Hồ Chí Minh và một quan niệm thơ hóa đời sống

Thứ Ba, 11/04/2017 09:06
. NGUYỄN THANH TÚ

      Là một nhà thơ lớn Hồ Chí Minh đồng thời còn có một cuộc sống ngoài đời rất thơ, đẹp như một bài thơ vậy, lý tưởng vì dân vì nước như một tứ thơ, mỗi phương diện đời sống như một ý thơ, mỗi ngày vui sống cùng công việc như một vần thơ. Bởi Bác Hồ chủ trương đưa đời sống vào nghệ thuật, đồng thời Người cũng có một đời sống rất nghệ thuật. Đó là mối quan hệ hai chiều, thống nhất, biện chứng, hài hòa, mà chúng tôi đã khái quát trong một chuyên luận là cuộc sống hóa nghệ thuậtnghệ thuật hóa cuộc sống.

     1. Hồ Chí Minh là con người của thiên nhiên. Dù ở đâu, một khi có điều kiện là Người trở thành bầu bạn, hòa lẫn vào thiên nhiên núi rừng cây cỏ. Thời đầu những năm đuổi Pháp, Bác đặt ra “tiêu chuẩn” về nơi ở là một bài thơ: “Trên có núi. Dưới có sông. Có đất ta trồng. Có bãi ta chơi.Tiện đường sang bộ Tổng. Thuận lối tới Trung ương. Nhà thoáng ráo, kín mái. Gần dân không gần đường” (1) (1).Vũ Kỳ - Càng nhớ Bác Hồ. Nxb Thanh Niên, 2008.tr 79). Năm 1946, những ngày đầu thăm nước Pháp, ông Raymông Ôbrắc hỏi Bác về chỗ ăn ở, Người nói: “Chính phủ của ông đã cho tôi một căn hộ lộng lẫy trong một lâu đài gần quảng trường Ngôi sao. Tôi không thích thú cho lắm. Tôi cần một mảnh vườn, mà ở đây lại không có vườn” (2) (2).Phạm Hoàng Điệp (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Pháp. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010. tr 196). Ngày 15-7-1946, Nhật ký cuộc hành trình ghi lại Người đến thăm nhà văn Lêô Pônđét, có rừng bao bọc xung quanh: “Thanh vắng, mát mẻ. Cây tốt hoa thơm. Ăn cơm rồi, Cụ Chủ tịch kéo ghế nằm dưới gốc cây. Thật đúng câu: Thảnh thơi vui thú yên hà,/ Tùng là bạn cũ, hạc là người quen” (3) (3).Phạm Hoàng Điệp (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Pháp. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010.tr 106).

   Những điều ấy chứng minh con người Hồ Chí Minh luôn mong muốn sống giữa thiên nhiên. Mà thiên nhiên chính là cái đẹp vĩ đại nhất. Điều này hoàn toàn thống nhất với quan niệm thẩm mỹ của Người: cái đẹp nằm trong cuộc sống. Đồng chí Nông Văn Lạc nhớ lại (Thanh Hồng ghi - Niềm vui nhất đời tôi): “Rừng núi ở đây có nhiều cảnh đẹp lắm. Xung quanh tôi là cây cối, là rừng núi, và trước mắt tôi là con suối trong xanh vẳng lên tiếng róc rách của nước chảy. Rồi thì nghe tiếng chim kêu, vượn hú...Bên phải tôi là cái lều của ông Ké đang hứng lấy những tia nắng thu, càng trông càng vui mắt” (4) (4). Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990. tr 233).  Nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định kể lại: “Cơ quan đóng ở giữa rừng, nhưng Phủ Chủ tịch vẫn rất đàng hoàng. Một ngôi nhà bốn mái lợp bằng cỏ tranh giản dị, đẹp. Ở giữa làm phòng họp. Bên phải là nhà làm việc của Hội đồng Chính phủ. Bên trái là nhà tiếp khách. Phòng làm việc của các nhân viên cao cấp xa xa xung quanh.

