Giá trị của văn học đại chúng trong cấu trúc văn hóa đương đại

Chủ Nhật, 03/09/2017 00:24
. NGUYỄN THANH TÂM

Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi định nghĩa văn học đại chúng như sau: “Còn gọi là văn học thông tục... Cơ sở tư tưởng của văn học đại chúng là chủ nghĩa thực dụng. Cơ sở xã hội của văn học đại chúng là chính sách nhượng bộ đối với lớp thị dân: dùng phương tiện sản xuất hàng loạt để nuôi dưỡng tâm lí tiêu dùng… Điểm mấu chốt của văn học đại chúng là làm cho người ta được can dự vào văn hóa hiện đại dưới dạng lược gọn, nó đưa ra một thế phẩm cho sự thỏa thuận thẩm mĩ...”. Trong một nghiên cứu về văn học đại chúng Nhật Bản, Nguyễn Nam Trân phân tích diễn giải của Cécile Sakai trong từ điển Kôjien: “Văn học đại chúng như một hình thức văn học đối lập với văn học thuần túy và nhắm đến quần chúng độc giả bình dân”. Như thế, văn học đại chúng được nhận thức như là bộ phận văn chương bình dân, đối lập với tinh hoa, có giá trị giải trí, phục vụ thị hiếu của đông đảo quần chúng nhân dân. Do đặc tính này, từ sự bùng nổ của văn học đại chúng, sự thay đổi trong quan niệm về giá trị của bộ phận độc giả bình dân, có thể hình dung những thay đổi trong cấu trúc của văn hóa đương đại.

Xã hội Việt Nam đến thời điểm hiện tại có thể xem là đã trải qua hai cuộc thay đổi quan trọng các hệ giá trị. Lần thay đổi thứ nhất diễn ra vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX trong sự giao lưu gặp gỡ với phương Tây. Lần thứ hai diễn ra vào cuối những năm 80 của thế kỉ XX với công cuộc đổi mới toàn diện. Từ đó đến nay, trên tinh thần đổi mới, những hệ giá trị vẫn diễn biến theo hướng gìn giữ các giá trị phù hợp, đào thải các giá trị không còn phù hợp, hình thành và xây đắp, kiến tạo các hệ giá trị mới. Thời chiến tranh, khi cả đất nước có chung nhiệm vụ, văn chương nghệ thuật đã thể hiện thế giới quan giai cấp, dân tộc một cách thống nhất. Đó là thế giới quan marxist được hình thành trong bối cảnh đối đầu lịch sử của dân tộc với kẻ thù xâm lược. Văn chương xông lên tuyến đầu để sánh vai cùng mũi tên, hòn đạn, tấn công vào kẻ thù với niềm tin sâu vững về chiến thắng của chính nghĩa. Ở thời kì  Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/ Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên), văn chương đã thể hiện một cách tập trung thế giới quan, giá trị quan thời đại đánh giặc. Giá trị sống, hạnh phúc của mỗi cá nhân nằm trong hạnh phúc lớn lao của dân tộc. Giá trị của văn chương, giá trị của đời sống, của con người được hướng đến thời bấy giờ là lí tưởng cách mạng, là tinh thần xây dựng, chiến đấu, hi sinh cho Tổ quốc.

