Phác thảo giai điệu xuân Việt Bắc

Thứ Sáu, 17/03/2017 10:55
. NÔNG QUỐC BÌNH

Men rượu nồng làm tiếng hát thêm thiết tha, làm tiếng khèn thêm dìu dặt, bước nhảy thêm dập dồn và đôi khi chệch choạng của những người con trai con gái H’mông. Những quả còn phơi phới dải đuôi ngũ sắc được trai gái tung đi hứng lại nhịp nhàng cùng với những câu hát lượn đầy ý vị... Chẳng biết từ bao giờ, cái thời khắc mà sự xốn xang của đất trời làm xốn xang lòng người lại được gọi bằng một cái tên rất gợi: xuân.

Ở những bản làng người Tày, người Nùng, người Dao, người Lô Lô, người H’mông..., khi bắt đầu nhộn nhịp những ngày hội, khi bắt đầu rộn ràng những giai điệu của lượn, của gầu-plềnh, khi bắt đầu dặt dìu những tiếng khèn... thì đó chính là lúc những nụ chồi bừng thức, báo rằng xuân đã đến.

Những giai điệu xuân Việt Bắc, từ khởi thủy của nó, là tiếng hát ước mong, hi vọng của con người cất lên chào đón một mùa sinh sôi, nảy nở đầy hứa hẹn. Và trong khung cảnh tươi đẹp ấy là rộn rã tiếng hát của trai gái, hát cho cuộc vui chung và cho cả những tình riêng. Tình cảm dâng chảy thành tiếng hát, người Tày, Nùng gọi chung là lượn, người H’mông gọi là gầu-plềnh, người Dao gọi là páo dung...

Mùa xuân, từ đỉnh Khau (núi, đồi) Coóc-moỏng nhìn xuống thung lũng Dẻ Coóc, Nà Vài... vào ngày rằm tháng giêng, sẽ thấy hiện ra một khung cảnh nhộn nhịp, đó là hội lồng tồng của người Tày. Lắng tai nghe một chút, trong cái ồn ã của ngày hội, cơn gió đem đến âm vang những tiếng lượn của trai gái. Tiếng hát lúc khoan, lúc nhặt. Những giai điệu chào xuân thật êm đềm và da diết:
Mở bài khai khẩu ước chào xuân
Nghe tiếng nhà người đầy ái ân
Nghe tiếng nhà người đầy
                                     xuân sắc
Sĩ tử xin chào kết cố nhân.


Trong khung cảnh hội xuân, lượn là giai điệu cầu mùa, cầu xuân, nhưng cũng là giai điệu tình yêu đôi lứa, bởi mùa xuân đồng nghĩa với mùa tình.

Vượt quá lên Cao Bằng, Lạng Sơn, vùng Đông Khê và Thất Khê, trên những cánh đồng rộng vào những đêm trăng tháng giêng, núi đồi vang vọng những tiếng lượn hai. Đây là một loại hội đêm trăng. Xung quanh Mẹ Trăng và mười hai tiên nữ ăn mặc đẹp là thanh niên trai gái hát lượn. Lượn hai là một hệ thống bài hát gồm hàng trăm bài ca cầu nguyện mùa màng và bài ca giao duyên.

 
sacmautaybac

Trong khung cảnh huyền ảo của đêm trăng, những tốp hát lượn càng thêm nồng nã. Lượn hai có khi kéo dài hàng chục đêm. Nếu ở then có cái da diết, than thở, phù hợp với khung cảnh diễn tấu trong nhà và không khí trang nghiêm của hương khói, thì ở lượn lại có cái da diết mang đầy sức sống, mang sự phóng khoáng của núi đồi, sông suối, mang cả cái hồn của đất trời Việt Bắc. Một tiếng lượn ngân dài có sức vượt qua cả dãy núi cao để đến với bạn tình, rồi vang vọng giữa không trung như không bao giờ dứt.

Đến những lưng chừng núi, nơi các bản người Dao sinh sống, không khí ngày xuân cũng thật tấp nập. Tiếng páo dung theo chân những chàng trai từ bản này sang bản kia. Những phiên chợ xuân khai mở trên đỉnh núi, nơi sinh sống của người H’mông ở Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang), rồi Bảo Lạc (Cao Bằng), Bắc Hà (Lào Cai)... Từ sáng tinh sương, trên các nẻo đường đến chợ đã rộn ràng rung rinh tiếng nhạc ngựa. Trong cái rực rỡ của hoa đào, sắc màu của áo váy thiếu nữ H’mông như càng tươi hơn. Những tán ô lúc chụm lại, lúc tản ra theo nhịp tiếng khèn của những chàng trai H’mông trong cái chếnh choáng, ngậy thơm của men rượu và thắng cố. Rồi ở những bãi núi bằng phẳng nơi đầu bản, khi cây nêu được dựng lên là lúc tiếng hát từ trái tim trai gái cũng bật ra ở hội gầu tào:

Cây nêu mọc ở giữa
Mình đứng một bên, ta đứng
                               một bên
Mình hãy cất tiếng lên
Hát lấy một bài
Kẻo nữa bước chân ra về, qua đồi
                     nương cùng dốc núi
Cột đá cao chắn lấp đường xa.
Rồi trai gái lại hát ống, cuộc vui như không thể dứt:
Bài hát không hết, có bài sắp hết
Hết như đuôi chỉ đen
Bài hát không hết, có bài sắp hết
Hết như bầy trẻ trai.


Người H’mông nói hết là không hết. Tiếng hát cứ như bầy trẻ trai lớp này lớn lên, già đi lại đến lớp khác gối tiếp.
Rồi những tiếng đàn môi vừa kiên trì vừa réo rắt vì người con trai đã hẹn:
Giờ ấy hẹn gì ta?
Nàng hẹn ta về bên vườn
Ta về đến nơi
Nàng vẫn mơ màng say giấc
                          trên chiếu.
Vậy là:
Đàn môi bạn tình ai nảy réo rắt
                             vẳng ngoài
Giấc mơ say, người trong
                                    chợt tỉnh.


Những giai điệu xuân tưởng như không dứt ấy cũng phải tạm ngưng, khi đã nghe những tín hiệu vào mùa:
Đôi ta hát qua ba ngày
Kẻo nữa mình trở lại nhà
Nghe ông sấm đánh ù ù
Cản con đường ta cày cấy.


Giai điệu xuân Việt Bắc là chất men được gây tạo bởi tình người và cái hồn của đất trời rừng núi ngày xuân.
 
N.Q.B

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)