     Có thể nói địa thế nơi đóng của Phủ Chủ tịch rất đẹp. Có núi, có đồi, có suối nước bốn mùa trong vắt. Mùa đông kín gió, mùa hè gió nồm nam thổi lộng. Lại có một khoảng đất rộng đủ tăng gia, chơi bóng. Ai vào cũng có cảm giác Phủ Chủ tịch ở một đồng bằng thơ mộng” (5) (5). Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 162). Theo đồng chí Dương Đại Lâm (Lữ Huy Nguyên ghi - Bác Hồ đến bản tôi) thì chính tự tay Bác sáng tạo ra cái đẹp, cảnh đẹp: “Những ngày ở đầu ở Khuổi Nặm, Người đã bắt tay vào sửa sang chỗ ở. Gần lán, chỗ khe nước chảy có những đống cát nhỏ, Người đào đất thành cái hồ nhỏ, lấy nhũ đá ở các hang đá về xếp thành núi non bộ cũng có hang, khe, đỉnh, có yên ngựa, có vách đá cheo leo. Một cái cầu bắc bằng cây lau từ bờ hồ ra chỗ chân núi, chung quanh hồ trồng cây, cỏ trông như bức tranh “sơn thuỷ hữu tình”. Đồng chí Bảo An lấy đá gan gà đẽo thành một con cò lửa con rất khéo, con cò vươn cổ nhìn xuống hồ như đang rình bắt tép. Già Thu lại gọt chiếc thuyền gỗ nhỏ thả xuống nước, trôi bập bềnh rất đẹp” (6) (6). Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990. tr 120).

    Qua lời kể của đồng chí Nguyễn Khánh Toàn chúng ta lại hình dung Hồ Chí Minh là một ông tiên của núi rừng huyền thoại: “Bác không cần nhà cao cửa rộng. Một túp lều, có khi dựng cao lên như một cái chòi, rộng chừng 10 mét vuông, đủ để đặt cái giường tre, cái bàn cũng bằng tre vừa là bàn làm việc, vừa là bàn ăn và vài chiếc ghế tre...Đồng chí Vũ Kỳ dắt tôi chui qua một lùm cây um tùm. Ra khỏi lùm cây thì...trước mặt tôi hiện ra, như từ dưới đất mọc lên hay từ trên trời rẽ mây xuống một ông già mảnh khảnh, râu dài, tóc hoa râm, trên khuôn mặt gầy, giữa đôi mắt long lanh, nở ra một nụ cười phúc hậu, đứng trên thềm nhà đợi tôi” (7) (7). Bác Hồ của chúng ta. Nxb Khoa học xã hội, 1990.tr 98).

     Dưới cái nhìn của Rôman Các-men, đạo diễn điện ảnh Nga thì ngôi nhà nhỏ bé trong kháng chiến của vị Chủ tịch không khác gì trăm nghìn ngôi nhà khác của nông dân Việt Nam. Theo ông, “nên gọi ngôi nhà ấy là một “ngôi nhà đất”: nền bằng đất, mái bằng lá cọ, không có một mảnh tường nào. Xung quanh là rừng, tiếng chim ríu rít, tiếng lá chuối soàn soạt và tiếng tre kẽo kẹt nghe thầm lặng. Hồ Chủ tịch cười đưa tay chỉ ngôi nhà đơn sơ và bảo chúng tôi: “Đấy, dinh Chủ tịch của tôi như thế này đấy” (8) (8). Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 3, tr 82).

 Trước đó, năm 1945 trả lời một nhà báo, Người nói: “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, Tập 4, tr 161). 

      Theo đồng chí Phạm Văn Đồng, khi làm Chủ tịch Nước bữa ăn của Bác rất đạm bạc, khó tưởng tượng với nhiều người. Trong kháng chiến thì bữa ăn ngày thường của Người lại cực kỳ đơn giản, không khác gì bữa ăn của những người dân nghèo nhất. Đồng chí Lê Quảng Ba kể (Cao Bá Sánh ghi): “Lương thực do đồng bào giúp đỡ thường là gạo, ngô (bắp bẹ) xay nhỏ và muối. Có hôm thấy gạo hết, Bác bảo chúng tôi nấu cháo ngô (cháo bẹ) ăn thay bữa. Còn rau xanh chủ yếu là măng tự kiếm trong rừng. Có hôm câu được con cá hoặc hái được ít rau rớn (loại giống cây dương sỉ mọc ven bờ suối) thì bữa ăn được cải thiện và ngon miệng hơn. Một hôm Bác và chúng tôi đang ăn cháo ngô, có người nói đùa đây là bánh đúc, thì Bác ung dung đọc mấy câu thơ: Sáng ra bờ suối tối vào hang…” (9) (9). Ban Tuyên giáo Trung ương – Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr 162).. Đấy chính là một biểu hiện của con người lão thực, trong sáng, tinh khiết vô ngần.