Chiến tranh kết thúc, đất nước tiến hành đổi mới, những điều kiện cụ thể của lịch sử - xã hội và thời đại đã tạo nên những tiền đề quan trọng cho sự thay đổi về quan niệm giá trị của con người đương đại. Sự bùng nổ của văn học đại chúng, văn học thị trường, các hình thức xuất bản, văn học mạng… đã đem đến sự sôi động cho đời sống văn học. Sự ra đời của internet, máy tính cùng các thành tựu công nghệ khác đã đưa con người vào thế giới phẳng. Văn chương trong một thế giới phẳng làm hiện hình tâm tính, thị hiếu con người đương đại. Song hành, thậm chí còn vượt trội hơn về khả năng chiếm lĩnh thị trường - công chúng, văn học đại chúng đã thực sự là không gian cho thấy những diễn biến trong tinh thần thời đại. Sự xuất hiện ồ ạt của những truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn đăng trên blog, facebook… đã thu hút sự chú ý, theo dõi của đông đảo bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ. Những tên tuổi của dòng văn học đại chúng như Trang Hạ, Trần Thu Trang, Born, Nguyễn Ngọc Thạch, Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao, Kawi Hồng Phương, Nguyễn Phong Việt… với lượng người hâm mộ, theo dõi lên đến hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu, buộc chúng ta phải nhìn nhận lại quan niệm về giá trị, quan niệm về văn học, thẩm mĩ trong không gian xã hội đương đại. Cùng với đó, sự xuất hiện của dòng tiểu thuyết ngôn tình có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng thu hút đông đảo người đọc ở Việt Nam, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên. Vấn đề đặt ra là: Tại sao những tác phẩm văn học đại chúng như thế lại thu hút được nhiều người đọc đến vậy? Khảo sát trên mạng internet vấn đề thị hiếu của công chúng văn học, chúng ta dễ dàng thu được những kết quả là các bài báo phản ánh tình trạng bùng nổ của văn chương dục tính, và các hành vi, trải nghiệm thân thể liên quan đến giới tính… Tiêu biểu cho dòng ngôn tình này là Diệp Lạc Vô Tâm - một tác giả Trung Quốc. Tác giả sinh năm 1980 này có nhiều tác phẩm đã dịch ở Việt Nam và có lượng người hâm mộ vô cùng đông đảo. Trong những tác phẩm của cô, yếu tố sex là không thể thiếu. Bạn đọc Việt Nam hâm mộ Diệp Lạc Vô Tâm dĩ nhiên không chỉ vì sex trong sáng tác của cô, tuy nhiên, đó là thứ gia vị không thể thiếu cho hưng phấn của tất cả độc giả - mà đa phần, là những người trẻ tuổi. Độc giả của những tác phẩm dạng này rất đông, hàng triệu lượt xem và hàng ngàn lượt bình luận đã nói lên điều đó. Độc giả bày tỏ sự quan tâm đến cốt truyện, số phận, tính cách nhân vật và kết cục của câu chuyện. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là những chương truyện có yếu tố sex lập tức có lượt xem tăng vọt.
hong tuong vi

Cùng với những trải nghiệm thân thể, tính dục, công chúng của văn học đại chúng cũng hướng tới những vấn đề có giá trị nhất thời. Đó là những tác phẩm có tính giải trí với nghệ thuật đơn giản, dễ hiểu, hài hước, giễu nhại hay gây sốc. Các tác phẩm văn học đại chúng có thể chưa nhiều giá trị về mặt nghệ thuật, tuy nhiên, những mẫu hình nhân vật (kiểu trai xinh gái đẹp, soái ca, những mối tình lãng mạn giữa thiếu gia và người đẹp, tổng giám đốc và người tình nhỏ...), những môtíp, tình huống trong truyện (gặp gỡ tình cờ, oan gia ngõ hẹp, kết thúc có hậu), những trang thiết bị, vật dụng của nhân vật (nhà, xe), những mô tả sinh hoạt (ăn, chơi, du lịch, du học, công việc)... lại là sự yêu thích, tìm kiếm của độc giả. Trong những tác phẩm này, người đọc nhận thấy sự xuất hiện của những quan niệm về cuộc sống mới từ các nhân vật - qua đó thể hiện quan niệm về giá trị, cuộc sống của cộng đồng đọc. Đó là những nhu cầu gắn với con người cá nhân, những đòi hỏi thiết yếu, thực dụng cho đời sống của họ ở hiện tại. Rất khó tìm thấy trong các tác phẩm này những hệ giá trị như chúng ta từng biết trong văn học cách mạng, trong dòng văn học tinh hoa với các suy tư sâu sắc, giàu giá trị nghệ thuật và tư tưởng.

Bây giờ nhìn lại, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những khác biệt mang tính lịch sử của thị hiếu tiếp nhận: “Trong thời kì trước đây, công chúng văn học của chúng ta “thuần” hơn. Ngày ấy người ta không đòi hỏi gì nhiều và thật ra cũng không có điều kiện để đòi hỏi vì chiến tranh, vì khó khăn về giấy má in, vì giao lưu quốc tế chưa mở rộng… Đấy là chưa kể tình trạng “bao cấp” trong phát hành sách làm cho người đọc không có đầy đủ quyền lựa chọn những tác phẩm mà mình yêu thích. Đã có một thời do thói quen phân phối, bao cấp, với giá bán sách rẻ như cho nên in ra bao nhiêu cũng hết dù chất lượng thế nào. Vì vậy đã dẫn đến tình trạng người viết không quan tâm đầy đủ đến người đọc và người đọc không có đủ quyền đặt hàng cho người viết” (Từ Sơn). Công chúng đòi hỏi ở văn chương một trường thẩm mĩ mới có thể tương thích đồng thời kiến tạo tinh thần, mĩ cảm của thực tại. Văn chương nghệ thuật phải đi vào đời sống của cái tôi bản thể… phô bày quyền sống, lẽ sống, nhu cầu sống của con người trong từng giây phút hiện sinh. Tuy nhiên, vấn đề tiếp nhận văn học đích thực, như nhà nghiên cứu Huỳnh Vân nhận định, “đã bị thủ tiêu do chỗ người đọc và tác giả không còn có ý nghĩa chủ thể nữa mà đã bị biến thành phương tiện cho những mục đích ngoài văn học, cho những mục đích không nằm trong khu vực tư tưởng, khu vực sản xuất tinh thần mà nằm trong khu vực sản xuất vật chất”.

