. THÁI PHAN VÀNG ANH
Đầu thế kỉ XX, với những cơ sở triết học hiện đại chủ nghĩa, cái phi lí dịch chuyển dần từ ngoại biên vào trung tâm. Những trật tự tự nhiên, trật tự xã hội ít nhiều bị lung lay khi con người cá thể với những hành vi cá nhân, những trạng huống tâm lí cá biệt được chú trọng và trở thành tiêu điểm nhìn ra thế giới. Phản ứng lại cái quy củ, chính thống trở thành cảm hứng chủ đạo của văn học hiện đại (Kafka, Camus, Ionessco, Beckett...). Quan niệm nghệ thuật cùng lối viết có phần tân kì của văn học phi lí lại càng được đẩy mạnh ở trào lưu hậu hiện đại khi con người có xu hướng hoài nghi những chân lí, những trật tự ổn định, khi xã hội ngày một loạn chuẩn và giải trung tâm hóa. Cái phi lí trong nhiều trường hợp đã trở thành “nhân vật” chính của tác phẩm văn học hậu hiện đại.
Ở Việt Nam, tiếp thu sớm lí luận và thực tiễn văn học phương Tây, cái phi lí đã manh nha ở tác phẩm của các nhà văn lãng mạn Tự lực văn đoàn. Tinh thần chung của các tiểu thuyết này là trăn trở, ưu tư với những phi lí của cuộc đời, của chính bản thân chứ chưa xem sự tồn tại của cái phi lí ở đời là tất yếu. Cái phi lí ít nhiều hiện diện trong văn học miền Nam từ trước 1975 với các tác phẩm của Thế Vũ, Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng... Các tác phẩm này chủ yếu phản ứng với cái phi lí có liên quan đến những tai họa, bất trắc bủa vây con người. Từ sau 1975, đặc biệt là sau 1986, với tinh thần đổi mới trên nhiều phương diện, văn học Việt Nam mới thực sự chạm đến nhiều mảng khuất lấp, trong đó có cái phi lí, “bất tín nhận thức” của cuộc sống, của xã hội, của đời người. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài nỗ lực tri nhận cái gương mặt “không thể hiểu nổi” của xã hội hậu chiến. Tiểu thuyết Chu Lai, Bảo Ninh, Lê Lựu... day dứt với những hiện thực phi lí mà người lính phải đối diện khi trở về cuộc sống đời thường. Cái phi lí từng bước len dần vào các câu chuyện văn chương thời kì Đổi mới và có xu hướng “phì đại” trong văn học một thập niên trở lại đây, nhất là ở thể loại tiểu thuyết.
“Con người ta đang sống là đối thoại, không chỉ có đối thoại bằng lời nói mà bằng tất cả cuộc sống...” (Phạm Vĩnh Cư). Trong hành trình sống và/là đối thoại ấy, văn học, đặc biệt là tiểu thuyết, trở thành một trong những phương tiện để con người đối thoại với thế giới, với tha nhân, với chính mình. Tiểu thuyết và tính đối thoại của nó trở nên hấp dẫn bởi sự va chạm giữa vô vàn cái khả thể của đời sống và những hình dung hữu hạn của con người về đời sống. Sự va chạm giữa cái phi lí, bất khả nhận thức và cái có lí, có thể nhận thức trở thành một trong những căn nguyên của những đối thoại tiểu thuyết, đặc biệt là ở tiểu thuyết hiện đại, hậu hiện đại, khi cái phi lí, với tư cách là đối tượng phản ánh của văn học, đã dịch chuyển dần từ ngoại biên vào trung tâm. “Thế giới được dựa trên những điều phi lí, và không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu không có những điều phi lí đó” (F.Dostoyevsky). Nỗ lực nhận diện thế giới từ sự tương tác, va đập của những điều phi lí, có lí vốn luôn song tồn trong đời sống. Tiểu thuyết Việt Nam 30 năm qua trở nên giàu tính đối thoại hơn bao giờ hết. Cái phí lí, từ hiện thực đến kiếp người, từ ý nghĩ đến lời nói, từ bên trong đến bên ngoài văn bản, từ ý thức tác giả, tư tưởng nhân vật đến quan niệm của độc giả... với những mức độ khác nhau, đã cùng lên tiếng trong tiểu thuyết Việt Nam những năm cuối thế kỉ XX, và “xôn xao” hơn ở những năm đầu thế kỉ XXI, nổi bật là của các tác giả như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Đoàn Minh Phượng, Thuận, Vũ Đình Giang, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Đỗ Phấn...