     2. Hầu hết các vị khách nước ngoài là văn nghệ sỹ được gặp và nói chuyện với Bác Hồ, khi miêu tả lại nơi sinh hoạt của Người đều nhắc đến chi tiết bàn làm việc luôn có hoa tươi. Điều đặc biệt đến mức trở thành thông lệ là Bác luôn tặng hoa cho mỗi vị khách, vẫn theo lời của Mađơlen Ripphô: “…cứ sau mỗi cuộc gặp gỡ trong chốc lát…Người lại tặng khách một bông hoa hồng trước khi Người trở về với công việc hàng ngày. Cho nên chỉ cần nhìn thấy một đại biểu nào đó của nước bạn, trong khi trở về khách sạn ở gần Hồ Gươm- dành riêng cho khách nước ngoài – mà tay cầm một trong những đóa hoa hồng đó, là tôi có thể đoán biết rằng Hồ Chủ tịch đang có mặt ở Hà Nội” (13) (13). Phạm Hoàng Điệp (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Pháp. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010. tr 213)..

     Bác thích hoa và Bác tự tay trồng, chăm bón cho hoa. Với tình yêu hoa thật sự  cùng với trí nhớ siêu việt của mình nên chúng ta chẳng ngạc nhiên khi ai đó lại hái hoa từ chính vườn của Bác để tặng Bác. Nhà văn Sơn Tùng kể, hoa có ở xung quanh nhà Bác, có ở cả các đường xà ngoài vườn, “Những nhành hoa của loài hoa leo đã đan khắp các đường xà thành giàn hoa hình bán nguyệt” (15) (15). Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 4. Nxb Hội Nhà văn, 2012, tr 84).. Nhưng sở thích cá nhân của Người cũng luôn điều chỉnh để phù hợp với cái chung, lợi ích chung. Tác giả Trần Lê Xuân kể, về thăm quê, Bác dặn: dọc đường nên trồng phượng, vì phượng có bóng mát, hoa đẹp, không nên trồng nhãn, vì trồng nhãn, các cháu trèo hái có thể ngã què”. Và Bác tặng một gói hạt giống phượng để xã gieo trồng. Nhưng trong vườn nhà ở Kim Liên, Bác dặn chỉ nên trồng hoa khoai hoa đậu (16) (16). Nhiều tác giả - Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh. Nxb Nghệ Tĩnh, 1990, tr 372, 375).

. Như vậy quan niệm về cái đẹp của Bác luôn hài hoà với vẻ đẹp chung. Ví như ở vườn nhà Bác cũng nên chỉ trồng “hoa khoai hoa đậu” vì vừa hợp với cảnh quê, bình dị, dân giã và lại khuyến khích tăng gia sản xuất.

       Bác thường tặng hoa cho các văn nghệ sỹ, coi đó là một món quà nhiều ý nghĩa. Nghệ sỹ ngâm thơ Trần Thị Tuyết bồi hồi nhớ lại: “Bác đứng lên cầm những bông hồng bạch để ở đĩa trang trí trên bàn, tặng chúng tôi mỗi người một bông. Chúng tôi sung sướng quá! Đồng chí thư ký của Bác còn cho chúng tôi biết đấy là hoa trong vườn Bác, do tay Bác trồng và ngày ngày Bác tưới” (17) (17). Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) – Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995.tr 328).

      Hình như Bác muốn các nghệ sỹ, nhất là các nữ nghệ sỹ đều đẹp qua cách Bác tự tay mình “trang điểm” cho họ. Nghệ sỹ ưu tú Tú Lệ kể: “Hôm đó là một chiều mùa xuân nắng ấm, hoa quanh nhà Bác đang nở rộ đủ sắc màu, mùi hoa tỏa ra thơm thoang thoảng, làm cho chúng tôi có cảm giác như lạc vào cõi thần tiên. Bỗng chợt thấy Bác xuất hiện...Chúng tôi chạy lại ôm lấy Bác. Bác bảo anh Vũ Kỳ chọn hai bông hoa trắng đưa cho Bác cắm lên mái tóc chúng tôi...” (18) (18). Nhiều tác giả - Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990. tr 113).

      3. Bác rất thích nghe ngâm thơ. Nghệ sỹ Kim Liên nhớ lại lần ấy được ăn cơm với Bác Hồ. Bác hỏi:  “- Chú Xuân Thủy tặng cho cháu bài thơ thế nào, cháu đọc đi cho Bác nghe”. Tôi buông đũa xuống mâm và đọc bài thơ Đóa sen hồng: Kim Liên quê ở Nam Hà…Bác ngắt ngay ở đó và bảo: “Kim Liên vốn ở Nam Đàn chứ”. Nói xong Bác bảo tôi đọc tiếp. Tôi đọc một mạch trong ngâm xúc động…Bác chăm chú nghe tôi đọc thơ. Còn tôi thì chăm chú nhìn Bác, suýt nữa quên cả lời thơ. Tôi đọc xong Bác gật đầu khen hay. Tôi vô cùng sung sướng và nói:

    - Cháu thấy Bác đẹp như một ông tiên vậy” (19) (19). Nhiều tác giả- Bác Hồ với nghệ thuật sân khấu. Viện Sân khấu, 1990.tr 84).