Câu hỏi được đặt ra ở đầu bài viết đến đây có thể bước đầu được trả lời. Công chúng tìm đến văn học đại chúng là tìm đến một sản phẩm tinh thần phù hợp với thị hiếu của họ. Việc rời xa hay thờ ơ với các tác phẩm tinh hoa, yêu thích các tác phẩm đại chúng nói lên sự thay đổi trong thị hiếu, qua đó thể hiện sự thay đổi trong quan niệm về giá trị. Với công chúng đương đại, cái giá trị là những cái hữu ích với họ ngay trong những hiện diện cụ thể nhất của sự sống. Ngắn gọn, nhanh, dễ hiểu, có tính giải trí, thiết thực, cụ thể... chính là những tiêu chí mới trong đời sống văn học đương đại. Người ta không có thời gian để đọc cái gì quá dài. Người ta đã mệt mỏi, lo âu vì mưu sinh nên không còn tâm trí để tiếp cận những tác phẩm tinh hoa sâu sắc. Người ta tìm trong văn học đại chúng những yếu tố giúp họ thỏa mãn những nhu cầu, thị hiếu của đời sống bản thể.

Có ý kiến cho rằng, từ khi có thị trường là có văn học thị trường. Điều đó không có gì phải bàn cãi, văn học đại chúng chỉ là một phần của văn học thị trường, khi tất cả đều là hàng hóa. Như một phản đề của tinh hoa, văn học đại chúng là một hàn thử biểu để nhận ra những thay đổi trong thị hiếu, tâm tính, quan niệm giá trị của con người đương đại. Từ đó, chúng ta có thêm cơ hội để nhận ra điều gì là tinh hoa, điều gì là giá trị, điều gì là cốt lõi, bên cạnh những giá trị nhất thời có tính giải trí. Cấu trúc văn hóa đương đại, dĩ nhiên, do những hiện hữu này, buộc phải thay đổi, vừa tiếp nhận, vừa chọn lọc, vừa duy trì, vừa đào thải.

Sự thay đổi trong quan niệm về giá trị của công chúng văn học, như vậy đã rõ. Vấn đề nảy sinh ngay tại đây là: Sự thay đổi quan niệm về giá trị như thế ảnh hưởng như thế nào đến văn học, văn hóa? Đó có phải là những điều đáng lo ngại? Cần phải ứng xử như thế nào trước những thay đổi trong quan niệm về giá trị như thế?

Từ thực tiễn văn học, chúng ta nhận ra sự thay đổi trong quan niệm giá trị của cộng đồng. Hệ giá trị này vừa là kết quả, lại vừa là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi trong đời sống văn học và rộng hơn là văn hóa. Nhưng, cội rễ của tất cả các vấn đề trên chính là sự thay đổi của cấu trúc lịch sử - xã hội. Chúng ta đang nói đến bối cảnh đổi mới, toàn cầu hóa, thế giới phẳng, nền kinh tế thị trường… Thực ra, ngay cả các giá trị tinh hoa cũng không thoát ra ngoài từ trường ảnh hưởng của cấu trúc lịch sử - xã hội này. Sự thay đổi quan niệm về giá trị của con người đương đại đã tác động rất lớn đến toàn bộ hệ thống văn học, văn hóa. Điểm ra những thay đổi ấy từ truyền thông, nghệ thuật, xuất bản, sinh thái tinh thần, sự gìn giữ, kiến tạo và loại trừ, bản sắc và hội nhập, bản địa và toàn cầu…, chúng ta hiểu rằng, ảnh hưởng của nó là không nhỏ. Các nhà xuất bản chạy theo thị hiếu với các xuất bản phẩm mang tính hàng hóa, thương mại. Người viết chiều theo thị hiếu công chúng, tạo nên những tác phẩm có tính giải trí, nhất thời. Truyền thông chạy theo các thông tin giật gân, gây sốc, thu hút công chúng bằng các chiêu trò rẻ tiền. Nghệ thuật, không chỉ văn học, cũng chiều theo công chúng phổ thông với thị hiếu nhất thời, sản xuất các sản phẩm âm nhạc, hội họa, điện ảnh, sân khấu… bị đánh giá là nhảm. Các giá trị cốt lõi bị sao nhãng. Bản sắc dân tộc bị phai nhạt trong những thị hiếu hời hợt, mang tính a dua toàn cầu. Sự hòa nhập đến mức như là hòa tan, đánh mất truyền thống bản địa cũng là điều có thể nhận thấy. Văn học đại chúng, như cái cách mà nó đang hiện diện mang dáng dấp của showbiz. Bộ phận độc giả tinh anh hướng đến các giá trị tinh hoa đang co cụm lại, rút vào trạng thái âm thầm. Cộng đồng đó rất hẹp, khác xa với sự đông đảo, ồn ào, hào nhoáng của dòng văn học đại chúng. Không khó để khảo sát và đưa ra một so sánh nhanh về lượng người đọc dòng văn học kinh điển và dòng văn học đại chúng trên các diễn đàn đọc truyện online. Theo đó, những tác phẩm kinh điển thường có từ 1000 đến 5000 lượt xem. Trong khi, lượt xem của các tác phẩm văn học đại chúng (ngôn tình, truyện teen, kiếm hiệp, võng du, xuyên không, huyễn huyễn, kinh dị…) đạt tới con số hàng trăm nghìn. Những con số ấy nói lên điều mà con người hiện tại đang quan tâm, thích thú, tìm kiếm. Sự trương nở của cộng đồng này, như đã có ý kiến chỉ ra, là “kẻ thù của văn học” - văn học được hiểu như là một loại hình nghệ thuật. Nhìn lại những quan tâm của cộng đồng văn học đại chúng như đã nêu ở trên, có thể thấy, thị hiếu về giá trị nghệ thuật dường như chưa được chú ý đến. Người ta tìm đến văn học đại chúng không phải vì nghệ thuật. Trong khi, văn học đích thực, giá trị nghệ thuật phải đặt lên hàng đầu. Nếu cứ như thế, hệ quả nhãn tiền là chúng ta sẽ chứng kiến một nền văn học mà thực chất không phải là văn học, một nền văn hóa nhợt nhạt trong những sắc thái hời hợt, không có chiều sâu. Từ đó, những lo ngại về sự xuống cấp của văn hóa, thị hiếu, đời sống tinh thần, tri thức, nghệ thuật của con người đương nhiên có cơ sở để hiện diện.