Với việc tổ chức đồng thời những tiếng nói khác nhau trong cùng một văn bản, tiểu thuyết Việt Nam thời kì Đổi mới ngày càng đến gần với hình thức tiểu thuyết phức điệu. Không chỉ dừng lại ở các dạng thức đối thoại trong tác phẩm, nhiều tiểu thuyết thực sự là những cuộc đối thoại tư tưởng, đối thoại diễn ngôn. Đưa tất cả vào lập trường đối thoại trở thành cách để tiểu thuyết Việt Nam những năm sau 1986 nhận thức lại quá khứ, đánh giá lại hiện tại theo một cách nhìn mới/khác. Sự va chạm giữa những giá trị văn hóa và phi văn hóa, giữa đạo đức và phi đạo đức, giữa nghiêm túc và hài hước trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, sự xung đột giữa những định kiến truyền thống và quan niệm hiện đại về nữ giới trong tiểu thuyết Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, sự va chạm giữa các giá trị thực dụng và giá trị nghệ thuật trong quá trình đô thị hoá ở tiểu thuyết Đỗ Phấn, Nguyễn Bình Phương..., tất cả làm hiển lộ cái phi lí của đời sống. Có một hiện thực thời bao cấp đầy phi lí trong tiểu thuyết Thuận. Có những số phận con người “không thể lí giải” trong tiểu thuyết Nguyễn Danh Lam. Phi lí đến từ những tình huống, những sự việc “không thể tin”. Phi lí ngay trong cách nhận diện, thiết lập các mối quan hệ giữa con người với đời sống... Nói như Albert Camus, “Thế giới này tự nó không phải là hợp lí. Đó là tất cả những gì được nói về nó. Nhưng cái tỏ ra phi lí là sự đương đầu giữa cái thế giới bất hợp lí với khát vọng điên cuồng muốn làm sáng tỏ thế giới này mà lời cầu khẩn của nó đang âm vang trong sâu thẳm của con người. Cái phi lí phụ thuộc vào cả con người lẫn thế giới thực tại”. Những đối thoại, tranh biện giữa cái có lí và cái phi lí (đang ngày càng “phì đại”) trở thành một phần của những đối thoại tiểu thuyết, nhất là những tiểu thuyết mang cảm quan hậu hiện đại.
Tiểu thuyết luôn tiềm ẩn khả năng chứa đựng những điều phi lí (bên cạnh có lí) bởi nó “là những tiếng nói xã hội khác nhau, đôi khi là những ngôn ngữ xã hội khác nhau và những tiếng nói cá nhân khác nhau được tổ chức lại một cách nghệ thuật” (Bakhtin). Tiếng nói cá nhân càng lấn át, cái cá biệt càng lên ngôi, cái phi lí càng có nguy cơ xâm lấn, gây hấn với cái hợp lí, trật tự. Tự biến thành “trò chơi ngôn ngữ”, tiểu thuyết hiện đại, hậu hiện đại càng có xu hướng đến gần với cái phi lí, xuất phát từ các quan niệm văn học, các hình thức ngôn ngữ phản truyền thống. “Chuyện” trở nên khó tin bởi thường được thuật lại bởi người kể chuyện không đáng tin cậy với điểm nhìn chủ quan, hạn chế. Cái nhìn giễu nhại, giọng điệu vô âm sắc, cấu trúc trần thuật hỗn độn, ngôn ngữ phi giao tiếp... cũng khiến cái thực và ảo, cái xác tín và phi xác tín... nhòe mờ. Để rồi, trong những băn khoăn, hồ nghi trước những lằn ranh mỏng manh ấy, nhiều tiểu thuyết có thiên hướng xô đẩy người đọc đến phía đối cực của những điều hợp lí, có thể lí giải. Thống trị tác phẩm, chế ngự người đọc là thế giới của sự phi lí, bất toàn (T mất tích - Thuận, Thoạt kì thủy - Nguyễn Bình Phương, Dấu về gió xóa - Hồ Anh Thái, Giữa dòng chảy lạc - Nguyễn Danh Lam, Bờ xám - Vũ Đình Giang, Sông - Nguyễn Ngọc Tư, Sự trở lại của vết xước - Trần Nhã Thụy...).