    Tác giả Hồng Khanh kể sáng ngày 27-8-1969 tuy mệt hơn nhưng Bác vẫn chủ động gợi chuyện xua tan không khí buồn lo cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và đội ngũ y bác sỹ. Bác hỏi y tá Nguyễn Thị Oanh về quê quán, rồi hỏi chị có biết hát không. Chị hơi lúng túng, đỏ mặt, nhưng kịp trấn tĩnh rồi mạnh dạn hát cho Bác nghe bài Chiến sỹ quân y làm theo lời Bác. Thấy ánh mắt Bác nhìn mình âu yếm, cổ vũ, Nguyễn Thị Oanh hát tiếp bài dân ca quan họ Bắc Ninh Người ơi người ở đừng về. Nghe xong, Bác lấy làm hài lòng, mỉm cười. Rồi Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ tặng hoa cho chị...” (20) (20). Chuyện thường ngày của Bác Hồ. Nxb Thanh Niên, 2005.Tr 193).

      Đó là một con người nghệ sỹ đích thực, từ khi còn trẻ cho đến lúc sắp từ giã cõi đời. Ở Hồ Chí Minh luôn song hành hai đời sống, bổ sung, làm đẹp cho nhau: đời sống của một nhà cách mạng và đời sống của một nghệ sỹ.

     Ngày 27-10-1946 tiếp bà Nguyễn Thị Thanh, Người nghẹn ngào: “Chị ơi, quê hương nghĩa nặng ơn sâu, mấy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình…”. Ngày 3-11-1946 tiếp ông Nguyễn Sinh Khiêm: “Hai anh em ôm lấy nhau mừng tủi, xúc động, hỏi nhau về sức khỏe…Người vừa cười vừa đọc:

Chốc đã mấy chục năm trời
Còn non, còn nước, còn người hôm nay.


     Ông Khiêm ứng đọc:
Thỏa lòng mong ước bấy nay
Non nước rợp bóng cờ bay đón Người
…” (21) (21). Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử- Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, Tập 3, tr 361).. 
     Ông Cả Khiêm mở chiếc va-ly đan bằng sợi mây cũ kỹ, lấy mấy quả cam Xã Đoài biếu Bác Hồ. Bác Hồ đỡ lấy cam, cảm động rơm rớm nước mắt. Nỗi nhớ họ hàng, quê hương trào lên, Bác nói luôn câu ca về Xứ Nghệ :
                                     Quê ta ngọt mía Nam Đàn
                               Bùi khoại chợ Rộ, thơm cam Xã Đoài
                                     Ai về ai nhớ chăng ai
                           Ta như dầu đượm thắp hoài năm canh (22) (22). Hồng Khanh - Chuyện thường ngày của Bác Hồ. Nxb Thanh Niên, 2005. tr 31).

    Bác hay dùng thơ làm phương tiện để giao tiếp bạn bè. Tháng 5- 1969 Bác Hồ và Bộ Chính trị mời đồng chí Xuân Thuỷ từ Pari về báo cáo cuộc họp bốn bên. Lúc Xuân Thuỷ bước vào “Bác giơ tay tươi cười nói: “Chú có khỏe không? Ở Pari có làm được nhiều thơ không?” (24) (24). Nhiều tác giả- Bác Hồ trong trái tim các nhà ngoại giao – Nxb Chính trị Quốc gia, 1999. tr 36).

    Việc quan tâm đầu tiên ở đồng chí Xuân Thuỷ không phải là tình hình chính trị căng thẳng mà là sức khoẻ, là thơ. Cũng là sự động viên chí tình. Chi tiết nhỏ này cũng cho thấy tình yêu con người, tình yêu nghệ thuật của Bác bao la, sâu sắc thế nào!

      Đồng chí Hoàng Quốc Việt kể chuyện biếu quà Bác: “Khi bí to, tôi hái vài quả, nhờ đồng chí thư ký mang sang biếu Bác. Bác nhận bí rồi gửi lại đồng chí thư ký chuyển cho tôi bức thư. Trong thư, Bác đề vẻn vẹn có hai câu thơ:

                                        Ăn quả nhớ người trồng cây
                                  Cảm ơn chú Việt, Bí này còn non


Câu thơ của Bác nhắn nhở tôi đừng vội hái quả non, mỗi cái phải đạt tới ”độ chín” mới có giá trị” (27) (27). Hoàng Quốc Việt – Con đường theo Bác. Nxb Thanh Niên, 1990. tr 258).