Những người quan tâm đến văn học, văn hóa, hướng đến một xã hội đọc, trải nghiệm và kiến tạo văn hóa, nghệ thuật tinh hoa đang nỗ lực, nhiều khi trong lặng lẽ, để vãn hồi các giá trị đích thực. Tuy nhiên, như đã nói, cộng đồng này hẹp. Vấn đề cần phải được quan tâm trên bình diện chiến lược, nghĩa là từ chính sách văn hóa, quản lí nghệ thuật, ý thức, tư chất, năng lực của nhà văn, cả vấn đề nâng cao trình độ, thị hiếu, năng lực của công chúng. Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề đào tạo công chúng lại được nhắc đến trong những câu chuyện của cộng đồng tinh hoa. Quan niệm về giá trị với tầm đón nhận có mối liên hệ nhân quả mật thiết. Các yếu tố như tri thức, kinh nghiệm thẩm mĩ, nền tảng văn hóa, xã hội, nghệ thuật chi phối rất lớn đến tầm đón nhận của người đọc. Bởi thế, không có con đường nào khác ngoài việc phải nâng cao tầm đón nhận của chủ thể tiếp nhận. Một khi tầm đón nhận được nâng cao, vấn đề thị hiếu, quan niệm giá trị sẽ có thể được cải thiện. Trong một xã hội mở, toàn cầu hóa, việc cấm đoán hay quản lí một cách cứng nhắc, phiến diện sẽ khó có thể thực hiện được. Do vậy, việc chấp nhận sống chung là tình thế không tránh khỏi. Nhưng, nâng cao thị hiếu thẩm mĩ, đào tạo năng lực sáng tạo, tiếp nhận, thẩm định, thưởng thức nghệ thuật cần phải được xem là chiến lược, là hành trình và cứu cánh. Quan niệm về giá trị của con người đương đại, trong thực tế là câu chuyện đan cài của những cái nhất thời và lâu dài, hôm nay và mai sau, cá nhân và cộng đồng, dân tộc - bản địa và toàn cầu, cái chung và cái riêng, cá biệt và phổ quát… Chúng ta tôn trọng những nhu cầu nhất thời của con người thế tục. Chúng ta hiểu những cái có giá trị tức thì với con người đương đại. Nhưng, trong một thế nhìn xa rộng hơn về tương lai của văn học, văn hóa dân tộc, cần gọi tên những giá trị tinh hoa, có phẩm chất hướng đến sự trường tồn. Vì vậy, từ những vận động trong quan niệm về giá trị của công chúng văn học đại chúng, chúng ta hình dung về một nền văn học, văn hóa không hẳn thoát khỏi tính đại chúng, mà kiến tạo một cộng đồng - đại chúng ở mức độ cao hơn, chất lượng hơn cho văn học, văn hóa và xã hội.
 N.T.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)