đó có những người con miền Bắc tuổi đời mới mười tám, đôi mươi.

Người con gái - chiến sĩ - nghệ sĩ Tô Lan Phương vào chiến trường khi chưa đầy 20 tuổi càng cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh cũng chính là “lửa thử vàng gian nan thử sức” để mỗi người con gái Việt Nam được cống hiến tài hoa và trí tuệ của mình, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, thống nhất đất nước.

Những quan sát tinh tế đến nhói buốt, những biểu cảm rất nữ tính khiến bạn đọc rơi nước mắt:

Ngày em đến rừng không còn tiếng chim

Bom và đạn đã triệt tiêu tất cả

Con suối cạn khô nằm trơ sỏi đá

Áo màu cây vương thuốc súng, mồ hôi.

 

Có những đêm đi biểu diễn tối trời

Mắc chiếc võng nằm ngắm vầng trăng sáng

Nhớ quê hương, nhớ mẹ cha, bè bạn

Úp mặt xuống võng mặc cho nước mắt rơi…

Châu La Việt như thay lời nói lên những tâm tư của người con gái mà cũng rất tài tình khi biết khái quát lên, biết đẩy thành biểu tượng từ sự khốc liệt nơi chiến trường ở những khổ thơ tiếp theo:

Và mẹ ơi, con đi vì cả mẹ

Tiếng đàn mẹ ngấm hồn con tuổi thơ

Mẹ thường đệm cho những người chiến sĩ

Ngàn sóng đài đêm đêm những tiếng thơ…

Trong đời thường, Châu La Việt sống rất tình cảm đồng thời anh cũng rất nhiệt thành với đồng đội, nhất là những người trẻ tuổi. Anh luôn truyền lửa cho chúng tôi. Những thành công văn bút của chúng tôi anh còn mừng hơn thành tựu của chính mình. Chính bởi như vậy, cánh văn bút tuổi trẻ chúng tôi đều luôn tự hào về anh, dõi theo anh trên từng trang sáng tác.

Trong trường ca Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh, Châu La Việt đã viết một hơi, đi một mạch để kể ra câu chuyện về hai người con quê hương cách mạng Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên vào chiến trường trên mảnh đất Tây Ninh chiến đấu và công tác cùng với nhân dân, bộ đội của người cháu - nghệ sĩ Tô Lan Phương và người chú - cán bộ ngành an ninh Tô Quyền với bí danh Tô Lâm. Câu chuyện rất xúc động và có những kịch tính, nhất là trong khoảng thời gian cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, nguy hiểm.

Kịch tính ở những khổ thơ diễn ra như những thước phim mà nhân vật chính ở đây là Tô Lan Phương và Tô Quyền:

Ít ngày sau tin về như sét đánh

Trong một trận càn ông đã hy sinh

Phương bàng hoàng không tin vào mình nữa

Cô băng rừng đi xác thực nguồn tin.

 

Đến chú Năm Xuân, cô òa lên nức nở

- Cháu nghe tin chú Tư đã hy sinh!

Ông Năm Xuân lặng im

Rừng cũng như nghiêng ngả

Người đồng đội ông yêu quý vô cùng.

- Hãy bình tĩnh, chú đang cho xác định

Cũng có thể chỉ là tin kẻ địch tung ra.

 

Chuông điện thoại reo, chú Năm Xuân cầm ống nói

Từ đầu dây tiếng chú Tư bất chợt vang xa:

- Tôi, Tư Lâm đây báo cáo anh kết quả

Ta đã đánh tan lũ thám báo chặn đường

Diệt ba bảy tên và bắt hai nội gián

An ninh Tây Ninh đã lớn mạnh không ngừng.

Với thể loại trường ca, câu chuyện được kể không chỉ cần nội dung sâu sắc mà cái chính yếu phải là ở tầm tư tưởng. Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh của Châu La Việt tầm tư tưởng ở đây là chiều sâu của cuộc kháng chiến trên mặt trận an ninh và mặt trận văn hóa ngay trong lòng cuộc chiến tranh, ở những thời điểm gian nguy nhất thì bản lĩnh văn hóa, những ứng xử nhân văn của người chiến sĩ với nhân dân, với đồng đội đã được bộc lộ đến tận cùng.

Những khổ thơ mộc mạc cũng là sở trường, thế mạnh của Châu La Việt đã được viết ra rất tự nhiên:

Phương không biết khi các em nhớ mẹ

Cũng là khi chú nhớ vợ nhớ con

Những đứa con ngày chú đi còn thơ bé

Và người vợ tần tảo sớm hôm.

 

Như bao vợ của những người ra trận

Một tay bà chăm sóc đàn con

Đứa lớn, đứa bé, con trai, con gái

Tuổi ăn, tuổi ngủ, tuổi cắp sách đến trường.

Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh có những khoảng lặng như chiến tranh luôn có những khoảng lặng giữa hai trận đánh. Chính ở những khoảng lặng như thế, văn chất Châu La Việt đã được thể hiện một cách sâu sắc trong mỗi câu thơ:

Vàm Cỏ Đông ơi! Sông còn nhớ hay không?

Ai chém vè bên sông?

Ai bám dân chống giặc?

Giữa đêm khuya nơi mênh mang sóng nước

Con thuyền nào đưa cán bộ vượt sông?

Và đây là tâm sự của người chiến sĩ an ninh cũng là mệnh lệnh của chiến trường:

Ôi Gò Dầu nhớ chăng những tháng ngày

Bao chiến sĩ của chúng ta nằm xuống

Ông bám dân và trực tiếp cầm súng

“Để mất Gò Dầu là để mất Tây Ninh”.

Và những câu thơ gọi tên từ ân tình của bà con xóm ấp:

Bà con gọi ông “Chú Tư Tô Lâm”

Bà con thương ông củ khoai củ sắn

Áo bà ba đã bao mùa mưa nắng

Áo bà ba vết đạn chửa kịp khâu…

Trường ca Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh là một cảm nhận đặc biệt và sự thể hiện công phu, sâu sắc và tâm huyết của Châu La Việt. Viết về chiến tranh, viết về ngành an ninh và khu vực văn nghệ sĩ với thể loại trường ca là không dễ dàng. Để thành công, không chỉ cần chiều sâu của câu chuyện được kể mà cái quan trọng hơn chính là trường cảm xúc thẩm mĩ của người viết phải ở một biên độ chín chắn nhất, huy động được tri thức cảm hiểu và sự rung động của tâm hồn để dồn sức cho từng câu thơ, từng trường đoạn để làm tròn đầy một trường ca cũng là một trận chiến đầy cam go, thử thách đối với Châu La Việt.

Cá nhân tôi luôn không ngừng kinh ngạc về anh. Ở đâu ra sức làm việc cuồn cuộn ấy? Ở đâu ra sự tâm huyết cho từng con chữ, nâng niu từng nhân vật, và nhất là kể được từ một câu chuyện của các cá nhân thành câu chuyện của thời đại mình, là một phần của nhân dân mình, Tổ quốc mình? Châu La Việt! Chúc mừng anh đã có được Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh với những thông điệp hữu ích với cuộc sống hôm nay cũng là xứng đáng với máu xương của những người đã ngã xuống để mãi tươi xanh đất nước này.

PHÙNG VĂN KHAI

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)