Thật là tinh tế và sâu sắc chỉ có ở những trí tuệ lớn, những tâm hồn lớn!

      Nhà thơ Tú Mỡ kể, năm 1952, Bác dự một Đại hội văn nghệ. Cứ vào chiều mát, Bác đến từng tổ chiến sĩ ân cần thăm hỏi, rồi mọi người theo Bác ra một quãng đồi san phẳng để vui chơi tập thể. Bác bảo các chiến sĩ: "Các cô, các chú, chiến đấu đã chiến đấu hăng, vui nhộn phải vui nhộn mạnh. Nào, ta nhảy đi!". Đám thanh niên rất sẵn sàng, nhưng đám thiếu nữ còn sượng sùng ra ý rụt rè... Bác bảo: "Các cô còn phong kiến thế à?". Được lời Bác khuyến khích, cả nam lẫn nữ bấy giờ mới tay cầm tay, nhảy tưng bừng giữa dàn nhạc mồm "son la son... son đô sí la son mì..." vang dội cả khu đồi” (28) (28). Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 95)

     Nhất là thời còn ở chiến khu, trên đường đi công tác Bác hay kể chuyện vui, Người thường bảo với các đồng chí đi cùng: “- Các chú cần phải hiểu và thuộc Kiều, Chinh phụ ngâm mới được. Đó là những áng thơ hay của nước mình” (29) 29). Ngọc Châu – Bài học Bác dạy. Nxb Công an nhân dân, 2005. tr 77).. Như lời Bác nói với đạo diễn Phạm Văn Khoa: “Đi đường ngâm nga như thế vừa vui vừa quên cái mệt”.”.…(30) (30). Phạm Văn Khoa kể. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 250).

      Câu chuyện Đêm rằm trên sông Phó Đáy của đồng chí Triệu Hồng Thắng cho thấy, đối với Bác Hồ, thơ giúp con người gần gũi, chan hoà, nhất là tăng cường tình đoàn kết, thân ái: “Bác lại đề nghị mỗi người ở đây góp vào làm một bài thơ. Bác đề xướng và đặt câu trước, rồi mỗi người góp vào một câu. Mọi người chúng tôi đều vui vẻ đồng ý. Tôi và một số đồng chí khác chưa biết làm thơ như thế nào, nhưng thấy vui quá cũng đồng ý. Nói là mỗi người góp vào, nhưng thực tế lại là ý kiến của Bác nhiều” (32) (32). Nhiều tác giả - Bác Hồ ở Việt Bắc – Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 592).

      Chúng tôi cho rằng hoàn toàn không ngẫu nhiên Bác hay dạy cán bộ của mình Kiều, Chinh phụ ngâm, vì đó là những “áng văn thơ rất hay của nước mình”, với nội dung yêu thương con người, chống lại cái ác, hướng đến cái nhân văn và có một nghệ thuật đậm đà tính dân tộc.

      Bác Hồ là một người lao động thực sự. Theo Bác kể thì Bác đã làm 12 nghề khác nhau. Bác làm từ việc lớn như lãnh đạo cách mạng đến việc bình thường nhất như xay bột, giã gạo, vác gỗ… Nhưng điều đặc biệt là Bác luôn đưa nghệ thuật vào lao động, nói đúng hơn là Bác lao động rất có nghệ thuật.  Năm 1960 Bác về xã Hiệp Lực (Hà Đông) chống úng. “Vừa đạp guồng nước...Bác hỏi các cô thanh niên có biết hát đối không, rồi Bác lẩy Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta. Chống úng thắng lợi mới là người ngoan”…   Tháng 6-1960 Bác ra cánh đồng thôn Thái Bình, xã Vạn Thắng (Ứng Hòa) thăm nông dân chống hạn. Trước khi chia tay bà con, Bác đọc câu: Hỡi ai bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” (34) (34). Phan Tuyết-Bích Diệp (sưu tầm, tuyển chọn)- Những chuyện kể về đức tính chuyên cần của Bác Hồ. Nxb Lao Động, 2008, tr 62).