Như là “trò chơi của những sự tái hiện” (Michel Foucault), cái xác tín của tiểu thuyết Việt Nam những năm đổi mới và hội nhập trong thời đại “thế giới phẳng” trở thành cái xác tín của những nghịch lí. Câu nói của nhà bác học người La Mã Tertullianus (155-220) là Tôi tin, vì nó phi lí (dị bản của nó là Tôi tin, mặc dù nó phi lí) tỏ ra phù hợp với tâm thế của người tiếp nhận đối với dòng tiểu thuyết mang cảm thức phi lí ở Việt Nam từ 1986 đến nay. “Tiếng gọi trò chơi” khiến nhiều tác phẩm bước qua khỏi ranh giới của tiểu thuyết truyền thống với sự chồng lấn của những giả thuyết, những sự thực, những tư tưởng nghiêm túc và những lời nói cợt nhả. Nói như M.Kundera, “trong lãnh địa của tiểu thuyết, người ta không khẳng định... Sự chiêm nghiệm của tiểu thuyết do vậy, trong bản chất của nó, mang tính nghi vấn, giả thuyết”. Hiện thực trong tiểu thuyết trở nên đáng ngờ hơn bao giờ hết. Không gì phi lí hơn khi vợ mất tích mà chồng không hay biết, không bận lòng (T mất tích - Thuận). Cũng không thể lí giải nổi những “trò chơi hủy diệt cảm xúc” mà con người tự bày ra để rồi tự đánh mất mình (Trò chơi hủy diệt cảm xúc - Y Ban). Thay vì làm chủ số phận, làm chủ cuộc trả thù dòng máu, có chủ ý dấn thân vào trò chơi loạn luân, Mai/Chi trong Mưa ở kiếp sau (Đoàn Minh Phượng) rốt cuộc đã tự biến mình thành con rối trong trò chơi ấy. Sự phi lí trong tên, họ, nhân thân của mỗi một nhân vật ở tiểu thuyết này tô đậm tính chất trò đùa của số phận và sự bé nhỏ, tội nghiệp của kiếp người. Sự phi lí ấy càng được đẩy lên cao khi sự hiện diện và biến mất của một con người có vẻ như không tồn tại trong những thức nhận của người khác. Ai đó (một nhân vật, có khi chỉ là một cái tên viết tắt, một đại từ nhân xưng) có thể đột ngột biến mất... mà không ai biết, không ai bận tâm (Giữa dòng chảy lạc - Nguyễn Danh Lam, Sông - Nguyễn Ngọc Tư, Blogger - Phong Điệp, Song song - Vũ Đình Giang...). Cuộc sống vẫn tiếp diễn dù có những cuộc đời bất ngờ mất hút vô tăm tích. Sự tồn tại vô danh của những con người hữu danh đã dần trở thành có lí trong nhiều tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến nay.