. Ngày 14-5-1965 Bác về thăm hợp tác xã Xuân Phương khi đồng bào đang gặt lúa chiêm. Đang hỏi chuyện bà Xuân chợt thấy con cua, Bác cười bảo: “Kìa có con cua, cô bắt lấy kẻo nó chạy mất!”. Thấy bà Xuân lúng túng, Bác ứng khẩu ngay câu thơ: Bắt về con ốc con cua. Bát canh ngon miệng đỡ mua tốn tiền” (35) (35). PGS.TS Đinh Xuân Dũng chủ biên - Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức. Nxb Giáo dục, 2008, tr 329).

      Sinh thời Bác Hồ không tự nhận mình là nhà thơ. Trò chuyện với nhà văn Nga Ruf. Bersatxki, Người nói: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận. Gọi tôi là người tuyên truyền - tôi cũng không tranh cãi; nhà cách mạng chuyên nghiệp - là đúng nhất” (39) (39). Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 3, tr 50).

     Bác có lần nói với những người sống gần gũi với mình: “Bác làm thơ là cốt để tuyên truyền, có bài được, bài không, sao bài nào các chú cũng khen hay tất cả?” (40) (40). Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 2, tr 135).

     Chúng tôi thấy trong đời sống cũng như trong sáng tác của Người hoàn toàn thống nhất với quan niệm này. Nhưng điều đó hoàn toàn không mâu thuẫn với thực tế: Người là nhà thơ lớn, nhà văn kiệt xuất. Bởi một nhân cách vĩ đại ấy thì thơ văn đến như một lẽ tự nhiên. Và có lẽ giải thích của Tư Không Đồ, người mở đầu của “thi học thiền gia”, hiệu Biểu Thánh (837-908), là đúng với trường hợp này: “Tri phi thi thi, vị vi kỳ kỳ” (Biết không cố làm thơ mới ra thơ, Chưa làm ra vẻ kỳ diệu mới kỳ diệu).

    Đặc biệt nhất là Bác dùng thơ làm phương tiện giáo dục đạo đức, ý chí cách mạng, mà như chúng ta đều biết hạt nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng đoàn kết. Một loạt tác phẩm được Người viết trước 1945 nhằm mục đích kêu gọi đoàn kết: Con cáo và tổ ong, Hòn đá, Chơi giăng... Nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh như tâm sự với Bác về một lần cả hai vợ chồng được gặp Bác: “Bác lại vui vẻ bảo: -Cô chú hát Bác nghe một bài. -Hai chúng cháu hát không hay, nhưng chúng cháu đã vâng lời Bác, đứng nghiêm trước Bác và hát song ca bài Kết đoàn. Chúng cháu hát xong, Bác cười rộng lượng:

    - Cô chú hát không hay, nhưng vì hát Kết đoàn, Bác cũng thưởng cho mấy cái kẹo.
Chị em bạn bè cùng chúng cháu cười ran. Không khí thật là ấm cúng
...Năm ấy, chị em làm mứt khoai, dưa món. Nhận được quà Tết của chị em, Bác rất vui. Bác trả lời bằng hai câu thơ:

               Cám ơn các cháu, các cô
Mứt khoai, dưa món, Bác Hồ khen ngon
(44) (44). Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 2, tr 145,146).

       4. Trong những dịp đi thăm nước ngoài, Bác Hồ như hoá thân làm một nghệ sỹ đích thực. Câu chuyện “kết nghĩa vườn đào” sau thật đẹp về tình hữu nghị anh em, bè bạn: “Trong vườn cây ăn quả và dưa, những cây đào chi chít quả, một số đã có màu hồng sắp chín. Chủ tịch Hồ Chí Minh lại cùng mọi người ngồi xuống vườn đào râm mát. Đúng là lúc “tức cảnh sinh tình”, Người kể lại cho mọi người nghe câu chuyện “Yến vườn đào kết nghĩa anh em” trong Tam Quốc diễn nghĩa. Một số đồng chí cùng đi cũng vui miệng kể lại câu chuyện “Hội phàn đào” (quả đào tiên) trong truyền thuyết về thắng cảnh Thiên Trì và Vương Mẫu nương nương. Cả vườn đào vui vẻ vang lên tiếng cười” (48) (48). Đặng Quang Huy (biên soạn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc Nxb Chính trị Quốc gia, 2012. tr 50). Câu chuyện Bác Hồ kể về ba anh em Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi kết nghĩa đậm đà ý vị, như nói về tình hữu nghị Việt Trung hôm nay gắn kết như anh em Lưu Bị thời xưa vậy!

    Nhà văn M. Giu-láp-ski (Pháp gốc Ba Lan) kể thời gian Người thăm Pháp 1946, thì một hôm các cháu thiếu niên Việt Nam ở Pari tới thăm. Có cô giáo trẻ người Việt Nam dẫn các cháu tới đó. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được may mắn nghe các bài hát Việt Nam. Các cháu thiếu niên hát cho Bác Hồ, người đại diện cho cả Tổ quốc xa xôi nghe. Bác ngồi nghe rất cảm động. Có lẽ những tiếng hát này đang làm Người sống lại với thời thơ ấu của mình ở Kim Liên.

Hát xong, cô giáo định cho các cháu ra về vì sợ quấy phiền Bác. Song Bác vui vẻ giữ cả lại. Người đặt tay lên đầu một cháu gái nhỏ nhất rồi hỏi:
-Thế các cháu có biết hát bài quốc ca của Pháp không?
Tất cả đều đồng thanh trả lời: “có ạ!”.
-Thế thì các cháu hát xem nào.

     Những giọng hát thanh, nhỏ nhẹ của các cháu cùng một lúc ngân vang lên bài ca cách mạng mà từ lâu đã trở thành quốc ca của Pháp. Bác khẽ gật đầu và nheo đôi mắt lại. Một sự cảm động thật sự choán hết tâm hồn những người Pháp có mặt ở đây. Rất rõ ràng đây không phải là một cử chỉ trống không của Bác. Chúng tôi ai cũng thấy đó là biểu hiện của một thiện chí hòa bình, một biểu hiện hùng hồn tình yêu của Bác dành cho những truyền thống đấu tranh vì tự do của Pháp, dành cho nước Pháp với cái nghĩa thực sự của nó” (49) (49). Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ, văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, tập 3. Nxb Hội Nhà văn, 2010, tr 166).

    Đồng chí Ruđônphơ Phuytxne, nguyên Đại sứ Cộng hoà Dân chủ Đức tại Việt Nam kể: “Đầu năm 1959, trong dịp Đoàn đại biểu nước chúng tôi…sang thăm Việt Nam…Theo yêu cầu của Bác, chị em đã tập cho Bác hát một bài dân ca Đức. Đến hôm chiêu đãi Đoàn, giữa bầu không khí hết sức cởi mở, đầm ấm, chúng tôi đề nghị Bác hát một bài. Bác vui vẻ nhận lời, nhưng cho biết là sẽ hát cùng các chị em người Đức. Bài dân ca ấy đượm chất trữ tình rất cao, nhạc điệu uyển chuyển, dạt dào mang nội dung ca ngợi đồng quê xanh tươi, trù phú, đã gây cho chúng tôi một niềm xúc động, xao xuyến thực sự” (50) (50). Trần Đương – Bác Hồ như chúng tôi đã biết. Nxb Thanh Niên, 2009. tr 48). Bác sĩ Quynhthơ Ôđơ, người Đức kể: “Cũng trong cuộc vui ấy Bác đề nghị từng đồng chí chuyên gia hát một bài dân ca của nước mình” (51) (51). Trần Đương – Bác Hồ như chúng tôi đã biết. Nxb Thanh Niên, 2009 tr 126).

       Hồ Chí Minh là một nhà ngoại giao của hoà bình. Văn hoá ngoại giao của Người dựa trên truyền thống hoà hiếu có từ lịch sử giữ nước của cha ông kết hợp với tinh thần của thời đại mới: vì một nền hoà bình hữu nghị của tất cả các nước. Người cùng cả dân tộc của Người miễn cưỡng phải cầm vũ khí một khi kẻ thù không từ bỏ dã tâm xâm lược. Ngày 11-11-1965 tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Italia, Người nói: “Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ cút. Nhưng nếu Mỹ không rút thì phải đánh đuổi Mỹ đi…Nhưng với Giônxơn và Macnamara thì hoặc là trải thảm đỏ hoặc là đá đít ra khỏi cửa” (53) (53). HCMBNTS, Sđd, Tập 9, tr 311). Ngày 5-7-1966 tiếp phái viên của Tổng thống Pháp G. Xanhtơny, Người nói: “Chỉ có một cách đi tới một giải pháp đó là Mỹ cút đi. Chúng tôi không muốn làm cái gì xấu đối với họ, chúng tôi sẵn sàng đem nhạc và hoa tiễn họ và mọi thứ khác mà họ thích; nhưng ông biết đấy, tôi thích tiếng lóng của nước ông: “Qu’ils foutent camp!” (Thì họ hãy cút đi!)” (54) (54). HCMBNTS, Sđd, Tập 9, tr 424).. Thì những ẩn dụ này có coi là ẩn dụ của thơ.

     Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã đi sâu vào tâm hồn tính cách tâm lý người Việt Nam, chính vì thế mà hầu như từ những người có học đến những người không biết chữ đều thuộc Kiều, không ít thì nhiều. Bác Hồ rất thuộc và hiểu Kiểu, Người tập Kiều, lẩy Kiều rất đúng hoàn cảnh, trí tuệ mà hóm hỉnh. Theo tác giả  Trần  Lam, năm 1928 Bác từ  châu Âu về  tới nước Xiêm. Một tối Bác nghe thấy tiếng một người mẹ ru con bằng  Kiều, “Sáng  hôm sau, lúc  đi đường , với  một  giọng  âu yếm  Bác bảo  tôi:

                          Xa nhà chốc mấy mươi niên
                          Tối qua nghe giọng mẹ hiền ru con!


     Mỗi khi đi đường xa, Bác thường bảo chúng tôi ngâm Kiều, đọc Chinh phụ ngâm, hoặc kể chuyện, để cho đỡ mỏi. Kinh nghiệm ấy ngày càng được nhiều người áp dụng” (55) (55). Chuyện giả mà có thật, báo Nhân dân, số 2242, ngày 9-5-1960 in trong cuốn Bác Hồ- Nxb Văn học, 1960, tr 110).

      Tập Kiều cũng là một cách tập cổ vốn là một thú chơi tao nhã của người thời xưa, là cách tập hợp các câu thơ có sẵn của người đời trước ghép lại thành bài thơ theo ý mới. Lẩy Kiều là cách lấy ra một câu hoặc cặp câu trong Truyện Kiều, có thay đổi chút ít để biểu hiện một nội dung mới phù hợp với ngữ cảnh mới. Như vậy tập Kiều mang tính chất mô phỏng, còn lẩy Kiều thì thường là lẩy ra những câu có trong Kiều.

      Ngày 21- 6-1959, trên báo Nhân dân số 1923 Bác Hồ có bài viết Điện Biên Phủ tổng kết thắng lợi trận đánh Điện Biên Phủ cũng là một cách cổ vũ, khích lệ nhân dân ta xây dựng miền Bắc đấu tranh thống nhất ở miền Nam, đồng thời cảnh cáo kẻ thù sẽ có những Điện Biên mới nếu chúng có hành động mở rộng xâm lược. Cuối bài Bác có bốn câu tập Kiều:

                  “Cũng trong một cuộc Điện Biên,
            Ta mừng thắng lợi, Pháp phiền xấu xa.
                Trăm năm trong cõi người ta,
           Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua
” (61) 61). Hồ Chí Minh toàn tập. 1994-2002. Tập 9, tr 463).

       Bác Hồ tập Kiều, lẩy Kiều rất đa dạng về sắc thái hoàn cảnh. Tiếp đây xin chứng minh Bác dùng vào lĩnh vực trữ tình biểu lộ tâm trạng, trong ngoại giao, trong giao đãi bạn bè vui vẻ.

     Đầu năm 1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật đi thăm Trung quốc và Liên Xô, ngày 11-3-1950 trên đường từ Bắc Kinh về nước Bác có bài thơ Ly Bắc Kinh (Rời Bắc Kinh):

                    Ký Bắc thiên tâm huyền hạo nguyệt,
                   Tâm tuỳ hạo nguyệt cộng du du.
                   Hạo nguyệt thuỳ phân vi lưỡng bán?
                   Bán tuỳ cựu hữu, bán chinh phu.
                   (Trời Ký Bắc treo vầng trăng rọi,
                   Lòng theo trăng vời vợi sáng ngời.
                   Vầng trăng ai xẻ làm đôi?

                    Nửa theo bạn cũ, nửa soi lữ hành – Phan Văn Các dịch) - (69) (69). Hồ Chí Minh toàn tập. 1994-2002. Tập 6, tr 19).
    Cũng là tập Kiều, khi Thúc Sinh đang nồng nàn với Kiều thì phải chia tay: “Người lên ngựa, kẻ chia bào… Người về chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi”. Không gian vật lý đã trở thành không gian tâm lý: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” (câu 1525,1526) Bác Hồ đã tái hiện lại không gian chia ly nhớ nhung luyến tiếc nhưng dĩ nhiên với một tâm lí, hoàn cảnh khác:

                     “Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
                   Nửa theo bạn cũ, nửa soi lữ hành


     Điểm đặc biệt là Bác tập Kiều bằng chữ Hán!

      Cuộc sống không thể thiếu chất thơ, bởi chất thơ luôn hướng con người đến với miền nhân văn cao cả, thánh thiện. Mà trường hợp Hồ Chí Minh là một biểu hiện sinh động.
 
NTT
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)