“Nghệ thuật bắt nguồn cảm hứng từ cái cười của Thượng đế” (M.Kundera). Phải chăng bởi được sinh ra từ tinh thần hài hước, bởi cái nhìn chủ đạo đối với thế giới là cái nhìn phi thành kính, giễu nhại, mà nhiều tiểu thuyết thay vì chú ý đến cái hợp lí, trật tự lại quan tâm nhiều hơn đến cái phi lí, bất toàn. Cái chính thống như lịch sử, tôn giáo, đạo đức, văn hóa truyền thống.... bị giải thiêng, hoài nghi. Cái phi lí ngày càng “phì đại” và làm nên một trật tự của những phi lí (Thoạt kì thủy, Ngồi - Nguyễn Bình Phương, Giã biệt bóng tối, Thiên thần sám hối - Tạ Duy Anh, Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau - Đoàn Minh Phượng, Giữa vòng vây trần gian, Giữa dòng chảy lạc - Nguyễn Danh Lam, Chuyện tình mùa tạp kĩ - Lê Anh Hoài, Gần như là sống, Con mắt rỗng - Đỗ Phấn, Sông - Nguyễn Ngọc Tư, Ngựa thép - Phan Hồn Nhiên...). Những hỗn độn trong cấu trúc trần thuật, những rối rắm trong các phức hợp điểm nhìn, những tranh giành về vai kể, những “bất tín nhận thức” từ những đối thoại phi giao tiếp... trở thành những thủ pháp làm gia tăng tính phi lí của “chuyện”, nhìn từ khía cạnh trò chơi ngôn ngữ...
Được xem là tiểu thuyết của một “sự chơi tự do” (J.Derrida), 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] của Đặng Thân chứa đựng vô vàn những yếu tố phi lí xét từ phương diện tổ chức ngôn ngữ, tổ chức trần thuật. Nhan đề truyện không còn là chìa khóa để giải mã văn bản. Thay vào đó, độc giả luôn phải viện đến những chú thích của (mặt nạ) tác giả... để giải mã kí hiệu nhan đề. Với mặt nạ tác giả, thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Đặng Thân là thế giới mà cả người sáng tác và người đọc đều bắt buộc phải tham gia vào trò chơi, phải hiểu luật chơi. Người viết luôn có ý thức công bố trò chơi của mình, công khai “rủ rê” người đọc tham gia vào trò chơi đó. Hình thức “mặt nạ tác giả” khiến ngay cả khi người kể đã “có lời” với người nghe chuyện, “chuyện” thay vì sáng tỏ lại càng trở nên “đáng ngờ”. Một luật chơi phi lí bất thành văn đã được ngầm thỏa thuận giữa người nghe chuyện và người kể chuyện, giữa bạn đọc và nhà văn... Người kể chuyện, tác giả luôn cố kể những câu chuyện không đáng tin sao cho đáng tin nhất. Người nghe chuyện, bạn đọc lại cố tìm kiếm những “chuyện” có thể xác tín dù ngay từ đầu đã hoài nghi về “truyện” của nhà văn. Sự xâm lấn của ngôn ngữ mạng vào ngôn ngữ tiểu thuyết khiến cái khả tín và bất tín nhận thức chồng lấn, không thể phân tách... Trên cái nền của những phi lí trong cấu trúc trần thuật ấy, tâm thức đối thoại và đả phá đại tự sự trở thành cảm hứng chủ đạo của tiểu thuyết Đặng Thân. Mượn cái phi lí của hình thức kể chuyện để chuyển tải những phi lí trong đời sống cũng là sự lựa chọn của nhiều cây bút tiểu thuyết mang cảm quan hậu hiện đại khác như Hồ Anh Thái (Dấu về gió xóa, SBC là săn bắt chuột), Nguyễn Việt Hà (Khải huyền muộn), Trần Nhã Thụy (Sự trở lại của vết xước), Vũ Đình Giang (Bờ xám, Song song), Lê Anh Hoài (Chuyện tình mùa tạp kĩ)...
Có thể xem tiểu thuyết của Thuận là những “trò chơi của sự tái hiện” khi luôn hướng đến nhận diện những hiện thực phi lí một cách hiển nhiên. Bản thân nhà văn cũng ý thức rất rõ về cảm thức hoài nghi tất yếu ở độc giả khi tham gia vào trò chơi ngôn ngữ này. Trong một lần trao đổi với độc giả về tiểu thuyết Thang máy Sài Gòn, Thuận đã không ngần ngại đề cập đến sự cần thiết của những hoài nghi: “Thang máy Sài Gòn nếu mang lại cho bạn điều gì bổ ích thì có lẽ trước hết là sự hoài nghi. Rất có thể mỗi một lần tìm ra một trật tự mới cho các chương, bạn lại có thêm những hoài nghi mới”. Ở tất cả các tiểu thuyết của Thuận, sự phi lí được hiển lộ nhờ sự “chập chờn” của những hư cấu nghệ thuật của trò chơi ngôn ngữ mà tác giả “cố lộ liễu để vừa gián cách người đọc với câu chuyện, vừa gây men ngờ vực trong họ”. Tiểu thuyết Thuận là những mảnh ghép không gian, thời gian, những mảnh ghép số phận, đời người được đặt bên nhau một cách phi logic. Sự cố tình châm biếm, chế giễu và cợt nhả qua lối viết hậu hiện đại (cấu trúc ghép mảnh không đầu không cuối với rất ít dấu câu, ít xuống hàng, tách đoạn; cốt truyện không có cao trào, thoái trào; nhân vật mảnh vỡ ít bộc lộ tính cách, nội tâm; ngôn ngữ trùng điệp; đối thoại vô nghĩa, phi giao tiếp...) khiến những phi lí của hiện thực, của kiếp người trở nên đông đặc. Không gì phi lí hơn chuyện “người chết thật diễn vai người chết” (Thang máy Sài Gòn). Chuyện li dị cũng có thể thành hàng hóa trong cuộc mặc cả giữa chồng - người bán và vợ - người mua (T mất tích). Xem kết hôn là chuyện ngu ngốc nhất của đời người, nhân vật “tôi” trong Chinatown (Phố Tàu) đã tìm mọi cách để tránh xa người vợ, kể cả “cố gắng ăn thật ít (…) để có thể ở lại bệnh viện thêm vài hôm nữa”. Nhiều triết lí phi lí chỉ có thể là kết quả của một thời đại “mất Chúa”, nhiều đúc kết chỉ nảy sinh từ những hiện thực bất khả giải với các giá trị loạn chuẩn ở cả phương Đông và phương Tây. Chân lí trong tiểu thuyết Thuận trở thành “chân lí của sự hoài nghi”, đối tượng để giễu nhại. Thuận từng chia sẻ: “Tôi cho rằng dùng hài hước để nói những điều nghiêm trọng, như một nghịch lí, có thể gây nên nhiều băn khoăn cho người đọc. Họ phải ngừng lại nhiều hơn vì nghịch lí chứ không phải chỉ thuần túy vì câu chuyện được kể”. Tuy vậy, “dùng nghịch lí để nói những nghịch lí” (Nguyễn Chí Hoan), Thuận và nhiều cây bút tiểu thuyết Việt Nam thời kì Đổi mới đã chạm đến cái phi lí như một tất yếu của cuộc sống, của xã hội.
*
* *
“Khi mà những “mê hoặc văn chương” nghiêng hẳn về phía đùa cợt, giễu nhại thì các tác giả dường như cũng không yêu cầu độc giả phải tin vào tính “đích thực” của họ; nói cách khác, độc giả không cần phải tin rằng tác giả của những tác phẩm, nhất là tác phẩm hậu hiện đại, là những con người có thực” (Nguyễn Chí Hoan). Ngay khi thừa nhận “cái chết của tác giả”, độc giả hiển nhiên cũng buộc phải chấp nhận tất cả những phi lí của những “mê hoặc văn chương” trong trò chơi ngôn ngữ. Với tâm thế bất tín nhận thức, đả phá đại tự sự, tiểu thuyết Việt Nam đương đại xem cái phi lí như một phần tất yếu của đời sống. Những hỗn độn, phi trật tự, phi logic... được soi chiếu, giễu nhại suy cho đến cùng cũng chỉ để nhằm lí giải, suy ngẫm về thân phận con người trước một đời sống bất toàn, bất ổn. Cái vô lí của hiện thực thay vì chảy ngầm đã lộ diện nhờ lối viết phi/phản truyền thống. Như vậy, tuy cảm thức phi lí không chỉ tồn tại trong văn học Việt Nam 30 năm trở lại đây, song, phải nhờ những bứt phá trong tư tưởng, trong bút pháp, tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2016 mới đưa mạch ngầm phi lí trong văn học quá khứ hiển lộ và được khơi thông thành một dòng chảy lớn.
T.P.V.A